Đổi thay trên hành trình di dân tránh họa lở núi

Thứ Sáu, 07/09/2018, 12:31
Trong mùa mưa lũ năm ngoái, lở núi đã chôn vùi hàng chục nhà dân ở nóc Ông Tuân, xã Trà Vân, huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khiến 4 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, cùng tài sản, gia súc, gia cầm, hoa màu bị thiệt hại nặng nề.


Ngay trong mưa lũ, lực lượng Công an huyện Nam Trà My đã cùng chính quyền và các cơ quan chức năng của huyện tiến hành cuộc di dân "thần tốc", đưa các hộ dân đến dựng nhà ở nóc Khe Chữ, với bao gian khó bộn bề. Giờ đây, đã 9 tháng trôi qua, cuộc sống của người dân làng mới Khe Chữ đã chuyển mình…

Ngày mới ở nóc Khe Chữ

Một ngày đầu tháng 9-2018, chúng tôi lên lại nóc Khe Chữ. Con đường lầy lội bùn đất, đầy đá cục, đá hòn nối từ xã Trà Vân vào ngôi làng có hơn 98 hộ di dân đã được thay thế bằng con đường bê tông kiên cố. Ở cuối con đường, hàng chục nóc nhà mọc lên san sát nhau giữa thung lũng đại ngàn mà chưa đầy một năm trước chỉ là một thung lũng xanh với vài đám ruộng và cỏ dại. 

Điện đã về với đồng bào ở nóc Khe Chữ.

Từ trên đỉnh nóc Khe Chữ nhìn xuống, sự đổi thay kỳ diệu, những ngôi nhà kiên cố đóng ván, mái lợp tôn, nền gạch men san sát nhau. Những kho thóc cũng đang dần được phục dựng. Tất cả đang bắt đầu cho một cuộc sống mới của hành trình định cư lâu dài trên vùng đất đã đi qua thiên tai…

Men theo con đường mới được cải tạo bằng phẳng chạy quanh nóc Khe Chữ, chúng tôi gặp già làng Nguyễn Hồng Lư, một trong những nạn nhân may mắn sống sót trong trận sạt lở núi kinh hoàng đó. Già Lư cho biết, trận sạt lở núi đầu tháng 11-2017, ngôi nhà gỗ cũ kỹ của ông bị đất đá đè sập, chôn vùi. 

Bản thân ông cũng bị gỗ rơi vào đầu, vào người khiến bị thương. "Đó là trận sạt lở kinh hoàng nhất trong suốt hàng chục năm qua mà người dân chúng tôi phải chứng kiến và gánh chịu. Sau trận sạt lở xảy ra tôi và gia đình cùng người dân các nóc ông Tuân, Ông Dương, Ông Trung (xã Trà Vân) đều được chính quyền và Công an huyện di dân lên đây tránh họa núi đè", già Lư nói. 

Giã từ làng cũ, căn nhà cũ, cả gia đình già Lư gồm 6 người dắt díu nhau đến nóc Khe Chữ, với một căn lều chỉ đủ chỗ cho 3 tấm chiếu. Cứ tưởng mọi thứ sẽ mơ hồ, tương lai sẽ mù mịt. Thế nhưng, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của các đơn vị, đoàn thể, giờ đây, một ngôi nhà mới kiên cố với khoảng sân vườn rộng hơn 350m2 đã là nơi cho cả gia đình già Lư làm ăn sinh sống. "Ở nóc ông Tuân, nơi làng cũ sợ sạt lở lắm, đất thì chật nữa, đường cái xa xôi. 

Bây giờ làng cũ bị sạt lở, nhà cửa sụp đổ hết rồi, được chuyển đến làng mới bằng phẳng thế này chúng tôi không còn lo sạt lở nữa. Lại còn được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ rồi lại được ngành điện đầu tư kéo điện đến từng nhà, chúng tôi rất phấn khởi và bày tỏ lòng biết ơn", già Lư vui mừng chia sẻ. 

Cách ngôi nhà của già Lư không xa, anh Hồ Văn Tạo cũng đang hoàn thành những công trình phụ cho căn nhà mới của mình. Trong căn nhà được đóng ván ngay ngắn, nền lát gạch men sạch sẽ, trên khuôn mặt anh Tạo đã không cần nét thẩn thờ, lo âu của mùa mưa năm trước khi cùng vợ con "chạy bão" sau trận sạt lở kinh hoàng ở nóc Ông Tuân. Trận sạt lở núi cuối năm 2017 đó, ngôi nhà của gia đình anh Tạo bị vùi lấp hoàn toàn. 

Rất may, vợ con anh đã kịp thời thoát ra ngoài trước khi tai họa ập đến và theo lên vùng đất mới Khe Chữ để tránh họa núi đè. Sau khi di chuyển lên làng mới Khe Chữ, được chính quyền quan tâm cấp cho mảnh đất rộng 300m2, hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng và sự giúp đỡ của mọi người, anh Tạo đã dựng lên cho mình một căn nhà kiên cố, một căn nhà bếp ấm cúng. Trong căn nhà của anh Tạo dù không có nhiều vật dụng nhưng vẫn có một chỗ sạch đẹp cho hai đứa con gái anh ăn, học, ngủ nghỉ. Một không gian rộng rãi để tiếp khách, một công trình vệ sinh kiên cố để sử dụng. 

Và nhất là, anh đã không còn sợ họa núi đè mỗi khi mùa mưa bão đến. "Lúc tháo chạy lên đây, tôi chỉ nghĩ khi đến khu vực này là dựng tạm một túp lều che nắng che mưa, được ngày nào hay ngày đó, miễn tránh họa núi đè. Chứ tôi chưa từng nghĩ tới rằng mình có thể dựng lại được một ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, để ổn định đời sống như thế này. Lên đây mặt bằng rộng rãi, bằng phẳng nữa nên chúng tôi đã không còn lo sạt lở núi nữa. Trường mới cũng sắp xong rồi, con cái gần trường, lớp, đi học rất là thuận tiện. Mọi thứ đều rất tốt", anh Tạo nói.

Làng mới Khe Chữ đã dần ổn định.

Không chỉ riêng hộ gia đình già Lư hay anh Tạo mà 98 hộ dân thôn 2 và thôn 3 xã Trà Vân đều đã có những ngôi nhà mới kiên cố trên vùng đất này. Với địa hình bằng phẳng, người dân nơi đây đã không còn lo họa núi lở trong mùa mưa bão. Ngoài việc được hưởng lợi từ các công trình hạ tầng thiết yếu như đường, điện, việc học hành của con em anh cũng thuận lợi hơn nhiều. Ngôi trường xây mới ở nóc Khe Chữ cũng đang dần hoàn thiện để bước vào năm học mới là một bước tiến cho tương lai con trẻ nơi đây.

"Đến ngày 5-9 này, trường mới hoàn thành và khai giảng. Các em học sinh sẽ được học trong một ngôi trường kiên cố, đầy đủ tiện nghi chứ không còn phải học trong trường tạm tường bằng ván, mái che bạc nữa. Đây cũng là động lực để cho cô trò chúng tôi cố gắng cho một tương lai tươi sáng hơn", cô Hồ Thị Ngọ, giáo viên mầm non ở điểm trường Khe Chữ vui mừng nói.

An cư lạc nghiệp

Sau khi có chỗ ở ổn định, người dân làng Khe Chữ cùng chính quyền địa phương đã bắt tay vào tạo dựng kinh tế, ổn định cuộc sống. Già làng Hồ Văn Vàng là  người tiên phong hiến hơn 6.000m2 đất trồng keo, quế để cho người dân dựng nhà mới cũng đang tranh thủ làm lại cho gia đình kho thóc, ổn định đời sống. 

Già Vàng cho biết, trước đây keo, quế là cả nguồn sống của gia đình nhưng thiên tai quá khắc nghiệt đã khiến người dân nơi đây không có đất dựng nhà, nên già Vàng đã chặt bỏ cây "kinh tế" của gia đình để hiến đất. Giờ gia đình còn lại một mẫu ruộng nhỏ trong làng và đất rừng còn lại nên già cũng tranh thủ trồng lúa, dựng kho thóc, chăm sóc rừng ổn định kinh tế gia đình. "Bây giờ nhà làm xong rồi, chỗ ở thì có rồi, điện cũng đã có nên mình phải nhanh chóng làm ruộng, rẫy lại để ổn định cuộc sống, cố gắng phát triển kinh tế lại như trước đây", già Vàng tâm sự. 

Cùng với già Vàng, ở làng mới Khe Chữ, nhiều hộ dân khác đã xây dựng lại chuồng trại để nuôi gà, nuôi heo, trồng đinh lăng, rau màu để phát triển cuộc sống. Nhiều quầy tạp hóa, buôn bán cũng đã được gầy dựng trên mảnh đất này. Tại mảnh đất hơn 300m2, bà Hồ Thị Liên cũng đã gây dựng cho mình một đàn gà, vài con heo đen để chăm lo cho cuộc sống. 

Bà Liên cho biết, từ khi làm xong nhà, ổn định cuộc sống, bà đã lên rẫy tiếp tục chăm bón cây, trồng lúa rẫy. Đến nay lúa rẫy sắp đến mùa thu hoặc, bà lại có đồng ra đồng vào, đổi các vật dụng cần thiết cho con cháu. "Cuộc sống cứ duy trì bình yên như thế này thì tốt quá. Chúng tôi sẽ không nơm nớp lo sợ nghe từng tiến đất nổ mà sẽ tập trung vào khôi phục kinh tế, phát triển cho con cháu một tương lai tươi sáng hơn", bà Liên bày tỏ…

Ông Hồ Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho biết, sau khi bão số 12 năm ngoái hoành hành, 144 hộ dân tại thôn 2 và thôn 3 xã Trà Vân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở núi. UBND huyện Nam Trà My đã xây dựng kế hoạch tập trung dân cư vào Khe Chữ với diện tích gần 36ha. Các lực lượng Công an, Quân đội, cán bộ địa phương cùng đo đạc, cấp đất, san ủi giúp bà con dựng nhà; mở đường nối thông từ Trà Vân đến đường Đông Trường Sơn vào nóc Khe Chữ, với tổng chiều dài 2.200m đường nội bộ. 

Bên cạnh, UBND huyện Nam Trà My cũng đã làm việc với ngành Điện để đầu tư lưới điện phục vụ nhân dân. "Đến nay cơ bản mọi việc ở Khe Chữ đều đã hoàn thành. Điện, đường, trường, trạm đều đã ổn định cho người dân sử dụng. Chỉ có đường nội bộ trong làng là đang được cải tạo. Nơi đây sẽ giúp bà con có cuộc sống đủ đầy hơn, lại gần nương rẫy thuận lợi cho phát triển kinh tế", ông Tình phấn khởi nói. 

Già làng Hồ Văn Vàng tranh thủ dựng lại kho thóc, ổn định sản xuất.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết thêm: UBND huyện Nam Trà My cũng đang tập trung cùng các đơn vị tài trợ xây dựng trường học ở Khe Chữ, tiến hành khảo sát và lập hồ sơ đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt - thủy lợi, các công trình cộng cộng khác phục vụ dân sinh để cho bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống. cùng với việc ổn định chỗ ở, chính quyền còn bố trí đất một vùng sản xuất khoảng 10ha, trong đó có 4ha khai hoang mới, gần 7.000 cây giống quế, đinh lăng, giổi... để người dân khôi phục vườn cây trồng để người dân yên tâm sản xuất. 

Qua thời gian triển khai thực hiện, chính sách trên đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân. "Đến nay, khu dân cư Khe Chữ đã đi vào nền nếp, ổn định và định hướng trong thời gian đến sẽ xây dựng khu dân cư này đạt tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu", ông Bửu khẳng định.

Từ những ngày đầu còn là một vùng sản xuất hoang vu với những rẫy lúa, rừng keo, cỏ dại thì giờ đây Khe Chữ nhanh chóng chuyển mình với hình hài của một ngôi làng mới sẵn sàng cho hàng chục hộ dân sinh sống ổn định, không lo họa sạt lở núi rình rập trong mỗi mùa mưa bão. Người dân nóc Khe Chữ giờ đây có thể yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn…

Theo ông Hồ Quang Bửu, trong 2 năm 2017 và 2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư gần 138 tỷ đồng để thực hiện cơ chế hỗ trợ, sắp xếp ổn định dân cư cho 9 huyện miền núi, chính sách hỗ trợ sắp xếp dân cư đã triển khai thực hiện đến 1.556 hộ dân. 

Trong đó, mỗi hộ dân được hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng (gồm hỗ trợ di chuyển nhà ở, san lấp nền nhà, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, đường giao thông, đất sản xuất) và tối thiểu 200m2 đất ở. 

Tại huyện vùng cao Nam Trà My, ngoài khu dân cư Khe Chữ, huyện còn triển khai thực hiện sắp xếp cho 702 hộ tại 14 khu dân cư khác. Trong đó, hộ di dời theo Nghị quyết 12 là 354 hộ, hộ ở lại cần chỉnh trang hỗ trợ theo ngân sách huyện là 348 hộ với tổng kinh phí thực hiện là 25.378 triệu đồng, tại 10 xã. 

Năm 2018, huyện Nam Trà My có kế hoạch thực hiện sắp xếp khoảng 2.200 hộ tại 51 điểm dân cư trên địa bàn 10 xã, với tổng dự kiến nhu cầu kinh phí khoảng trên 170 tỷ đồng.

Hà Vy
.
.
.