Độc đáo mô hình bán hàng bằng… niềm tin!
Từ ý tưởng táo bạo và trải nghiệm thú vị
Cảm giác thật thú vị, thêm chút tự hào lâng lâng trong chúng tôi khi vừa được mua đồ tại cửa hàng không có người bán đầu tiên tại Việt Nam. Chuyện tưởng chừng chỉ có thể được trải nghiệm khi đến du lịch tại Nhật Bản, một đất nước phát triển, với ý thức và “phông nền” văn hóa của người dân thuộc tốp đầu thế giới.
Cửa hàng Mama Fanbox nằm trên phố Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội. |
Dừng chân tại quán trà đá của bà Tư “ngẫn” để thưởng thức ly trà mát, chúng tôi rôm rả bàn tán chuyện cửa hàng tự phục vụ... Trên khuôn mặt ai nấy đều vui vẻ, hân hoan. Bỗng nhiên, giọng bà Tư “ngẫn” chen vào: “Tự với chả tại! không có người trông coi để cho bọn mất dạy chúng nó ăn cắp hết à. Bà mày đây, bán mấy ly trà đá và bi thuốc lào mà nhiều ông uống và hút xong, phủi quần đứng lên quên không thanh toán. Gớm, tiền giắt cạp quần có khi còn bị móc huống hồ…”! - Câu nói của bà Tư “ngẫn” khiến mặt chúng tôi ỉu xìu như bánh đa nướng gặp nước!
Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu không thử, không cho đi niềm tin thì làm sao ta nhận được điểm sáng. Ở Nhật Bản, du khách có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều cửa hàng tự phục vụ. Nông dân ở đây mở ra những quầy hàng nhỏ bày rau củ, hòm thu tiền, để khách hàng tùy ý mua và trả theo giá niêm yết có sẵn.
Đến cuối ngày, người dân mới đến gian hàng đó thu tiền. Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí, nhân lực mà còn giúp khách hàng thoải mái. Điều này cũng khiến du khách đánh giá rất cao về tính trung thực và sự lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau của người dân Nhật Bản.
Bây giờ, không cần phải đến Nhật Bản, chúng ta vẫn được trải nghiệm dịch vụ như vậy. Một cửa hàng nhỏ, xinh xắn, không hề có nhân viên và tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào ý thức của khách hàng khiến mọi người cảm thấy vô cùng thích thú. Nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội), khách đến đây có thể tùy ý chọn lựa sản phẩm, bao lâu cũng được, cửa hàng chủ yếu bán chocolate tươi, kem cùng các loại nước giải khát...
Chỗ ngồi cho khách hàng thưởng thức đồ yêu thích. |
Khi đã ưng ý, thì mang sản phẩm đến trước một bàn để máy chít giá, máy tính và máy in hóa đơn. Tự chít giá sản phẩm và máy in sẽ tự động nhả hóa đơn. Chúng ta lấy hóa đơn này, bỏ thêm số tiền cần thanh toán và bọc vào trong túi nilon có sẵn, điền thêm tên và số điện thoại trên máy tính và bỏ túi tiền vào hòm, thế là chuyện mua bán đã xong. Thật đơn giản.
Khi nói đến cửa hàng không có người bán, có lẽ ý nghĩ đầu tiên của nhiều người sẽ là sợ khách không trả tiền, sợ mất đồ…! Chia sẻ với chúng tôi, anh Đào Khánh Hiệp, người có ý tưởng táo bạo và là chủ cửa hàng cho biết: “Mình thường xuyên gặp những câu hỏi đó trong quá trình thực hiện cho đến tận bây giờ.
Và câu trả lời của mình luôn là: Nếu bạn muốn khách hàng trung thực, bạn cần phải tin tưởng họ trước đã. Khi trao niềm tin trước, bạn sẽ nhận lại được điều tương tự từ khách hàng của mình. Trong quá trình triển khai đương nhiên là gặp rất nhiều phản đối từ gia đình, bạn bè bởi họ cho rằng Việt Nam không phù hợp để triển khai mô hình như vậy. Họ bảo mình ảo tưởng, sống trên mây và hãy xuống đất cho thực tế. Về cơ bản là 70% cho là không thể làm được, 30% vẫn khuyên là nên thử, nhưng dù có 90% phản đối thì mình vẫn cứ làm. Mình đặt tên cho cửa hàng là Mama Fanbox...
Với diện tích chỉ hơn 20m2, có vẻ bề ngoài không quá khác biệt với những cửa hàng trên các con phố tại Hà Nội. Tuy nhiên, với những khách hàng đã từng vào đây, sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn mới bởi Mama Fanbox là cửa hàng không có người bán đầu tiên tại Hà Nội”.
Mô hình bán hàng tự động này khiến rất nhiều người cảm thấy thích thú vì họ có thể tự làm mọi việc thay vì phải chờ đợi, phụ thuộc vào nhân viên. Bên trong gian hàng trống trải, chẳng có một ai. Xung quanh tường, chủ quán đã ghi sẵn một số biển hướng dẫn sử dụng quầy hàng để giúp đỡ những khách hàng mới đến đây.
Dắt tay và chỉ dẫn cho 2 đứa con nhỏ của mình để biết cách chọn và mua hàng, vợ chồng anh Hùng, chị Thúy vui vẻ: “Bọn mình muốn cho các cháu đến đây để trải nghiệm, để dạy cho bé tính tự lập, tự giác và ý thức trách nhiệm ngay từ nhỏ. Nhớ lại hình ảnh cậu bé 9 tuổi người Nhật, với manh áo thun ướt đứng cuối cùng xếp hàng đợi đồ cứu trợ trong thảm họa thiên tai động đất sóng thần, mình cảm nhận một điều.
Khách hàng phải tự thanh toán món đồ mình mua. |
Một dân tộc với những đứa trẻ đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác, chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang đứng trước những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Và thực tế nước Nhật đã hùng mạnh trở lại. Mình mong muốn các con mình và các thế hệ hiện tại, tương lai của nước mình cũng và sẽ làm được những điều tương tự, ngay từ những việc làm nhỏ nhất qua ý thức và lòng tự trọng. Xin cảm ơn người sáng lập nên cửa hàng không có người bán này. Vợ chồng mình rất vui nên hầu như thứ bảy và chủ nhật nào, bọn mình cũng cùng các cháu ra cửa hàng để tự chọn cho mình những món yêu thích”.
Niềm tin được đền đáp
Cửa hàng Mama Fanbox có một hạn chế là không thể trả lại tiền thừa cho khách. Khắc phục vấn đề này, anh Đào Khánh Hiệp đã nghĩ ra cách tích điểm cho họ. Ví dụ, nếu thừa lại 50.000 đồng, số tiền này sẽ được máy tính ghi nhớ. Lần sau đến mua hàng, khi khách điền đầy đủ thông tin, máy sẽ hiện thông báo khách vẫn dư tiền và hỏi họ có muốn trừ số tiền đó đi không.
Tiền lưu lại trong máy sẽ được cộng thêm 10% cho các lần thanh toán tiếp theo. Đặt tất cả lòng tin vào khách hàng nhưng suốt 3 tháng mở cửa, anh Hiệp chưa thu thiếu một đồng nào, cũng chẳng hề bị mất bất cứ thứ gì. Mỗi buổi sáng, anh đến đây cung cấp hàng hóa và tối sẽ đến thu tiền, lau dọn quầy hàng. Mô hình bán hàng mới này khiến anh tiết kiệm tối đa chi phí vì không tốn tiền chi trả cho nhân viên…
Anh Hiệp cho biết thêm: “Mình đặt hết lòng tin vào khách thì ngược lại, mình nghĩ khách cũng sẽ đặt lòng tin vào mình. Mặc dù không có nhân viên nhưng toàn bộ hoạt động ở quầy hàng sẽ có camera theo dõi. Hệ thống phần mềm sẽ quét các gương mặt lạ và rung chuông báo cho bọn mình biết. Khi đó, bọn mình sẽ nói trong máy tính, phát qua loa để hướng dẫn khách hàng.
“Ngôi nhà” này cũng rất thú vị, nó mở cửa với tất cả các khách hàng khi được bấm chuông yêu cầu. Tuy nhiên, sẽ đóng chặt nếu khách không thanh toán tiền cho sản phẩm. Ngoài ra, hệ thống đèn điện, điều hòa hoạt động theo cảm ứng sẽ tự ngắt khi không có người ở bên trong. Tới đây, mình sẽ đa dạng hóa những sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng như chocolate tươi, chocolate nghệ thuật, chocolate vỉ, kem tươi, các loại nước uống, cà phê, bánh và nhiều sản phẩm đặc biệt hơn”.
Chị Thanh Bình (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Vào đây mua hàng, mình thấy rất thoải mái, chẳng bị ai làm phiền. Khách hàng cũng rất lịch sự. Đôi khi đi siêu thị hay các cửa hàng chọn đồ, mình rất khó chịu vì không hiểu sao dù chủ đã đặt camera chống trộm rồi nhưng hễ đi một bước là nhân viên lại theo sau, làm như mình là người ăn trộm. Mọi người hay ca thán về tính trung thực, nhưng đến đây mấy lần, mình thấy khách hàng rất ý thức khi mua đồ, không chen lấn mà từ tốn lấy hàng rồi thanh toán rất nghiêm túc”.
Menu cửa hàng không người bán. |
Một tin vui cho người tiêu dùng, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố. Năm 2018 dự kiến sẽ xuất hiện nhiều chuỗi cửa hàng tự động, không có người bán hàng để phục vụ người dân qua hình thức thanh toán điện tử, thanh toán online… Để thực hiện mục tiêu này, TP Hà Nội sẽ tổ chức thí điểm vận hành chuỗi “Cửa hàng tự động” không có người bán hàng.
Đặc biệt, thành phố cũng sẽ kêu gọi các nhà đầu tư tham gia lắp đặt, vận hành mạng lưới máy bán hàng tự động để phục vụ nhu cầu của người dân tại các địa điểm công cộng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh qua website thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội... để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nội địa và xuất khẩu.
Thiết nghĩ, dù công nghệ có phát triển hiện đại đến đâu chăng nữa, dù máy móc có thể thay thế nhiều công việc giúp ích cho con người. Nhưng yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất vẫn là con người, là ý thức tự giác của mỗi cá nhân.
Chia tay Mama Fanbox, nơi bán hàng không người bán, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu nói của ông chủ cửa hàng: “Bạn không cần phải hỏi bao giờ nước mình mới có ý thức như Nhật Bản vì bạn chính là câu trả lời”.