Độc đáo cuộc thi “hoa hậu gà” làng Lạc Thổ

Thứ Hai, 11/06/2018, 15:00
Từ giống gà thơm ngon, quý hiếm của làng Lạc Thổ, các cụ xưa đã tổ chức nên hội thi luộc gà để chọn xem ai là người luộc gà ngon nhất, đẹp nhất. 

Về sau, để duy trì giống gà thơm ngon ấy, người làng Lạc Thổ đã cải cách thành cuộc thi gà sống, tuyển chọn gà đẹp mà người dân địa phương vẫn gọi vui thi "Hoa hậu gà" để gìn giữ giống gà tiến vua được mệnh danh có kích thước lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Về Lạc Thổ hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ khi mô hình chăn nuôi và bảo tồn gà Hồ nổi tiếng của làng được phục hồi và phát triển một cách khoa học như vậy. Không ai ở làng Lạc Thổ biết được giống gà tiến vua xuất phát từ đâu, có từ bao giờ? 

Chú gà đạt giải nhì đơn trống, to nhất hội thi năm 2013, cân lúc diều chay (lúc đói), nặng gần 6kg.

Nhưng theo như ông Nguyễn Thế Thục (hội viên Hội gà làng Lạc Thổ) thì giống gà Hồ có từ rất lâu đời và chắc chắn phải có trước tranh Đông Hồ gà phải có trước thì người nghệ nhân mới vẽ vào tranh và mới có những bức tranh gà Đông Hồ nổi tiếng như bây giờ. 

Trong khi đó tranh Đông Hồ có khoảng 600 năm nay. Ông Thục kể tỉ mỉ làng ngày trước rất rộng, phân thành Tú Hồ và Bắc Hồ. Nếu như Tú Hồ nổi tiếng với nghề vẽ tranh Đông Hồ, thì Bắc Hồ có giống gà thơm ngon, kích thước khá lớn. Gà Hồ được coi là giống gà quý hiếm bậc nhất, đứng đầu trong 5 giống gà tiến vua ở Việt Nam.

Điểm nổi bật nhất của gà làng Lạc Thổ là cân nặng. Các bậc cao niên làng Lạc Thổ kể lại rằng, có con gà nặng tới 7 - 8kg, đạt chiều cao gần nửa mét. Không những to cao, gà làng Lạc Thổ còn đẹp mã, dạn người nên được nuôi làm cảnh. 

Nuôi gà Hồ khá khó, đòi hỏi người chăm nuôi phải chăm sóc tỉ mỉ, tận tâm, chẳng thế mà mới có chuyện người nuôi chăm gà đến phát ốm khi gặp thời tiết không thuận lợi, nhưng họ chỉ lo gà ốm chứ không màng đến bệnh tật, sức khoẻ của mình. 

Gà Hồ phải nuôi bằng phương pháp thả tự nhiên, chủ yếu cho ăn bằng thóc, ngô nên qua những năm tháng chiến tranh, rồi thời kỳ bao cấp khó khăn, thiếu thốn, rất ít gia đình có điều kiện để nuôi. Dù sinh sản tốt nhưng khả năng ấp trứng, tỉ lệ nở con của gà Hồ khá thấp. 

So với gà thường, gà Hồ đẻ ít hơn, chỉ đạt 10-15 quả/tháng, bình quân mỗi tháng đẻ 1 lần, có con chậm hơn, 1,5-2 tháng mới đẻ. Gà Hồ không những đẻ ít mà còn khó thụ tinh do gà trống to, khỏe, móng vuốt sắc nên khi đến gần, gà mái sợ và hay lẩn trốn, vì vậy, trứng thường không có phôi.

Thời gian nuôi gà bố mẹ, gà thịt khá dài nên không ít người nuôi ngại ngần. Gà thường các hộ có thể nuôi đến hàng ngàn con, còn gà Hồ phải nuôi 12-16 tháng và phải đạt 4,5-5kg mới giết mổ được. Mỗi sáng ngủ dậy, phải kiểm tra gà và vệ sinh chuồng ngay, sau đó mới cho ăn uống. 

Gà Lạc Thổ được cho là “nguyên mẫu” của tranh dân gian Đông Hồ.

Gà con 1-3 tháng tuổi thì cho ăn cám mảnh, cám viên, tiếp đến ăn thóc xay trượt vỏ (còn nguyên cám), lớn hơn nữa thì ăn cám ngô, gạo cùng với rau xanh. Để nuôi 100 con gà Hồ cần ít nhất 250m2 chuồng, chia thành nhiều ô nhỏ (khoảng 20m2/ô), ngăn bằng lưới B40 để tránh gà đánh nhau. Mùa đông, 8 giờ mới cho gà ra khỏi chuồng đi dạo, mùa hè sớm hơn.

Bên cạnh việc chú trọng khâu chuồng trại đúng quy cách, hợp vệ sinh, việc ấp nở và thức ăn cho gà rất quan trọng. Vì gà Hồ khó nở nên mọi hoạt động nhân giống gà hiện nay đều phải được đầu tư bằng máy móc. Gà sau khi nở phải ở trong máy 3 ngày, sau đó mới ra ngoài; ngày thứ 4 bắt đầu cho ăn cám mảnh và uống nước, thời gian cho ăn như vậy kéo dài 30 ngày. 

Thức ăn phải mua của các nhà sản xuất có uy tín. Sau khi gà lớn, có thể mỗi hộ có cách cho ăn và phối trộn thức ăn khác nhau, song, tuyệt đối không dùng cám công nghiệp; chủ yếu dùng thóc, gạo, ngô hạt, rau xanh trộn cám gạo, uống nước sạch. 

Mặt khác, lực lượng thú y thị trấn, huyện cũng chú trọng vấn đề vệ sinh dịch bệnh và tiêm phòng thường xuyên cho gà, theo diễn biến thời tiết 4 đợt/4 mùa. Bởi thế, có những lúc làng Lạc Thổ chỉ còn vài hộ nuôi gà Hồ chính gốc, thậm chí chỉ nuôi gà Hồ như nuôi làm cảnh trong nhà bởi niềm đam mê, niềm tự hào về giống gà quý.

Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Chủ nhiệm CLB gà Hồ, gà làng Lạc Thổ có hai màu lông chính là màu trắng (mã thó) hoặc mã lĩnh (lông đen ánh kim). Nếu chăm sóc tốt, gà mã lĩnh khi phơi dưới nắng sẽ thấy đủ năm màu sắc khác nhau. 

Con gà mang 2/3 màu gì thì gọi mã đấy. Về đuôi, gà làng Lạc Thổ có hai dạng hoặc đuôi nơm (lông đuôi xòe ra như dụng cụ nơm cá), hoặc đuôi lá vả (giống hai lá vả úp vào nhau). Gà làng chân to, ống chân tròn, da chân mịn và có màu vàng đặc trưng của hạt đỗ nành. Các ngón chân thẳng, dài, khi đứng chụm lại còn khi đi ba ngón thẳng đều. 

Tiếng gáy gà làng Lạc Thổ nghe ồ ồ chứ không đanh như tiếng gà thường. Riêng gà mái được chia thành ba màu: Mã thó (lông trắng vàng giống màu đất thó), mã nhãn (lông giống màu quả nhãn chín), và mã sẻ, tức có màu lông giống màu lông chim sẻ.

Điều đem lại danh tiếng cho gà làng Lạc Thổ không chỉ ngoại hình mà còn vị thịt thơm ngon. Thịt gà làng Lạc Thổ dày thớ, có vị ngọt, da giòn nhưng không dai. Đặc biệt khi luộc, nếu đun nhỏ lửa rồi để gà chín dần, đến khi mở vung ra sẽ có mùi thơm đặc trưng. Chính nhờ vóc dáng đẹp, thịt lại ngon nên gà làng Lạc Thổ được tuyển chọn làm sản vật tiến vua.

Người làng Lạc Thổ có tục thi luộc gà vào mùng 4 Tết. Theo đó từ đầu năm, cả làng chia thành 17 giáp (tương đương các khu dân cư). Mỗi giáp sẽ chọn những gia đình tiêu biểu để nuôi gà dự thi. Gia đình được tuyển chọn phải giữ bí mật về gà của mình đến lúc lật khăn đỏ trình ban giám khảo chấm điểm. Sau phần thi, tất cả gà đẹp được dâng cúng thành hoàng, đãi dân làng.

Để nhấn mạnh sự bí mật khi nuôi gà dự thi, người Lạc Thổ vẫn truyền tai nhau câu chuyện năm 1899 có ông Đồng Khánh đạt giải gà luộc đẹp hai năm liền. Năm sau ông này tưởng chừng lại giật giải nhất ba năm liền nhưng vì sơ suất để lộ cân nặng của gà nên thua cuộc.

Cuộc thi “hoa hậu gà” năm 2016.

Phong tục thi gà luộc duy trì đến năm 1946 phải tạm ngưng vì kháng chiến chống Pháp, người làng di tản khắp nơi lánh nạn. Sau ngày hòa bình lập lại, người làng Hồ từ khắp nơi quay về làng sinh sống. May mắn nhiều người đi lánh nạn vẫn cố mang theo con gà làng Lạc Thổ để giữ nòi giống sản vật tiến vua. 

Ngày đó, gà làng Lạc Thổ rất ít, cả làng chỉ có vài chục con. Lúc đó, gà còn bị lai tạp nên không to như xưa. Mãi đến đầu thập niên 90, phong trào nuôi gà làng Lạc Thổ mới được "hồi sinh".

Từ năm 1991, CLB gà Hồ được thành lập, nhằm bảo vệ quyền lợi của các hộ nuôi trên địa bàn. Nhiệm vụ đầu tiên của CLB là tổ chức tìm hiểu thêm các tài liệu nói về giống gà Hồ, về đặc điểm, tiêu chí và dựng lại khuôn mẫu tiêu chí tuyển chọn gà Hồ tại các gia đình nuôi trong làng. 

Bảy cụ ông, cụ bà đầu tiên tham gia lập hội và những đàn gà đầu tiên được chăm sóc "chuẩn" ra đời: "Lúc đầu chúng tôi tìm gặp những người lớn tuổi ghi chép lại kĩ thuật nuôi gà làng cũng như cân nặng, chiều cao để làm mục tiêu khôi phục giống gà quý. Dần dần, tổ nuôi gà tăng lên 15 người, rồi 30 người và sau này khoảng 50 thành viên. Ngày nay người dân trong thôn mặc dù không tham gia tổ nuôi gà nhưng vẫn nuôi rất nhiều giống gà này", ông Nguyễn Đăng Chung cho biết.

Tiếp đó, năm 2015, Hợp tác xã Bảo tồn và Chăn nuôi gà Hồ được thành lập, để bảo tồn và phát triển giống gà quý hiếm này. Để tạo sân chơi bổ ích cũng như khuyến khích người chăn nuôi bảo tồn và duy trì giống gà quý của làng, cuộc thi "Hoa hậu gà" được bàn bạc tổ chức lại. Những người trong làng quyết định thay đổi cuộc thi, chuyển sang thi tuyển gà đẹp để nhân giống.

Theo đó thường thì ngày 10/2 âm lịch, người dân tập trung những con gà to nhất, đẹp nhất về đình Lạc Thổ dự thi. Ban tổ chức gồm những người cao niên, người am hiểu về gà sẽ chọn lọc sơ khảo những con gà đủ tiêu chuẩn vào vòng trong. 50% điểm dành cho cân nặng, 50% điểm còn lại chia đều các tiêu chí khác như mỏ ngà, mào sít...

Năm 1993, cuộc thi "hoa hậu" gà được tổ chức lần đầu tiên. Bấy giờ chỉ tổ chức thi chọn gà trống đẹp. Phần thưởng cho chủ gà thắng cuộc chỉ là gói thuốc lá cộng với vài lạng trà mang tính chất động viên. Cuộc thi năm ấy, con gà nặng nhất đạt 5,2kg nhưng không còn khả năng sinh sản nên chỉ trưng bày là chính. Cuộc thi thu hút được các chuyên gia của Viện Chăn nuôi Quốc gia về khảo sát, nghiên cứu gà làng Lạc Thổ. Ngay năm sau, hội thảo khoa học về gà làng Lạc Thổ diễn ra tại Nhà Văn hóa Lạc Thổ, thu hút hàng trăm người tham gia.

Cuộc thi "hoa hậu" gà lần thứ 2 được tổ chức năm 1996. Năm đó, CLB gà Hồ quyết định thi cặp trống mái. Lần thứ 3, tổ chức vào năm 2000. Tuy nhiên vì khó khăn kinh phí nên tới năm 2013 cuộc thi "hoa hậu" gà mới được tổ chức tiếp với sự hỗ trợ của Viện Chăn nuôi Quốc gia và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Lần thi tuyển dịp Tết 2016 được UBND tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí. Đặc biệt trọng lượng gà dự thi ngày càng tăng lên, năm 2016, con to nhất đạt 6,5kg.

Người dân làng Hồ rất tự hào về giống gà quý của làng. Họ hi vọng giống gà quý ngày càng được nhiều người biết tới và tiếp tục được chính quyền các cấp, các tổ chức quan tâm để lễ hội thi gà làng được diễn ra đều đặn hằng năm. Đó là cách tốt nhất để duy trì và bảo tồn giống gà quý này.

Mai Ngọc
.
.
.