"Độc chiêu" thoát cướp

Thứ Năm, 27/10/2016, 13:14
Trong một không gian hẹp và đơn độc thì những cú ra đòn bất thình lình bằng sợi dây hay lưỡi dao sắc vào vùng cổ từ phía sau luôn khiến những người lái taxi “thúc thủ” ngay tức khắc.


Hiểm họa đến với cánh tài xế hiện nay không chỉ là những cú đâm va trên đường, mà còn đến từ phía sau lưng, khi vị khách mà họ đang chuyên chở lộ nguyên hình là những tên cướp máu lạnh.

Trong tình huống ngặt nghèo ấy, điều duy nhất có thể cứu họ thoát khỏi “lưỡi hái” tử thần chỉ có thể là sự bình tĩnh cùng những kỹ năng xử lý tình huống đã thuộc “nằm lòng”.

Thủ đoạn nguy hiểm

Thời gian qua, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra những vụ cướp tài sản của lái xe taxi. Gần nhất là vào đêm 6-10-2016, tên Hà Văn Hiếu (19 tuổi, quê ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) dùng dao tấn công, cắt cổ anh Nguyễn Thái Hùng (tài xế taxi hãng ABC) trên đường Võ Hoàng Tôn (Hà Nội).

Võ sư Đào Hoàng Long (trái).

Rất may là nạn nhân mở được cửa xe, bỏ chạy với cái cổ bê bết máu. Đối tượng Hiếu cũng thoát khỏi xe để chạy trốn nhưng bị người đi đường phát hiện, bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, Hiếu khai đã cắt cổ lái xe là vì nạn nhân kháng cự, không chịu giao tài sản. 

Nhận xét về thủ đoạn gây án cướp xe taxi, Trung tá Lê Kim Đồng (Đội trưởng Đội chống tội phạm trên tuyến, địa bàn – Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội) nói: “Cướp tài sản của lái xe taxi đang xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước. Đây là tình huống tội phạm rất nguy hiểm.

Ngoài việc chiếm đoạt tài sản, trong nhiều vụ án nạn nhân còn bị bọn cướp tấn công gây thương tích nặng, nguy cơ xảy ra án mạng là rất cao. Đối tượng gây án cướp taxi thường là nam giới, nhiều tên đã có quá khứ phạm tội, nghiện hút ma túy hoặc đang quẫn bách về tài chính.

Mục tiêu của chúng là tiền, tài sản của người lái xe, chứ ban đầu có thể chưa có động cơ tước đoạt sinh mạng nạn nhân. Tuy nhiên, trong những tình huống bị kháng cự quyết liệt, tên cướp sẵn sàng ra tay tàn độc, không cần biết hậu quả, miễn là đè bẹp được sự kháng cự của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Do đó, cướp trong xe taxi luôn ẩn chứa nguy cơ xảy ra án mạng.

Vụ cướp ngày 6-10-2016 tại đường Nguyễn Hoàng Tôn là một ví dụ điển hình. Việc nạn nhân bị cắt đứt cổ nhưng không chết là may mắn. Nếu anh Hùng không kịp thời thoát được ra bên ngoài và được người đi đường đưa đi cấp cứu ngay thì hậu quả có thể sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.

Có thể thấy trong một không gian hẹp, khi bị tấn công bất ngờ từ những vị khách đang ngồi trong xe, lại không có sự trợ giúp từ bên ngoài, người lái xe sẽ lâm vào tình trạng hoảng loạn ngay tức khắc và không có khả năng kháng cự.

Tên Hà Văn Hiếu – thủ phạm vụ cướp xe taxi đêm 6-10-2016 tại Hà Nội.

Vì thế, nhiều vụ án cướp tài sản của lái xe taxi đã diễn ra trót lọt. Tên cướp không gặp phải khó khăn đáng kể nào khi vô hiệu hóa phản ứng tự vệ của nạn nhân. Bên cạnh đó, hoạt động truy xét thủ phạm gây án trên tuyến giao thông khá phức tạp, do tính chất lưu động của đối tượng.

Chính vì vậy, rất cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho tài xế taxi và người lái xe dịch vụ Uber những kỹ năng nhận biết sớm nguy cơ xảy ra cướp để chủ động phòng ngừa, cũng như biết cách xử lý tình huống khi đối mặt với tội phạm”.

"Thoát hiểm không khó"

Võ sư Đào Hoàng Long (môn phái Nhất Nam) đã khẳng định với chúng tôi như vậy, khi ông thị phạm những kỹ thuật khắc chế đòn tấn công bằng dao hoặc dây dù vào vùng cổ người lái xe từ phía sau. Võ sư Long giải thích: “Vùng cổ là bộ phận trọng yếu trên cơ thể người.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy hung thủ trong các vụ án cướp trong xe taxi thường bất ngờ tấn công tài xế từ hàng ghế sau. Đây là vị trí rất thuận lợi để gây án, vì có không gian đủ rộng. Rất ít khi đối tượng tấn công lái xe từ ghế phụ, vì chật hẹp và không thuận tay (đa số người thuận tay phải).

Một tên cướp taxi bị bắt.

Từ đặc điểm này, chúng tôi chia sẻ với các tài xế phương án thoát hiểm khi bị tấn công bất ngờ như sau: Ngay khi bị đối tượng dùng dây thít hoặc kề dao vào cổ, người lái xe dùng tay phải kéo giữ sợi dây hoặc tay cầm dao của đối tượng để bảo vệ vùng cổ tránh tổn thương nặng.

Sau đó “định vị” khuôn mặt đối tượng qua gương chiếu hậu, tay trái nhanh chóng kéo lẫy ngả lưng ghế lái và đổ người ra sau. Dưới tác động của lực bật lò xo và trọng lượng cơ thể người lái xe, tựa ghế sẽ ngả ra sau và đập vào mặt hoặc ngực tên cướp, đồng nghĩa với việc tài xế có thêm không gian để thoát khỏi sự uy hiếp của hung khí.

Lúc này, lái xe có thể dùng tay phải đấm bồi vào mặt tên cướp, rồi nhanh chóng mở cửa lái thoát ly xe. Nhiều tài xế khi thoát ra khỏi xe đã bấm cửa khóa xe nhốt tên cướp bên trong. Việc còn lại là tri hô người đi đường giúp đỡ và gọi điện báo Công an đến bắt cướp”.

Kinh nghiệm của một "tài già"

Từng hành nghề lái taxi chở khách gần 20 năm nay, ông Nguyễn Thế Huân ở quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ những kinh nghiệm đã khiến ông “lành lặn” sau chừng ấy năm mưu sinh trên các cung đường.

Ông nói: “Bọn cướp thường đón taxi tại các cung đường vắng vẻ, vào buổi chiều tối hoặc đêm. Chính vì vậy, khi gặp khách vẫy xe tại những nơi vắng người qua lại mà trời đã tối, tôi thường bỏ qua. Không tham gì mấy đồng cước mà chưa biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Nếu như tổng đài báo có khách đến đón, mà gặp họ trong hoàn cảnh như trên, tôi cũng không dừng xe ngay. Qua ánh đèn, tôi quan sát vị khách đón xe.

Nếu đỗ lại cũng không mở cửa, mà hạ kính xuống hỏi khách về đâu, đồng thời quan sát kỹ vùng thắt lưng, bụng của khách (vì đây là chỗ bọn cướp thường giấu hung khí). Nếu khách đeo ba lô thì càng phải thận trọng hơn, vì biết đâu trong đó lại toàn vũ khí giết người.

Sau khi cảm thấy tạm yên tâm, tôi mới cho khách lên xe, nhưng yêu cầu phải ngồi ở ghế phụ bên phải, để dễ quan sát biểu hiện tâm lý, cử chỉ của khách. Không nên để khách ngồi sau, vì như thế rất nguy hiểm nếu đó là tên cướp. Khi khách vào xe, tôi tiếp tục quan sát và hỏi chuyện, chứ không chạy ngay.

Tôi thường nói thẳng với họ vì lý do an toàn, xin cho xem giấy tờ tùy thân như giấy CMND. Nếu là khách tử tế, họ sẽ không từ chối điều này. Có được giấy tờ của khách, tôi sẽ gọi bộ đàm cho hãng, báo đã gặp khách, địa điểm đón và trả khách, dự kiến thời gian đến. Quan trọng nhất là bảo tổng đài ghi lại họ tên, địa chỉ, số CMND của khách.

Điều này khiến cho vị khách nếu là cướp cũng sẽ phải thay đổi ý định, vì chúng biết nếu ra tay sẽ bị bại lộ. Trên thực tế, ít có tên nào biết là gây án sẽ đi tù mà vẫn làm. Cũng có khi nhân câu chuyện, tôi nói khéo cho khách biết xe đã được cài định vị và hệ thống theo dõi hành trình. Những động tác này có thể khiến đối tượng sợ không dám ra tay.

Nếu có 2 khách, mà 1 người ngồi sau, quá trình lái xe tôi thường xuyên nhìn qua gương chiếu hậu, đặc biệt quan sát nét mặt, cử chỉ, đối thoại của người ngồi sau. Chú ý đến những biểu hiện không bình thường như lo lắng, toan tính, nhìn trước nhìn sau.

Dọc đường, nếu khách liên tục yêu cầu thay đổi lộ trình không theo thỏa thuận ban đầu, lấy lý do khác nhau để điều xe đến những nơi mà mình không thông thạo địa hình, thì khả năng chúng là cướp rất cao. Khi đó, cần giữ bình tĩnh và bất ngờ dừng xe tại chỗ có CSGT hay trụ sở cơ quan Công an, yêu cầu khách xuống xe trả tiền và kết thúc hành trình.

Tôi cũng thường dặn cánh “tài” mới vào nghề, rằng cần phải cảnh giác cao độ khi khách bảo dừng xe tại những nơi hoang vắng. Đây rất có thể là lúc bọn cướp ra tay, vì chúng không dại gì khống chế tài xế khi xe đang chạy nhanh, dễ xảy ra tai nạn.

Do đó, đến các cung đường hẻo lánh, càng nên chạy nhanh, không dừng lại tại những nơi thấy không an toàn, dù được khách yêu cầu. Chỉ dừng lại khi cảm thấy an toàn”.

Vẫn theo ông Huân, trường hợp khách đã “hiện nguyên hình” là những tên cướp, tài xế đã bị khống chế, đe dọa bằng hung khí như gí dao, dây thừng (thít cổ) từ phía sau, nếu không có võ thì hành động khôn ngoan là chấp nhận, im lặng hoặc xin chúng tha mạng. Hãy làm theo mọi yêu cầu của bọn chúng để giữ lấy mạng sống.

Vì việc chống trả hết sức nguy hiểm vì mình bị động, tương quan lực lượng chúng hơn hẳn, lại có hung khí nguy hiểm, lái xe không có sự trợ giúp bên ngoài. Nếu đối tượng đã lấy được tài sản, nhưng vẫn tấn công thì khẩn trương mở cửa lái bỏ chạy ra ngoài.

Chiếc xe taxi hãng ABC do anh Nguyễn Thái Hùng điều khiển bị cướp trên đường Võ Hoàng Tôn (Hà Nội).

Nếu tài xế có võ thuật, cũng phải cân nhắc phương án đối phó. Theo ông, chỉ nên đánh lại khi trong xe chỉ có một mình tên cướp. Lúc đó cần lưu ý khống chế tay cầm vũ khí của đối tượng, rồi bấm còi báo động gây sự chú ý từ bên ngoài, tên cướp sẽ sợ hãi mà bỏ chạy khỏi xe.

Đã chống trả là phải tấn công quyết liệt, vào các vùng nguy hiểm của đối tượng như đầu, mặt, cổ và nhớ là đánh để có thể mở cửa xe chạy ra ngoài rồi kêu gọi sự trợ giúp từ người đi đường hay gọi ngay CS 113 để lực lượng Công an tổ chức vây bắt đối tượng.

“Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là, các tài xế không nên mang theo quá nhiều tiền mặt, hay đồ vật đắt tiền theo người. Vì như thế có thể kích thích đối tượng nổi lòng tham” – ông Huân tư vấn.

Đào Trung Hiếu
.
.
.