“Ðịa ngục trần gian Hỏa Lò” trong ký ức người tù Tạ Quốc Bảo

Thứ Tư, 24/07/2019, 08:58
Mấy chục năm đã trôi qua, 94 tuổi, ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Tạ Quốc Bảo cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò vẫn nhớ như in những năm tháng bị giam tại nhà tù Hỏa Lò và không khí sục sôi những ngày Cách mạng tháng Tám năm đó.


Đòn roi không khuất phục được ý chí cách mạng

Sinh ra tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, từ bé học trò Tạ Quốc Bảo đã được theo học thầy giáo Độ, là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương nên ngoài được học kiến thức, ông cũng sớm được tiếp thu lý tưởng cách mạng. 

Cùng với truyền thống gia đình cách mạng, năm 13 tuổi, Tạ Quốc Bảo đã tham gia cách mạng, trở thành liên lạc viên trẻ tuổi của khu xứ ủy Bắc Kỳ phía Bắc Hà Nội tại vùng Vân Nội, Đông Anh. Trong một lần treo cờ, rải truyền đơn tại chợ Cổ Loa, Bảo đã bị mật thám theo dõi và bắt sau đó. 

Chúng bắt cậu về Sở Mật thám, tra tấn ngày đêm, chúng dùng điện chích vào hai tai, vào mũi… mục đích để Bảo khai báo ra cơ sở hoạt động của ta. Nhưng cậu không hé răng nửa lời. Sau đó, chúng đưa cậu ra Tòa án Pháp và xử giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. 

Ông Tạ Quốc Bảo chia sẻ về những tháng ngày ở nhà tù Hỏa Lò.

Thời điểm bị bắt, cậu bé liên lạc Tạ Quốc Bảo được 16 tuổi. Tạ Quốc Bảo trở thành người tù trẻ nhất tại nhà tù Hỏa Lò thời điểm đó. Do nhỏ tuổi nhất nên cậu được mọi người rất yêu quí và tận tâm dạy bảo. Trong tù, cậu được học chính trị, văn hóa, ngoại ngữ và cả học diễn thuyết. Đồ dùng học tập của Bảo và các chiến sĩ là nền xi măng, vôi tường, cành bàng... 

Cựu tù binh Tạ Quốc Bảo chia sẻ, một trong những điều may mắn nhất trong quãng thời gian bị giam tại Hỏa Lò của ông là được giam chung, được sống cùng và học hỏi rất nhiều từ những lão thành cách mạng như các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Đỗ Mười…

Nhắc đến người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ ông không thể nào quên những câu nói, tuyên ngôn đanh thép với kẻ thù trước khi ra pháp trường. Ông Bảo nhớ lại, sáng sớm ngày 24-5-1944, một tốp lính Lê Dương mang theo súng, lưỡi lê xếp hàng trước cửa nhà giam. 

Đứng ở buồng giam bên cạnh nhìn ra, tôi thấy anh Hoàng Văn Thụ đi giữa hai hàng lưỡi lê của bọn thực dân. Khi chúng hỏi anh có muốn rửa tội không. Anh Hoàng Văn Thụ đáp: Cảm ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước mà có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát xít Đức bên nước ông đều có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội không. Sau đó bọn chúng dẫn anh đi. Đứng giữa pháp trường, người chiến sĩ Cộng sản Hoàng Văn Thụ hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm”.

Không chỉ may mắn được gặp gỡ đồng chí Hoàng Văn Thụ, ông Tạ Quốc Bảo còn có những tháng ngày sống cùng trại với Tổng Bí thư Đỗ Mười. Phòng giam gần trăm người, mỗi ngày được cấp một bể nước nhỏ, mỗi người chỉ được nhận 3 gáo dừa vừa tắm, giặt quần áo. Đồng chí Đỗ Mười là người đứng chia nước cho anh em, bao giờ ông cũng phát hết cho mọi người, nếu còn thì mới đến lượt mình dùng. 

Nhân chứng cuộc “đại vượt ngục” ở Hỏa Lò 

Ông Tạ Quốc Bảo vẫn nhớ như in tối ngày 9-3-1945, bỗng nhiên đèn điện toàn thành phố vụt tắt, tiếng đại bác nổ rồi đến những tràng liên thanh không ngớt. Ngoài sân nhà tù, tiếng chân người chạy huỳnh huỵch, các chiến sĩ cộng sản đều vui mừng, đập tường gọi nhau thông báo Nhật - Pháp bắn nhau rồi. 

Khoảng 11 giờ đêm ngày 9-3-1945, quân Nhật chiếm Nhà tù Hỏa Lò. Lúc này, toàn bộ hệ thống quản lý từ giám ngục, giám thị, lính canh, viên chức của Pháp đều hoảng loạn. 

Ngày 11-3-1945, lợi dụng quân Nhật mở cửa cho tù nhân ra ăn cơm, trong lúc tình hình lộn xộn, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng các đồng chí  Lê Trọng Nghĩa, Lê Tất Đắc và một số đồng chí khác trốn khỏi xà lim rồi tìm cách sang được trại tù thường phạm.

Nhà tù Hỏa Lò 1 thời để nhớ.

Tại đây, họ xé chăn, nối lại thành những chiếc dây dài, dùng làm thang rồi lần lượt trèo lên mái nhà, leo lên tường rồi nhảy xuống phố. Tin đồng chí Trần Đăng Ninh và một số anh, chị em tù nhân thoát ngục đã làm cho toàn thể tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò rất vui mừng và ai cũng mong muốn, nhân cơ hội này thoát khỏi Nhà tù Hỏa Lò, tiếp tục tham gia vào phong trào cách mạng bên ngoài. 

Theo tư liệu của Ban quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò, sau thời gian quan sát, nắm bắt tình hình, các đồng chí đảng viên cốt cán đã khẳng định, muốn tiếp tục vượt ngục thì phải tìm cách di chuyển sang được khu tù thường phạm vì việc canh gác ở khu vực đó lỏng lẻo, tình hình rất lộn xộn. 

Nhân khi thấy một tù thường phạm đội cơm đi qua, đồng chí Trần Tử Bình (Trưởng Ban sinh hoạt Nhà tù) đã lấy lời lẽ thuyết phục, rồi cho anh ta ít tiền để đổi quần áo và lấy thùng cơm. Với bộ quần áo thường phạm và thùng cơm trên đầu, đồng chí Trần Tử Bình đàng hoàng đi qua mặt tên lính Nhật đang đứng gác, sang khu trại giam J.

Tại đây, đồng chí Trần Tử Bình nhận thấy một số tù thường phạm đang phá nền xi măng phòng giam, định đào tường hầm, thoát ra ngoài nhưng đồng chí nhận định, cách làm này sẽ mất thời gian và khó thành công. 

Đang quẩn quanh quan sát, bỗng đồng chí chú ý đến một tấm xi măng hình vuông, có vòng sắt ở giữa và nghi ngờ có thể đây là lối xuống cống ngầm và từ đây có thể thoát ra bên ngoài. Ngay sau đó, một kế hoạch vượt ngục được vạch ra. 

Lần gặp lại đồng chí Ðỗ Mười của ông Bảo.

Chờ lúc vắng người, đồng chí Phan Lang (tức Vân) canh gác để đồng chí Nguyễn Huy Hòa và Trần Văn Cử bật nắp cống, chui xuống tìm đường ra. Sau khi đã chắc chắn tìm được đường ra, đồng chí Hòa, Cử, Vân báo cáo tình hình với đồng chí Trần Tử Bình, kế hoạch chui cống ngầm trước sân trại J được ấn định. 

16 giờ chiều ngày 12-3-1945, tổng số 29 đồng chí có án nặng được cử trốn đợt đầu đã tìm cách sang được trại J. Theo kế hoạch, các đồng chí được phân chia theo nhóm, mỗi nhóm khoảng 3 - 4 người, khi  ra được khỏi nhà tù sẽ tự động phân tán, tìm về cơ sở để bắt liên lạc với Đảng. 

19 giờ 30 ngày 12-3-1945, đồng chí Trần Tử Bình hạ lệnh mở nắp cống. Cuộc vượt ngục tập thể của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò bắt đầu. Nhóm đầu tiên gồm 4 đồng chí Trần Tử Bình, Trần Quang Hòa, Nguyễn Tuân, Phan Lang (tức Vân). Sau đó lần lượt các nhóm khác đi tiếp sau. Những ngày sau đó, số anh em tù chính trị còn lại tiếp tục vượt ngục bằng đường cống ngầm trước sân trại J. Ước tính số lượng vượt ngục trong thời gian này lên tới hơn 100 đồng chí.

 Không phải tất cả anh em đều trốn được. Chúng tôi bảo nhau, sắp khởi nghĩa rồi, sớm muộn cũng được ra tù. Tôi luôn tin, dù mình có ở nhà tù này bao lâu đi chăng nữa, thì cũng sẽ có ngày cách mạng thành công và chúng tôi sẽ được tự do. Qủa đúng như vậy trước khởi nghĩa vài ngày, tôi và các chiến sĩ cách mạng được ra khỏi nhà tù”, người chiến sĩ Tạ Quốc Bảo kể lại.

 “Tôi chỉ là hạt cát giữa biển cả”

Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, thoát khỏi cảnh ngục tù, Tạ Quốc Bảo được phân công về công tác tại Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Bắc Ninh. Ngày 6-9-1946, cậu bé liên lạc Bảo được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), ông giữ chức vụ Trưởng ban Đảng vụ huyện Yên Phong, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Thuận Thành; Bí thư huyện ủy Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. 

Sau khi hòa bình lặp lại, từ năm 1955- 1959, ông Tạ Quốc Bảo giữ chức vụ Phó văn phòng Ủy ban Hành chính liên khu Việt Bắc, Chánh văn phòng Khu Lao - Hà - Yên ( gồm 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang). Rồi sau đó, năm 1969- 1980 đồng chí công tác tại Vụ tổ chức, Bộ Nội Vụ và Vụ Hưu trí, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Năm 1981 đồng chí Tạ Quốc Bảo nghỉ hưu.

Sau khi nghỉ hưu, từ năm 2000 – 2017, ông Tạ Quốc Bảo là trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò. Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Dù có nhiều thành tích như vậy, nhưng ông vẫn luôn khiêm tốn: “Tôi chỉ là hạt cát giữa biển cả” và nhắc đến những phần thưởng ấy bằng một sự khiêm nhường giản dị.

Vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Tạ Quốc Bảo vẫn luôn hết mình với công việc, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, ông thường xuyên tham dự các sự kiện, nhận lời làm nhân chứng nói chuyện trong các buổi giao lưu về Di tích Nhà tù Hỏa Lò với các cơ quan, đơn vị, trường học và các tổ chức đến tham quan, học tập tại Di tích. Những đóng góp trong suốt cuộc đời của ông là niềm tự hào, là gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Mai Ngọc
.
.
.