Đi tù có được hưởng lương hưu?

Thứ Năm, 13/11/2014, 07:00
Tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) kỳ họp thứ VIII Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với người chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo. Đề xuất này không chỉ làm nóng nghị trường Quốc hội mà thực sự làm nóng dư luận xã hội. Phần lớn người dân đều ủng hộ đề xuất này bởi theo họ, họ đã mất một khoản tiền không nhỏ để đóng bảo hiểm xã hội thì đương nhiên khi về già, ngay cả khi ở tù thì họ vẫn phải được hưởng quyền lợi mà họ đã đóng góp.

Phải theo nguyên tắc có đóng - có hưởng

Theo đại biểu Quốc hội Cù Thị Hậu, quy định ngừng chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội đối với người phải chấp hành phạt tù là vô lý. Điều này vi phạm nguyên tắc: đóng - hưởng của bảo hiểm xã hội. Những người phải chấp hành hình phạt tù do lỗi của họ theo các quy định khác của pháp luật, nhưng về nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là đóng và hưởng tương ứng với nhau.

Trước khi chấp hành hình phạt tù, người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội. Trên cơ sở đó, bản thân người lao động đóng thì họ đương nhiên phải được hưởng. Họ bị phạt tù không phải do vi phạm quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà là căn cứ theo các điều khoản quy định khác của pháp luật. Đã đóng bảo hiểm thì đương nhiên phải được hưởng bảo hiểm chứ không thể cắt đi. Bởi lẽ lỗi dẫn đến việc bị phạt tù không phải là sai phạm trong quá trình đóng bảo hiểm mà do bản thân gây ra ở một lĩnh vực khác.

Phát biểu tại kì họp Quốc hội ngày 23/10, bà Hậu nói: "Các đồng chí đều biết những gia đình, con cái có bố, mẹ bị nhận hình phạt tù đã phải đau đớn như thế nào? Gia đình lâm vào cảnh khó khăn, con cái có thể thất học. Do đó cắt đi lương hưu, cắt trợ cấp xã hội lại một lần nữa làm cho thân nhân thêm khó khăn".

Đại biểu Cù Thị Hậu cũng đề nghị phải nghiên cứu lại quy định này trong Luật Bảo hiểm xã hội. Cần phải xem việc đi tù và hưởng lương hưu là hai việc khác nhau, tách bạch ra để có thể tồn tại song song với nhau. Bởi người đi tù đã thiệt hại nhiều về kinh tế, chính trị. "Không thể tạm dừng một quyền lợi của một người vì một lỗi khác không liên quan của người đó" - bà Hậu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Cù Thị Hậu.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cũng đặt ra vấn đề pháp lý khá thực tế rằng những người bị kết án tù oan khi thụ án xong thì đã hết tuổi lao động, cần phải giải quyết như thế nào? Đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng đây là vấn đề cần phải giải thích rõ ràng, thấu đáo.

Khi người lao động làm việc cho một doanh nghiệp, tổ chức, hay cơ quan nào đó, họ đều phải trích một phần tiền lương hàng tháng để đóng bảo hiểm xã hội, tùy theo hệ số lương cơ bản mà họ được nhận. Đó là số tiền sau này trả lương hưu cho họ để họ dưỡng già. Nếu vì một lý do nào đó, họ phải ở tù, tiền lương hưu của họ bị cắt, như vậy có hợp lý khi đó là số tiền họ tự bỏ ra, chứ không phải Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp… chi trả cho họ, cũng không phải họ đi xin của ai? Hơn nữa khi vào tù, cá nhân đó đã phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật, còn gia đình họ sẽ gặp vô vàn khó khăn, thì số tiền lương hưu ấy hoàn toàn có thể hỗ trợ, giúp đỡ cho gia đình của họ. Thiết nghĩ đề xuất này vẫn mang tính nhân văn, nhân đạo lớn, cần được xem xét thực hiện sao cho hợp tình hợp lý.

Người dân đồng tình ủng hộ

Ngay khi đề xuất này được đưa ra, đã gây nên làn sóng tranh cãi gay gắt trong xã hội. Một số người cho rằng, đề xuất này là không hợp lý, bởi khi người lao động vì một lý do phải đi tù thì sẽ bị tước quyền công dân và đương nhiên sẽ không có quyền được hưởng lương hưu.

Lương hưu là tiền đóng bảo hiểm để người lao động dưỡng già không thể cắt dù bị đi tù.

Anh Lương (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: "Tôi nghĩ đây là một đề xuất không hợp lý lắm bởi đã vào tù là bị tước quyền công dân rồi thì không có quyền đòi hỏi. Quyền công dân trong Hiến pháp quy định bao gồm quyền an sinh xã hội. Đã bị đi tù là bị tước quyền công dân trong đó có quyền hưởng an sinh xã hội, quyền hưởng bảo hiểm xã hội. Đi tù được nhà nước nuôi, nếu còn được hưởng lương hưu thì là hưởng lương hai lần rồi. Nếu anh sống và làm việc đúng pháp luật thì sẽ hưởng đủ thứ chứ đâu chỉ lương hưu".

Đồng tình với quan điểm của anh Lương, chị Hà ở Láng Hạ, Hà Nội bày tỏ: "Theo tôi thì thực hiện đóng bảo hiểm là quyền và lợi của mọi công dân. Nhưng khi chấp hành án tù là mất quyền công dân, mà đã mất quyền công dân thì mọi quyền khác sẽ không còn nên trả lương hưu là không được, những khoản tiền đó nên dành làm việc khác. Và nếu trả lương hưu khi vào tù hay khi đang thi hành án thì sẽ mất tính răn đe với những người khác".

Người đi tù bị cắt lương hưu (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Tuy nhiên, đa phần người dân đều ủng hộ đề xuất này bởi tính nhân đạo, nhân văn của nó. Lương hưu, về bản chất, hoàn toàn không phải là một khoản tiền mà nhà nước cấp cho; mà là khoản tiền dành dụm của người lao động suốt cả một cuộc đời. Hàng tháng, người lao động đã phải trích 22% lương đóng lương hưu phòng lúc về già, là số tiền không nhỏ họ tự bỏ ra để nuôi chính mình sau này. Nếu đi tù mà cắt lương hưu, thì khoản tiền ấy sẽ đi về đâu. Việc vi phạm pháp luật thì bản chất là người vi phạm bị phạt tù nhưng công lao đóng góp cho xã hội cho kinh tế và họ phải đóng bảo hiểm rồi thì không có lý gì họ lại không được hưởng lương cho dù họ là tù nhân.

Bà Hòa ở Kim Liên, Hà Nội hoàn toàn ủng hộ đề xuất này bởi theo bà: "Người ta đóng tiền bảo hiểm đàng hoàng chứ có phải đi ăn xin của ai đâu mà đòi cắt của họ. Phạm pháp toà kết án tù là tội của người đó phải chịu, còn lương hưu là quyền lợi kinh tế của người tham gia bảo hiểm, bảo hiểm phải trả người ta chứ sao lại cắt của họ được?".

Bà Hằng ở Thái Thịnh, Hà Nội chia sẻ: "Nhà tôi cũng từng có người đi tù nên tôi hoàn toàn hiểu được nỗi khổ của gia đình những người bị bắt. Gia đình mất đi một lao động chính, con cái, mẹ già nheo nhóc. Rồi tiền lương hưu của người ngồi tù cũng bị cắt. Lương hưu là việc tích cóp của người lao động để dành khi hết tuổi lao động... Người ta đi tù là đã khổ rồi vậy đừng ảnh hưởng cuộc sống gia đình họ khi những đồng lương hưu ít ỏi đó bị giam lỏng. Đừng để góp phần khổ cho gia đình họ để từ đó túng quấn hoặc sa vào tệ nạn,...".

"Hưởng lương hưu là từ tiền đóng bảo hiểm trong nhiều năm, là "tiền để dành" của người lao động, không thể vì họ vi phạm phải đi tù mà cắt tiền của họ", chị Giang ở Thái Hà, Hà Nội chia sẻ.  

Theo điều 62 - Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo;

2. Xuất cảnh trái phép;

3. Bị Toà án tuyên bố là mất tích;

Theo luật sư Trần Khắc Thanh - Trưởng văn phòng luật sư APEC cho biết: "việc cắt lương hưu của người đi tù là không hợp lý bởi việc phạm tội và việc người dân đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu là hai việc hoàn toàn độc lập. Người vi phạm pháp luật đã phải chịu hình phạt mất đi tự do, mất quyền công dân nhưng lương hưu lại là lợi ích chính đáng do tích luỹ mà có. Việc cắt lương hưu của người phạm tội thực sự không phù hợp với chính sách nhân đạo của Nhà nước. Nên để người thân, gia đình của phạm nhân được hưởng thay khoản lương đó".

Ngọc Trâm - Lê Phong
.
.
.