Di sản được UNESCO ghi danh: Khó hài hòa giữa bảo tồn và khai thác

Thứ Bảy, 18/01/2020, 16:22
Việt Nam hiện có 40 di sản được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Việc có di sản được ghi danh là niềm tự hào của cộng đồng, người dân, chính quyền địa phương, mang đến cơ hội để phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch.


Nhưng để giải quyết hài hòa giữa công tác bảo vệ, bảo tồn với việc khai thác các di sản này vẫn là bài toán khó đối với hầu hết các cộng đồng có di sản, địa phương được giao quản lý di sản.

Di sản là đòn bẩy phát triển kinh tế cho nhiều địa phương

Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Nhiều năm trở lai đây, các giá trị văn hóa và thiên nhiên của Khu Di sản Tràng An là nguồn lực quan trọng trong tạo sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn cao và là những lợi thế nâng cao hình ảnh, vị thế du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Di sản Tràng An trở thành điểm đến hấp dẫn, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế.

Lượng khách đến Ninh Bình ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách giai đoạn 2010-2018 đạt trên 12%/năm. Năm 2019, toàn tỉnh ước đón 7,65 triệu lượt khách tham quan, doanh thu ước đạt 3.600 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, di sản đã thực sự mang lại lợi ích và ngày càng trở nên gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân địa phương. Với chủ trương và chính sách phát triển du lịch bền vững gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân đã làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương trong khu di sản, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch.

Nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục, nhiều ngành nghề mới, sinh kế mới được tạo ra và đã có sự gắn kết giữa các hoạt động du lịch với nông nghiệp, trải nghiệm cuộc sống của người dân.

Cụ thể, trong Khu Di sản Tràng An hiện có khoảng 4.582 người chở đò, với thu nhập bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng, vào mùa lễ hội có thể lên tới trên 10 triệu đồng/tháng. Hướng dẫn du lịch là một nghề mới được nhiều bạn trẻ ở các địa phương lựa chọn. Với 236 cơ sở lưu trú và nhà hàng, hoạt động kinh doanh dịch vụ này đã tạo việc làm cho khoảng 1.445 lao động.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ đồ lưu niệm, đồ uống, cho thuê xe đạp, xe máy khá phát triển, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhiều hộ dân đã giàu lên nhờ ngành nghề kinh doanh mới này. Hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nói trên, việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Số lượng khách du lịch đến tham quan các khu, điểm du lịch trong khu di sản tăng nhanh kéo theo nhu cầu cao về lưu trú, đặc biệt là ở các khu vực có cảnh quan tự nhiên và khu dân cư nằm xen kẽ giữa các điểm du lịch.

Loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo hình thức nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê phát triển mạnh, chủ yếu tập trung trên địa bàn các xã nằm trong vùng lõi của di sản.

Tăng trưởng dân số dẫn đến nhu cầu về nhà ở của người dân tăng lên đã tạo ra những khó khăn và áp lực nhất định cho công tác quản lý, bảo tồn cảnh quan môi trường di sản. Trong khi đó, địa phương chưa có quỹ đất để di dời người dân sống rải rác trong vùng lõi của di sản ra vùng đệm.

Với vịnh Hạ Long, sau khi được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực trên mọi phương diện trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Năm 2017, vịnh Hạ Long được công nhận là khu du lịch hàng đầu Việt Nam; năm 2018 là điểm đến hàng đầu Việt Nam.

Năm 2019, vịnh Hạ Long đã đón tiếp khoảng 4,4 triệu lượt khách, bằng 106% so với năm 2018, bằng 112% so với năm 2017. Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, Trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong bối cảnh không gian rộng lớn có sự phát triển đan xen của nhiều hoạt động, loại hình kinh tế - xã hội, đồng thời với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và mạnh như hiện nay thì công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản vịnh Hạ Long đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Di sản giúp Thừa Thiên - Huế thu hút một lượng lớn khách du lịch hàng năm.

Áp lực từ các hoạt động kinh tế - xã hội đa ngành trên vịnh Hạ Long tạo sức ép không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ Di sản nói chung và cảnh quan, môi trường sinh thái vịnh Hạ Long nói riêng. Việc phát triển du lịch mạnh mẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới các nguồn tài nguyên của Di sản do gia tăng chất thải và sự tập trung nhiều người và phương tiện tại một số điểm du lịch trong mùa cao điểm gây vượt quá ngưỡng chịu tải cho phép...

Còn ở tỉnh Thừa Thiên- Huế - địa phương đầu tiên của Việt Nam có hai di sản thế giới được UNESCO ghi danh, thì di sản văn hóa không chỉ là phương tiện đưa Huế hội nhập sớm với thế giới mà đã thực sự trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao tỉnh Thừa Thiên- Huế, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng việc khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Di tích Cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích.

Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà Di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách thập phương và góp phần làm cho ngành Du lịch dịch vụ của Thừa Thiên- Huế có những bước phát triển nhanh chóng.

Riêng tại khu di tích Huế, từ năm 2016 đến nay, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng/năm. Nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản và cải thiện đời sống của những người làm công tác bảo tồn… Di sản văn hóa đã trở thành hạt nhân và động lực cho sự phát triển, dù rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế.

Người dân cần tham gia vào việc bảo tồn, phát huy ý nghĩa của các di sản

Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO, Bộ Ngoại giao, đến nay, Việt Nam có 40 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 8 di sản trong Danh sách di sản thế giới, 12 di sản trong Danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản trong Danh sách di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 7 Di sản tư liệu thuộc Chương trình kí ức thế giới, 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 Công viên địa chất toàn cầu và 1 thành phố gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo.

Những kết quả này là cả một quá trình chuẩn bị công phu trong và ngoài nước bao gồm việc xây dựng hồ sơ, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, chính quyền các địa phương có di sản, cộng đồng, người dân, các doanh nghiệp liên quan với sự điều phối, hỗ trợ hiệu quả của Uỷ ban Quốc gia và Ban Thư ký UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện hồ sơ, vận động để các nước, các cơ quan chức năng của UNESCO hiểu rõ hơn về giá trị và ủng hộ các hồ sơ đệ trình.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng,  việc có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể cùng các khu sinh quyển, vườn địa chất và nhiều bằng chứng lịch sử - văn hóa của quốc gia đã được UNESCO ghi danh là niềm tự hào của người dân Việt Nam, của chính quyền nhiều địa phương, của những người hoạt động trên lĩnh vực bảo tồn văn hóa, đặc biệt là những người đang hoạt động trên lĩnh công tác UNESCO ở Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên còn có một trách nhiệm quan trọng, đó là thường xuyên thông tin cho  nhân dân, kể cả những người giữ vai trò quản lý trên lĩnh vực văn hóa hiểu rằng các di sản được UNESCO ghi danh không chỉ là cơ hội để tìm kiếm tiềm năng kinh tế, là niềm tự hào, sự hãnh diện với thế giới mà còn là trọng trách rất lớn lao.

Để bảo tồn và phát huy ý nghĩa các di sản này, rất cần đại chúng hiểu thấu đáo hơn thế nào là di sản văn hóa, thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước quốc tế về di sản, và cần nhiều hơn những sáng kiến nhằm thu hút nhân dân tham gia vào lĩnh vực bảo tồn, phát huy ý nghĩa của các di sản vì các mục tiêu, lợi ích quốc gia và quốc tế.

Hải Hà
.
.
.