Để nâng cao tầm vóc người Việt

Thứ Ba, 05/09/2017, 11:50
Không biết các bạn nghĩ gì chứ mỗi lần xem đội tuyển bóng đá Việt Nam ở đấu trường SEA Games, vào thời điểm nửa hiệp hai là tôi bắt đầu lo lắng. Vấn đề không nằm ở chuyên môn mà là khi bình luận viên nhắc đi nhắc lại điệp khúc cầu thủ chúng ta có dấu hiệu xuống sức.

Khi trận đấu vào thời điểm quyết định, khi cầu thủ hai bên đang phải nỗ lực hết mình để giành chiến thắng mà có dấu hiệu xuống sức thì còn làm ăn được gì nữa.

Khả năng kiểm soát bóng kém đi, những bước chạy nước rút không còn như mong muốn, những cú sút mất phương hướng…, đó là tất cả những việc hoàn toàn có thể xảy ra đối với cầu thủ khi họ không còn phong độ và câu chuyện "lực bất tòng tâm" cũng là điều dễ hiểu.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Mà xuống sức là đương nhiên thôi, bởi so với cầu thủ đội bạn, các cầu thủ của ta "nhỏ con" hơn hẳn. Trong thể thao, có thể người ta nói tới nhiều yếu tố như kỹ thuật, chiến thuật, nhưng một khi thể lực yếu hơn đối phương thì mọi kỹ thuật, chiến thuật không còn tác dụng, không thể làm chủ mọi tình huống và kết cục tất yếu phải đến. Đó là thua cuộc.

Cùng là dân châu Á, chắc chắn nhiều người sẽ không khỏi mặc cảm về tầm vóc khi so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói đến những quốc gia khác có nền kinh tế xếp thứ hạng trên thế giới.

Dáng vóc của một con người cũng thể hiện sức mạnh của một quốc gia. Nó không chỉ toát lên sự linh hoạt, dẻo dai, năng động mà còn mang lại phong thái tự tin khi đối diện với người khác.

Sức khỏe con người là vốn quý nhất. Điều này chúng ta đã nghe nói rất nhiều, nhưng làm gì để cải thiện tình hình thì các giải pháp, chiến lược hầu như chưa thật sự có tác động mạnh trong thực tiễn.

Tiện đây xin kể cho các bạn hai mẩu chuyện nhỏ.

Chuyện thứ nhất, giáo viên chủ nhiệm của một trường THPT ngay từ đầu năm lớp 10 đã yêu cầu học sinh phải dùng những quyển vở dày cộp như một cuốn tiểu thuyết để có thể sử dụng trong… 3 năm học.

Nghĩa là tiện cho việc ôn lại kiến thức cũ trước khi thi đại học, là sẽ tiết kiệm rất nhiều cho bố mẹ vì không phải mua vở nhiều.

Chính vì thế, mỗi khi đến trường, ba lô của học sinh cứ gọi là trĩu vai, nhẹ nhất thì cũng 5-7kg. Sức vóc đã không được tốt mà còn phải vác thêm số cân nặng như thế thì sẽ rất ảnh hưởng đến sự phát triển của cột sống, chiều cao học sinh.

Chuyện thứ hai, cháu họ tôi đang định cư ở một nước châu Âu. Mới 15 tuổi nhưng cháu có chiều cao vượt trội như một vận động viên bóng rổ mặc dù bố mẹ cháu có chiều cao khiêm tốn như đa số người Việt.

Cháu kể, mỗi ngày, cháu học 2-3 tiết văn hóa trên lớp. Thời gian còn lại, các cháu tự học trên thư viện rồi tham gia vào các môn thể thao sở trường. Tất nhiên cháu có đam mê đặc biệt với bóng rổ và rất tự hào khi là học sinh châu Á nhưng vẫn có tên trong đội tuyển bóng rổ của trường.

Các bạn khác có thể tham gia môn đá bóng, bơi lội, thể dục dụng cụ hay điền kinh… và hot boy, hot girl của trường khiến các bạn nể phục không chỉ là những bạn học giỏi, xinh đẹp mà còn là các bạn có thành tích cao trong hoạt động thể thao.

Đưa 2 mẩu chuyện trên, tôi không có ý định so sánh về phương pháp giáo dục của các quốc gia, nhưng một thực tế mà chúng ta dễ dàng nhận thấy: Kinh tế càng phát triển, đời sống người dân càng nâng cao thì điều họ đặc biệt quan tâm là vấn đề sức khỏe. Có sức khỏe, con người mới làm được nhiều việc, mới tận hưởng cuộc sống và biết soải cánh đến những chân trời rộng lớn.

Nhân dịp năm học mới sắp khai giảng, điều tôi muốn nói chính là cải tiến giáo dục thể chất cho các học sinh phổ thông cũng như đại học, cao đẳng. Các mô hình, phương pháp tiên tiến luôn có, nhưng tại sao chúng ta không áp dụng để các thế hệ học sinh có điều kiện nâng cao sức khỏe, tầm vóc của mình.

Đây là việc nên làm và phải làm thật tốt để trong tương lai, tầm vóc của người Việt ngày càng được cải thiện và chúng ta hẳn sẽ trút bỏ được mặc cảm về sự khiêm tốn chiều cao với bạn bè quốc tế.

Tuấn Nguyễn
.
.
.