Để đất nước không còn bị mang tiếng là “Cường quốc rượu bia”!
Với những quy định cụ thể này, nhiều người hy vọng tình trạng lạm dụng rượu bia sẽ được hạn chế để đất nước sớm thoát khỏi cảnh mang tiếng là “Cường quốc rượu bia”.
1.Cho tới bây giờ, dù đã đi làm 20 năm, nhưng mỗi lần đi công tác, nhất là đi các tỉnh miền núi, tôi vẫn bị ám ảnh bởi những… trận rượu. Đi công tác miền núi, đến bữa cơm, anh em cơ sở có quý thì mới mời đi ăn, mà đã ăn thì đương nhiên phải uống. Nhưng không có chuyện chỉ uống một hai chén mà cứ phải “trăm phần trăm” liên tục với rất nhiều lý do. Nếu là lần đầu đến thì cạn để làm quen. Hết một vòng giới thiệu tên tuổi thì đến giới thiệu quê quán, nếu là đồng hương thì phải uống để nhận đồng hương; rồi uống vì cùng tên, uống vì cùng năm sinh, uống vì cùng sinh con một bề, uống vì có chung một người bạn, uống vì từng học cùng trường đại học… nghĩa là có tới 1001 lý do để cuối cùng là… uống.
Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông. |
Mà đã nâng lên là phải “dốc ngược, lắc mông, sờ một cái”, nghĩa là uống cạn, cầm chén dốc ngược lắc để chứng tỏ mình không để lại “long đen” rồi mới bắt tay nhau... bởi “rượu cũng từ gạo mà ra, chúng ta uống rượu cũng là… ăn cơm”.
Cứ thế, hết chén này đến chén khác, đến khi cả chủ lẫn khách ít cũng một người đứng không nổi, còn không thì tất cả cùng... cắm mặt xuống mâm cuộc uống mới ngừng.
Nhưng người ta lại quan niệm rằng thế mới vui, thế mới là... hết lòng và phải uống như thế thì mới... nhiệt tình làm việc. Còn không sẽ bị coi là “làm khách”, mà đã “làm khách” thì... cũng không nhiệt tình khi làm việc nữa. Những cuộc nhậu như thế thường diễn ra bất kể là bữa trưa hay bữa tối…
2. Dài dòng một chút để thấy, có lẽ không quá lời khi nói rằng ở Việt Nam bây giờ, uống rượu đã trở thành một thứ tệ nạn mà số người tham gia ngày càng đông đảo. Đi đến bất cứ một tỉnh nào cũng có thể thấy đều có những phố ăn nhậu, từ quán bình dân vỉa hè tới nhà hàng sang trọng. Còn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hầu như tuyến phố nào cũng có quán nhậu và bất kể buổi trưa hay chiều những quán nhậu luôn đông đúc.
Theo thống kê của Bộ Y tế công bố năm 2018, tỉ lệ người Việt Nam uống rượu, bia thuộc hàng cao nhất thế giới với 80,3% nam giới và 11,6% nữ giới. Việt Nam hiện đứng thứ 2 các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Với bảng "chỉ số xếp hạng" như vậy, nhiều chuyên gia ví Việt Nam đứng vào nhóm "cường quốc" sử dụng rượu, bia.
Hiện mỗi năm người Việt Nam uống tới gần 4,7 tỉ lít bia, 350 triệu lít rượu. |
Uống rượu có vui không? Chắc chắn là vui, thế mới có câu “rượu vào lời ra”. Nhưng nó chỉ vui khi người uống tỉnh táo, còn khi đã quá đà thì rượu bia là tác nhân gây ra đủ thứ.
Theo TS Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh sử dụng rượu, bia có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư như ung thư vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng...
Rượu, bia cũng có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác nhau như tụy, máu, tế bạch hầu; gây rối loạn chuyển hóa dẫn đến bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp...".
Nhưng từ lúc uống rượu đến khi bị bệnh cũng còn là một khoảng thời gian. Còn có những tác hại tức thì, đó là tai nạn giao thông. Hầu như năm nào cũng vậy, sau mỗi dịp nghỉ lễ, tết, ngành Y tế lại đưa ra những con số thống kê số người chết vì tai nạn giao thông, trong số đó có tỷ lệ lớn có liên quan tới rượu bia.
Bộ Y tế từng nghiên cứu trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia được thực hiện tại 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy 82% bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Hơn một nửa nạn nhân trong độ tuổi 15-29, hầu hết là nam giới.
Đã có nhiều vụ tai nạn thảm khốc chỉ vì người điều khiển ôtô say rượu tông vào cả đoàn người đi xe máy trên đường như vụ nữ tài xế say rượu điều khiển xe BMW đâm liên hoàn trên đường ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh xảy ra tháng 10- 2018 khiến làm 1 người chết, 7 người bị thương…
Không chỉ là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn giao thông, rượu bia còn là nguyên nhân của các vụ ẩu đả. Những năm gần đây, hầu như Tết năm nào cũng có nhiều người nhập viện do ẩu đả. Tết là đỉnh điểm của biểu đồ tiêu thụ rượu bia.
Người trẻ thường hay bốc đồng, vì vậy tỉ lệ người mất kiểm soát hành vi trong dịp Tết cao hơn bất cứ thời điểm nào trong năm. Dịp Tết 2019, cả nước có trên 3.400 người phải đi cấp cứu do ẩu đả, và theo các bác sĩ điều trị thì một trong những nguyên nhân của các vụ đánh nhau vào dịp Tết là do uống rượu bia.
3. Tác hại của rượu bia thì ai cũng biết, nhưng người ta vẫn cứ uống say sưa ngày này sang ngày khác. Tốc độ tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam tăng với tốc độ kỷ lục khi năm 2018, lượng rượu bia tiêu thụ tại Việt Nam đang tăng khoảng 15%/năm, lên tới gần 4,7 tỉ lít bia, 350 triệu lít rượu, vượt cả dự báo vào… năm 2025.
Tính bình quân giá mỗi lít bia/rượu là 1 USD, thì chi phí cho bia rượu đã vượt 5 tỉ USD. Vì thế, Việt Nam đã trở thành thị trường hấp dẫn của các hãng rượu bia thế giới.
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, thiệt hại liên quan đến rượu bia gồm 1/3 là các thiệt hại trực tiếp, 2/3 là các thiệt hại gián tiếp. Theo bà Hạnh, với chi tiêu cho rượu bia khoảng 5 tỉ USD/năm, các thiệt hại xung quanh rượu bia lên tới mức 450 USD/người/năm.
Thiệt hại ở mức cao như vậy là tương đương với những quốc gia có thu nhập bình quân gấp 10 lần Việt Nam. Đặc biệt rượu bia còn liên quan vô số hệ lụy về kinh tế, trật tự xã hội, bạo lực gia đình và tổn thất sức lao động, bất bình đẳng xã hội và môi trường.
Tuy nhiên, khi dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia quy định đã uống rượu bia thì không lái xe, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Kiến nghị của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới khác với Hiệp hội doanh nghiệp rượu bia, xuất phát từ lợi ích của hai bên. Chuyên gia sức khỏe thì kiên quyết cấm, nhưng chuyên gia đứng về phía doanh nghiệp thì phản đối. Tuy nhiên, cuối cùng các đại biểu Quốc hội đã ủng hộ cao. Nội dung trên được bổ sung vào dự thảo luật và được thông qua.
Mỗi năm có hàng nghìn người chết vì tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ nguyên nhân do lái xe say rượu. |
4. Vậy là từ ngày 1-1-2020, quy định này đã chính thức có hiệu lực. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, khi đưa ra quy định cấm uống tuyệt đối trước khi lái xe thì trong tâm thức của người uống rượu bia hiểu rằng chỉ cần uống rượu bia rồi lái xe là phạm luật, không cần tính bao nhiêu lon, bao nhiêu chai mới bị xử lý.
Điều này giúp nhận thức sẽ khác đi, không còn tự mình mặc cả với mình uống đến bao nhiêu. Như vậy, người ta sẽ có sự thay đổi, sự ứng xử khác khi vẫn uống và không lái xe nữa mà đi chung xe, taxi, xe ôm, hay dặn người nhà, bạn bè đến đón về.
“Với quy định trên, người điều khiển phương tiện giao thông dù là ôtô, xe máy, xe đạp, tàu, thuyền, máy bay... nếu uống rượu trước hoặc trong khi điều khiển phương tiện đều bị phạt, không có mức chưa bị phạt như đối với xe máy trước đó. Cách đối phó tích cực nhất là xác định tâm thế "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Tất cả mọi người chỉ cần nhớ và thực hiện một điều là "đã uống rượu bia thì không lái xe", bất kể xe gì. Đó là thông điệp rất rõ. Trong lòng mình tâm niệm điều đó thì sẽ có cách ứng xử: tôi vẫn đi uống rượu nhưng đã uống thì không lái”, ông Hùng nói.
Hy vọng rằng với quy định mới này sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân, để việc uống rượu mọi lúc, mọi nơi không còn được coi là một thứ văn hóa nữa, để đất nước sẽ sớm thoát khỏi “tiếng tăm” là “Cường quốc rượu bia”.
Một trong những nội dung chính của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là quy định 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia được đề cập đầu tiên. Ngày 30-12, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều điểm mới. Nghị định đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Nghị định sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 46. Đặc biệt, tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm. Đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn (mức 3), ma túy. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định quy định phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016/NĐ-CP trước đây quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng. Đối với người điều khiển xe môtô, phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ phạt từ 400-600 nghìn đồng. Đối với người điều khiển ôtô mà trong cơ thể có chất ma túy, Nghị định cũng tăng mức phạt tương tự. |