Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm cướp giật tài sản

Chủ Nhật, 14/01/2018, 15:05
Tội phạm cướp giật tài sản là một trong những loại tội phạm nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân.

Nhưng hành vi phạm tội xảy ra không chỉ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của các nạn nhân, đồng thời còn gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội và không ít hệ lụy khác. Hiện nay thực trạng này vẫn khá nhức nhối tại nhiều địa phương ở phía Nam…

Tội phạm cướp giật tài sản vẫn nhức nhối

Theo Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, hiện tội phạm cướp giật tài sản (CGTS) đang diễn biến phức tạp, trở thành vấn đề nhức nhối và lực lượng Cảnh sát nhân dân đang tập trung đấu tranh quyết liệt, đặc biệt tại các thành phố lớn, nhất là TP Hồ Chí Minh.

Tội phạm cướp giật tài sản thường diễn ra nhanh, bất ngờ và rất khó ngăn chặn, tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này thể hiện ở chỗ gây án liên tục, có những đối tượng trong một ngày gây nhiều vụ án cướp giật tài sản, đặc biệt là trên các tuyến giao thông, tại các khu vui chơi, giải trí, các nơi công cộng…

Thiếu tướng, GS.TS Hồ Trọng Ngũ phát biểu tại Hội thảo "Phòng, chống tội phạm cướp giật tài sản".

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (C45),  trung bình mỗi năm trên toàn quốc xảy ra gần 3.000 vụ cướp giật tài sản, chiếm tỷ lệ dao động trên dưới 9% số vụ xâm phạm sở hữu và khoảng 5% tổng số vụ phạm pháp hình sự.

Điển hình, năm 2015 cả nước xảy ra 2.924 vụ cướp giật, chiếm 5,1% tổng số vụ phạm pháp hình sự, với 3.208 đối tượng; năm 2016 xảy ra 2.800 vụ CGTS, chiếm 5,2% tổng số vụ phạm pháp hình sự với 3.024 đối tượng.

Chỉ tính đến quý 1-2017, toàn quốc xảy ra 12.765 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 565 vụ CGTS, chiếm 4,4%, điều tra khám phá 160 vụ, bắt xử lý 183 đối tượng.

Với số vụ CGTS khá cao nhưng tỷ lệ khám phá lại tương đối thấp, tại Hội thảo khoa học - thực tiễn "Phòng, chống tội phạm cướp giật tài sản" do Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an tổ chức vào cuối tháng 12-2017 tại TP Hồ Chí Minh, Đại tá Nguyễn Văn Tảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, nhấn mạnh, thực tế này đã làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, gây tâm lý lo lắng trong quần chúng nhân dân.

Công tác phòng ngừa, điều tra khám phá trong lĩnh vực án truy xét đối với loại tội phạm này thời gian qua còn những hạn chế nhất định, hiệu quả chưa cao.

Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết những năm gần đây, tình hình tội phạm CGTS có chiều hướng gia tăng, gây tâm lý hoang mang trong các tầng lớp nhân dân và gây nhiều khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh…

Bên cạnh sự gia tăng về số vụ, kết quả nghiên cứu, thống kê cũng cho thấy, hậu quả tác hại và tính chất nghiêm trọng của tội phạm này cũng không ngừng gia tăng. Nhiều vụ CGTS, bên cạnh việc chiếm đoạt tài sản, đối tượng phạm tội còn gây thương tích nặng cho người bị hại, mất an toàn giao thông…

Tội phạm CGTS đang có xu hướng trẻ hóa, phức tạp về thành phần, độ tuổi, giới tính… với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm, manh động câu kết thành băng, ổ, nhóm hoạt động chuyên nghiệp, lưu động trên địa bàn rộng.

Nhiều đối tượng phạm tội có tiền án, tiền sự, đặc biệt số đối tượng bị bắt giữ về phạm tội CGTS có liên quan đến ma túy chiếm tỷ lệ cao (khoảng 80%). Đáng chú ý, số đối tượng là học sinh, sinh viên phạm tội, CGTS có xu hướng tăng, thường tập trung vào những trường hợp lười học, bỏ học, nghiện game online, nghiện ma túy… thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, nhà trường.

Hai đối tượng cướp giật Phạm Văn Đức và Phạm Văn Kỳ.

Riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh, Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện CSND cho biết, trong giai đoạn từ 2011-2016, theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, xảy ra 35.140 vụ phạm pháp hình sự, trung bình khoảng gần 6.000 vụ/năm. Riêng CGTS xảy ra 6.694 vụ, chiếm 19,05% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra.

Vấn đề cốt lõi vẫn là nhận thức và hành động của người dân

Từ những vụ án kể trên có thể thấy "mô-típ" các đối tượng lợi dụng sơ hở của bị hại khi tham gia trên các tuyến giao thông, đối tượng sử dụng xe máy tháo biển kiểm soát hoặc lắp biển kiểm soát giả và tập trung theo dõi để ý những phụ nữ đi xe mô tô có đeo túi khi sơ hở gây án…

Đặc biệt, các đối tượng thành lập băng, nhóm từ hai đến ba đối tượng dàn dựng giả vờ đụng xe để CGTS hoặc tạo cảnh gây gổ, đánh nhau để đồng bọn có cơ hội tiếp cận bị hại CGTS… 

Đối với các vụ án CGTS có đồng phạm, các đối tượng thường có sự bàn bạc, phân công nhiệm vụ người trực tiếp giật, người điều khiển phương tiện, người làm nhiệm vụ cản đường.

Một số đối tượng chuyên nghiệp thường ăn mặc rất lịch sự, chạy xe máy đắt tiền, tụ tập tại các ngân hàng, khách sạn, quán ăn, trung tâm mua sắm sang trọng, lợi dụng lúc khách hàng sau khi ra về, thiếu cảnh giác để thực hiện hành vi phạm tội.

Có thể nói, tội phạm CGTS hiện nay có tính chuyên nghiệp cao, hoạt động lưu động trên nhiều địa bàn, lĩnh vực, có sự đan xen câu kết với các loại tội phạm khác.

Đặc biệt, thời gian qua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tình hình tội phạm CGTS diễn biến phức tạp, nhất là CGTS của khách du lịch, của người nước ngoài, gây ảnh hưởng xấu về hình ảnh con người, đất nước Việt Nam, nhiều vụ gây dư luận xấu, bất bình, gây tâm lý bất an đối với người dân và người nước ngoài đến Việt Nam.        

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm CGTS, bên cạnh tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, diễn biến hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn, nhất là tội phạm CGTS, theo Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thuận, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cần phải làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, tăng cường tuyên truyền giáo dục cho quần chúng nhân dân về tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là ý thức tự bảo vệ tài sản và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm CGTS trên các tuyến giao thông đường bộ… 

Đặc biệt, vấn đề cốt lõi vẫn là nhận thức và hành động của người dân trước những tình huống phát sinh tội phạm CGTS. Về phía nạn nhân phải tự nâng cao ý thức cảnh giác bảo vệ tài sản của mình khi tham gia giao thông hay tập trung ở những nơi đông người, nơi công cộng, không đeo nhiều trang sức, mang nhiều tài sản có giá trị khi tham gia giao thông; không được để túi xách ở các vị trí dễ bị cướp giật như khoác tay, để tay cầm lái, trên ba-ga xe hay một tay cầm lái một tay cầm tài sản…

Cảnh sát cơ động bắt giữ một đối tượng cướp giật ở địa bàn quận Tân Bình.

Khi bị cướp giật cần phải hô hoán để người khác giúp đỡ trong việc truy bắt thủ phạm. Phải giữ tâm lý bình tĩnh để xử lý việc tiếp theo. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe cho chính mình, không nên có những hành động liều lĩnh đuổi theo thủ phạm khi không có người trợ giúp hoặc các phương tiện giao thông đang đi với tốc độ cao.

Một yếu tố quan trọng, khi bị cướp giật cần kịp thời trình báo, hợp tác nhiệt tình với cơ quan điều tra để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo Thượng tá Nguyễn Hồng Phong nhận định, tình hình tội phạm CGTS trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp cả về tính chất, mức độ với thủ đoạn gây án ngày càng tinh vi, manh động; trong đó có sự tác động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thách thức do việc quản lý, xử lý người nghiện, nhất là nghiện ma túy tổng hợp còn nhiều khó khăn vướng mắc.  

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm CGTS trên địa bàn, Công an TP Hồ Chí Minh cần tập trung tổ chức đồng bộ hoạt động phòng ngừa xã hội, huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư cùng tham gia phòng, chống tội phạm CGTS.

Cụ thể, đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tội phạm CGTS tại địa bàn dân cư, nhất là tại những địa bàn phức tạp, trọng điểm, địa bàn giáp ranh xảy ra nhiều vụ CGTS, đặc biệt là những phương thức, thủ đoạn mới cho người dân biết chủ động phòng, chống. 

Quan trọng không kém là cần quan tâm tới công tác xây dựng và hoàn thiện lực lượng hình sự đặc nhiệm các cấp như Phòng PC45 Công an thành phố và Công an các quận, huyện; tăng cường công tác sơ kết, tổng kết các chuyên án, vụ án CGTS trọng điểm, phức tạp nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả thời gian tới; tổ chức hệ thống camera quan sát an ninh trật tự ở các cấp, tập trung các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tư, tuyến địa bàn giáp ranh, địa bàn tình hình tội phạm CGTS diễn biến phức tạp, có số vụ CGTS xảy ra nhiều… và từng bước kết nối đồng bộ đến trung tâm thông tin chỉ huy các cấp để chủ động phát hiện, phục vụ công tác đấu tranh, điều tra xử lý tội phạm.

P. Lữ - Đ. Mừng
.
.
.