Đẩy lùi bạo lực học đường – phải bắt đầu từ đâu?
Bài cuối: Đổi mới tư vấn tâm lý và cách giáo dục kỹ năng sống...
Tất cả những biểu hiện đó đã thôi thúc các nhà quản lí giáo dục, chính quyền địa phương, đặc biệt các trường phổ thông phải thức tỉnh, để vào cuộc một cách quyết liệt, đảm bảo sự an toàn cho 22 triệu học sinh, sinh viên khi đến trường.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về những giải pháp nhằm đẩy lùi tận gốc bạo lực học đường (BLHĐ).
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay, phòng, chống BLHĐ cần sự chung tay của cả xã hội. |
- Thưa ông, cá nhân ông cảm thấy ra sao trước nạn BLHĐ ngày càng diễn biến phức tạp? Ông lý giải về hiện tượng này như thế nào?
- Không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai cũng cảm thấy buồn, lo lắng trước nạn BLHĐ, khi mà một số vụ việc đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường, mà trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống BLHĐ rất đầy đủ. Nhưng tình trạng BLHĐ vẫn đang diễn biến phức tạp, theo tôi có một số nguyên nhân như sau:
Về khách quan, sự bùng nổ công nghệ thông tin, “phát triển nóng” mạng xã hội, phim ảnh, games tràn lan với nhiều yếu tố độc hại, bạo lực, trái thuần phong mỹ tục đã tạo môi trường thuận lợi để học sinh tiếp cận. Tỉ lệ giới trẻ nói chung, học sinh nói riêng tham gia mạng xã hội rất lớn.
Với độ tuổi đang phát triển, cộng với sự hiếu kỳ kết hợp với thiếu hiểu biết pháp luật của một số học sinh, nên hiện tượng ghi hình và phát tán các vụ đánh nhau dễ dàng được học sinh đăng lên mạng… Từ đó cộng đồng xã hội biết đến những vụ đánh nhau hội đồng nhanh hơn.
Thêm nữa, do mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động đến nhận thức và quá trình hoàn thiện nhân cách của học trò, nhiều em chạy theo lối sống coi trọng vật chất, từ đó, những ứng xử văn hóa cũng thay đổi mà chúng ta chưa theo kịp.
Một nguyên nhân khách quan nữa rất cần lưu tâm, đó là sức ép từ những mối quan hệ xung quanh mang đến sự căng thẳng, ức chế trong quá trình rèn luyện, học tập cho người học (như tình trạng ép con cái học thêm, bạo lực gia đình cũng ảnh hưởng đến tâm sinh lí học trò…).
Về nguyên nhân chủ quan, theo tôi do nhiều em học sinh còn thiếu các kỹ năng sống thiết yếu để có thể xử lí các tình huống, mặc dù ngành giáo dục đã tăng cường giáo dục kỹ năng cho các em nhưng nhiều nhà trường chưa cập nhật và theo kịp.
Mặt khác, ở nhiều trường phổ thông, việc nắm bắt theo dõi các mâu thuẫn tích tụ trong học sinh chưa toàn diện, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm chưa sâu sát học sinh, còn lúng túng trong giải quyết các mâu thuẫn trong học trò…
Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, các tài liệu tham khảo còn thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai. Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa chặt chẽ và chưa thực sự hiệu quả. Các gia đình còn có tâm lý "khoán trắng" cho nhà trường...
Qua đây tôi muốn lưu ý thêm rằng, hiện tượng học sinh đánh nhau trước đây cũng vẫn xảy ra. Tuy nhiên, do công nghệ thông tin chưa phát triển, các vụ việc không được ghi lại và đăng tải lên mạng, nên chúng ta nghĩ là ít xảy ra BLHĐ…
Ông Bùi Văn Linh. |
- Với trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm được những gì để ngăn chặn, phòng, chống nạn BLHĐ, thưa ông?
- Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn rất đầy đủ, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản pháp luật để hoàn thiện đầy đủ hệ thống hành lang pháp lý nhằm xây dựng môi trường sư phạm, văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy các môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, cán bộ làm công tác giáo dục chính trị, công tác học sinh sinh viên, đội ngũ cán bộ đoàn, đội…
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Thông tư liên tịch số 06/2015 của Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục.
Đánh giá chung, các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung phối hợp. Đến nay, 100% các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành phố và trên 90% các cơ sở giáo dục đại học trong toàn quốc đã ký chương trình phối hợp với ngành Công an cùng cấp triển khai Thông tư liên tịch 06.
- Nhưng có ý kiến cho rằng, mức xử phạt đối với nạn BLHĐ còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Qua nghiên cứu một số các quy định của pháp luật về phòng, chống BLHĐ nói riêng và bảo vệ trẻ em nói chung gắn với xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ, đúng là có một số hành vi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; mức phạt tiền đối với một số hành vi BLHĐ còn thấp chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Chính vì vậy, các Bộ, ngành chức năng như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung điều chỉnh về phòng, chống BLHĐ.
- Sắp tới, theo ông chúng ta cần ưu tiên những giải pháp nào để BLHĐ sẽ không tái diễn?
- Ngay trong ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Chỉ thị phòng chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, Bộ triển khai quyết liệt Kế hoạch phòng chống bạo lực học đường 2019, với 6 giải pháp căn bản, đó là: Truyền thông; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện tích cực; tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống BLHĐ vào chương trình và các hoạt động giáo dục; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất nhà giáo và tăng cường kiểm tra, giám sát...
Ngày 17-4, Bộ GD & ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng, chống BLHĐ, ngoài các giải pháp mà tôi đã đề cập ở trên thì lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các cục nghiệp vụ của một số Bộ như Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội... đã hiến kế nhiều giải pháp hay, khả thi như: Đưa giá trị sống vào chương trình giáo dục; các trường sư phạm phải đi trước một bước, đón đầu các vấn đề tâm lí học đường hay tăng cường truyền thông cái tốt, cái đẹp để dẹp đi cái xấu, tạo dựng niềm tin của xã hội...
Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với các bộ, ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường học. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù văn bản chỉ đạo rất sâu sát, cụ thể, nhưng khâu phổ biến, quán triệt cho cơ sở giáo dục, địa phương còn chưa hiệu quả.
Nhiều hiệu trưởng chưa làm tốt nhiệm vụ này, dẫn đến khi xảy ra sự việc thì lúng túng và chậm trễ trong xử lí, gây ra hậu quả xấu. Ở đây còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lí giáo dục ở địa phương, chưa nhận thức được tầm quan trọng của phòng, chống BLHĐ…
Ngày 17/4, tại Hội nghị “Đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường (BLHĐ)” với các điểm cầu đặt tại 63 tỉnh, thành phố và 603 huyện. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, không thể để phòng, chống BLHĐ chỉ chạy theo phong trào, mà phải được duy trì thường xuyên, liên tục.
Đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội và là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Tới đây, các kỹ năng ứng xử sư phạm, các mô hình phòng chống BLHĐ sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn. Bộ trưởng yêu cầu, các cơ sở giáo dục phải phân công rõ trách nhiệm của bí thư, hiệu trưởng, các giáo viên chủ nhiệm, đoàn, đội, hội, các giáo viên, người lao động, phụ huynh, gắn kết giữa nhà trường và gia đình.
Công tác tư vấn tâm lý học đường ngày càng quan trọng, giúp giải tỏa những mâu thuẫn tích tụ trong học trò, góp phần ngăn chặn BLHĐ. |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, các cơ sở giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với Công an, để phòng ngừa, nắm bắt chính xác vấn đề. Nếu giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết không cho đứng lớp, để răn đe, làm gương.
“Tôi thấy vai trò của truyền thông rất quan trọng, vì vậy, rất mong các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành. Nhiều vụ việc về BLHĐ, nếu không có truyền thông phát hiện, tạo sức ép thì xử lý cũng không đến nơi đến chốn được”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.