Dấu chân tiên phong người Công an cơ sở: Khi Công an chính quy về xã

Thứ Ba, 09/07/2019, 10:31
Công an xã ở những vùng trọng điểm không chỉ đơn thuần là làm hộ khẩu, giấy tờ hành chính hoặc giải quyết những vụ việc đánh nhau, truy tìm trộm cắp mà họ còn đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Bình yên cho từng mái nhà, từng thôn xóm đôi khi phải đánh đổi bằng máu.


Làm những việc dân cần

Nhanh nhẹn, hoạt bát, năng nổ là những tố chất đầu tiên chúng tôi cảm nhận được ở Thượng úy Lê Thanh Dũng, Trưởng Công an xã Krông Ana (Buôn Đôn). Chúng tôi hỏi, bà con ở đây thường tìm đến Công an xã để làm gì? Anh Dũng đưa ra một câu hỏi khác rồi tự trả lời. 

“Mình phải hiểu được người dân cần cái gì? Đa phần bà con đều cần và mong muốn các giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính được làm nhanh gọn. Ở vùng sâu, vùng bà con dân tộc thiểu số, kiến thức và trình độ hiểu biết còn hạn chế thì đòi hỏi Công an xã phải linh hoạt trong xử lý, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho dân. Các vụ việc an ninh trật tự xảy ra dưới thôn buôn như đánh nhau, bạo lực gia đình, chỉ cần “alo” một cái là Công an xã phải có mặt ngay. Một điều quan trọng nữa là vấn đề an ninh trật tự, an sinh xã hội. Khi trong gia đình không có cãi vã đánh nhau, con cái chịu khó làm ăn, học hành, khi tài sản không bị mất trộm, thì lòng dân cũng an yên. Đây chính là vấn đề cốt lõi mà Công an xã phải làm tốt và làm hiệu quả” - Thượng úy Lê Thanh Dũng chia sẻ. 

Từ ngày về với dân, anh Dũng thấy mình được rất nhiều. Có gì đó thật khó gọi tên, chỉ biết là vui và ấm áp mỗi lần nhìn thấy nụ cười của một Ama (người mẹ), cái bắt tay thật chặt của một Amí (người cha) khi họ được Công an xã giúp đỡ.

Có một câu chuyện mà Thượng úy Dũng nhớ mãi, về người đàn ông tên Y Thoe HMốc (23 tuổi). Y Thoe lấy vợ trong buôn Drang Phok nhưng cả vợ và hai đứa con đều không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào. Do hoàn cảnh quá khó khăn, Y Thoe làm đơn gửi Công an xã nhờ cấp sổ hộ khẩu để làm sổ hộ nghèo, bảo hiểm y tế. 

Tiếp nhận trường hợp này, Thượng úy Dũng phân công anh em đi xác minh nguồn gốc của Y Thoe tại xã Ea Wer, trao đổi với Công an xã Ea Wer nhờ phối hợp giúp đỡ rồi ra Công an huyện lục tàng thư. Một tổ khác đi xác minh vợ Y Thoe tại buôn Drang Phok. Hai tuần sau, Công an xã gọi vợ chồng Y Thoe lên nhận hộ khẩu. 

Cầm được cuốn sổ trong tay, vợ chồng Y Thoe mừng rơi nước mắt. Ngôn ngữ của họ không nhiều để nói những lời cảm ơn tận đáy lòng, họ chỉ biết đưa ánh nhìn chất chứa tất cả nỗi lòng hàm ơn đến những anh Công an xã. 

Có hộ khẩu rồi, gia đình Y Thoe được cấp hộ nghèo, thẻ bảo hiểm y tế. Cuộc sống không còn những chuỗi ngày vô danh, hoảng loạn bất lực vì ốm đau không có bảo hiểm. Từ đó, gia đình Y Thoe xem Công an Dũng như người thân trong nhà, có việc gì là họ tìm đến anh.

Lễ xuất quân Công an chính quy về xã.

Địa bàn xã Krông Ana có 5 đơn vị quản lý rừng nên lâm tặc cũng thường xuyên “ghé thăm”. Vào tháng 3 - 2018, Công an xã nhận được tin báo có một chiếc xe cày đang vận chuyển gần 5 khối gỗ tươi thuộc khu vực Trạm số 2, Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn. 

Công an xã triển khai lực lượng tiếp cận áp giải người và tang vật nhưng lâm tặc viện đủ lý do nhằm trì hoãn không chịu đi. Đoạn đường rừng dài hơn 20km mới ra tới tỉnh lộ 1, bên này là huyện Buôn Đôn, bên kia là huyện Ea Súp. 

Khi xe đang đậu giữa đường chuẩn bị lai dắt về trụ sở Công an xã Krông Ana thì đột ngột tên cầm lái đề ga phóng sang đất Ea Súp hòng chạy thoát. Nhanh như chớp, Thượng úy Dũng và một cán bộ khác đang đứng chặn đầu xe liền nhảy ra. Lúc ấy, nếu không phản xạ nhanh rất có thể sẽ bị xe cày cán qua người. 

Tổ công tác đuổi theo, bắn 5 viên đạn cao su, xịt hơi cay yêu cầu dừng lại nhưng đối tượng vẫn ngoan cố tăng tốc. Được một đoạn dài, do bị cay mắt nên đối tượng điều khiển phải dừng lại tại một chòi làm rẫy trên đất Ea Súp. 

Thượng úy Dũng ra hiệu cho anh em cảnh giác, bởi trước đó trong rừng có nghe bọn chúng gọi điện cho nhau trao đổi chuyện gì đó, suy đoán có thể đối tượng sẽ huy động đồng bọn tấn công lại Công an. Đúng như vậy, khi anh em tiến vào chòi, một đối tượng buông lời: “Các anh về đi, coi chừng chúng tôi xử lại”. Thượng úy Dũng vẫn cương quyết vào thì từ phía sau, hai đối tượng người dân tộc Mông ôm hai khẩu súng kíp tự chế, một khẩu khác chúng đưa cho đồng bọn. 

Xung quanh rừng hoang vắng, không một bóng người, 3 khẩu súng đang lăm lăm chĩa vào những cán bộ Công an xã. Lúc này, họ đã không còn đạn và cũng hết hơi cay để chiến đấu nên đành chạy ra ngoài nhờ chi viện. Ngay lập tức, Công an huyện Buôn Đôn, Công an huyện Ea Súp, Kiểm lâm phối hợp tấn công truy bắt. 

Nhớ lại giây phút nghẹt thở đó, Thượng úy Dũng ví von chẳng khác nào phim hành động. Nhưng đấy là nói vui, chứ khi ấy súng kíp bóp cò, từng chùm đạn bung ra thì không biết chuyện gì sẽ xảy đến.

Công an xã ở những vùng trọng điểm không chỉ đơn thuần là làm hộ khẩu, giấy tờ hành chính hoặc giải quyết những vụ việc đánh nhau, truy tìm trộm cắp mà họ còn đối mặt với muôn vàn hiểm nguy đến từ những hành động liều lĩnh của tội phạm ít kiến thức pháp luật, manh động, làm liều, bất chấp hậu quả. Bình yên cho từng mái nhà, từng thôn xóm đôi khi phải đánh đổi bằng máu.

Thượng tá Cao Tiến Phu, Trưởng Công an huyện Ea Súp.

Lãnh đạo xuống xã

Từ Buôn Đôn, chúng tôi ngược về Ea Súp, huyện vùng biên xa xôi nhất của tỉnh Đắk Lắk. Đây là huyện được công an tỉnh chọn thí điểm bố trí 100% cán bộ Công an xã chính quy về xã. Hưởng ứng lời kêu gọi xung phong về cơ sở, hiện có hai đồng chí Phó trưởng Công an huyện Ea Súp tình nguyện về làm Trưởng công an xã là Thiếu tá Nguyễn Đức Hiếu và Thiếu tá Nguyễn Trọng Nghĩa.

Thiếu tá Nghĩa từng kinh qua nhiều vị trí công tác, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, dày kinh nghiệm thực tế. Từ một người lính Cảnh sát hình sự cho đến Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh. Ở vị trí nào, anh cũng đều phát huy tốt vai trò của mình. 

Năm 2018, anh được điều động về làm Phó Công an huyện Ea Súp. Nhiều người hỏi anh, đang là Phó Công an huyện sao lại xuống làm Trưởng Công an xã? Anh bình thản trả lời: “Vì mình tự nguyện xung phong nên mình rất hào hứng với nhiệm vụ mới này. Thật ra là biết sẽ vất vả, khó khăn vì phải kiêm nhiệm, phải làm hai nhiệm vụ, nhưng cũng muốn thử sức bản thân. Còn trẻ nên xông pha và cống hiến là điều nên làm”. 

Gia đình Thiếu tá Nghĩa ở TP. Buôn Ma Thåuột, vợ anh làm ngân hàng, hai đứa con cũng cứng cáp lại được ông bà ngoại hỗ trợ nên an tâm. Duy chỉ có điều canh cánh là cha của anh đang bị bệnh hiểm nghèo, mỗi tuần anh tranh thủ về thăm gia đình một lần. Dù vậy, cha luôn động viên anh đi đâu, làm gì thì cha vẫn ủng hộ hết lòng. Hãy sống và làm việc xứng đáng để dân yêu thương, cha mẹ tự hào. 

Còn đối với Thiếu tá Nguyễn Đức Hiếu thì hậu phương của anh ở ngay bên cạnh. Mỗi ngày anh được trở về, êm ấm bên mâm cơm gia đình. Xung phong về xã lần này, anh chỉ có một suy nghĩ lớn nhất, làm được gì cho quê hương thứ hai sẽ làm bằng tất cả trách nhiệm.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng Công an huyện Ea Súp xung phong về làm Trưởng Công an xã.

Trong những người đã gặp, có một nhân vật mà tôi đặc biệt chú ý, đó là Đại úy Trần Hữu Quý, Trưởng công an xã Cư Kbang. Anh Quý về xã được gần 5 năm theo thông tư 15 của Bộ Công an. Ngần ấy thời gian đủ dài để người Trưởng Công an xã tạo được dấu ấn trong lòng dân. 

Địa bàn xã Cư Kbang rộng, người dân sống rải rác trên những vạt rẫy cheo leo, hun hút nhưng ai cũng biết đến anh. Họ sống với anh bằng ân tình nhiều hơn là giao tiếp công việc. Thượng tá Cao Tiến Phu, Trưởng Công an huyện Ea Súp nhận định: Việc triển khai thực hiện Công an xã chính quy là một chủ trương đúng đắn của Bộ Công an. Công an chính quy về xã đều là cán bộ có trình độ, được đào tạo bài bản. Họ đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. 

Riêng với địa bàn huyện Ea Súp, tuy mới thực hiện thí điểm 2 xã nhưng hiệu quả là rõ rệt. Công an xã về đó đã tham mưu cho chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Công an huyện, quản lý địa bàn, đối tượng. 

Giải quyết các vụ việc xảy ra trên địa bàn nhanh chóng, chuyên nghiệp đảm bảo đúng quy định pháp luật. Họ được chính quyền sở tại đánh giá rất cao. Công an huyện Ea Súp đã sẵn sàng cho việc bố trí 100% Công an chính quy về xã, cơ bản anh em đều rất trách nhiệm, tinh thần cống hiến cao.

Ngọc Hoa
.
.
.