Dấn thân cứu người khỏi thần Chết
- Những chiến sĩ Công an tiêu biểu hiến máu cứu người
- Cảm động chiến sĩ Công an cứu người gặp nạn
- Đề xuất khen thưởng Đại úy Công an cứu người bị đuối nước
Quanh năm ngày tháng, dù đêm đông giá rét, đến trưa hè đổ lửa các cán bộ, chiến sĩ vẫn 24/24h sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chính sự quả cảm và lòng quyết tâm, giữ gìn sự bình yên cho từng con đường, ngõ xóm, các anh đã dập tắt được nhiều đám cháy, cứu sống được bao tính mạng.
Nằm phía bên cầu Chương Dương vắt qua sông Hồng quận Long Biên có địa hình khá ấn tượng, là cửa ngõ của thủ đô tủa đi nhiều trục đường sang các tỉnh lân cận. Nơi đây, tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng: sân bay Gia Lâm, ga đường sắt, đường thuỷ và đường bộ, trong nhiều năm trở lại đây, quận đang có tốc độ đô thị hoá nhanh đến bất ngờ.
Cuộc diễn tập của Đội cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Long Biên. |
Những khu công nghiệp lớn như: khu công nghiệp Sài Đồng, khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư, Khu công nghiệp Hanel, Tổng kho xăng dầu Đức Giang, Tổng kho may mặc miền Bắc, Cụm kho xưởng trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Khu kim khí Đức Giang... Không chỉ nhiều quán xá tấp nập mà nơi đây còn là khu đô thị mới với nhiều quần thể nhà chung cư cao tầng mới mọc lên…
Trụ sở Phòng cháy chữa cháy- cứu nạn cứu hộ của quận Long Biên nằm ở số 3 Ngô Gia Tự, trên tầng 3, thượng tá Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng Công an quận Long Biên tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ giản dị. Dáng người anh nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, điều đặc biệt thú vị là những cán bộ chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm chỉ giỏi giải quyết vụ việc ở hiện trường nhưng lại rất ngại nói về thành tích.
Tuy nhiên, sau phút cởi mở chân thành và thân tình, anh kể cho chúng tôi nghe về những kỉ niệm với nghề, cả những trăn trở suy tư của cả một tập thể các cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Chỉ tính riêng trong 3 năm trở lại đây, số vụ mà lực lượng cứu nạn cứu hộ chữa cháy của quận Long Biên là trên 300 vụ. Số tài sản cứu chữa được hơn 10 tỷ đồng.
Quận Long Biên là cửa ngõ giao thông nối với những trục chính nên lưu lượng xe di chuyển đông đúc và cũng có không ít những vụ va chạm tai nạn giao thông khá nghiêm trọng. Cách đây hơn chục ngày, nửa đêm khuya khoắt, nhận được điện thoại khẩn từ Trung tâm Chỉ huy của thành phố Hà Nội, có một vụ tai nạn giao thông, 2 xe tải đâm nhau ở phố Cổ Linh gần đầu cầu Vĩnh Tuy. Cả hai lái xe đều trong tình trạng rất nguy kịch.
Thượng tá Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng công an quận Long Biên nói về công tác PCCC và CNCH. |
Ngay lập tức tiếng kẻng báo động của PCCC- CNCH quận Long Biên róng riết vang lên, chưa đầy 90 giây (nguyên tắc cho sự chuẩn bị khi nghe được hiệu lệnh báo động) một đội gồm 12 người chia đều trên 2 xe lao nhanh tới hiện trường.
Trên xe đồng chí chỉ huy đưa ra những tình huống và phân tích vụ việc. Điều này đòi hỏi người chỉ huy vô cùng linh hoạt, sáng tạo, năng lực xử lý tình huống phải thật chuẩn xác. Trong thời gian sớm nhất có thể, xe của đội công tác đã đến nơi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Bằng công tác nghiệp vụ, các anh đã sơ cứu cho hai tài xế xe tải qua cơn nguy kịch, một lát sau xe cứu thương 115 cũng tới nơi, bác sĩ đến bảo chỉ chậm ít phút nữa thôi hai lái xe này có nguy cơ tử vong.
Thượng tá Nguyễn Quang Trung bảo: “Trong lúc lâm nguy, sinh mệnh cần được sơ cấp cứu kịp thời, nên chúng tôi chạy đua với thời gian là chạy đua với thần Chết để cứu người. Dù công tác phòng cháy chữa cháy hay là công tác cứu nạn cứu hộ chỉ 1 giây cũng rất đáng quý”.
Có một câu chuyện xúc động xảy ra cách nay đã 10 năm trên địa bàn quận Long Biên gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Thậm chí cách ngày xảy ra vụ việc 5 năm sau, báo chí, truyền hình vẫn tìm về nhân chứng. Đó là một ngày trời hưng hửng sáng, nghe thấy điện thoại của người dân báo có một cửa hàng hoa ở phố Ngọc Lâm bị cháy, cả gia đình đang bị ngạt ở bên trong không thể tự mở cửa thoát ra ngoài. Các cán bộ, chiến sĩ của Đội cảnh sát PCCC quận Long Biên đã kịp thời có mặt tại nơi xảy ra đám cháy.
Thiếu tá Tôn Long Chiến là người chỉ huy trực tiếp nhớ lại: “Vì vụ cháy xảy ra vào lúc đêm gần sáng, cả gia đình ngủ say nên không ai biết, họ bị khói ngạt rồi lịm đi ở bên trong, cánh cửa xếp khoá trái và ngay trong khoảnh khắc đó, các chiến sĩ của PCCC đã phá khoá xông vào kịp thời đưa hai vợ chồng và một người con lớn ra ngoài. Lúc này người vợ đang mang thai, bằng biện pháp nghiệp vụ sơ cứu cho các nạn nhân và nhanh chóng đưa cả gia đình 3 người vào bệnh viện Đức Giang ngay gần đó. May thay, cả gia đình thoát nạn, ít lâu sau người vợ hạ sinh được một em bé kháu khỉnh khoẻ mạnh. Tình cảm tri ân của cả gia đình với những cán bộ, chiến sĩ không thể nói hết bằng lời”.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kỹ năng PCCC, CNCH được quận Long Biên chú trọng triển khai thường xuyên. |
Thượng tá Nguyễn Quang Trung tiếp lời: “Trong các đám cháy, nếu có trường hợp dẫn đến tử vong thì đa phần là do bị sặc khói, mất hô hấp chứ không phải do bị bỏng. Để chữa trị ngạt khói thì PCCC được trang bị hệ thống bình khí ô xi. Khi tiếp cận hiện trường đám cháy lực lượng PCCC sẽ đeo hệ thống bình ô xi, trong lúc nguy cấp nhiều cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhường bình ô xi cho nạn nhân, nhận rủi ro về mình, việc đó nguy hiểm nhưng cũng rất đáng biểu dương về tấm gương đạo đức.
Trở lại câu chuyện thần kì thoát lưỡi hái của tử thần về nữ sinh 20 tuổi quê Ninh Bình nhẩy cầu Chương Dương tự tử dịp cuối năm 2019. Chuyện là, đang lúc nửa đêm, không gian tĩnh mịch, đột nhiên tại trụ sở PCCC và CNCH công an quận Long Biên nhận được điện báo có nữ sinh nhẩy cầu đang mang thai lớn sắp đến ngày khai hoa nở nhuỵ và đã được xà lan của người dân vớt lên.
Các cán bộ chiến sĩ lên xe nhanh chóng tới hiện trường. Gọi cấp cứu 115 chờ sẵn ở trên để tiếp nhận người. Cái khó là chỉ có duy nhất một con đường độc đạo nhỏ hẹp từ xà lan để đưa nạn nhân lên bờ.
Tiết trời đêm ấy lạnh, mưa phùn lất phất, đường lầy lội trơn trượt. khó có thể dùng cáng đưa nạn nhân lên, việc đầu tiên là ủ ấm cho cô gái tội nghiệp, các anh phải luồn dây đưa chăn chiên xuống, rồi đưa nạn nhân lên đi cấp cứu ở bệnh viện Đức Giang.
Sau đó không lâu, người nhà của nạn nhân thông báo lại với cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đi cứu nạn cứu hộ hôm đó, con gái họ đó đã khoẻ mạnh trở lại, thai nhi không bị ảnh hưởng gì. Hơn hai tháng sau, cô gái đến ngày lâm bồn cả hai đều mẹ tròn, con vuông.
Những câu chuyện về cứu người từ chữa cháy, đến nhũng vụ va chạm tai nạn giao thông đường thuỷ và đường bộ của các anh thì nhiều lắm. Không ồn ào ầm ĩ, không đao to búa lớn, người chiến sĩ công an lặng lẽ làm nhiệm vụ.
Dù trời nắng hay trời mưa, bất chấp giông bão, bất chấp cả hiểm nguy tính mạng khi lăn xả vào đám cháy để cứu người. Nếu không có tình thương yêu nhân ái, nếu không có tấm lòng rộng mở liệu các anh có thể bước qua đám cháy vào bên trong để cứu được người hay không?!
Sự rèn luyện trong chiến đấu, sự rèn luyện trong nhân cách, tôi luyện cho các anh chất thép bền bỉ, dù có khó khăn gian khổ quyết “vững tay súng, chắc tay chèo” nhất quyết không chùn bước. Nhưng, các anh cũng đối mặt với không ít khó khăn và đôi khi là cả sự thử thách. Đó là những comment chê trách “tại sao giờ mới đến đám cháy...?”.
Họ đâu có biết rằng, đường phố giao thông Hà Nội luôn nghẽn mạch, ùn tắc nhất vào giờ tan tầm. Để một chiếc xe nhỏ đi qua đã khó, đằng này là một xe cứu hoả, nhiều khi người tham gia giao thông chật kín xuống lòng đường, tràn trên vỉa hè, mặc dù còi ưu tiên xin đường của lực lượng PCCC luôn nhấn nút hoạt động, nhưng người ta vẫn dửng dưng, lạnh lùng không nhường đường, làm cho xe bị trễ... Đối mặt với không ít thách thức, nhưng Đội cảnh sát PCCC và CNCH công an quận Long Biên vẫn đam mê với nghề, vẫn tràn đầy nhiệt huyết.
Nắng đang gắt và ngoài sân, những chiếc xe thùng to luôn ở tư thế chĩa đầu xe ra cổng, đợi lệnh sẵn sàng xuất phát.