Dân chặn xe rác và câu chuyện niềm tin

Chủ Nhật, 20/01/2019, 12:27
Sau 4 ngày chặn đường không cho xe chở rác vào Khu xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), cuối cùng, sau cuộc đối thoại với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, một số người dân Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn đã đồng ý dỡ lều lán để xe chở rác vào khu xử lý, giúp cho các quận nội thành được "giải phóng" khỏi những đống rác thải trên nhiều tuyến phố.


Đưa vào hoạt động từ năm 1999, Khu xử lý rác thải Nam Sơn là nơi xử lý chính rác thải của TP Hà Nội với khoảng 4.000 tấn/ngày. Bãi rác Nam Sơn có diện tích khoảng 83ha, với 9 ô chứa rác tiêu chuẩn. Trong đó có một số ô đã bị đầy tải, đóng không tiếp nhận rác.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, cuộc sống của người dân ở gần bãi rác đã bị đảo lộn bởi ảnh hưởng của bãi rác. Nói về lý do phải ra chặn đường xe chở rác, một người dân ở xã Nam Sơn cho biết họ quá bức xúc trước việc phải sống chung với ô nhiễm từ khu xử lý rác Sóc Sơn trong gần 20 năm qua. 

Bà Nguyễn Thị Lý, một người dân ở xã Nam Sơn, chia sẻ: "Năm 2016, lãnh đạo TP Hà Nội về đối thoại với người dân chúng tôi và hứa sẽ di dời toàn bộ dân sống trong vùng ảnh hưởng từ khu xử lý rác trước quý 3-2018. Thế nhưng, đến nay đã hết năm 2018, chúng tôi chưa thấy động tĩnh gì nên phải chặn xe rác. Chúng tôi mong muốn đóng cửa bãi rác hoặc đền bù cho chúng tôi chuyển đi nơi khác để ổn định cuộc sống, chứ không thể để chúng tôi ở đây chết vì ô nhiễm, ung thư".

Sau khi xảy ra sự việc người dân chặn xe chở rác, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 17-1-2019 tham mưu, trình Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho UBND huyện Sóc Sơn (Trung tâm Phát triển quỹ đất Sóc Sơn) thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo ranh giới, chỉ giới quy hoạch vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. 

Tại văn bản này, UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20-1-2019 phải thẩm định xong bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn theo quy định. Đồng thời phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn tổ chức phê duyệt, cắm và bàn giao mốc giới ngoài thực địa cho UBND huyện Sóc Sơn trước ngày 20-2-2019, làm cơ sở để tiến hành việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo quy định. 

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn hoàn thiện hồ sơ cập nhật danh mục dự án thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2019 huyện Sóc Sơn. UBND TP giao UBND huyện Sóc Sơn trước ngày 15-1-2019 phải hoàn thiện hồ sơ đo đạc, bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và trình Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận.

Như vậy là hơn 1 tháng nữa, người dân sống trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m sẽ được bồi thường để di dời. Việc UBND thành phố có hướng giải quyết cụ thể như vừa qua là rất nhanh chóng. Tuy nhiên, từ vụ "khủng hoảng" rác thải này cũng đặt ra nhiều vấn đề. Đó là đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại và các sở, ngành liên quan trong việc tham mưu cho UBND thành phố. 

Thực tế thì năm 2016, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã về đối thoại và hứa giải quyết, tuy nhiên đến nay việc di dời dân vẫn chưa tiến hành. Trong khi bãi rác thải ngày càng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, ngấm vào nguồn nước. Theo người dân, họ đã 20 năm chịu ô nhiễm, xã hứa di dời nhưng mãi không thực hiện.

Không ai muốn ra đây tụ tập, ngăn cản, mà là việc cực chẳng đã. Mong muốn của dân là chuyển ra khỏi vùng ô nhiễm, được hít thở không khí trong lành. "Chính quyền nói phải chia sẻ, nhưng chúng tôi đã chia sẻ 20 năm nay rồi, giờ thành phố phải thực hiện lời hứa chứ".

Rõ ràng để người dân tin, ngoài lời hứa thì rất cần có những hành động cụ thể thực hiện lời hứa, đừng để người dân có suy nghĩ chính quyền chỉ giải quyết những kiến nghị của dân khi họ có hành động phản kháng như "cấm đường" xe rác.

Tân Lương
.
.
.