Đam mê pha đắng cay của đờn ca tài tử quán nhậu

Thứ Tư, 23/07/2014, 14:00

Cứ tầm gần 12h trưa mỗi ngày, một nhóm 14 nghệ sĩ lại tụ tập nhau ở dưới chân cầu Phú Mỹ, quận 7, để chuẩn bị cho một ngày làm việc của mình. "Sân khấu" của họ là những bàn nhậu và khán giả thưởng thức các tiết mục đờn ca tài tử và nhiều loại hình nghệ thuật khác là những thực khách đang trong cơn say chếnh choáng… Xung quanh công việc đặc biệt này có khối điều thú vị và cũng không ít nỗi niềm đắng cay…

Vừa sinh nhai, vừa đam mê

Buổi trưa những ngày đầu tháng 7 nắng hầm hập nhưng không gian dưới chân cầu Phú Mỹ, quận 7 có vẻ rất thoáng đãng, mát mẻ vì gần như xung quanh chỉ có cây cỏ xanh ngắt và nhất là những cơn gió liên tục thổi từ ngoài sông vào mát rượi. Ở khu vực này trước giờ có ba quán ăn được dân ăn nhậu khá ưa chuộng, không chỉ vì mồi ngon, cảnh vật xung quanh xanh mát mà trên hết có cả một đội ngũ nghệ sĩ đờn ca tài tử nghiệp dư phục vụ mỗi khi khách nhậu có nhu cầu.

Nghe tôi báo trước sẽ đến, nghệ sĩ Văn Hiển, trưởng nhóm nhạc này, đã thông báo cho tất cả 14 thành viên trong nhóm đến sớm hơn thường lệ. "Hôm nay ai cũng đến sớm và ăn mặc đẹp hơn thường ngày để tiếp nhà báo đó", nghệ sĩ Văn Hiển vừa bắt tay tôi vừa xởi lởi giới thiệu ''tổng quan'' về nhóm nhạc của mình.

Trưởng nhóm nhạc Văn Hiển là một nhạc sĩ đờn ca tài tử, anh cùng vợ mình thành lập nên nhóm này từ hơn hai năm nay với mục đích tụ tập một số anh chị em có khả năng đờn ca tài tử để phục vụ ca hát tại một số quán ăn, quán nhậu kiếm tiền sinh nhai. "Thực tế thì nhiều anh chị em chúng tôi đã tụ tập với nhau khá lâu trước đó để thỏa niềm đam mê đờn ca tài tử và tham gia ca hát tại một số đám tiệc. Nhưng để có một nhóm chuyên nghiệp như hôm nay thì chỉ mới khoảng hơn 2 năm nay".

Cũng theo người trưởng nhóm này, do các thành viên trong nhóm đều ít nhiều có khả năng đờn ca tài tử và đa số đều đã khá lớn tuổi nên cũng khó tìm một công ăn việc làm ổn định; hơn nữa nếu chỉ hát đám tiệc hiếu hỉ thì chỉ lâu lâu mới có một show sẽ không có nguồn thu nhập ổn định. Vì thế, việc thành lập nhóm hát tại các quán nhậu cũng giúp các thành viên có kế sinh nhai hàng ngày phụ giúp gia đình, qua đó cũng góp một phần nhỏ vào việc bảo tồn và phát triển bộ môn đờn ca tài tử.

Đúng ra, nhóm cũng tính mở rộng ra phục vụ tại nhiều quán khác nhưng do lực lượng có hạn và địa bàn quá rộng sẽ gây khó khăn cho các thành viên di chuyển và phục vụ. Do đó, hiện tại nhóm này chỉ chủ yếu phục vụ tại ba quán ở khu vực cầu Phú Mỹ. Tuy nhiên, nếu các đám tiệc hiếu hỉ có nhu cầu thì nhóm vẫn cử các thành viên đến phục vụ.

Tiếp lời trưởng nhóm, ông Lê Văn Hai (55 tuổi, ngụ quận 7) cho biết thêm một số thông tin khác về nhóm. Trong đó, về giờ giấc hoạt động của nhóm thì không cố định, vì nhóm thường tụ tập ở cầu Phú Mỹ trước 12h trưa để chuẩn bị mọi thứ trước khi phục vụ khách có nhu cầu. Nhưng nhiều khi khách kêu sớm hơn, nhóm vẫn thu xếp tới sớm để phục vụ. Mỗi ngày sau khi tụ tập lại thì ngoài những khách chủ động yêu cầu phục vụ thì trong nhóm có một thành viên chuyên làm công việc đi mời chào "tiếp thị" các khách nhậu để họ biết đến các tiết mục ca hát của nhóm. Nếu nhóm thực khách nào có nhu cầu thì người đi mời sẽ báo để đưa người của nhóm vào trong quán phục vụ.

Vợ chồng nghệ sĩ Văn Hiển.

Chị Kim Hà (bạn đời của nhạc sĩ Văn Hiển) chính là người phụ trách công việc "tiếp thị" cho nhóm. "Thường thì tôi để ý sau khi các nhóm khách vào quán kêu đồ ăn, đồ uống một lúc, tôi mới đến chào hỏi và giới thiệu về nhóm hát cùng một số tiết mục để khách biết… Nhiều khi cũng phải gọi một số thành viên của nhóm vào đờn ca cho khách nghe thử trước rồi họ mới đồng ý hay không".

Về chi phí cho mỗi tiết mục đờn ca tài tử theo chị Kim Hà, với khách quen không phải nói nhiều, nhưng với khách lạ thường có hai cách tính - hoặc tùy tâm của khách hoặc 300 ngàn/giờ với hai người đánh đàn, hai người ca. Trong khi thưởng thức các tiết mục, theo tùy hứng khách có thể "bo" thêm cho người ca theo hình thức tặng "bông tiền".

Ngay sau khi kết thúc mỗi ngày đêm làm việc, cả nhóm sẽ ngồi lại tổng kết số tiền thu được rồi chia đều cho tất cả các thành viên trong nhóm. Chính điều này khiến các thành viên trong nhóm cảm thấy rất thoải mái, vui vẻ, công bằng.

Niềm đắng cay bên bàn nhậu

Điều đáng nói là đa số những thành viên nữ trong nhóm đều có cuộc sống gia đình khá trắc trở, éo le, dù số tuổi của các chị đều ở khoảng hơn 30-40. Nói về công việc của mình, hầu hết các chị cũng đều có những nỗi niềm riêng. Chị Kim Thảo đã tham gia nhóm ngay từ đầu khi thành lập với vai trò là một người ca. Người chồng của chị đã mất cách đây 6 năm. Sau khi nhà ở quận 1 bị giải tỏa, mẹ con chị đã về quận 7 thuê nhà ở. "Công việc này với tôi thực sự là một nghề sinh nhai với thu nhập trồi sụt theo từng ngày", chị Thảo vui vẻ chia sẻ.

Gần giống như hoàn cảnh của chị Thảo, chị Thanh Hồng (nhà quận 7) cũng cho biết: "Chồng tôi đã mất mấy năm nay, hiện tôi sống cùng con gái 18 tuổi, năm nay học lớp 12. Cuộc sống của hai mẹ con tôi bây giờ gần như phụ thuộc vào công việc này". Theo chị Hồng thì để ca hát được như hiện nay, chị thường cùng một số bạn bè tự tập ca những bài bản tài tử được tải từ trên mạng về…

Có cuộc sống gia đình cũng tương đối trắc trở, nên sau khi vợ chồng lục đục, chị Mỹ Hạnh (ngụ quận 4) tham gia nhóm hơn một năm nay để chủ động trong việc kiếm tiền sinh nhai. "Nói chung thu nhập của công việc này cũng chỉ đủ chi tiêu tối thiểu vì ngày nhiều bù cho ngày ít. Nên trong sinh hoạt thường ngày tôi phải tằn tiện mới đủ cho cuộc sống của mình".

Cùng suy nghĩ như chị Hạnh, chị Thanh Thúy (quê Vĩnh Long) chỉ mới tham gia nhóm hơn một tháng nay, nhưng duyên cớ đến với công việc này cũng bắt nguồn từ việc khó tìm việc làm và hoàn cảnh gia đình (có chồng và hai con) tương đối khó khăn. "Tôi ca hát được như hiện nay là nhờ trước đây lúc còn nhỏ tuổi, tôi đã được một người thầy có nghề dạy ca. Từ đó mỗi lần có dịp được mời ca tài tử, tôi vẫn luôn nhiệt tình tham gia. Nói gì thì nói nhưng làm công việc này đương nhiên là hơn làm… công nhân rồi", chị Thúy hóm hỉnh nói.

Người lớn tuổi nhất trong nhóm là ông Năm Thêm năm nay đã 79 tuổi (vợ ông đã mất hai năm trước), có khả năng vừa đờn vừa ca. Thoạt nhìn ông, có lẽ nhiều người sẽ có chung cảm nhận là ông sẽ khó mà ca hát được như những thành viên trẻ hơn trong nhóm. Tuy nhiên, khi nghe ông thể hiện một số bài bản tài tử thì cảm nhận đó sẽ phải thay đổi bởi khả năng ca của ông rất "nghề", rất chuyên nghiệp với làn hơi ngọt ngào, luyến láy cao vút, thanh trong. "Tôi quê ở Bạc Liêu, tôi học và biết đờn ca tài tử từ năm 16 tuổi tới giờ, nhưng trước giờ tôi làm nhiều công việc khác nhau chứ không chỉ theo nghề ca hát. Ở tuổi này rồi mà tôi vẫn còn được thỏa niềm đam mê của mình thì tôi quả thật rất may mắn so với nhiều người khác".

Ngược lại, chị Ngọc Nhi năm nay chỉ mới 20 tuổi (quê Bình Thuận) là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm. Đúng ra, chị Nhi đã từng có thời gian tham gia vào nhóm nhưng bị gián đoạn, gần đây chị tiếp tục quay về gắn bó với nhóm. "Em cảm thấy rất vui và thích thú khi tham gia nhóm này vì các cô chú, anh chị trong nhóm rất vui vẻ, hòa đồng", chị Nhi vui vẻ cho biết.

Xác định bên cạnh niềm đam mê ca hát thì đây là một nghề sinh nhai hàng ngày nên trong công việc các thành viên trong nhóm cũng có không ít những nỗi niềm và nhiều phen khó xử. Theo lời chị Kim Hà giãi bày, nhiều thực khách khi được hỏi có nhu cầu nghe ca hát lại ngỏ ý muốn các cô đào hát vào cùng ngồi nhậu vì họ nhầm tưởng việc nhóm phục vụ đờn ca tài tử là ngồi vào bàn nhậu với khách. Tuy nhiên, theo "luật bất thành văn" của nhóm thì các ca nữ chỉ ngồi gần thực khách để ca hát cho khách nghe chứ không phải ngồi cùng bàn với khách để phục vụ những chuyện khác.

Một số tiết mục đờn ca tài tử phục vụ thực khách.

Chị Kim Hà lý giải: "Nếu khách có bất cứ đòi hỏi quá trớn nào thì chúng tôi đều tế nhị từ chối vì công việc của nhóm là ca hát chứ không phải ngồi nhậu. Đó là chưa kể nhiều thực khách khi nhậu xỉn rồi thường có những hành động không hay thậm chí vượt quá giới hạn, nhưng chúng tôi đều có cách xử sự sao cho khéo và tế nhị để không làm phật ý khách, đồng thời cũng giữ được danh dự của chúng tôi".

Chứng minh cho điều khó xử này, chị Hồng, chị Thúy chia sẻ: "Khi gặp khách đàng hoàng chỉ muốn nghe ca hát thì chúng tôi rất vui vì đó là điều chúng tôi mong muốn. Nhưng nếu gặp khách mượn rượu bia làm chuyện bậy như đòi hôn hay cầm tay… thì chúng tôi cũng nhiều phen lao đao, khó xử. Những lúc đó chúng tôi thường phải nhẹ nhàng né đi chỗ khác hoặc lảng sang chuyện khác".

Một nỗi niềm khác cũng khiến những cô đào không còn trẻ không vui, đó là chuyện nhiều vị khách nam chỉ… thích đào trẻ đẹp trong khi đa số đào nữ của nhóm ít nhiều đã có tuổi. "Nghề này nhiều khi buồn lắm vì như tôi giờ lớn tuổi rồi, nên có khi đã bị khách chê thẳng là già, mập… Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên tôi cũng phải chấp nhận thôi", chị Ngọc Bích thật thà bộc bạch.

Nói không quá, có lẽ niềm vui lớn nhất của nhóm đơn giản là mỗi ngày có nhiều thực khách mời ca và thu được nhiều tiền "bo". Tuy vậy, cũng không tránh khỏi những ngày "ế chỏng chơ". "Thu nhập của chúng tôi vô chừng lắm, có ngày may mắn được cả triệu đồng, có khi mấy trăm, cũng có ngày không có đồng nào cả. Như ngày hôm qua, chúng tôi ngồi từ trưa đến tối mà không có bất cứ nhóm thực khách nào gọi. Thế là bữa đó tiền uống cà phê cũng không có mà trả nữa. Nhưng nỗi buồn này cũng chỉ là thoáng qua, vì dù gì vẫn là người có tâm hồn văn nghệ sĩ, chúng tôi không buồn điều gì lâu được", chị Kim Hà tâm sự.

Quả thật khi trò chuyện và chứng kiến công việc của nhóm đờn ca tài tử này mới thấy được sự vui vẻ, "văn nghệ sĩ" của họ. Ngoài việc làm vì sinh nhai và có không ít nỗi niềm, nhưng các thành viên trong nhóm đều xem nghề như một thú vui để thỏa niềm đam mê được ca hát của mình. Âu cũng là điều dễ hiểu!

Trưởng nhóm, nhạc sĩ Văn Hiển cho biết, lúc đầu nhóm chỉ có khoảng 4-5 người, nhưng đến giờ đã có 14 thành viên, gồm 7 nam, 7 nữ (trong đó có cả người ca, người đờn). Thành viên nhỏ nhất mới 20 tuổi, nhưng người lớn tuổi nhất năm nay đã 79 tuổi. Dù chỉ là một nhóm thành lập miệng với nhau nhưng mọi người đều đoàn kết gắn bó, chăm chỉ làm việc. Nhóm chủ yếu phục vụ đờn ca tài tử, nhưng cũng có cả tân nhạc, cổ nhạc, chơi bài bản lớn cũng có... Để duy trì được hoạt động, nhóm đã liên kết với các quán ở khu vực này với tiêu chí đôi bên cùng có lợi.

Phú Lữ
.
.
.