Cựu tù Côn Đảo với những ký ức một thời máu lửa

Thứ Sáu, 01/05/2020, 15:40
Luôn tự nhận mình không có công trạng gì lớn, ông chỉ là một chiến sĩ binh vận hoạt động nội tuyến dưới vỏ bọc một sĩ quan quân nhu của chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Dù gia đình và bản thân bị nhiều tai tiếng, nhưng ông vẫn một dạ trung thành với cách mạng.

Khi cơ sở bị lộ, ông bị địch bắt và bị cầm tù qua các nhà lao Gò Vấp, Chí Hòa, Côn Đảo, ông đã cố gắng chịu đựng những đòn tra tấn dã man của địch, giữ được khí tiết cách mạng không gây thiệt hại gì cho cơ sở và tổ chức… Ông là Ngô Tự Do, một chiến sĩ binh vận, một cựu tù Côn Đảo, một sĩ quan Công an nhân dân…

Chiến sĩ binh vận nội tuyến hoạt động trong lòng địch

Ngô Tự Do sinh năm 1945, quê ở xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ông tham gia cách mạng từ tháng 11-1964, hoạt động tại Ban Binh vận, đã từng qua các vùng chiến khu Củ Chi, Bến Súc, Long An, Bến Tre.

Ông Ngô Tự Do hiện nay.

Tháng 7/1965, ông được cấp trên quyết định cho hoạt động nội tuyến. Sau khi học một khóa Binh vận, Ngô Tự Do nhận nhiệm vụ với bí số là J.1, bí danh là Thơ… Tháng 9/1965, Tự Do và một đồng đội khác trở về Sài Gòn nộp đơn tình nguyện thi vào trường Sĩ quan Bộ binh của VNCH tại Thủ Đức để hoạt động hợp pháp.

Lúc đó, mọi liên hệ của Do với tổ chức đều qua một người nữ mật tên N.N.M (thường lấy tên là chị Sáu, Nguyễn Thị Sáu) dưới vỏ bọc là một giáo viên. Nhớ lại lần gặp đầu tiên giữa đôi bên tổ chức bố trí tại nhà sách Tự Lực (gần Khai Trí) ở đường Lê Lợi, Sài Gòn, ông cho biết lúc đó ông mặc áo sinh viên sĩ quan mang bảng tên Ngô Tự Do, còn chị Sáu mặc áo dài trắng, tóc bới, một tay cầm tờ báo Phụ nữ. Mật hiệu là chị Bảy, cậu Ba.

Từ đó, chị Sáu liên tục mang chỉ thị từ chiến khu về phổ biến lại cho Do và ngược lại, phản ánh tình hình tư tưởng, công tác của ông trong suốt thời gian ông theo học tại trường sĩ quan. Sau đó, Do thi đậu khóa Quân nhu rồi chuyển về trường Quân nhu đường Lê Văn Duyệt, Sài Gòn. Học xong, mãn khóa với cấp bậc Chuẩn úy, Ngô Tự Do được đưa về làm việc tại Đại đội 21 Quân nhu (thuộc Sư đoàn 21 VNCH) ở thị trấn Cái Răng, Cần Thơ.

Suốt thời gian này, chị Sáu vẫn thường xuyên hẹn gặp Do, trực tiếp động viên, bồi dưỡng, trao đổi thông tin, tình hình nhiệm vụ tổ chức giao. Tháng 1/1968, Do được nâng bậc lên Thiếu úy quân nhu nhưng cấp trên vẫn giao nhiệm vụ cho anh là trường kỳ mai phục, thực hiện 5 bước công tác trong lòng địch, điều tra tuyên truyền vận động binh sĩ VNCH, báo cáo tình hình, chờ thời cơ và lệnh khởi nghĩa…

Với vỏ bọc là một sĩ quan quân nhu, bản thân Do và gia đình đã phải chịu không ít tai tiếng vì nhiều người cho rằng chống lại cách mạng (trong khi nhiều người tại địa phương quê ông biết việc cha ông tập kết ra Bắc, mẹ ông làm nông), nhưng dù vậy ông vẫn một lòng một dạ trung thành với cách mạng.

Trong khi mọi việc đang đi theo đúng kế hoạch của cấp trên, và ông cũng đang thực hiện nhiệm vụ được giao của mình, thì đùng một cái đến ngày 19/3/1968 do một cán bộ của ta đầu hàng khai báo, ông bị lộ và bị địch bắt.

Đại úy Ngô Tự Do lúc còn làm ở Phòng CSBV và HTTP, Công an TP Hồ Chí Minh.

"Hôm đó khi tôi còn đang có mặt tại Đại đội 21 Quân nhu, bỗng dưng tôi thấy có xe của An ninh quân đội VNCH đột ngột xuống và mời tôi vào làm việc là tôi biết ngay mình đã bị lộ nhưng chưa biết lý do tại sao bị lộ. Sau khi địch đưa tôi thẳng lên Sài Gòn, với kế hoạch đã định sẵn, tôi phủ nhận mọi việc, nhưng khi biết rõ có người khai báo mọi chuyện thì tôi đành phải thừa nhận mình là người của cách mạng đưa vào hoạt động nội tuyến", ông kể lại.

Dù vậy, địch vẫn chưa chấp thuận với lời khai của ông, chúng tiếp tục tra tấn, tra hỏi ông về các mối liên hệ, cơ sở bí mật, nhưng ông đều khai nhận không biết vì chỉ một mình hoạt động nội tuyến, việc ai người ấy làm… Địch tra tấn nhiều lần nhưng cũng không khai thác được gì hơn đành đưa ông ra tòa và tuyên án 5 năm khổ sai, ông bị cầm tù qua các nhà lao Gò Vấp, Chí Hòa. Ngày 7/8/1969, Ngô Tự Do bị đưa xuống tàu đày ra Côn Đảo.

Những ký ức hào hùng, bi thương

Những năm tháng bị tù đày ở Côn Đảo là thời gian ông Do và đồng đội phải chiến đấu, một cuộc chiến đúng nghĩa khi chống chào cờ, đấu tranh đòi các quyền lợi dân sinh dân chủ.

Ngày 5/11/1970, địch gửi tối hậu thư rồi dùng lực lượng quy mô lớn đàn áp toàn đảo nhằm khủng bố những người chống chào cờ… Phòng 12 có 116 anh em thì có tới 100 người bị đánh đập, tra tấn đến ngất xỉu, mê man. Sau đó, tất cả được đưa sang giam giữ tại phòng 9 trại 2. Ông và các tù chính trị khác vẫn liên tục chống chào cờ, nên địch còng chân tất cả vào 5 dãy cùm suốt hơn 2 tháng liền. Tại phòng này, ông được bầu vào Ban đại diện phòng, tổ trưởng chiến đấu, phó ban văn nghệ, tổ giáo viên…

Ngày 27/1/1972, địch sử dụng lựu đạn cay, phi tiễn để đàn áp toàn trại với ý đồ đánh phá phong trào, xé lẻ và bắt riêng một số cán bộ lãnh đạo. Phòng 9 trại 2 bị địch bắn 37 phi tiễn, một số lựu đạn cay dùng quẳng tay đàn áp suốt gần 3 giờ liền.

Nhưng các anh em tù chính trị vẫn bám trụ, giữ vững cửa phòng không cho địch mở cửa để vào đàn áp. Cuối cùng địch phải gặp đại diện phòng để thỏa thuận một số điều kiện như không đánh đập, không bắt cóc. Dù vậy, trong lần địch đàn áp này, đa số anh em tù nhân bị ngất xỉu, nhiễm độc, cháy da. Khoảng 200 người bị bỏng, trong đó có ông và 39 người bị phỏng nặng, phải đưa xuống bệnh xá chăm sóc…

Sau đó, ông và các tù nhân toàn trại 2 bị dời về trại 1. Tại đây, ông được bầu vào Ban đại diện phòng. Thời gian đó, việc sinh hoạt học tập đấu tranh của tù nhân chính trị trại 1 được phân chia thời gian rất sít sao, giúp phong trào lên cao.

Ngày 3/2/1973, đúng vào lúc giao thừa, ông cùng các tù nhân tổ chức phát loa thông báo toàn trại. Nội dung là thơ chúc Tết, mừng Hiệp định Paris được ký kết (1973), đòi địch phải thi hành Hiệp định Paris, nhất là điều khoản về trao trả tù chính trị.

Ngày 30-4-1973, địch tiếp tục đàn áp quy mô lớn bằng cách đưa một Đại đội Cảnh sát dã chiến từ Sài Gòn ra, kết hợp với đám tay sai ở Côn Đảo dùng phi tiễn, vôi bột bắn và tuôn vào phòng. Đồng thời, địch còn kết hợp với bao bố thấm nước bít các cửa sổ phòng giam lại khiến cho các tù nhân vô cùng khó thở. Nhưng toàn trại vẫn đấu tranh chống trả quyết liệt…

Đến ngày 23/7/1973, thấy không thể trì hoãn mãi trong việc thi hành trao trả tù nhân, địch phải chở toàn trại 1 về Hố Nai, Biên Hòa (trên chuyến tàu có cả trại 2 và trại 5). Trên đường đi, khoảng 1.200 tù nhân đã bị bỏ đói suốt một đêm một ngày và nửa đêm sau mới cho lên Tân Cảng rồi đưa về khu C nhà lao Hố Nai (Biên Hòa). Tuy vậy, sau đó địch chỉ thực hiện trao trả tù nhân đợt đầu rồi tìm cách trì hoãn. Nên ông phải ở nhà lao này thêm 4 tháng nữa. Tại đây, các tù nhân còn đấu tranh mạnh hơn, bung ra giành quyền dân chủ, tự quản. Mãi đến ngày 22/2/1974, ông và một số tù nhân khác mới được địch trao trả về sân bay Lộc Ninh.

Một số cán bộ binh vận và cựu tù Côn Đảo trong một lần gặp mặt.

Nhận xét về ông, Ban Binh vận cho rằng trong quá trình công tác cách mạng, nhất là từ khi nhận nhiệm vụ cơ sở nội tuyến, ông có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức, kỷ luật tốt, đã vượt qua nhiều khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ của trên giao phó. Khi bị địch bắt, bị cầm tù, ông đã cố gắng chịu đựng những đòn tra tấn dã man của địch, giữ được khí tiết cách mạng, không gây thiệt hại gì cho cơ sở và tổ chức.

Trong tù, ông đã vươn lên cùng tập thể đấu tranh liên tục, được anh chị em trong tù tín nhiệm. Sau khi được trao trả, ông đã được Ban Tổ chức và Ban Binh vận cho học tập kiểm điểm và tiếp tục bố trí công tác tại cơ quan. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông tham gia những công việc cùng với các cán bộ chiến sĩ của Ban Binh vận tiến về giải phóng Sài Gòn.

Sau ngày 30/4/1975, ông được chuyển công tác về Lực lượng Cảnh sát bảo vệ Thành (sau này là Phòng Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp - Công an TP Hồ Chí Minh)… Năm 1989, ông chuyển ngành với cấp bậc Đại úy qua công tác tại Sở Công nghiệp với các chức trách như Phó Giám đốc Nhà máy liên doanh điện tử Gò Vấp, Phó Giám đốc Xí nghiệp điện tử Gò Vấp rồi Phó ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Phó Ban tổ chức - Đảng ủy Sở Công nghiệp, Phó Giám đốc Công ty Hóa phẩm P/S thuộc Sở Công nghiệp…

Năm nay, ông nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng. Có thể nói, ký ức về những năm tháng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Côn Đảo và ngày chiến thắng 30-4-1975 lịch sử mãi là dấu ấn sâu đậm trong tim của những cựu tù chính trị Côn Đảo như ông.

"Năm nào cứ vào dịp kỷ niệm 30/4 lịch sử, anh em những cán bộ chiến sĩ Ban Binh vận và cũng là những cựu tù Côn Đảo đều gặp nhau để trò chuyện, ôn lại những ký ức một thời hào hùng, oanh liệt nhưng không kém phần đau thương. Những ngày tháng 4 lịch sử luôn khiến chúng tôi xúc động, nhớ những đồng đội cũ, nhớ lại những khoảng thời gian đầy khó khăn, gian khổ, thậm chí có lúc tưởng như không thể vượt qua. Và bao nhiêu năm qua được sống trong không khí hòa bình, đất nước ngày càng phát triển, những người như chúng tôi thấy mãn nguyện vì đã góp một phần nhỏ công sức nào đó của mình vào thành công chung", ông xúc động chia sẻ.

Phú Lữ
.
.
.