Cứu giúp dân trong vùng bủa vây của mưa lũ
Nước mắt chan đầy nước mưa, bà con các tỉnh vùng lũ đang cùng với chính quyền các tỉnh gồng mình chống lũ. Mưa vẫn trắng trời, nước mắt vẫn rơi vẫn chưa kịp vuốt, nhưng chính trong cơn hoạn nạn, tình đồng chí, nghĩa đồng bào đã trở thành sức mạnh để người dân vùng lũ vượt qua hoạn nạn.
Những mất mát đau thương vì mưa lũ
Sáng 18-10, người dân cả nước lại bàng hoàng khi nhận thêm thông tin đau thương do lũ lụt gây ra đối với các tỉnh Bắc miền Trung. Khi cơ quan chức năng đang chuẩn bị tổ chức lễ tang cho 13 cán bộ, chiến sỹ bị núi vùi lấp ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 ở thành phố Huế, thì vào lúc hơn 1h sáng ngày 18-10, một vụ sạt lở núi nghiêm trọng lại tiếp tục xảy ra trên địa bàn xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, ngay sau Sở Chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 khiến nhiều khu nhà bị đổ sập, vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ của đơn vị.
Lực lượng Công an cứu dân trong lũ dữ ở Quảng Bình. |
Trước đó, ngày 17-10, 27 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 337 hành quân sang xã Hướng Việt. cách xã Hướng Phùng khoảng 30km, để giúp đỡ các hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ. Sau một ngày dầm mưa, họ về đến đơn vị lúc đêm đã tối. Một cán bộ Sư đoàn kể lại "Anh em về đến đơn vị đều mệt lả, chỉ tắm rửa qua loa rồi về giường. Khi vụ việc xảy ra, có chiến sĩ còn mặc nguyên quân phục, thậm chí chưa kịp ngủ”. Sau một tiếng ầm rung chuyển từ dãy Coọc Tạc, đất đá ập xuống như cơn lũ; những người lính mệt nhoài gần như không kịp phản ứng, 22 cán bộ, chiến sĩ còn lại không kịp thoát thân.
Cũng trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn số người dân bị lở núi vùi lấp nhà cửa và người tại thôn Tà Rùng, xã Húc. Núi lở đã đè lấp cả một gia đình 6 người. Cũng trong buổi chiều 17-10, có 7 người dân ở xã Hướng Việt đi làm rẫy bị mất tích. Khi nghe tin, chính quyền địa phương đã lập tổ công tác gồm 7 người đi tìm kiếm dân. Khi họ đi qua cầu tràn trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây không may cả 7 người bị sụt lún đất và lũ quét cuốn. Thượng úy Trương Văn Thắng- Phó Trưởng Công an xã Hướng Việt, đã hy sinh tại chỗ, Chủ tịch UBND xã và Phó Bí Đảng ủy xã (do Bộ đội Biên phòng tăng cường đảm trách nhiệm vụ này) bị thương nặng, 4 người còn lại hiện đang mất tích chưa tìm thấy…
Đại tá Nguyễn Tiến Nam-Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đi đò vào rốn lũ cứu trợ cho người dân. |
Tâm điểm rốn lũ ở vùng cát Quảng Bình
Ngày 18-10, lũ ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đang rút dần, nhiều nơi nước đã rút hết, thì tại Quảng Bình, mưa lớn chưa từng thấy đã gây nên trận lũ lớn nhất từ trước đến nay. Lượng mưa đo được ở huyện Minh Hóa là 960mm, Đồng Tâm 870mm, Tuyên Hóa 711mm, Mai Hóa 528mm đặc biệt ở Trường Sơn mưa lên đến 1.022mm… Mưa lũ đã làm 2 người dân ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy bị tử vong do lật đò khi đang tìm đường chạy lũ. Chiều và tối 18-10, nước lũ mênh mông đã làm ngập sâu hơn 57.000 nhà dân ở Quảng Bình.
Ngay trong đêm tối vì nước lũ lên rất nhanh, người dân nhiều nơi kêu cứu, chính quyền các địa phương đã phải huy động tổng lực để cứu dân trong đêm. Tuy nhiên, công tác ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến xấu, mưa to, gió lớn, nước ngập sâu và chảy xiết. Hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc tại nhiều địa phương đã bị mất. Số hộ cần được ứng cứu hiện đã "quá tải" so với nguồn lực và phương tiện cứu hộ cứu nạn của các địa phương. Nhiều nơi, người dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong mưa lũ. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, các lực lượng Công an, Quân đội trên địa bàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị di chuyển được 3.700 hộ từ những vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm đến nơi an toàn.
Lực lượng chức năng tìm cách vào cứu hộ, cứu nạn khu vực thủy điện Rào Trăng 3 ở Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. |
Ngay trong đêm 18-10, nhận lệnh từ Ban Giám đốc Công an tỉnh, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Bình đã có mặt tại các rốn lũ trắng đêm để cứu dân, cứu tài sản của nhân dân. Tại Lệ Thủy, nước sông Kiến Giang lên nhanh do nước biển dâng cao và nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Người dân kêu cứu đến các cấp chính quyền qua điện thoại, qua mạng xã hội… Nhiều gia cảnh chưa kịp chạy lũ phải đu bám vào nóc nhà, cửa sổ, ngọn cây… Công an huyện Lệ Thủy đã huy động 100% cán bộ, chiến sỹ đến các vùng ngập lụt để cứu hộ người dân. Giữa đêm tối, nước lũ mênh mông làm ngập nhiều địa bàn như các xã Cam Thủy, Mỹ Thủy, Lộc Thủy... Cán bộ, chiến sỹ Công an cùng với chính quyền địa phương đã không quản nguy hiểm để tìm đến nhiều hộ dân bị ngập sâu đưa lên thuyền vượt lũ đến nơi an toàn.
Nước lũ dâng cao trong đêm, cứu dân là mệnh lệnh hàng đầu, Đại tá Nguyễn Tiến Nam-Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, chỉ đạo các thành viên trong Ban Giám đốc Công an tỉnh mỗi người về một địa bàn bám dân để chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ giúp dân chống lũ. Công an Quảng Bình lập hàng chục tổ công tác phối hợp với các lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương hỗ trợ di dời khoảng 1.500 người dân của 400 hộ gia đình đến nơi an toàn ngay trong đêm. Tại tuyến quốc lộ 1A nhiều vị trí đã bị ngập, các tuyến QL12A-12C, QL15 và 9B cùng nhiều tuyến đường liên tỉnh đang bị tê liệt bởi nước lũ dâng cao và nhanh, lực lượng CSGT Công an Quảng Bình đã tuần tra kiểm soát các tuyến đường, tại các khu vực bị ngập, các ngầm bị ngập sâu để hướng dẫn người, phương tiện qua lại, nhằm đảm bảo an toàn…
Lễ truy điệu Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng các cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi đi cứu hộ, cứu nạn đồng bào. |
Trong cơn mưa xối xả giữa đêm tối, Thượng tá Lê Văn Hóa-Trưởng Công an thị xã Ba Đồn và cán bộ, chiến sỹ cùng đơn vị như Thượng úy Nguyễn Khánh Linh, Trung úy Trần Tuấn Tài, Trung úy Từ Huy Hòa, Thiếu úy Mai Xuân Thành, Thượng úy Đặng Huy Hoàng, Thượng úy Nguyễn Thái Qúy… đã đưa hàng trăm người dân vượt lũ. Nhận được điện thoại cầu cứu từ phía người dân, cán bộ, chiến sỹ Công an xã Quảng Lộc và Quảng Hòa đã cắt lũ dùng bè đưa các sản phụ Đinh Thị Tương (sinh 1989), trú xã Quảng Lộc, Hoàng Thị Vân (sinh 1993), Nguyễn Thị Phương (sinh 1994) đến cầu Quảng Hải, tiếp đó Công an thị xã đã đưa các sản phụ đến bệnh viện sinh con an toàn…
Công an huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và các lực lượng chức năng, người dân tiếp cận hiện trường tìm kiếm những người mất tích ở xã Hướng Việt. |
Trên chiếc thuyền máy đi cứu dân từ vùng tâm lũ Lệ Thủy, Quảng Bình gần như suốt đêm với lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an Quảng Bình, chúng tôi trở về thành phố Đồng Hới khi đã gần sáng và sững sờ khi chứng kiến khắp nơi nước lũ dân cao từ 50cm đến 1m. Nhiều người dân đang tất tả kê cao đồ dùng sinh hoạt. Ông Nguyễn Đình Nam ở phường Đồng Hải nói với chúng tôi: Cả đời sinh sống ở mảnh đất này, năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng chưa bao giờ ông thấy Đồng Hới lũ lên như thế này, Đồng Hới mà còn bị lũ thì các địa phương khác trong tỉnh nước lũ ngập mênh mông. Thượng tá Đinh Cao Quang-Trưởng Công an thành phố Đồng Hới cho biết, suốt đêm 100% cán bộ, chiến sỹ chạy đi khắp nơi để cứu dân, đưa dân vượt lũ. Đồng Hới chưa khi nào lũ nên dân trở tay không kịp, may có anh em Công an, Quân đội sẵn sàng ứng cứu.