Hành trình cắt rừng truy bắt hung thủ gây thảm án tại Nghệ An

Thứ Tư, 22/07/2015, 08:00
Trở lại hiện trường vụ thảm sát: chiều tối ngày 2/7, một người dân đi đánh cá tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) bất ngờ phát hiện thấy 4 người nằm bất tỉnh. Khi kiểm tra, tất cả đã tử vong trước đó. Qua xác minh, nạn nhân được xác định là anh Lô Văn Thọ (28 tuổi) chết gần lán, dưới bờ suối là thi thể mẹ anh Thọ - bà Viêng Thị Dương (60 tuổi) cùng vợ anh Thọ là chị Lê Thị Yến (25 tuổi) và đứa con trai mới 8 tháng tuổi.

Kết quả khám nghiệm cho thấy hung thủ gây ra vụ án mạng kinh hoàng này ra tay rất tàn độc. Cảnh sát không phát hiện hung khí tại hiện trường, các manh mối để lại tại hiện trường rất ít.

Hai tuần kể từ khi phát hiện vụ án, mặc dù lực lượng điều tra của Công an Nghệ An (chủ công là Phòng CSHS) cùng tổ công tác của Cục CSHS, Bộ Công an đã nhiều lần cắt rừng vào hiện trường truy tìm manh mối, song các hướng điều tra vẫn bế tắc. Có đi đến hiện trường vụ án mới thấy sự cực nhọc của lực lượng điều tra. Từ thị trấn Tương Dương đến đây phải đi chừng chục cây số nhưng xe máy chỉ di chuyển được vài cây, còn lại không có sự lựa chọn nào khác là đi bộ, leo núi.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự dẫn đầu tổ công tác lội suối vào hiện trường vụ án.

Một bên vực thẳm, một bên sườn núi cheo leo, lối mòn xen giữa những lùm cây, vách đá, chỉ sơ ý là có thể dễ dàng trượt chân rơi xuống vực. Lối đi này thường ngày có người bản địa vào rẫy làm nương, đốn củi, sau lưng đeo gùi, tay cầm dao phát rẫy loại bản to, cán dài. Thế nhưng từ ngày xảy ra thảm án, người dân địa phương lo lắng không dám vào rẫy nữa, thành thử lối mòn vượt núi vắng hoe, chỉ có bước chân của các tổ cảnh sát điều tra. Các trinh sát, điều tra viên phải đi bộ khoảng 3 tiếng vượt qua nhiều quả đồi cheo leo và nhiều con suối mới vào đến nơi.

Ông Nguyễn Anh Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho hay, hiện bản Phồng có 134 hộ với hơn 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày Tọng. Bởi đời sống khó khăn nên bản Phồng khá cách biệt với bên ngoài, người dân còn duy trì nhiều phong tục khá lạc hậu và họ cũng sống rất chân chất, hiền lành. 

Thượng tá Hoàng Trọng Năm, Phó Trưởng Công an huyện Tương Dương chia sẻ, từ ngày xảy ra thảm án, lúc nào huyện cũng cử một tổ công tác thường trực tại đây, phối hợp với Công an tỉnh, Cục CSHS. Việc điều tra gặp rất nhiều khăn, cơ quan điều tra không thu được vật chứng nào, cũng không có ai chứng kiến, biết việc, ngay như cái chết của cả gia đình mà cũng phải 1 tuần mới được phát hiện qua sự tình cờ của người dân đi soi cá.

Chìa khóa mở nút thắt

Với sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bộ trưởng, Ban chuyên án đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tung nhiều lực lượng truy xét.

Các giả thuyết điều tra được xây dựng,  mỗi tổ công tác đều xây dựng vài giả thuyết. Trong đó, các giả thuyết như giết người, cướp của bị loại trừ vì gia đình nạn nhân rất nghèo, nơi bị sát hại chỉ là cái lán với một ít gạo nấu ăn, không có gì đáng giá. Giả thuyết việc giết người bịt khẩu do nghi ngờ nạn nhân biết được bí mật làm ăn của hung thủ cũng được đặt ra. Tuy nhiên, nếu xác định mối làm ăn ở vùng rừng núi thì tàn sát độc ác đến vậy chỉ có khả năng xảy ra với tội phạm ma túy, trong đường dây buôn bán của chúng. Song bản Phồng không có vấn nạn này, cũng không có người tham gia mua bán ma túy, khu vực lán nơi nạn nhân bị sát hại không có dấu hiệu hoạt động của tội phạm ma túy. Vì thế, giả thuyết này cũng bị loại trừ.

Rà soát quan hệ cá nhân của từng người trong gia đình, CQĐT đặc biệt chú ý đến quan hệ của chị Lê Thị Yến, vợ anh Thọ. Chị Yến là người phụ nữ có nhan sắc nên dù đã có gia đình, con cái nhưng vẫn không ít trai tráng trong bản để mắt. Xác minh sâu thêm, cảnh sát "khoanh vùng" những quan hệ nghi vấn liên quan đến chị Yến. Và đây rất có thể chính là chìa khóa tháo gỡ nút thắt vụ án để CQĐT tập trung điều tra   xác minh.

Về phía Hai, từ sau khi công an phát hiện, điều tra vụ thảm án, Hai đinh ninh rằng không ai thể lần mò ra manh mối của mình bởi khi y gây án, cả lán vắng tanh, 4 nạn nhân đều đã bị giết chết, hung khí là con dao gây án thì Hai đã vứt cách đó khá xa. Tuy nhiên, di biến động của Hai đã được cảnh sát theo dõi chặt chẽ. 

Đến 18h30 ngày 19/7, sau khi củng cố chứng cứ, Cục CSHS phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ đối tượng gây ra vụ thảm sát trên là Vi Văn Hai, ở cùng bản Phồng với gia đình anh Thọ. Lúc đầu, đối tượng ngoan cố không khai, cho rằng "bị bắt nhầm". Nhưng cũng chỉ được mấy tiếng, hắn đã bị hạ gục bởi Cục trưởng Hồ Sỹ Tiến, vị tướng có nhiều kinh nghiệm trong việc hỏi cung các đối tượng gây án nghiêm trọng.

Đối tượng Vi Văn Hai- kẻ đã gây ra vụ thảm án ở bản Phồng (Tương Dương, Nghệ An).

Theo lời khai ban đầu của đối tượng, trưa 2/7, Hai vào hái chanh ở khu vực nhà anh Thọ, dẫm lên lúa nhà anh Thọ nên giữa hai bên nảy sinh mâu thuẫn. Vì anh Thọ cho rằng, trước đây giữa Hai và chị Yến (vợ mình) có quan hệ tình ái với nhau nên việc đôi co giữa hai bên ngày càng gay gắt. Sau đó, Hai đã lấy con dao đi rừng của anh Thọ, chém nạn nhân chết tại chỗ. Chị Yến đang bế con thấy vậy hoảng hốt bỏ chạy. Tên Hai cầm dao đuổi theo chém.

Khi đuổi đến khu vực bờ suối, Hai nhìn thấy bà Chương, mẹ anh Thọ đang tắm nên ra tay sát hại. Sau đó, hắn tiếp tục đuổi theo 2 mẹ con chị Yến, vung dao chém chết người mẹ rồi nhẫn tâm chém chết cháu bé chưa đầy 1 tuổi ở trong vòng tay mẹ.      

Chuyện của Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến và cảnh sát hình sự

Tổ công tác của lực lượng CSHS do Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng trực tiếp chỉ huy. Những ngày lội suối, leo đồi vào phá án của lực lượng phá án cực kỳ gian khổ. Mưa rừng, vắt nhiều vô kể, chúng nhảy tanh tách, bám vào chân của các trinh sát, điều tra viên, thi nhau hút máu. Rồi ruồi vàng bâu kín. Sau cơn mưa, trời lại trở nắng gay gắt, có lúc, không chịu nổi cái nóng, cả thầy và trò của lực lượng CSHS nhảy xuống suối tắm cho dịu cơn nóng và những vết sưng tấy do ruồi vàng đốt.

Ngày thứ 2 vào hiện trường, do địa thế quá khó đi, khi leo lên đỉnh một ngọn đồi, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến bị ngã xây xước cả người. Các trinh sát trong tổ công tác ái ngại muốn đồng chí Cục trưởng quay trở lại đợi tin ở trung tâm bản Phồng, nhưng dù mình mẩy xây xước, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nhất quyết xua tay "khó gì, bao xa cũng đi được hết".  Và hôm sau, dù các vết xước vẫn nhức, đồng chí Cục trưởng vẫn dậy rất sớm để cùng tổ công tác tiếp tục vào hiện trường lần thứ 3.

Hôm bắt đối tượng Hai, trực tiếp Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến áp giải đối tượng trên chiếc xe riêng của mình ra trụ sở Công an huyện Tương Dương. Đường đi ra hôm đó rất lầy, cứ được một quãng bánh xe ô tô lại xoay tít.  Nguy hiểm nhất khi đến đoạn sát bờ vực, chiếc xe bị vướng lầy đột nhiên bị xoay ngang, trơn trượt xuống và chỉ còn cách mép vực có chút xíu.

Rất may, với tay nghề khéo léo và thành thục của đồng chí lái xe, một lúc sau, chiếc xe mới trở lại đường đi bình thường. Ngay trên xe ô tô, dù đường lắc lư và có lúc cận kề nguy hiểm, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến vẫn kiên trì và khẩn trương khai thác nóng đối tượng. Lúc đầu, đối tượng tỏ vẻ lì lợm, dù biết tiếng Kinh nhưng vẫn cố tình trả lời bằng tiếng dân tộc của hắn. Nhưng với trình độ và kinh nghiệm khai thác đối tượng của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, đến khi về trụ sở Công an huyện Tương Dương, đối tượng được bàn giao lại cho các điều tra viên để lấy lời khai, lúc này đã khá thành khẩn khai nhận các hành vi phạm tội của mình.

Căn lán nơi gia đình anh Thọ sống những ngày vào rừng làm nương.

Đối tượng Vi Văn Hai học hết lớp 5, có vợ, con, thuộc diện hiểu biết của bản. Đối tượng có quan hệ họ hàng với gia đình nạn nhân. Bố Hai làm bố mối, tức mai mối lấy vợ cho anh Thọ. Bà Dương, mẹ Thọ là dì ruột của vợ Hai. Nhà Hai cách nhà anh Thọ khoảng 20 phút đi bộ. Hiện gia đình anh Thọ còn mỗi người bố là ông Bình, SN 1951.

Bí mật con dao gây án

Khoảng 4h sáng ngày 20/7, một tổ công tác của Công an tỉnh Nghệ An đã quay trở lại hiện trường vụ án để thu giữ con dao gây án và chiếc áo dính máu của đối tượng. Theo lời khai ban đầu của Vi Văn Hai, con dao gây án hắn vứt ở khu vực ngã ba gần hiện trường vụ án và chiếc áo dính máu cũng được hắn đốt phi tang ở gần đó.  Vừa vào đến khu vực hiện trường, tổ công tác đã chia các mũi vạch từng ngọn cây, lội từng đoạn suối để truy tìm tang vật vụ án. Thế nhưng, sau nhiều giờ tìm kiếm, cảnh sát không hề tìm được con dao gây án như lời đối tượng khai báo. Câu hỏi đặt ra: Con dao gây án bị ai đó lấy mất hay do đối tượng Vi Văn Hai khai báo sai lệch?

Thông tin được báo về cho tổ công tác khi đó đang lấy lời khai của đối tượng Vi Văn Hai tại nhà tạm giữ Công an huyện Tương Dương. Các điều tra viên đã nhanh chóng củng cố lại lời khai của đối tượng về con dao gây án. Trước những lập luận sắc bén của điều tra viên, đến lúc này, Hai thừa nhận không phải vứt dao ở "bụi cây gần ngã ba hiện trường" như lời khai ban đầu. Y buộc phải khai nhận sự thật về nơi cất giấu con dao gây án là tại chính nhà mình. Ngay tức khắc, tổ công tác đã tới nhà đối tượng Vi Văn Hai, thu được con dao gây án nói trên tại nhà hung thủ.

Hòa Trường
.
.
.