Tình trạng mất nước ở Hà Nội:

Cuộc sống đảo lộn vì 'khát' nước

Thứ Ba, 12/05/2015, 18:00
Thời tiết đang bước vào những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm, đó cũng là lúc nhu cầu nước sạch của người dân Thủ đô lên cao. Tuy nhiên, việc thiếu nước sạch lại tái diễn với rất nhiều hộ dân tại một số quận nội thành của Thủ đô Hà Nội. Trong khi người dân ngày đêm chờ nước sạch thì cơ quan liên quan lại có những thông báo xanh rờn rằng: "Mùa hè này vẫn thiếu nước trầm trọng".

Chắt chiu từng giọt nước

Như thường lệ cứ mỗi khi mùa hè tới người dân Hà Nội lại lao đao vì nỗi khổ thiếu nước. Mới chỉ vào đầu hè nhưng hàng loạt các quận nội thành đã phải chắt chiu từng giọt nước. Chúng tôi có mặt tại một số "điểm nóng" thiếu nước để tìm hiểu thực hư tình trạng khó khăn này. Tại tổ 2 phường Văn Quán, quận Hà Đông khoảng một tuần nay rơi vào tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng.

Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân tại đây, nước tuy không mất hẳn nhưng chảy nhỏ giọt không đủ cho sinh hoạt. Để khắc phục tình trạng này nhiều hộ dân phải bỏ tiền túi đi mua nước ở ngoài hoặc sang phường khác xin nước của người thân. Anh Lương Minh Hưng chia sẻ: "Chưa khi nào tình trạng mất nước xảy ra ở đây. Vậy mà… nhiều hộ dân không có nước để dùng. Gia đình tôi có 5 khẩu, có cả người già trẻ con nên nhu cầu tiêu thụ nước là rất lớn, việc thiếu nước là vô cùng khó khăn".

Bể nước gia đình anh Hưng cạn kiệt sau hơn 1 tuần mất nước.

Do thiếu nước, vợ con anh Hưng thường xuyên phải di chuyển sang phường Hà Trì (cách nhà khoảng 3km) để tắm giặt nhờ. Để nấu nướng, ăn uống nhà anh đều phải mua nước đóng bình. Chính vì thế chi phí cho nước sinh hoạt đội lên trông thấy. Vợ anh Hưng bức xúc: "Không biết tình trạng thiếu nước thế này còn kéo dài bao lâu nữa. Ở giữa Thủ đô mà sống khổ quá. Đi vệ sinh cũng phải đi nhờ, đồ ăn chủ yếu ăn đồ khô để tiết kiệm nước".

Không sáng sủa hơn là bao, nhiều ngày nay chị Nguyễn Thị Sang bỏ hết công việc buôn bán để "chạy nước" cho cả gia đình. Ngày nào cũng vậy, chị Sang dùng xe đạp chở bình đi khắp các phường (Quang Trung, Chiến Thắng, Vạn Phúc…) để xin nước của người quen. Gặp chúng tôi trong tình trạng mướt mát mồ hôi sau chuyến chở nước buổi sáng, chị Sang nói: "Em khổ quá, nhà có 5 người mà nước thì không có. Cả nhà loạn hết lên vì nước đây. Em phải bỏ cả công việc, chạy khắp nơi xin nước để sinh hoạt. Nói không phải ngoa chứ đêm hết nước có khi phải đi vệ sinh vào túi bóng, sáng hôm sau mang vứt. Đến nước nhỏ ra từ máy điều hòa cũng phải hứng để dùng thì anh chị biết khổ đến mức độ nào rồi đấy".

"Cơn khát" nước sạch tại Khu tập thể của Bộ Y tế (số 5 phường Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng kéo dài nhiều ngày nay. Cuộc sống thường nhật ở đây bị đảo lộn cả ngày lẫn đêm. Có đến đây trực tiếp nghe phản ánh của bà con mới thấy nước sạch quý đến mức nào. Hơn 100 hộ dân tại khu tập thể thay nhau thức đêm để chờ có nước là đồng loạt bơm vào bể chứa của nhà mình. Tất cả xô chậu đều được huy động để hứng nước xả từ máy điều hòa.

Rất nhiều hộ dân phải sang các phường khác mua nước để sinh hoạt.

Bà Toan chia sẻ: "Khu nhà chúng tôi mất nước hơn một tuần nay rồi. Chúng tôi đêm nào cũng phải thức đến 1, 2h sáng chờ nước về để bơm. Ai nấy cũng lo hết nước vì vậy chỉ bơm được một lúc là cạn rồi. Nhà nào chẳng bị cháy máy bơm, có nhà cháy đến tận 3 chiếc rồi. Nhiều nhà chẳng dám nấu cơm mà ăn, phải đi ăn cơm quán vì không có nước. Đến nước chảy từ máy điều hòa ra cũng quý, nhà nào cũng phải hứng nước đó để rửa. Đúng là cơ cực đủ đường".

Một chủ quán ăn nhỏ ngay đầu ngõ của khu tập thể cho biết, việc thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh của chị. Hàng ngày gia đình phải mua nước ở bên ngoài khá đắt đỏ để nấu nướng kinh doanh. Thu nhập của quán từ đó giảm sút trông thấy. Được biết những hộ tại đây mua nước của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàn Kiếm (Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội) địa chỉ số 8C, phố Đinh Công Tráng (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Các hộ tại đây bức xúc vì đơn vị này không cung cấp đủ nước sạch trong khi hàng tháng vẫn đóng đầy đủ tiền phí.

Nước vẫn thiếu trầm trọng trong mùa hè năm nay

Mới đây các đơn vị cung cấp nước sạch phục vụ người dân Hà Nội cho hay, mùa hè năm nay, người dân phải tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân chính là do đường ống nước sạch sông Đà số 2 vẫn chưa được thi công.

Chiều ngày 5/5/2015, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, các đơn vị nước sạch trên địa bàn Hà Nội đã có thông tin cụ thể về kế hoạch cấp nước trong mùa hè 2015. Ông Nguyễn Bảo Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội khẳng định: Năm 2015 dự báo sẽ có nhiều khó khăn trong việc cung cấp nước sạch cho người dân. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Hồng nên nguồn nước ngầm 2015 tiếp tục suy giảm từ 1% đến 2% so với năm 2014. Nguồn nước mặt sông Đà không cung cấp đủ cả về áp lực và lưu lượng theo yêu cầu của công ty.

Nước cạn, cháy máy bơm xảy ra khá thường xuyên.

Bên cạnh đó nhu cầu về nước sạch của người dân Thủ đô ngày một tăng cao, cụ thể trong năm nay nhu cầu có thể tăng tới 7 -10% so với năm 2014. Việc khoan giếng thay thế bổ sung lại gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, quỹ đất, địa tầng khai thác nước…; các dự án phát triển nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đuống triển khai chậm với kế hoạch do vướng mắc về bố trí mặt bằng, cơ chế huy động vốn đầu tư…

Trong lúc Thủ đô thiếu nước trầm trọng, vấn đề dư luận quan tâm nhất lúc này là việc xây dựng tuyến đường dẫn nước sạch sông Đà số 2 để khắc phục tình trạng bục vỡ ống dẫn số 1. Tuy nhiên cho đến nay việc xây dựng này vẫn chưa thể khởi công. Dù UBND thành phố Hà Nội nhiều lần thúc nhưng Vinaconex chưa khởi công với lý do phải thực hiện đầy đủ theo quy trình, thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu… theo quy định bởi vốn nhà nước chiếm 51%.

Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex cho biết, đơn vị này vẫn đang tiến hành khảo sát, xây dựng chi tiết và hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Tại cuộc họp báo, ông Tốn chia sẻ thêm: "Dẫu biết người dân vô cùng khổ cực trong việc thiếu nước nhưng cũng phải hiểu và thông cảm cho đơn vị chúng tôi. Dù đã có vốn nhưng Chính phủ không cho cơ chế đặc thù nên bắt buộc phải làm theo trình tự, thủ tục của Nhà nước quy định. Do đó, đến ngày chúng tôi mới được thi công".

Huy động tất cả chậu, thau để chứa nước dự trữ.

Để tránh việc gián đoạn cấp nước tạm thời, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, Tổng Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex lập ban chỉ đạo xử lý sự cố nhanh nhất. Sẽ có đội phản ứng nhanh các sự cố và quy trình xử lý sự cố tuyến ống nước sạch sông Đà - Hà Nội thường xuyên ứng trực 24/24.

Ông Thân Thế Hà - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex chia sẻ: Việc triển khai thi công đường ống dẫn nước sạch sông Đà số 2 phải tới tháng 6 đơn vị mới trình hồ sơ thiết kế lên Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng phải mất gần 1 tháng mới thẩm định xong. Sau đó hoàn tất nốt các thủ tục, dự kiến tháng 8 mới có thể khởi công được. Như vậy ít nhất phải đến đầu hè năm 2016 đường ống nước sạch sông Đà số 2 mới có thể đi vào khai thác. Về chi phí đầu tư dự án cấp nước sạch sông Đà giai đoạn II, nâng công suất của hệ thống từ 300.000m3 ngày đêm lên 600.000m3, như vậy chi phí vào khoảng 4.850 tỷ đồng. Trong đó, Vinaconex ưu tiên nguồn vốn đầu tư tuyến đường truyền dẫn số 2 bằng gang dẻo với tổng số tiền khoảng 1.200 tỷ đồng.

Ông Bảo Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, tình trạng thiếu nước sạch sẽ xảy ra tại: quận Ba Đình (khu vực phố Hàng Than, Nguyễn Trung Trực, Hàng Đậu, Hoè Nhai…); quận Hoàn Kiếm (khu vực 1, 2 phường Chương Dương, Phúc Tân, dọc đường Trần Nhật Duật, phố Tràng Thi, Quán Sứ, Hàng Tre, Hàng Buồm…); quận Đống Đa (thiếu nước tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi T.W, các ngõ ngách phố Nguyễn Phúc Lai, Hoàng Cầu…); quận Hai Bà Trưng (khu vực Đê Thanh Lương, Nguyễn Khoái, Trần Khát Trân, phố Hồng Mai, Trần Thánh Tông…) và tại nhiều quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.

Ông Vinh cho biết thêm, các khu vực thiếu nước khi nắng nóng kéo dài, lụt bão sẽ được khắc phục bằng phương án vận hành mạng cấp nước phân khu, luân phiên, cấp nước bằng xe stec không để mất nước quá 36 giờ. Đồng thời, Công ty Nước sạch Hà Nội sẽ phát huy tối đa năng lực sản xuất của các nhà máy, trạm sản xuất, kết hợp công tác chống thất thoát thất thu hiệu quả để khai thác tối ưu sản lượng nước ngầm khai thác từ 585.000 - 620.000m3/ngđ (lưu lượng nước chảy trong 1 ngày đêm). Bên cạnh đó, công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với các Công ty cấp nước Vinasupco, Viwaco vận hành điều tiết hợp lý để tiếp nhận nguồn nước mặt sông Đà bổ sung từ 40.000-55.000m3/ngày cấp cho các khu vực quận Đống Đa, Cầu Giấy. 

Phong Anh
.
.
.