Cuộc đấu súng nghẹt thở lúc nửa đêm ở Sen Thượng
Chiếc U - oát của Công an tỉnh Điện Biên mải miết xuyên qua cơn mưa bất chợt đưa chúng tôi vào Sen Thượng, huyện Mường Nhé khi phía xa xa, ráng chiều bắt đầu nhuộm đỏ ối dãy Pu Si Lung. Đang bắt đầu vào thời điểm khắc nghiệt nhất của mùa khô Tây Bắc nhưng chiều nay trời bỗng dưng “nhỏ lệ” làm không khí trên xe như chùng xuống; mọi người đều mang trong mình một tâm trạng khó tả với niềm xúc động đến nghẹn lòng.
Tròn 1 tháng trước, tại cột mốc số 10, xã Sen Thượng đã diễn ra một trận đọ súng ác liệt giữa 6 cán bộ Công an – Biên phòng quả cảm với đám đối tượng phá rối an ninh manh động và hung hãn. Một Thiếu uý Biên phòng đã anh dũng hy sinh, 3 cán bộ Công an bị trọng thương. Máu các anh đã đổ xuống cho sự bình yên của đại ngàn…
Màn đấu súng nghẹt thở ở ngã ba biên giới
Từ trung tâm xã Sen Thượng phải đi bộ hơn 4 giờ đồng hồ mới đến được địa điểm diễn ra trận chiến đấu không cân sức rạng sáng ngày 15/10. Dưới nền chiếc lán tuềnh toàng được dựng lên bởi mấy cọc tre chặt vội lợp bằng lá chuối rừng vẫn còn vương những giọt máu đã bầm tím, dấu vết khốc liệt của trận đánh. Nhiều người đã không thể ngăn được dòng lệ khi tận mắt chứng kiến những vất vả, hy sinh của các chiến sĩ Công an – Biên phòng ngay giữa thời bình.
Chỉ lên tận đây, giữa đại ngàn heo hút nơi ngã ba biên giới người ta mới thấu hiểu tại sao các anh đã và đang đổ những giọt mồ hôi mặn nồng và hôm nay là máu để bảo vệ, gìn giữ sự bình yên và cương vực thiêng liêng của Tổ quốc….
Bần thần đứng trước vị trí Thiếu uý Lương Minh Năm, cán bộ Đồn biên phòng Sen Thượng bị bắn trọng thương và hy sinh, Đại uý Nguyễn Trung Tính, cán bộ Cục An ninh Tây Bắc hồi tưởng lại... Nhằm đập tan mưu đồ và những cuồng vọng của một số đối tượng gây rối an ninh ở Mường Nhé, một ban chuyên án được thành lập với sự tham gia của các đơn vị nghiệp vụ.
Không thể kể hết những nỗi vất vả của các tổ công tác tham gia chuyên án. Họ phải trải qua những ngày ăn rừng, ngủ lán, uống nước khe; đêm đến lại rải quân đón lõng đối tượng. Nhưng đúng là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, giữa muôn vàn gian khó trong các anh vẫn rực cháy niềm lạc quan, vui vẻ với quyết tâm sớm cất gọn mẻ lưới nhóm tội phạm nguy hiểm.
Nửa đêm về sáng ngày 15/10, sau phiên tuần tra ở khu vực giáp mốc 10, tổ công tác rút về tập kết ở một lán nhỏ thuộc địa bàn xã Sen Thượng. Trời đổ mưa rào, gió đem hơi lạnh từ đại ngàn như roi quất ràn rạt, mọi người trong lán đều ướt lướt thướt và không ngủ được vì lạnh.
Đại uý Nguyễn Trung Tính. |
Khoảng gần 4h sáng, qua ánh sáng sau tia chớp, Đại uý Nguyễn Trung Tính phát hiện có bóng đen khả nghi cách lán vài chục bước chân, anh bấm mọi người dậy triển khai phương án chiến đấu. 6 người chỉ kịp cơ động được vài mét thì bất thần trong đêm, hàng loạt tiếng súng chát chúa vang lên.
Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra chỉ chừng 10 phút nhưng do đối tượng lợi dụng đêm tối, quen địa hình, địa vật nên 4/6 cán bộ trong tổ công tác đều dính làn đạn ác nghiệt của bọn tội phạm. Khẩu AK - hoả lực mạnh nhất của tổ công tác bị bắn trúng hộp tiếp đạn nên không thể sử dụng, anh em mặc dù bị thương vẫn dũng cảm sử dụng súng ngắn đáp trả làm các đối tượng hoảng sợ tháo chạy tán loạn…
Im tiếng súng, Thiếu uý Lương Minh Năm nén đau nhắc nhở mọi người di chuyển ra một vị trí khác đề phòng các đối tượng tấn công trở lại. Anh bị 2 viên đạn găm vào đùi, 1 viên đạn vào tay máu chảy ướt đẫm bộ quần phục bạc màu.
Hạ sĩ Thào A Sấu – cán bộ Công an huyện Mường Nhé bị đạn bắn trúng hông xuyên ra lưng và 1 viên vào cẳng chân, Trung uý Lò Văn Thành – cán bộ Cục An ninh Tây Bắc dính 1 viên đạn làm vỡ khuỷu tay trái, Hạ sĩ Giàng A Chầu – cán bộ Công an huyện Mường Nhé bị 1 viên đạn găm vào cẳng chân. Đại uý Nguyễn Trung Tính, chiến sĩ Mùa A Dơ – Đồn Biên phòng Sen Thượng xé áo băng bó vết thương cho đồng đội, đồng thời cõng số anh em bị thương về phía một khe núi gần đó, chuẩn bị vũ khí sẵn sàng đương đầu với trận đánh tiếp theo...“Sau khi dặn dò anh em, tôi trực tiếp chạy bộ đến nơi giấu xe máy rồi về đồn biên phòng Sen Thượng cách đó hơn 5 cây số để xin cứu viện” - Đại uý Tính nhớ lại. Khoảng hơn 1h sau lực lượng tiếp ứng có mặt, đưa các chiến sĩ bị thương về Trung tâm y tế huyện Mường Nhé cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, Thiếu uý Lương Minh Năm đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7h15 cùng ngày, 3 cán bộ Công an được khẩn trương mổ cấp cứu, tạm qua được cơn nguy kịch để tiếp tục chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên…
Lưới trời lồng lộng
Ngay sau trận đánh không cân sức diễn ra ở khu vực mốc 10, xã Sen Thượng, được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công an và BTL BĐBP, Ban giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, Bộ chỉ huy BĐBP và Cục An ninh Tây Bắc đã nhanh chóng triển khai lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ tổ chức vây bắt, truy kích bọn tội phạm.
Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng Công an thu giữ được trên 30 vỏ đạn CKC cùng nhiều dấu vết cho thấy nhóm đối tượng gây án có khoảng hơn 10 tên. Hiện trường xảy ra trận đánh chỉ cách mốc 10 vài trăm mét, sau khi xả súng điên cuồng và vấp phải sự kháng cự dũng cảm của các chiến sĩ, nhóm đối tượng đã phải bỏ chạy về các khu rừng bên kia biên giới.
Lực lượng Công an một mặt tăng cường lực lượng truy kích ở khu vực giáp biên đồng thời đề nghị Công an huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) phối hợp xác minh, truy bắt đối tượng. Cho đến ngày 15/11/2012, Ban chuyên án đã phối hợp với Công an huyện Giang Thành bắt được 24 tên, thu nhiều vũ khí.
Đáng chú ý trong số đối tượng này có 2 tên cộm cán, đang có lệnh truy nã đặc biệt của Công an tỉnh Điện Biên và cũng là những kẻ cầm đầu nhóm tấn công lực lượng ta rạng sáng 15/10 là Giàng Pà Tỉnh, 48 tuổi, HKTT ở bản Pá Mỳ 2, xã Pá Mỳ và tên Vàng A Sử (thường gọi là Dúa Sử), 42 tuổi, ở bản Nậm Mỳ 2, xã Mường Toong (Mường Nhé).
Trung tướng Lê Quý Vương, UVTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an thăm hỏi, động viên cán bộ Công an bị thương. |
Đấu tranh bước đầu, các đối tượng khai nhận đêm hôm đó, Giàng Pà Tỉnh dẫn theo 13 tên, trang bị 7 súng CKC, 4 súng kíp, 6 quả lựu đạn… tổ chức tấn công lực lượng của ta. Vấp phải sự chiến đấu ngoan cường của lực lượng Công an – Biên phòng, bọn chúng đã phải tháo chạy…
Chân dung những người lính dũng cảm
Thiếu uý Lương Minh Năm, cán bộ Đồn biên phòng Sen Thượng - Tổ trưởng tổ công tác đã anh dũng hy sinh ở tuổi 35 trong trận chiến đấu nghẹt thở rạng sáng ngày 15/10. Quê Thiếu uý Năm ở xã Hồng Thuận, huyện Giao Thuỷ, Nam Định. Anh gia nhập lực lượng biên phòng năm 1998.
Hơn 15 năm lăn lộn ở Tây Bắc, anh đã đóng quân tại những nơi gian khổ bậc nhất mà chỉ nghe địa danh đã thấy xa xôi, diệu vợi như: Huổi Luông, Si Pa Phìn, Nà Hỳ, Sen Thượng... Nhưng ở vị trí công tác nào Thiếu úy Năm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chuyện anh hy sinh khi trong ba lô vẫn còn bức thư cùng với lời dặn dò chan chứa tình cảm chưa kịp gửi cho vợ và 2 cô con gái bé bỏng ở quê làm mọi người xúc động, nhưng không phải ai cũng biết trong thời khắc sinh tử, bản lĩnh của người chiến sĩ biên phòng nơi đầu sóng ngọn gió vẫn luôn ngời sáng.
Đại uý Tính rưng rưng khi nhắc lại giây phút đó: “Sau khi lắng tiếng súng, Thiếu uý Lương Minh Năm dù đã yếu vì máu ra nhiều vẫn nắm chắc khẩu súng ngắn và nói với tôi “Anh cứ yên tâm về gọi cứu viện nếu chúng còn quay lại em vẫn đủ sức xử lý được vài tên…”.
Tôi gặp Đại uý Nguyễn Trung Tính trong phút giải lao giữa cuộc họp tổng kết đơn vị ở đại bản doanh Phòng 2, Cục An ninh Tây Bắc. Chưa bình phục hẳn do bị chấn thương ngực dẫn đến sẹp phổi, vẫn còn ho ra máu nhưng anh vẫn gượng dậy để cùng đồng đội lấy lời khai số đối tượng bị bắt giữ.
Sở hữu một nước da sạm đen, đôi lông mày rậm cùng ánh mắt sắc, Đại uý Tính toát lên vẻ phong trần, gan góc của người miền Trung gió Lào. Anh vào ngành Công an từ năm 1996, hơn 16 năm “rong ruổi” ở những địa bàn khó khăn bậc nhất miền biên viễn đã rèn giũa anh trở thành một sĩ quan an ninh dũng cảm, không ngại gian khó, hiểm nguy.
Trận chiến đấu hôm đó anh đã cùng với Thiếu uý Lương Minh Năm chỉ huy tổ công tác đánh trả, buộc bọn tội phạm phải tháo lui. Sau khi xé áo băng bó vết thương cho 4 đồng đội bị thương, Đại uý Tính đã mình trần vượt đêm tối để về đồn biên phòng xin tăng cường lực lượng. Trời mưa, đường trơn trượt nên 3 lần anh đã bị trượt ngã, lăn xe máy xuống vực dẫn đến chấn thương ngực…
Trung uý Lò Văn Thành là người bị thương ngay loạt đạn đầu tiên nhưng anh vẫn dũng cảm sử dụng súng ngắn bắn trả đám tội phạm hung hãn. Thành người dân tộc Thái quê ở xã Phìn Hồ, huyện Mường Chà, phong thái nhẹ nhàng, da trắng như con gái. Nhưng theo Đại tá Đào Đức Thách, Cục phó Cục An ninh Tây Bắc cho biết “Thành là một cán bộ có năng lực, không ngại khó ngại khổ. Là người Thái, cậu ấy đã tự học và nói thành thạo tiếng Mông và được bà con dưới bản yêu quí bởi sự gần gũi, am hiểu phong tục tập quán”.
Hạ sĩ Thào A Sấu, Giàng A Chầu – cán bộ Công an huyện Mường Nhé và binh nhì Mùa A Dơ - chiến sĩ Đồn biên phòng Sen Thượng đều là những chiến sĩ độ tuổi 9X, chưa đầy một tuổi quân nhưng bằng sức trẻ, lòng nhiệt huyết của mình các anh đã cùng với đồng đội lập nhiều chiến công, góp phần giữ vững bình yên bản làng.
Hoà bình rồi máu anh vẫn đổ. Tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh của các anh đã thổi bùng ngọn lửa, thắp lên niềm tin, tạo nên sức mạnh ở vùng đất ngã ba biên giới ...
Liệt sĩ Lương Minh Năm được Bộ Quốc phòng truy phong từ Thiếu uý lên Thượng uý; được TW Đoàn truy tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” và đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng HCCC. Hội đồng thi đua khen thưởng Cục An ninh Tây Bắc, Công an tỉnh Điện Biên đã họp, nhất trí đề xuất Chủ tịch nước tặng thưởng HCCC hạng ba cho Đại uý Nguyễn Trung Tính và Hạ sĩ Thào A Sấu; đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho Trung uý Lò Văn Thành, Hạ sĩ Giàng A Chầu |