Cuộc chiến với nạn thuốc giảm đau và thuốc giả

Thứ Hai, 05/02/2018, 14:58
Mặc dù không phải lần đầu tiên các tập đoàn lớn tìm cách giảm chi phí bảo hiểm để cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế cho nhân viên, nhưng quyết định hợp tác của 3 hãng Amazon, Berkshire Hathaway và JPMorgan Chase đang khiến dư luận ở Mỹ đặc biệt quan tâm.

Bởi trong thông báo hôm 30-1, công ty bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới Amazon, Tập đoàn Berkshire Hathaway và ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase tuyên bố, sẽ hợp tác để giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho 1,1 triệu nhân viên của họ.

Và việc này diễn ra trong bối cảnh có 37 trẻ thiệt mạng, 12.000 người nhập viện khi cúm mùa (cúm A/H3N2) đã lan tới 49/50 bang ở Mỹ. Cơ quan y tế Mỹ cho biết, cứ 100.000 người mắc bệnh thì có 22,7 trường hợp phải nhập viện trong tháng 1, cao hơn so với tỷ lệ 13,7 người hồi cuối tháng 12-2017 và dịch cúm đang diễn biến phức tạp tại "xứ sở cờ hoa".

Dùng ibuprofen liều cao trong thời gian dài có thể khiến đàn ông bị vô sinh.

Điều đáng nói là "sự cố" kể trên diễn ra khi chính quyền thành phố New York nộp đơn lên Tòa án Tối cao kiện các đại gia dược phẩm là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau Opioid tại Mỹ. Và với vụ kiện đòi bồi thường lên tới nửa tỷ USD, New York đã điền tên vào danh sách các bang và thành phố ở Mỹ khởi kiện các hãng dược phẩm lớn gây ra vấn nạn nghiện ma túy tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Thị trưởng New York Bill de Blasio tuyên bố, phải buộc các hãng dược phẩm lớn chịu trách nhiệm về những tội ác mà họ gây ra, khi kiếm hàng tỷ USD bất chấp việc hàng triệu người Mỹ trở thành con nghiện. Và các hãng dược phẩm và bán buôn thuốc bị điểm danh trong đơn kiện có Purdue Pharma, hãng chế tạo OxyContin, thuốc giảm đau bán chạy nhất thế giới, Teva Pharmaceuticals USA, Inc., Johnson&Johnson, Janssen Pharmaceuticals, McKesson Corporation, Cardinal Health và AmerisourceBergen Corporation.

Theo thống kê, 2016 đã trở thành năm tồi tệ nhất trong lịch sử New York, khi có hơn 1.000 người chết do uống thuốc giảm đau quá liều. Và số người tử vong do lạm dụng thuốc giảm đau ở New York đã cao hơn số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn ôtô và án mạng cộng lại. Cũng trong năm 2016, ở Mỹ có 63.600 người tử vong (trung bình 174 người Mỹ/ngày) do sử dụng thuốc quá liều.

Giới chuyên môn đang quan tâm tới nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch, khi họ phát hiện ra rằng, chỉ cần uống 6 viên thuốc giảm đau ibuprofen mỗi ngày cũng đủ tác động tiêu cực tới nội tiết tố sinh dục của nam giới.

Và nếu tình trạng này kéo dài trong 6 tuần sẽ dẫn đến mất cơ bắp và trầm cảm. Việc sử dụng ibuprofen trong thời gian dài có thể gây vô sinh, giảm ham muốn tình dục ở nam giới. Đây là nghiên cứu đầu tiên về ibuprofen, loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến để điều trị những cơn đau mạn tính lâu dài (đau đầu, nhức răng, đau bụng kinh, đau cơ bắp), viêm khớp, hạ sốt và cảm cúm hoặc cảm lạnh.

"Chúng tôi vô cùng lo lắng về khả năng sinh sản của những nam giới dùng ibuprofen lâu dài. Ibuprofen là thuốc giảm đau tốt nhưng không ít người sẵn sàng dùng chúng mà chẳng hề suy nghĩ", ông David Mobjerg Kristensen, thành viên trong nhóm nghiên cứu cảnh báo. Các nhà khoa học Italia, Anh và Hà Lan cũng vừa khuyến cáo, các loại thuốc giảm đau làm tăng các ca nhập viện vì suy tim.

Theo số liệu mới công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có 100.000 ca tử vong tại châu Phi do dùng thuốc giả - cứ 10 sản phẩm thuốc trên thế giới thì có 1 sản phẩm bị làm giả và tỷ lệ làm giả ở một số quốc gia thậm chí là 7/10, đặc biệt ở châu Phi.

Hãng AFP vừa có bài viết về tình trạng thuốc giả ở khu chợ Roxy, nằm ngay tại Abidjan - thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mại của Cote d'Ivoire bởi tại đây giao dịch tất cả các loại thuốc giả trên thế giới. WHO từng cảnh báo, khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các bệnh như sốt rét hay sưng phổi mỗi năm.

Vụ kiện nửa tỷ USD và cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau tại Mỹ.

WHO cũng ước tính, mức thiệt hại vì thuốc giả vào khoảng 30 tỷ USD/năm. Còn theo tính toán của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEFF), hoạt động buôn bán thuốc giả chiếm 10% tổng doanh thu của ngành dược trên thế giới, tương đương hàng chục tỷ USD/năm và con số này tăng gần gấp 3 trong 5 năm qua.

Đơn vị hợp tác chống dược phẩm giả của hãng dược Sanofi (Pháp) cho biết, dược phẩm là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất trên thế giới và tình trạng này đang gia tăng do lợi nhuận hấp dẫn và khá an toàn. Nửa năm trước (tháng 8-2017), Interpol đã thu giữ 420 tấn dược phẩm giả trong một chiến dịch triển khai tại các quốc gia Tây Phi. Nhưng các đối tượng buôn bán thuốc giả chỉ phải đối mặt với cáo buộc vi phạm bản quyền, không phải chịu hình phạt đủ sức răn đe liên quan tới tính mạng của hàng trăm nghìn người.

Khắc Tuấn
.
.
.