“Cuộc chiến” truyền hình trả tiền tại Việt Nam, khi sân nhà không còn là lợi thế
Liên tục sai phạm
Trong vài năm trở lại đây, các kênh truyền hình trả tiền (THTT) xuyên biên giới ngày càng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, liên tục mở rộng quảng bá trên nhiều kênh truyền thông, mở rộng tệp khách hàng và thực hiện chuyển ngữ nhiều bộ phim chiếu trên hệ thống. Đáng chú nhất trong số đó là Netflix, một kênh xem phim bằng công nghệ OTT – truyền tải nội dung hình ảnh thông qua mạng internet, được nhiều người Việt ưa thích do cung cấp đa dạng các loại phim chuyển ngữ tiếng Việt với chất lượng cao. Ngoài ra, Netflix cũng kết hợp với các nhà sản xuất phim trong nước đẩy một lượng lớn phim Việt lên hệ thống nhằm thu hút thêm người xem, đăng ký thuê bao.
Kênh truyền hình Netflix có nhiều nội dung chuyển ngữ sai phạm. |
Mặc dù chưa được công bố cụ thể, nhưng theo số liệu từ tháng 10-2018, ước tính đã có khoảng 300.000 thuê bao đăng kí sử dụng kênh của Netflix. Tiền cước được thanh toán trực tiếp qua ứng dụng, bằng thẻ tín dụng quốc tế.
Với lượng lớn người dùng như vậy, nhưng thực tế cho đến nay, Netfix vẫn chưa thực hiện đúng các yêu cầu pháp luật của Việt Nam. Cụ thể đó là thực hiện chuyển ngữ tiếng Việt nhiều phim không qua biên tập, kiểm duyệt theo đúng quy định pháp luật, trong đó có các nội dung phim khiêu dâm, bạo lực hay thậm chí là xuyên tạc lịch sử hay vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trước những vi phạm này, tại công văn số 1330/PTTH&TTĐT ngày 20/7/2020 gửi Công ty Netflix, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu công ty này chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam.
Theo công văn này, công ty Netflix - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới - đang cung cấp hàng nghìn nội dung gồm các thể loại phim, gồm cả phim tài liệu lịch sử, các chương trình trò chơi truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, phóng sự điều tra... được chuyển ngữ tiếng Việt, hướng tới người dùng là người Việt Nam, có thu tiền thuê bao định kỳ hàng tháng tại Việt Nam.
Qua công tác quản lý nhà nước, Cục PTTH&TTĐT thấy rằng, các nội dung trên dịch vụ của công ty Netflix cung cấp đến người dùng Việt Nam đang vi phạm các quy định pháp luật hiện hành Việt Nam (Luật Trẻ em, Luật Báo chí, Luật Điện ảnh…).
Các nội dung này không được biên tập để phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt và cho phép trẻ em dễ dàng xem các nội dung không phù hợp với trẻ em.
Ông Lê Đình Cường. |
Cục PTTH&TTĐT yêu cầu Công ty Netflix chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt Nam. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đề nghị cấp Giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam trong trường hợp có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam.
Được biết, đại diện Công ty Netflix khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Singapore đã nhận được văn bản nêu trên của Cục PTTH&TTĐT. Tuy nhiên sau đó khoảng 1 tháng, các nội dung sai phạm nói trên vẫn chưa được gỡ bỏ.
Cuộc chiến không cân bằng
Mặc dù có sai phạm trong nội dung, nhưng việc xử lý các kênh THTT xuyên biên giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là bất lợi cho các kênh THTT trong nước, khi vừa đi sau về công nghệ và nội dung và hiện giờ lại còn là sự thiếu cân bằng trong công tác quản lý.
Trước sự bất cập này, ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội THTT Việt Nam cho biết Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng chưa thực hiện việc cấp phép cho các đơn vị nước ngoài khi chưa hội đủ các điều kiện công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt biên dịch, biên tập nội dung chương trình như quy định Luật Báo chí Việt Nam. Đó cũng là cách để lấy lại sự cân bằng cho “cuộc chiến” của THTT hiện nay.
Một bộ phim có hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia. |
Ông Cường cho biết, các kênh THTT của Việt Nam có sự phát triển từ hơn 20 năm nay, tạo thành thị trường phát triển khá là rộng khắp trên cả nước. Cao điểm nhất là vào điểm từ 2008 – 2015, khi các kênh bắt đầu nâng cao chất lượng chương trình, khai thác và cung cấp các kênh từ nước ngoài sau khi biên tập, biên dịch lại. Đã có lúc các kênh THTT của Việt Nam phổ cập đến 90% các địa bàn, kể cả vùng sâu vùng xa.
Đến năm 2016, truyền hình OTT của nước ngoài xuất hiện và thu hút một lượng lớn khách hàng. Năm 2016, các kênh đó đã chiếm khoảng 10-15% thị phần và vào thời điểm hiện tại, rất nhiều địa bàn, truyền hình OTT của nước ngoài cạnh tranh với các kênh trong nước một cách rất quyết liệt. Đặc biệt là ở các thành phố lớn với nhiều đối tượng trẻ, có thể chiếm đến 50% thị phần.
“Họ không cần xin phép, không cần cấp phép, không cần đóng thuế vẫn đưa được nội dung chương trình truyền hình, truyền thông vào Việt Nam. Nhiều nội dung không được kiểm duyệt và người dân chỉ phải trả phí rất thấp. Ngoài ra, các đơn vị nước ngoài có tiềm lực kinh tế tài chính rất mạnh, cung cấp bản quyền và khả năng độc quyền cao với kho nội dung khổng lồ. Đó là những lợi thế khiến họ vượt mặt các kênh truyền hình trong nước”, ông Cường nói.
Về cách thức hoạt động của các kênh THTT trong nước, ông Lê Đình Cường cho biết, tất cả đều phải hoạt động đúng pháp luật quy định và bị quản lý bởi Nghị định 06/2016/NĐ-CP (Nghị định 06), xin cấp phép số kênh sẽ phát. Ngoài ra trước khi đưa nội dung nước ngoài lên mạng phải thông qua một Đài có trách nhiệm được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép thực hiện biên tập, biên dịch.
“Ví dụ khi tôi mua 1 gói kênh của Qnet – một đơn vị khai thác phim nước ngoài, muốn đưa vào VN phải thông qua TTXVN để phê duyệt, biên tập, chuyển ngữ”, ông Cường nói. Chỉ nhìn vào hai đối tượng kinh doanh trên, có thể thấy sự không công bằng trong việc cạnh tranh thị phần. Đó là điều khiến những kênh THTT trong nước thua trên chính sân nhà của mình. Dù trong nhiều năm nay, các kênh THTT của Việt Nam đã có nhiều cố gắng thay đổi. Tuy nhiên, những cố gắng đó chưa đủ thu hút nhất là với đối tượng trẻ nên vẫn bị lấn chiếm thị phần ngày càng nhiều.
Trăn trở trước thực trạng này, ông Lê Đình Cường cho rằng về dịch vụ, các kênh THTT nước ngoài không chịu sự kiểm soát tại Nghị định 06, nội dung lại không qua kiểm duyệt, đó sẽ là nguy cơ tiềm ẩn để kẻ xấu lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực, xuyên tạc, chống phá. Đơn vị quản lý là Cục TTĐT&PTTH chỉ có cách rà soát và gửi văn bản yêu cầu gỡ bỏ mà không có chế tài xử lý nào khác.
Trong khi đó, hàng chục năm qua trên lĩnh vực truyền thông, viễn thông, các Đài phát thanh, truyền hình cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ THTT trong nước đã sản xuất, truyền dẫn trên 90% nội dung chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch chặt chẽ đồng thời làm tốt nghĩa vụ trích nộp ngân sách nhà nước, nộp các loại thuế, phí đầy đủ theo quy định mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.
Để tạo sự cân bằng trong “cuộc chiến” ngày càng cam go này, Hiệp hội THTT Việt Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước trong 3 năm trở lại đây. Nhà nước cũng đã có hơn 20 cuộc hội thảo về vấn đề sửa đổi bổ sung Nghị định 06 để làm cơ sở cấp phép, quản lý nội dung cho tất cả đối tượng trong cũng như ngoài nước.
Gần đây nhất, Hiệp hội THTT Việt Nam cũng có văn bản gửi Thủ tướng khẩn thiết đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý khác liên quan kiến nghị sớm hoàn thiện văn bản pháp lý là Nghị định 06 sửa đổi bổ sung để quản lý và xử phạt các vi phạm về nội dung chương trình, các kênh phát thanh truyền hình xuyên biên giới.
Trong kiến nghị của Hiệp hội cũng nêu rõ, cần tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như: Netflix, Iflix, Amazon, WeTV, Iqiyi (Trung Quốc)… nếu khối lượng nội dung chương trình từ nước ngoài quá lớn. Đó cũng là giải pháp tốt nhất hiện nay khi chưa có công cụ quản lý hữu hiệu của Nhà nước.