Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn và gây ô nhiễm môi trường ở Bình Dương

Thứ Hai, 08/05/2017, 09:33
Với chính sách khuyến khích đầu tư, thời gian qua Bình Dương chuyển mình trở thành một trong những tỉnh hàng đầu cả nước về phát triển công nghiệp, thu hút hàng chục ngàn nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư làm ăn.


Lợi dụng chính sách thông thoáng này, một bộ phận thương nhân đã bất chấp các quy định về bảo vệ môi trường, lén lút tìm cách xả thải ra sông, suối, hoặc tự chôn lấp chất thải rắn ngay tại chỗ gây ô nhiễm môi trường.

Người kinh doanh buôn bán thì tìm cách tuồn những loại thực phẩm hư thối, các loại rau, củ quả tắm thuốc trừ sâu… vào bán trong tỉnh.

Ngăn chặn xả thải ra môi trường

Có lẽ chưa bao giờ số lượt vi phạm về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trên cả nước nói chung và ở Bình Dương nói riêng lại gia tăng như trong thời gian qua.

Chặn đứng vụ vận chuyển thịt heo thối vào chợ Đông Đô.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, Phòng PC49, Công an Bình Dương đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 68 vụ với tổng số tiền phạt trên 10 tỷ đồng, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý 51 vụ và nhắc nhở hàng trăm vụ khác.

Vụ xả thải trực tiếp không qua xử lý ra con suối đầu nguồn Bến Ván thuộc ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, Bình Dương đã đột nhiên biến dòng nước ở đây chuyển màu vàng thẫm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn người dân trong vùng, đặc biệt có nhiều trẻ em sau khi tắm suối bị ghẻ ngứa toàn thân, người lớn lội suối mò cua bắt cá cũng bị lở loét chân tay.

Sau 7 ngày đêm liên tục lội suối vạch từng bụi cây, ngọn cỏ, các trinh sát đã tìm ra được một ống ngầm phun nước thải từ dưới đáy lòng suối trào lên. Thêm gần một tuần đào bới đất đá lần theo đường ống thải ngầm, các trinh sát mới tiếp cận và xác định chính xác thủ phạm chính là nguồn nước thải từ  Công ty cổ phần Găng Việt chuyên hoạt động sản xuất găng tay các loại.

Với các hành vi vi phạm: xả nước thải sản xuất và sinh hoạt ra suối Bến Ván không qua xử lý, xả khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật…, Phòng PC49 đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng và buộc công ty phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa vào hoạt động trở lại.

Một vụ việc khác cũng khiến cho các trinh sát Phòng PC49, Công an tỉnh Bình Dương phải tốn không ít thời gian, công sức mới có thể tiến hành xử lý được đó là vụ việc ở Công ty TNHH Xưởng Giấy Chánh Dương nằm trên đường D15, khu công nghiệp Mỹ Phước I, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, hoạt động sản xuất giấy, xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Khi tiếp cận những hộ dân sinh sống xung quanh khu vực, họ đều lên tiếng phản ánh về việc cứ mỗi khi công ty này xả khói bụi ra môi trường thì những người dân đều bị viêm đường hô hấp cấp trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi yêu cầu được vào kiểm tra thực tế, công ty này đã viện nhiều lý do khác nhau nhằm kéo dài thời gian.

Bắt quả tang ông Trần Quốc Thái đang bơm thuốc Prozil fort và nước vào bụng heo.

Nhận định đây có thể là chiêu trò hòng tẩu tán tang chứng, vật chứng nên các trinh sát buộc phải đột nhập vào trong và phát hiện ngoài việc xả nước thải sinh hoạt, khí thải có mức độ ô nhiễm vượt nhiều lần so với ngưỡng cho phép, công ty này còn cho công nhân đào hố ngay trong khuôn viên để chôn 324 xỉ than và bùn thải, mà không xây bể chứa bằng xi măng cốt thép hoặc bàn giao cho công ty xử lý chất thải theo quy định.

Phòng  PC49 đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 500 triệu đồng.

Chống thực phẩm bẩn tràn vào bữa ăn gia đình

Với hàng triệu công nhân từ khắp các nơi trên cả nước đổ về làm việc tại các khu công nghiệp, Bình Dương trở thành điểm thu hút tiêu thụ lớn thực phẩm các loại.

Trong dòng chảy thực phẩm ấy, có không ít những tư thương chỉ vì nguồn lợi trước mắt đã bỏ qua những quy định của pháp luật tìm cách tuồn thịt thối, rau tắm thuốc trừ sâu cùng nhiều loại thực phẩm bẩn khác vào tiêu thụ.

Nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, Phòng PC49, Công an tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành y tế, chi cục thú y thường xuyên thực hiện các chuyến trinh sát nắm tình hình và ngăn chặn được rất nhiều vụ vi phạm.

Qua công tác tuần tra kiểm soát, một tổ công tác của Phòng PC49 phát hiện  xe tải biển kiểm soát số 60C-009.29 do tài xế Nguyễn Đức Bình (SN 1970), thường trú tại số 207, Phúc Nhạc I, xã Gia Tân Ba, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai điều khiển, vận chuyển thịt heo từ Đồng Nai về  tiêu thụ tại chợ Đông Đô, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Qua kiểm tra thực tế phát hiện trên xe có 1.820kg thịt, lòng heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, phần lớn bốc mùi hôi thối nặng.

Ngay sau khi tiến hành xác minh nguồn gốc và chủ của số thịt heo trên, lực lượng Công an đã lập biên bản buộc tài xế Nguyễn Đức Bình tiêu hủy số thịt thối trên tại Xí nghiệp xử lý chất thải - Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Bình Dương.

Trước đó, Phòng PC49 phối hợp với Công an thị xã Bến Cát, Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương phát hiện và tiến hành lập biên bản vi phạm quả tang đối với ông Trần Quốc Thái (SN 1983), ở ấp Tam Phước, Huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, là người thuê đất của ông Trần Văn Khải ở KP. An Hòa, P. Hòa Lợi, thị xã Bến Cát làm điểm để bơm nước và tiêm thuốc Prozil fort vào heo.

Loại thuốc này chỉ sử dụng với liều lượng rất hạn chế cho heo nái cắn con hoặc không cho con bú, song một số người chăn nuôi đã lạm dụng để tiêm vào heo thịt sắp được xuất chuồng với mục đích làm cho nó không có phản ứng khi bơm nước vào trong bụng và thịt sau khi giết mổ luôn đỏ tươi.

Đặc biệt, thuốc Prozil fort có rất nhiều tác dụng phụ và tồn tại trong thịt khá lâu nên người tiêu dùng khi ăn nhiều loại thịt này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến nội tiết yếu tố tiết dịch, làm rối loạn yếu tố căng cơ, giãn nở mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ…

Tại thời điểm kiểm tra có 3 xe ôtô tải chở tổng cộng 218 con heo thịt đã và đang trong quá trình bơm nước và tiêm thuốc Prozil fort, ngoài ra còn có 4 lọ thuốc Prozil fort đang được sử dụng, 1 kim tiêm, 44 lọ Prozil fort đã qua sử dụng, 2 hộp sơn dầu màu xanh dương nhãn hiệu Bạch Tuyết dùng để đánh dấu heo đã bơm xong...

Lúc đầu ông Trần Quốc Thái tỏ thái độ không hợp tác, nhưng trước sự cương quyết của lực lượng Công an, ông Thái đã phải ký vào biên bản vi phạm quả tang về hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ; vận chuyển động vật bằng phương tiện không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, về diện tích nơi chứa nhốt, không có nơi chứa nước thải, chất thải trong quá trình vận chuyển, trốn tránh việc kiểm dịch động vật...

Thượng tá Đoàn Văn Phu - Phó trưởng Phòng PC49, Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp với gần 30 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.

Phát hiện hố chôn 324 tấn chất thải rắn ở Công ty Chánh Dương.

Mỗi ngày đêm có 70.000 mét khối nước thải sản xuất, 500 tấn chất thải rắn nhưng năng lực xử lý tại chỗ chiếm 60-70% nên phải vận chuyển một lượng lớn chất thải ra các tỉnh khác để xử lý làm cho việc kiểm soát của các đơn vị chức năng gặp nhiều khó khăn vất vả.

Ngoài ra, xung quanh mỗi khu công nghiệp đều xuất hiện một vài chợ tự phát, mà đa số công nhân đều thích sử dụng các loại thực phẩm, rau củ quả giá rẻ nên các tiểu thương thường tìm cách tuồn các loại thực phẩm bẩn vào bán. Để ngăn chặn tình trạng này, trong những năm qua cán bộ chiến sỹ trong đơn vị đã không quản ngày đêm quyết tâm thực hiện nhiều đợt trinh sát nắm tình hình để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợi vi phạm về  môi trường, tài nguyên và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành chức năng xuống từng công ty, xí nghiệp trong các khu công nghiệp và đến tận các xã ở vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền nhằm giúp cho công nhân, bà con nhân dân hiểu rõ, nâng cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hiện nay còn tồn tại một số chủ doanh nghiệp vẫn đang lén lút tìm cách xả thải ra môi trường, một bộ phận tiểu thương còn chưa ý thức hoặc vì lợi ích trước mắt vẫn cố tình tuồn vào thị trường các loại thực phẩm bẩn để tiêu thụ.

Để ngăn chặn, xử lý vi phạm, Phòng PC49, Công an tỉnh Bình Dương đã tăng cường cả về thời gian và số lượng những đợt trinh sát để nắm chắc thông tin địa bàn, kịp thời xử lý các vi phạm trả lại sự trong sạch cho môi trường và đem lại những bữa cơm an toàn cho người dân.

Nguyễn Cương
.
.
.