Cuộc chiến chống săn bắn động vật hoang dã ở Kenya
Kenya có diện tích gần 600.000 km2 với hệ sinh vật đa dạng lớn nhất Châu Phi. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Kenya hiện còn 33.000 con voi Châu Phi và 1.010 tê giác.
Nạn săn bắn bất hợp pháp và nhu cầu tăng cao về các sản phẩm từ động vật hoang dã trong những năm gần đây đã đặt các loài động vật hoang dã ở Kenya trước những mối đe dọa nghiêm trọng. Chống săn bắn động vật hoang dã đã thực sự trở thành một cuộc chiến quyết liệt giữa các lực lượng thực thi pháp luật nước này và các đối tượng tội phạm…
Tại một số quốc gia ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ, các chế phẩm từ động vật hoang dã như ngà voi, sừng hươu, sừng tê giác, xương hổ… được coi là các đồ trang sức, dược liệu quý cho các nhà giàu hoặc các hiệu thuốc. Xu hướng nuôi các loài thú hoang dã đang là mốt của các đại gia Trung Đông, Nga, Mỹ, Nhật… trong thời gian gần đây càng đẩy việc săn bắn các loài thú hoang dã ở Kenya lên cao điểm.
Đối tượng giết voi để lấy ngà. |
Các băng đảng tội phạm xuất phát từ Somalia (trong đó có cả binh lính Somalia) xâm nhập bất hợp pháp vào Kenya hoặc các băng đảng tội phạm trong nước tiến hành săn bắn động vật hoang dã trong các khu rừng chưa nằm trong vành đai bảo vệ.
Có một số trường hợp chúng xâm phạm cả vào các khu bảo tồn thiên nhiên, đấu súng với cảnh sát và bảo vệ của khu bảo tồn để săn bắn. Các sản phẩm săn bắn trái phép thu được như ngà voi, sừng tê giác, da hổ, da mèo rừng, trăn, báo… được tội phạm đem cất giấu tại các địa điếm bí mật trong nội địa hoặc nhanh chóng sơ chế, đóng gói đưa đến các khu vực trung chuyển ở Mozambique, Tanzania, Somalia, Congo, Uganda, Zambia, Nam Sudan, Burundi, Ethiopia, Rwanda… trước khi đưa lên tàu hoặc máy bay vận chuyển đến các nước và vùng lãnh thổ khác để tiêu thụ như Trung Quốc, Hồng Kong, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Mỹ, Nga, Indonexia, Lào …
Hằng năm, có hàng trăm con voi, hàng chục con tê giác và rất nhiều các loài động vật hoang dã khác ở Kenya đã bị giết hại dã man để lấy da, sừng, ngà hoặc bị bắt để bán ra nước ngoài.
Cơ quan phòng, chống tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã chỉ rõ mối liên hệ giữa tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và vấn nạn săn bắn động vật hoang dã ở Kenya. Các đối tượng phạm tội tổ chức thành đường dây rất chặt chẽ từ khâu tổ chức săn bắn, vận chuyển, tiêu thụ. Chúng được trang bị vũ trang, sử dụng các phương tiện liên lạc và dụng cụ săn bắt hiện đại, rất manh động, sẵn sàng chống trả khi bị vây bắt.
Các đường dây cũng tìm cách mua chuộc, lôi kéo, đe dọa, ép buộc các nhân viên bảo vệ động vật hoang dã, lực lượng cảnh sát, quân đội Kenya để bao che, bảo kê hoặc không chống lại hành vi của chúng. Lợi nhuận mà tội phạm thu được từ săn bắn động vật hoang dã ở Kenya lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm.
Trước tình hình đó, Kenya đã sửa đổi một số điều luật, trong đó thắt chặt hơn công tác kiểm soát, tăng nặng hình phạt đối với các tội danh về săn bắt trái phép động vật hoang dã, tích cực thực hiện các điều khoản trong Công ước Quốc tế về chống săn bắt, buôn bán động vật hoang dã.
Chính phủ Kenya đã chi rất nhiều tiền cho các dự án nghiên cứu phát triển đa dạng sinh học, bảo tồn và tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của các loài động vật hoang dã.
Chính phủ cũng phải thành lập nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, có sử dụng nhiều phương tiện hiện đại như vệ tinh theo dõi, cảm biến điện tử, lập vành đai có bảo vệ vũ trang để bảo vệ các loài động vật hoang dã.
Cảnh sát Kenya thu giữ tang vật trong chiến dịch chống săn bắn động vật hoang dã. |
Cảnh sát Kenya phối hợp với Interpol và cảnh sát các nước tăng cường thu thập thông tin, tổ chức điều tra và triệt phá các đường dây tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia, đồng thời tăng cường các chiến dịch truy quét trong nội địa đối với tội phạm dạng này.
Cảnh sát đã bắt được hàng trăm đối tượng phạm tội, thu giữ số lượng lớn tang vật gồm ngà voi, sừng tê giác, da động vật… trị giá hàng triệu USD. Cảnh sát tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát gắt gao các cảng biển, sân bay quốc tế, cửa khẩu trên bộ để ngăn chặn hàng được mang lậu ra nước ngoài.
Các chuyến bay hoặc chuyến tàu xuất phát đến các nước có truyền thống tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã hoặc tới các nước có khả nghi là điểm trung chuyển đều bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Các đối tượng đã bị cảnh sát Kenya phát hiện có dấu hiệu liên quan đến săn bắn trái phép động vật hoang dã sẽ bị đưa vào diện cấm nhập cảnh vào Kenya.
Cảnh sát Kenya cũng phối hợp với các chuyên gia và nhân viên các khu bảo tồn để gắn bộ định vị và kiểm soát an ninh cho các động vật hoang dã có nguy cơ bị săn bắn cao để kiểm soát và truy tìm khi có vấn đề.
Cảnh sát và quân đội Kenya cũng thường xuyên tổ chức các đội tuần tra cơ động để kịp thời phát hiện và vây bắt các đối tượng đang săn bắn động vật hoang dã. Trong các trường hợp đối tượng chống đối hoặc bỏ trốn, cảnh sát Kenya cương quyết hơn trong đấu tranh với phương châm truy bắt đến cùng, xử lý tận gốc thông qua việc trấn áp ngay bằng vũ khí mạnh, tiêu diệt đối tượng nguy hiểm, sử dụng cả vũ khí hạng nặng, xe bọc thép hoặc trực thăng có vũ trang để trấn áp.
Cảnh sát tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ và điều tra bên ngoài, phát hiện các cảnh sát, quan chức trong các cơ quan công quyền có dính líu đến việc nhận hối lộ, bảo kê, bao che cho các đối tượng săn bắn động vật hoang dã hoặc đang tàng trữ trái phép các sản vật từ động vật hoang dã để xử lý điểm tạo sự răn đe, kiên quyết thanh loại ra khỏi đội ngũ nhằm hạn chế tiêu cực.
Nỗ lực của Chính phủ và các lực lượng hành pháp Kenya đã giúp hạ nhiệt tình hình, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm săn bắn động vật hoang dã. Tuy nhiên, các loài động vật hoang dã quý hiếm ở nước này vẫn đứng trước các mối đe dọa khôn lường, nguy cơ tuyệt chủng của một số loài vẫn treo lơ lửng trên đầu chúng.
Sự thành bại của cuộc chiến chống săn bắn động vật hoang dã ở Kenya không chỉ nằm trong tay của Chính phủ Kenya mà đòi hỏi sự chung tay với quyết tâm cao của cả cộng đồng quốc tế…