Chặn đứng "Cú lừa chiều thứ 6"

Thứ Năm, 27/10/2016, 13:20
Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội luôn gây ấn tượng dễ chịu với người đối thoại, bởi cách nói chuyện nhẹ nhàng, tếu táo. Ấy nhưng khi biết ông từng nhiều năm giữ "ghế nóng" tại các đội chiến đấu mũi nhọn ở ngôi nhà "Số 7 Thiền Quang", mới giật mình nghĩ lại những điều ông nói, vì nó "tưng tửng" mà đầy..."nội hàm".


Trong nghề người ta bảo những "tay tổ" hình sự thường như thế. Khi đã có năng lực làm chủ mọi chuyện phức tạp, thì dường như họ có khả năng diễn đạt những điều khó hiểu một cách đơn giản nhất.

"Vì sao lại là thứ 6"?

Gọi "liên hoàn kế" của những tên tội phạm bằng cụm từ đơn giản ấy, chứng tỏ độ khái quát vấn đề của ông rất cao. Vì thời điểm được lựa chọn gây án, đã bộc lộ bản chất nguy hiểm của thủ đoạn phạm tội này.

Thượng tá Ngô Minh An kể: "Các cuộc gọi mạo danh cơ quan Công an rung dọa ép người dân chuyển tiền vào tài khoản của bọn tội phạm đã rộ lên trong những năm qua trên cả nước.

Thượng tá Ngô Minh An (Phó trưởng Phòng PC50 - Công an TP Hà Nội).

Chỉ tính từ tháng 10-2014 đến tháng 11-2015, chúng tôi đã nhận được 64 đơn trình báo của người dân, với tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 42 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng xảy ra 5 vụ, tháng nhiều là 10 vụ. Vụ "nặng" nhất là 5,4 tỷ đồng. Tiến hành điều nghiên, thấy các vụ án này đều có "yếu tố trong - ngoài".

Nghĩa là bọn "cầm cái" là người nước ngoài (như Đài Loan, Trung Quốc), dưới chúng là những nhóm lưu manh "nội địa". Đám này có trách nhiệm thu mua gom giấy CMND để lập ra hàng loạt thẻ thanh toán quốc tế tại các ngân hàng ở Việt Nam, rồi chuyển ra nước ngoài cho chủ, để sử dụng vào việc lừa đảo chủ thuê bao điện thoại trong nước.

Nhiều vụ chúng trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo đồng bào mình, rồi chuyển tiền ra nước ngoài cho các "ông trùm" để hưởng % hoa hồng. Các "dây" hoạt động rất chặt chẽ, kín đáo, độc lập, dưới sự hướng dẫn "nghiệp vụ" từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thủ đoạn phổ biến của chúng là sử dụng các "giao thức VOI IP" để gọi điện thoại internet đến các thuê bao (chủ yếu là điện thoại cố định) của người dân.

Trong khi giao dịch, ban đầu chúng tự xưng là nhân viên của tổng đài VNPT thông báo số điện thoại đứng tên của bị hại đang nợ cước (hoặc chưa thanh toán tiền thẻ tín dụng), để có cớ khai thác các thông tin cá nhân của chủ thuê bao.

Sau khi đã nắm vững thông tin, chúng dùng điện thoại internet (qua phần mềm giả lập thành các số điện thoại của cơ quan Công an Việt Nam) để gọi điện lại thuê bao này, xưng danh là cán bộ cơ quan Công an, thông báo cho chủ thuê bao biết rằng số máy này có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tham nhũng…với số tiền lớn.

Mục đích để đẩy bị hại lâm vào hoảng loạn, sợ hãi. Sau đó chúng yêu cầu nạn nhân phải chuyển toàn bộ số tiền mình có vào tài khoản mà đối tượng cho sẵn, với lý do phục vụ công tác điều tra.

Một ổ nhóm đối tượng bị CBCS Đội 2 - Phòng PC50 bắt giữ trong chuyên án.

Sau khi bị hại chuyển tiền, chúng lập tức rút hết tiền trong tài khoản tại Đài Loan hoặc Trung Quốc qua dịch vụ Internet Banking để chiếm đoạt. Cũng có thể đồng bọn trong nước đến ngân hàng rút tiền rồi chuyển ra nước ngoài cho chúng".

"Điểm nhấn" của thủ đoạn phạm tội theo Thượng tá An, là chúng luôn ép nạn nhân chuyển tiền vào cuối giờ chiều thứ 6 hàng tuần. Sở dĩ chúng chọn thời điểm này, là vì khi nạn nhân chuyển tiền xong, nếu có chợt nhận ra bị lừa, thì tiền của họ vẫn sẽ "một đi không trở lại". Vì các ngân hàng thường nghỉ làm việc thứ 7 và chủ nhật, mọi đề nghị "phanh" dòng tiền lại là không thể.

Muôn vàn khó khăn

Trước sự hoành hành của loại tội phạm này, cuối năm 2014, một chuyên án trinh sát đã được Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội phê duyệt, giao cho Phòng PC50 chủ trì, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm manh mối. Được biết, 100% quân số Đội 2 - PC50 do Thượng tá Ngô Minh An chỉ huy, đã được tung vào trận.

Kể về "độ khó" trong chuyên án này, ông kể: "Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, sau một thời gian chúng tôi phát hiện ra bọn "cầm chịch" đều có quốc tịch nước ngoài. Không chỉ hoạt động ở khu vực biên giới Việt Trung như địa bàn Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai… mà chúng đã vào sâu nội địa Việt Nam, từ Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai…

Hệ thống "chân rết" của chúng cũng có mặt ở rất nhiều địa phương. Tính chất quốc tế của tội phạm là khó khăn lớn nhất. Kẻ chủ mưu thường ở nước ngoài hoặc các vùng giáp biên, liên lạc qua internet vào Việt Nam để chỉ đạo đồng bọn hoạt động. Việc xác minh địa chỉ IP bên ngoài lãnh thổ là "bất khả thi".

Thêm nữa, các đối tượng hoạt động kiểu "đơn tuyến", di chuyển liên tục qua rất nhiều địa bàn, thuê nhà ở sâu trong ngõ, ngách, xen lẫn các vùng giáp ranh "gây khó" cho những nỗ lực lần tìm dấu vết của trinh sát. Đánh án "xuyên" quốc gia mà thiếu đi sự phối hợp của Công an sở tại thì khó khăn chồng chất khó khăn. Nhiều yêu cầu được chúng tôi gửi đi đến nay vẫn chưa có "hồi âm".

Khó khăn rất lớn nữa mà Ban chuyên án gặp phải, xuất phát từ việc chưa chấp hành nghiêm túc "Luật chống rửa tiền" của các cơ quan liên quan. Nhiều trường hợp nạn nhân sau khi gửi tiền cho bọn tội phạm mới giật mình nhận ra việc bị lừa, liền đến trình báo và nhờ can thiệp.

Chúng tôi triển khai các biện pháp khẩn cấp để chặn dòng tiền chuyển dịch, nhưng nhiều khi không được sự phối hợp của ngân hàng. Nhiều thông báo phòng ngừa tội phạm mà chúng tôi dày công nghiên cứu, xây dựng... nhưng chưa được các đơn vị liên quan phổ biến cho người dân và khách hàng đến giao dịch".

Ngăn chặn kịp thời

Được biết, với vai trò Phó ban Chuyên án, trực tiếp phê duyệt các kế hoạch chiến đấu và dẫn quân đi truy lùng thủ phạm, Thượng tá Ngô Minh An đã đầu tư nhiều công sức trí tuệ, cùng anh em CBCS Đội 2 ngày đêm nghiên cứu, tổng hợp phân tích các thông tin, tài liệu thu thập được, chủ động tổ chức tốt các biện pháp nắm tình hình qua các kênh thông tin, trinh sát liên hoàn…

Khi có manh mối tội phạm, Thượng tá Ngô Minh An đã "tung" 15 tổ công tác (trung bình mỗi tổ 5 người, công tác trên 20 ngày) đi khắp đất nước theo dấu thủ phạm. Trong đó bản thân ông trực tiếp chỉ huy 12 tổ, đi 6 tỉnh, thành để xác minh truy bắt đối tượng.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chuyên án "xuyên năm" của họ đã thành công mỹ mãn, với 5 băng nhóm tội phạm gồm 30 đối tượng đã sa lưới pháp luật, chứng minh chúng đã gây ra 37 vụ án, chiếm đoạt hơn 35 tỷ đồng. Đơn vị đã thu hồi được tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác.

Tuy nhiên, điều thành công hơn cả trong chuyên án này, lại nằm ở chuyện khác. Chúng tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Q. (ở quận Long Biên, Hà Nội) - một người suýt nữa thì "sập bẫy công nghệ". Bà vui vẻ kể: "Tôi là cán bộ hưu, suốt ngày ở nhà trông cháu.

Cho đến một hôm có cuộc gọi đến điện thoại bàn, vào giờ hành chính các con đi làm hết. Đầu tiên vẫn là thông báo nợ cước, rồi moi hỏi thông tin thuê bao, lý lịch gia đình để xác minh nếu bị tính nhầm. Lát sau là cuộc gọi cho biết người trong nhà liên quan đến đường dây rửa tiền, yêu cầu nộp tiền vào tài khoản Công an.

Lúc mới đầu tôi rất sợ, nhưng "ơn giời" là buổi sáng đi tập thể dục thấy loa phường có cảnh báo chuyện này nên tôi bình tĩnh lại và gọi điện báo cho các con. Sau đó các cháu đã lên Công an trình báo. Kết quả là họ đã xác minh bắt được thủ phạm cuộc gọi lừa đảo đó" - bà Q. kể.

Tại một cuộc họp "luận công xét thưởng" sau thắng lợi của chuyên án này, một đồng chí lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã khẳng định những bước đi của Ban chuyên án là thực sự sáng tạo. Thành công của trận đánh "vắt" qua gần 3 năm này, không chỉ là 5 ổ nhóm tội phạm đã bị bắt giữ, mà quan trọng hơn, họ đã đưa ra được nhiều giải pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ rất hiệu quả.

Minh chứng bằng việc thời gian gần đây, thủ đoạn lừa đảo bằng cuộc gọi giả danh Công an đã "hết đất diễn". Số đơn trình báo chỉ còn lác đác ở các địa phương khác. Tại Hà Nội, ý thức cảnh giác của người dân đã "tốt" hơn xưa rất nhiều.

Chia sẻ về các giải pháp phòng ngừa xã hội đã triển khai, song hành với quá trình đấu tranh chuyên án, Thượng tá Ngô Minh An nói: "Mấu chốt trong thủ đoạn của chúng là "đánh" vào sự thiếu hiểu biết của người dân về quy trình công tác của ngành Công an.

Không bao giờ có chuyện Công an gọi điện đến rung dọa ép người dân chuyển tiền, cũng không sử dụng các tài khoản đứng tên cá nhân. Khi người dân biết việc này, trò lừa của chúng sẽ bị "quê".

Từ nhận định này, chúng tôi đã nghĩ ra rất nhiều "chiêu" để vô hiệu hóa "đòn" của chúng. Trước hết là việc kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng viễn thông lớn, nhắn tin đến các thuê bao điện thoại để cảnh báo thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm.

Tang vật vụ án.

Chính nhờ những tin nhắn này mà hàng chục vụ lừa khác đã kịp thời ngăn chặn được, vì người dân đã "đọc vị" được chúng. Tiếp đến, chúng tôi chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông, đề nghị "đưa đậm" về thủ đoạn phạm tội này để cảnh báo xã hội.

Đơn vị cũng đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an TP ban hành 2 văn bản chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP để tổ chức tuyên truyền, phổ biến thủ đoạn phạm tội đến từng tổ dân phố. Nhờ vậy mà ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao. Nhiều vụ người dân đã rất sáng tạo, hợp tác tốt giúp cơ quan Công an phát hiện manh mối tội phạm.

Nhiều ngân hàng qua quá trình đấu tranh chuyên án của chúng tôi, đã nâng cao nhận thức và có thái độ hợp tác tích cực theo các yêu cầu nghiệp vụ. Chẳng hạn như việc kịp thời phong tỏa, "đóng băng" các tài khoản thẻ "có vấn đề" để ngăn chặn các đối tượng sử dụng hoạt động phạm tội".

Đào Trung Hiếu
.
.
.