Cụ bà vá xe kiếm sống được nhận danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông"
Người dân ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh từ lâu đã quen với hình ảnh một cụ bà khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hằng ngày hành nghề vá xe ở lề đường, cạnh nút giao thông Lê Quang Định – Nguyễn Văn Đậu. Đáng nói hơn, cụ bà ở cái tuổi thất thập cổ lai hy này đã không quản ngại nắng mưa, gian khó, xông ra đường tình nguyện điều tiết giao thông ròng rã suốt 5 năm trời.
Cụ bà “Hiệp sĩ giao thông”
Đó là cụ Nguyễn Thị Giới - cụ bà hơn 17 năm hành nghề vá xe ở lề đường để kiếm sống. Cụ Giới tuy đã hơn 79 tuổi nhưng nom dáng vẫn còn rất khỏe mạnh, tinh anh. Từ lâu, “tiệm sửa xe” đơn sơ bằng bạt nhựa ở góc đường Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu đã trở thành nơi cư ngụ của bà. Gặp chúng tôi, bà xởi lởi kể lại: “Ngã tư đường này lúc nào cũng đông đúc xe cộ. Mà 5 - 7 năm về trước ở đây đâu có đèn giao thông, nên mỗi khi đến giờ cao điểm là kẹt xe liên tục. Có khi xe bị dồn ứ dài đến cả cây số chứ chả chơi”.
Theo lời cụ Giới, lúc trước, hầu như ngày nào cũng vậy, cứ đúng giờ dòng người đổ ra đường để đi làm và tan tầm thì lại xảy ra ùn tắc giao thông. Đường Lê Quang Định là lối đi chính dẫn từ Gò Vấp về trung tâm Quận 1 nên các ngày làm việc trong tuần, lượng người lưu thông khá đông đúc, mà thời ấy tại ngã tư này chưa được lắp đặt trụ tín hiệu điều khiển giao thông nên kẹt xe cũng là điều dễ hiểu. Hằng ngày hành nghề ở lề đường, cụ Giới phải chứng kiến cảnh người ta kèn cựa nhau từng tí một, đường chật, xe đông mà không ai chịu nhường ai khiến giao thông tại ngã tư đường này càng trở nên hỗn loạn.
Cách đây 6 năm về trước, trong một ngày mưa tầm tã có hai thanh niên điều khiển phương tiện giao thông quá tốc độ chạy qua ngã tư này. Do đường trơn, mưa lớn làm giảm tầm nhìn lại chạy nhanh nên hai thanh niên này đâm sầm vào một xe gắn máy chạy chiều ngược lại. Tai nạn xảy ra vào đúng giờ tan tầm nên chẳng mấy chốc, xe ùn lại khá đông.
Cụ Nguyễn Thị Giới ngồi ngay lề đường nên chứng kiến tất cả. Ngay lập tức cụ xông ra đường, cản dòng xe để người dân xung quanh đó đưa người bị thương đi cấp cứu. Xong đâu đấy, cụ xách gậy tre hét lớn: “Bà con nào muốn về nhà nhanh thì nghe lời tôi đi, dừng theo hướng tôi chỉ”. Ai cũng ngạc nhiên, một số người còn tỏ ra rất khó chịu, quát tháo cụ Giới, bảo cụ đừng lôi thôi làm chuyện bao đồng. Nhưng liền lập tức đã có tiếng nói vang lên: “Làm theo lời cụ già đi”; “Người ta đã đứng ra điều tiết giao thông cho mình về rồi còn la hét gì nữa”; “Không thì thôi chắc kẹt ở đây đến tối khuya mới về”… Thế là dòng người răm rắp tuân theo “hiệu lệnh” của cụ bà nhỏ thó đứng giữa lòng đường đông nghịt xe cộ.
Và rồi từ đó, ngày mưa cũng như ngày nắng hễ xảy ra ùn tắc, mà các anh Cảnh sát giao thông chưa kịp tới “ứng cứu” là cụ Giới lại xông ra đường làm công việc “vác tù và hàng tổng”. Người dân nơi đây cũng đã quen dần với hình ảnh một cụ bà nhanh nhẹn, khỏe mạnh cầm gậy la hét, điều khiển đám xe máy hỗn loạn, lúc nào cũng chực chờ rồ ga để tranh nhau phóng lên phía trước. Quen thuộc đến mức, mỗi khi cụ Giới ốm đau, hay mệt không ra điều tiết, lại có nhiều người thắc mắc: “Cụ già giao thông đâu rồi?”.
Kể đến đây cụ Giới cười hạnh phúc: “Mệt thì tất nhiên là rất mệt, nhưng già rất vui vì đã làm được một việc tốt giúp ích cho mọi người. Giờ thì nơi đây đã có trụ đèn giao thông rồi, có cả dân quân tự vệ giúp các anh Cảnh sát, nên già cũng không thường xuyên ra đường để làm công việc này nữa. Chỉ có lâu lâu khi các anh Cảnh sát bận điều tiết ở dưới lòng đường thì lại giao cho già công việc bấm nút hộp đèn điều khiển. Được như thế, già thấy già còn có ích nên rất vui”.
Ròng rã suốt 5 năm trời hỗ trợ lực lượng Cảnh sát điều tiết giao thông tại ngã tư đường này, nỗ lực của cụ Giới đã được các ngành chức năng và báo đài ghi nhận. Ngày 19-1-2012, cụ Nguyễn Thị Giới đã được Đài tiếng nói Việt Nam, kênh VOV giao thông phối hợp với một doanh nghiệp trao tặng quà và danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” như để khích lệ tinh thần tình nguyện của cụ trong suốt mấy năm qua. Không những thế, cách đó không lâu, cụ Nguyễn Thị Giới còn được Công an tặng cho bộ đồ xanh như dân quân tự vệ, để mỗi khi xảy ra ùn tắc, bà có thể đường đường chính chính điều tiết giao thông mà không phải lo ngại bị nói là “làm chuyện bao đồng”.
17 năm vá xe kiếm sống
Mấy chục năm lưu lạc từ Bắc vào Nam, mà giờ đây tài sản của cụ Giới chỉ là căn lều được dựng tạm bằng bạt nhựa, vài món đồ bơm vá xe máy, xe đạp để mưu sinh qua ngày. Kể về cơ duyên đến với công việc mà vốn dĩ phù hợp hơn với những người đàn ông, cụ Giới cười bảo: “Cái nghề bơm vá xe là ông chồng quá cố của già truyền lại cho già đó”. Nói chuyện với chúng tôi, lúc nào cụ Giới cũng cười tươi rói, nhưng ít ai biết đằng sau nụ cười của cụ bà mạnh mẽ ấy là cả một quá khứ buồn.
"Tiệm sửa xe" cũng là nơi cư ngụ của cụ bà "Hiệp sĩ giao thông". |
Cụ Giới quê gốc ở Hà Nội, khi cụ mới học vỡ lòng lớp 1, lớp 2 thì cha mất. Cảnh nhà rơi vào túng bấn, mẹ cụ đem 4 đứa con cho người khác nuôi dưỡng rồi cũng đi biệt tích. Chiến tranh nổ ra, cụ Giới bị thất lạc hết hai người anh chị, còn một người anh chẳng may trúng phải mảnh bom rồi cũng qua đời. Không còn ai bên cạnh, một mình cụ chạy theo dòng người di tản rồi lưu lạc vào phương Nam. “Lạ nước lạ cái”, cụ hết đi ở đợ cho người này, lại làm mướn cho người khác mới mong kiếm được miếng cơm manh áo sống qua ngày. Có lẽ tuổi thơ đầy khốn khó ấy đã khiến cụ có được tính cách mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Lớn lên một chút, cụ quen biết và rồi bén duyên với một người đàn ông quê miền Trung. Cụ theo chồng về quê sinh sống. Những tưởng “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, nào ngờ khi con gái đầu lòng của cụ Giới mới vừa tròn 4 tuổi thì cuộc sống gia đình lại nảy sinh mâu thuẫn nặng nề. Không chịu đựng được nữa, cụ một mình ôm con trở lại Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Không lâu sau, chồng cũ cụ Giới lặn lội vào miền Nam thăm con rồi ôm luôn đứa trẻ về lại quê. Từ đó, cụ Giới bặt tin đứa con gái nhỏ. Kể đến đây, cụ Giới không kìm được xúc động: “Già xa con gái mình chắc cũng hơn 40 mươi năm. Giờ mong gặp lại con nhưng thật sự không biết phải làm sao nữa”.
Bẵng đi ít năm, cụ Giới gặp được người chồng sau. Chồng của cụ làm nghề bơm vá xe ở tại góc đường này. Và rồi “liên tù tì” 5 đứa con trai và 4 đứa con gái lần lượt ra đời. Cuộc sống gia đình tuy khốn khó nhưng bình yên và hạnh phúc. Thế nhưng, sóng gió lại một lần nữa ập lên cuộc đời cụ. Chồng cụ chẳng may phát bệnh, nằm liệt giường. Bao nhiêu tiền của, tài sản quý giá cụ đều cầm cố để hy vọng chữa chạy được cho chồng, kể cả căn nhà nhỏ mà bấy lâu vợ chồng dành dụm cũng phải đem bán cho người ta. Bệnh của chồng cụ ngày càng trở nặng, ròng rã suốt 10 năm trời một tay cụ thuốc thang, chăm bẵm nhưng rồi cũng hoài công. Cụ ông ra đi, không còn nhà cửa cụ Giới dạt ra đường tiếp tục theo nghề của chồng vá xe kiếm sống, đến nay đã được hơn 17 năm. Hỏi tại sao cụ đông con cháu mà không về cho ai đó nuôi thì cụ lại cười: “Mình còn sức thì còn làm. Con già cũng muốn đón già về, nhưng già thấy chúng nó còn khổ cực, giờ cưu mang thêm già còn khổ hơn. Làm cho đến khi nào hết sức thì già mới nghĩ đến việc về nhà cho con cháu nuôi. Nói vậy chứ ở đây cũng vui. Tụi nó chở cháu chắt đến thăm thường xuyên, nên cũng không có gì buồn tủi”.
Nghe cụ kể thì bình thản nhưng thật ra, cuộc sống của một cụ bà hành nghề vá xe thật sự không hề dễ dàng gì. Ban ngày hầu như cụ Giới không có khách đến vá xe, vì đa phần khách ghé vào đều ngần ngại khi thấy cụ bà sức yếu. Nên buổi ngày cụ chỉ kiếm được cao lắm là một hai chục nghìn từ việc bơm xe. Bởi thế, cụ phải chong đèn cho đến khuya, khi các tiệm khác đều đóng cửa thì mới mong kiếm thêm được chút đỉnh. Cụ cứ ngủ chập chờn trên chiếc ghế bố, hễ có khách ghé lại thì cả chủ lẫn khách cùng nhau hì hục vá xe. Mỗi miếng vá cụ chỉ lấy đúng 10.000 đồng, hơn 17 năm hành nghề, tuyệt nhiên không hề có chuyện lợi dụng đêm khuya mà tăng giá hay bắt chẹt khách bao giờ.
Tuy cuộc đời gặp nhiều truân chuyên, nhưng cụ bà “Hiệp sĩ giao thông” này chưa bao giờ đầu hàng số phận. Ở cụ Giới lúc nào cũng tràn trề một nghị lực sống, một sự mạnh mẽ hơn người. Cụ Giới tâm sự: “Tuy khá vất vả nhưng cũng tạm gọi là có đồng ra đồng vô đắp đổi qua ngày. Vả lại, từ khi tham gia điều khiển giao thông, già tự thấy mình từ lâu đã gắn bó với góc đường này, nên mọi việc dần quen không có gì là quá khó khăn mệt nhọc nữa. Tuy bây giờ không còn được tham gia hướng dẫn giao thông nữa, nhưng già cũng không muốn bỏ cái góc đường và tiệm vá xe này. Già sẽ làm đến khi nào hết sức thì thôi”