Công trình cầu vượt hàng trăm tỷ đồng, vừa thông xe đã hư hại

Thứ Bảy, 07/07/2018, 14:25
Một cây cầu vượt trên đường Võ Chí Công tại nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2, TP Hồ Chí Minh) trị giá hơn 200 tỷ đồng vừa được thông xe hôm trước thì hôm sau đã phát hiện nhiều đoạn sụt lún, hư hại. Trong khi chủ đầu tư, tư vấn giám sát cho rằng, lý do hư hỏng là vì công trình chưa hoàn thiện theo đúng thiết kế. Tuy nhiên, chuyên gia lại cho rằng đây là sự tắc trách, thi công ẩu tả và có dấu hiệu tham nhũng, “rút ruột” công trình…?


Trao đổi xung quanh câu chuyện cây cầu vượt trên đường Võ Chí Công tại nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2, TP Hồ Chí Minh) trị giá hơn 200 tỷ đồng vừa được thông xe hôm trước (29-6) thì hôm sau nhiều tài xế, người dân đã phát hiện nhiều đoạn sụt lún, hư hỏng, Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia ngành Giao thông vận tải tại TP Hồ Chí Minh lắc đầu: “dù có thể chi phí khắc phục chỉ vài ba tỷ đồng, nhưng những sai phạm này đã góp phần làm xói mòn lòng tin của người dân về các công trình giao thông quan trọng. Vì đây là nút giao thông được kỳ vọng để giải quyết tình trạng kẹt xe của một khu vực đông đúc xe cộ của thành phố, nhưng công trình vẫn để xảy ra chuyện rất không hay này”.

Nhận định “cay đắng” này của vị chuyên gia nhiều tâm huyết, theo lời ông, xuất phát từ sự bức xúc khi ông nhận thấy rõ công trình này có vấn đề về chất lượng, chưa kể có sự gian dối về kỹ thuật, coi thường người dân và chuyên gia… sau khi ông quan sát công trình và nghe những lời giải thích của chủ đầu tư và các bên liên quan.

Hình ảnh những rãnh lún, mặt đường có dấu hiệu trồi nhựa, hư hỏng ở chân cầu vượt Mỹ Thủy ngay sau khi công trình vừa thông xe.

Trước đó, hình ảnh những rãnh lún, mặt đường có dấu hiệu trồi nhựa, hư hỏng ở chân cầu vượt Mỹ Thủy ngay sau khi công trình vừa thông xe được một ngày đã khiến dư luận xôn xao, chú ý, lo ngại về chất lượng công trình; bởi có lẽ chuyện này thật hy hữu và “có một chưa hai”.

Theo quan sát tại hiện trường, đoạn sụt lún khá sâu, trồi nhựa, gồ cao 20cm, kéo dài hơn 10m, nằm ở cả hai làn ôtô ngay dốc lên cầu vượt Mỹ Thủy, theo hướng từ quận 2 đi quận 7, khiến các tài xế lo ngại khi đi qua đây. Theo ghi nhận từ sáng 1-7, một làn đường qua cầu theo hướng lưu thông này đang bị đóng lại để phục vụ thi công sửa chữa, dù cầu vừa cho thông xe.

Để giải thích cho sự cố hy hữu này, ngày 2-7, chủ đầu tư dự án cầu vượt Mỹ Thủy cho biết, lý do đoạn đầu cầu vượt Mỹ Thủy bị sụt lún, trồi lên là do mới chỉ làm tạm, chưa hoàn thiện.

Chủ đầu tư công trình cầu vượt Mỹ Thủy cho biết thêm, các hạng mục đã được nghiệm thu như phần mặt cầu và phía đoạn đường dẫn phía bên quận 7 đảm bảo chất lượng, còn đoạn đường dẫn lên cầu phía quận 2 mới kết cấu tạm nên trong quá trình sử dụng có một vài chỗ lún và chỉ thuộc phạm vi 50m đoạn đường tạm này.

Theo ông Lê Xuân Bắc, Trưởng ban Dự án 1, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (gọi tắt Khu số 2) - đại diện chủ đầu tư, trong quá trình thi công cầu vượt, tất cả lưu lượng xe từ quận 2, qua nút giao Mỹ Thủy về quận 7 đều lưu thông qua đường tạm. Đây có thể gọi là tuyến đường độc đạo để các phương tiện lưu thông về cảng Cát Lái.

Và do vẫn phải đảm bảo giao thông cho xe qua cầu Kỳ Hà 3 theo đường tạm đi vào nút giao nên đoạn đường dẫn đầu cầu vượt dài 50m này chưa thể thi công theo đúng cao độ thiết kế và đúng kết cấu hoàn chỉnh.

Lý do là vì chênh lệch cao độ đường dẫn theo thiết kế và đường tạm là 1,5m, vì thế nếu nâng cao độ đoạn đầu cầu thêm 1,5m đúng với thiết kế sẽ khiến xe cộ không thể lưu thông từ đường tạm lên cầu được. Theo thiết kế thì phần đầu cầu xuất hiện vết trồi lún sẽ được nâng lên khoảng 1 mét nữa so với hiện tại, do chênh lệch cao độ nên đơn vị thi công chưa hoàn thiện được.

Do đó, Khu số 2 đã đề xuất với Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh phương án thông xe qua cầu vượt sau khi đã hoàn thành cơ bản công trình để đóng đường tạm, tiếp tục hoàn thiện cao độ đường đầu cầu.

Theo đúng thiết kế, nếu hoàn thiện, kết cấu cầu sẽ bao gồm lớp đá dăm, 55cm đá cấp phối, 15cm đá gia cố và 15cm bê tông nhựa (trong đó có 3cm nhựa polime), đáp ứng lưu lượng lớn xe trọng tải lớn thường xuyên lưu thông qua khu vực này. Và do mới làm tạm nên kết cấu đoạn đầu cầu cũng chưa phải kết cấu chính thức mà chỉ mới đổ đá và san lên bề mặt lớp nhựa đường mỏng.

Cũng theo ông Lê Xuân Bắc, ngay sau khi thông xe cầu vượt vào ngày 29-6, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã cho phép đóng đoạn đường tạm 3m bên hông cầu để đơn vị thi công tiến hành nâng cấp đoạn đầu cầu quận 2 lên thêm 1,5m đúng như thiết kế được duyệt. Dự kiến, quá trình nâng cao độ sẽ kéo dài đến giữa tháng 8-2018.

Ngoài ra, ông Lê Xuân Bắc cho rằng, trong buổi thông xe cầu vượt, đơn vị cũng có sơ suất là chưa cung cấp đầy đủ thông tin: đoạn đầu cầu dài 50m phía quận 2 vẫn chưa hoàn thiện, mới chỉ làm tạm cho xe lưu thông. Do đó, khi đoạn đường tạm đầu cầu trồi sụt gây dư luận hiểu nhầm là cầu vượt vừa thông xe đã hỏng.

Trước những lời giải thích từ phía đại diện chủ đầu tư, Tiến sĩ Phạm Sanh có phần gay gắt cho rằng: “Đây là vấn đề chất lượng, vấn đề gian dối, coi thường kỹ thuật và người dân, chuyên gia rồi dùng truyền thông, dùng những chuyên gia nhưng không phải chuyên gia thật, để nói phớt phớt thôi. Chứ không nói thẳng, nói thật về công trình này”.

Theo Tiến sĩ Phạm Sanh, việc cầu vượt mới xây và thông xe đã sụt lún là có dấu hiệu tham nhũng, các đơn vị chức năng đã không giám sát chặt chẽ dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo.

“Theo tôi thì không thể chấp nhận cách giải thích theo những ý kiến của đại diện chủ đầu tư đã nêu phía trên và một số báo đài cũng đăng tải theo ý của chủ đầu tư. Việc làm này khiến cho giới chuyên gia thật sự không thể tin được. Tôi coi đó là vấn đề chất lượng, có tiêu cực, họ cứ lạm dụng chuyên môn, quyền hạn, kỹ thuật, thẩm định phê duyệt rồi làm bậy”, TS Phạm Sanh nhận định thẳng thắn.

Điều đáng nói, theo TS Phạm Sanh, đại diện chủ đầu tư cho rằng phần đường trồi sụt, hư hỏng là đường tạm là không hợp lý.

Đại diện chủ đầu tư lý giải về nguyên nhân sự cố.

“Đoạn đường đó không phải đường tạm mà là đường chính dẫn lên cầu chính nhưng ở giai đoạn một, giai đoạn trước thôi. Dù biết làm một công trình thì phải tính cả đường tạm, nhưng đây đâu phải đường tạm, đây là đường nối vào cầu vượt chính mà tôi không thể hiểu được chuyện làm chưa xong, chưa hoàn thiện công trình thì thông xe làm gì. Bởi thông xe khi chưa hoàn thiện là sai cơ bản về tiêu chuẩn kỹ thuật, chứ không thể đổ thừa là chưa hoàn thiện. Họ làm thì phải biết luật, chưa nghiệm thu thì cho thông xe làm gì. Mà khi đường cho thông xe như vậy hư lớp dưới thì sau này sao sửa được. Về mặt pháp luật, về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật đều không đúng và không ai làm giao thông chuyên nghiệp kiểu đó cả…”, TS Phạm Sanh nhấn mạnh.

Cũng theo TS Phạm Sanh, trước sự cố này, ngành GTVT, đặc biệt là lãnh đạo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nên nhận lỗi, nhận trách nhiệm và tìm ra nguyên nhân nào thật sự gây ra sự cố trên chứ không thể giải thích một cách “ngụy biện” là do công trình chưa hoàn thiện.

“Theo tôi, trong vụ việc này, Thanh tra thành phố, Sở GTVT và UBND TP Hồ Chí Minh cần vào cuộc, nhất là UBND TP Hồ Chí Minh nên thành lập một đoàn công tác, giao trách nhiệm cho một đơn vị để xử lý sự cố, đánh giá nguyên nhân và quy trách nhiệm của các bên liên quan”.

Ngay sau khi xảy ra sụt lún, đơn vị thi công đã xuống kiểm tra và điều động máy móc và công nhân tiến hành sửa chữa.

Liên quan đến sự cố này, TS Phạm Sanh cho biết thêm, trước đây cũng đã có không ít công trình, dự án khác như đường tránh ở Vĩnh Long, ở Long An… cũng bị sự cố tương tự thế này vì nhiều nguyên do như thiếu vốn hay là do đường chờ lún - chủ đầu tư, đơn vị thi công cứ cho làm lớp cấp phối rồi đổ một lớp bê tông nhựa mỏng lên và sau đó cắm bảng “đường chờ lún”.

Việc làm này khiến con đường xảy ra hư hỏng nặng. Nên sau đó dù có đổ nhựa đường dày lên nữa thì con đường vẫn sẽ hư hỏng lại. Đây là bài học xương máu mà cả nước đã bị nếm trải lâu nay chứ không phải việc gì mới cả. Vậy mà với công trình cầu vượt tại nút giao thông Mỹ Thủy kể trên vẫn để xảy ra sự cố không đáng có như vậy!

Phú Lữ
.
.
.