Công trình 8B Lê Trực và thước đo luật pháp
- Phá dỡ hạng mục vi phạm tòa nhà 8B Lê Trực, 4 năm vẫn giậm chân tại chỗ?
- Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực
- Chủ tịch Hà Nội nhận trách nhiệm chậm xử lý nhà số 8 Lê Trực2
Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án đã xây dựng sai so với Giấy phép xây dựng được cấp. Cụ thể, về khoảng lùi, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư không thực hiện (hiện đã xây dựng thẳng đến mái).
Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp, làm tăng diện tích sàn xây dựng. Về chiều cao công trình, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m.
Hiện chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19, tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng). Về diện tích sàn xây dựng khoảng 36.000m2 (giấy phép xây dựng là 29.874m2) tăng khoảng 6.126 m2.
"Những vi phạm xây dựng của chủ đầu tư về chiều cao tầng, diện tích xây dựng, kiến trúc công trình, khoảng lùi, giật cấp, hình dáng kiến trúc... so với giấy phép xây dựng là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực.
Tháng 11-2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực. Gần một năm sau (tháng 10-2016) mới hoàn thành phần "cắt ngọn" giai đoạn một (tầng 19).
Năm 2017, trong khi các cơ quan liên quan đang tìm phương án "cắt ngọt" tòa nhà 8B Lê Trực giai đoạn 2 thì chủ đầu tư đã khởi kiện UBND quận Ba Đình vì ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ sai quy định.
Suốt từ đó đến nay, việc phá dỡ phần sai phạm còn lại án binh bất động. Việc chậm trễ trong việc xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực suốt nhiều năm qua khiến lãnh đạo Chính phủ và các đại biểu Quốc hội cũng phải nhiều lần lên tiếng; còn dư luận thì luôn đặt câu hỏi vì sao mà chính quyền lại khó xử lý một công trình vi phạm như vậy?
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết nhiều lần Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội xử lý nghiêm sai phạm của công trình này. Hà Nội cũng đã tập trung xử lý, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xong. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng cùng với các cơ quan liên quan phối hợp với TP Hà Nội xử lý dứt điểm những sai phạm trong xây dựng công trình, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân trong quá trình xử lý và sử dụng công trình, bảo đảm không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.
Ông cũng đề nghị TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan kiểm tra xử lý việc vi phạm tại khu nhà ở HH Linh Đàm theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của cư dân trong khu nhà này.
Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm của lãnh đạo TP Hà Nội. Cử tri tiếp tục dẫn câu chuyện nhà đầu tư xây dựng không đúng với quy định, tiêu biểu là toà nhà 8B Lê Trực, chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế thu về, còn không quan tâm đến gì khác, để lại những hệ quả cho người dân và TP gánh chịu.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, công trình này không chỉ vi phạm bên trên mà vi phạm ngay từ móng, xây dựng lấn ra cả vỉa hè. Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng đã thẩm định và cho rằng, nếu cắt tầng 17, 18 thì không đảm bảo an toàn. Thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo quận Ba Đình trưng cầu giám định đối với một số biện pháp. Tới đây, Thành phố kiên quyết cưỡng chế để thực hiện nghiêm theo kỷ cương.
"Có những cuộc họp trên UBND TP, tôi có nói là thực ra để đảm bảo kỷ cương phép nước, kể cả phải đập toà nhà này cũng phải đập, bởi vì xây dựng sai từ móng, từ tầng 1. Nhưng chủ đầu tư rất cùn", ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội thông tin, vừa qua, chủ đầu tư này có xây dựng 4 công trình là 93 Lò Đúc, 302 Cầu Giấy, 102 Trường Chinh và 8B Lê Trực, thì công trình nào cũng có sai phạm. Thành phố đã quyết định chuyển 3 hồ sơ vi phạm của chủ đầu tư này là số 8B Lê Trực, 102 Trường Chinh, 302 Cầu Giấy sang Công an TP để điều tra xử lý theo pháp luật hình sự.
Câu hỏi đặt ra là, vậy với những sai phạm này, khi nào Hà Nội sẽ xử lý dứt điểm? Người dân sửa nhà chỉ đổ một đống cát ra đường đã lập tức thấy thanh tra xây dựng đến xử phạt. Vậy mà 4 công trình cao ngất ngưởng ở các tuyến phố lớn sai phạm mà không bị xử lý ngay từ đầu là rất khó chấp nhận. Vì vậy, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đã đến lúc Thành phố cần phải sớm xử lý dứt điểm những sai phạm này.