Công nghệ văn mẫu: Cùn mòn tư duy, triệt tiêu sáng tạo

Thứ Tư, 08/01/2014, 09:00

Vào mùa thi học kỳ, học sinh nhiều trường tiểu học lại lăn lưng ra ôn luyện, học thuộc lòng những bài văn mẫu. Văn mẫu đã trở nên phổ biến trong cuộc chạy đua thành tích của thầy cô và học trò. Những bài văn mẫu đang bóp chết tâm hồn của trẻ thơ, làm nghèo đi thế giới vốn dĩ đang quá  nghèo nàn của những cư dân thành phố này.

"Công nghệ" văn mẫu

Chị Lan, sau giờ học đưa con gái đi học đàn, lại tất bật chở con về ôn thi học kỳ. Con gái chị Lan học lớp 3 Trường Tiểu học NTC Hà Nội. Chị kể: "Giờ phải chở con về sớm cho nó học thuộc những 5 bài văn cơ chị ạ. 5 bài văn miêu tả các con vật này học từ đầu năm, học sinh viết đi viết lại, cô giáo chữa bài cẩn thận rồi giờ đến nhiệm vụ học thuộc. Đề thi học kỳ 1 sẽ ra một trong 5 bài đó. Không làm đúng theo ý cô giáo, theo những bài văn mẫu sẵn có của cô và sách giáo khoa, thì học sinh chỉ được điểm 6-7. Mà như thế nhà trường lại phải tổ chức thi lại, rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua của con và của cả nhà trường. Nên thôi kệ, đánh tặc lưỡi cho con học vẹt vậy", chị Lan thở dài.

Còn cô giáo của bé Khánh, Trường Tiểu học Dịch Vọng thì ra giới hạn có vẻ đỡ nặng hơn. "Con tôi chỉ phải học thuộc có 3 bài văn, tả người thân, tả cây bút chì và tả ông bà. Nhưng những bài văn này các con đều làm từ đầu năm. Cô giáo sửa đi sửa lại. Gọt hết cả những câu chứa đựng cảm xúc của các con, thành những bài văn khô không khốc. Chẳng hạn, con trai tôi viết: Bố em năm nay đã 40 tuổi rồi. Cô giáo nhất quyết sửa lại: Bố em năm nay 40 tuổi. Rất khô khan, thiếu cảm xúc. Hình như cô giáo cũng không quan tâm đến tâm tư, tình cảm của các con trong bài văn nữa" - mẹ cháu Khánh, học sinh Trường Tiểu học Dịch Vọng nói.

Nên để trẻ tự do sáng tạo.

Con gái chị Hường năm nay học lớp 3 Trường Tiểu học QT Hà Nội. Đến bây giờ nói đến chuyện làm văn theo mẫu, chị vẫn chưa hết bức xúc: "Lần đầu tiên, tôi thất vọng vô cùng khi thấy con gái viết một bài văn tả bà ngoại. Đọc lên không hề thấy hình bóng, tình cảm của con dành cho bà ngoại đâu cả. Mà đó là một bà ngoại hoàn toàn xa lạ. Tôi sửng sốt. Hỏi ra mới biết, đó là bà ngoại cô giáo hướng dẫn con miêu tả. Điều quan trọng không phải là một bài văn mà là cảm xúc, tư duy của các con ngay từ những ngày đầu tiên đã bị áp đặt. Tại sao không để cho các con viết theo suy nghĩ, tình cảm của chúng nó, từ những câu chuyện về ông bà của chúng. Đó cũng là một cách nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ. Tôi bảo với con rằng, bà ngoại của con là bà đang sống ở quê, lưng còng sát đất, miệng nhai trầu món mém... chứ không phải là một bà 60 tuổi, vừa nghỉ hưu ở thành phố này. Lần đó, con gái tôi bật khóc. Nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đó, vì con sợ cô giáo và vẫn làm theo hướng dẫn của cô giáo".

Chị Hường từng rất tâm huyết với môn Văn của con, dạy cho con cách quan sát, hướng dẫn con tỷ mỉ từng bài văn, mong con có cách viết độc đáo và không khô khan... "Nhưng tất cả những bài văn tôi hướng dẫn con viết theo đều cũng chỉ được điểm 7-8. Tôi nhận ra, cô giáo không hề quan tâm đến những cảm xúc, suy nghĩ của các con, mà chỉ hướng làm sao đủ ý. Có lẽ, bây giờ, không còn những cô giáo tâm huyết với môn Văn nữa chăng", chị Hằng nói.

“Tôi cũng làm mẹ, có con gái học lớp 4. Và tôi thực sự hoang mang khi nhận ra rằng, những bài văn của học trò bây giờ không đi từ ký ức, từ sự quan sát có thể còn ngây ngô, hồn nhiên của chúng mà rập khuôn theo mẫu. Các thầy cô đã vô tình đánh mất sự hồn nhiên, ngây ngô của trẻ và cả những cảm xúc mà trẻ viết trong câu văn của mình.

Nếu là văn tả loài vật, thì bài nào cũng sẽ mở đầu bằng câu "Trong số các loài vật chó, mèo, lợn, gà, em thích nhất là con lợn/ mèo/ gà... Hay trong các bài miêu tả cô giáo, người thân trong gia đình, kiểu gì cũng có kết luận hô khẩu hiệu "Em hứa sẽ học giỏi, em hứa sẽ chăm ngoan, vâng theo lời bố/mẹ..." - chị Hường bức xúc nói.

Thế nên mới có câu chuyện thật như đùa: Đề thi học kỳ lớp 4, cô giáo ra "Miêu tả một đồ vật có nhiều kỷ niệm gắn bó với em, nhiều học sinh Trường Tiểu học X đã tả... con chó. Khi được hỏi lý do, các học sinh này đều hồn nhiên, vì cô giáo chỉ cho con học thuộc lòng bài con chó. Câu chuyện tưởng hi hữu nhưng lại hết sức phổ biến trong thời buổi học sinh được dạy theo kiểu học tủ, sao chép ngay từ bậc tiểu học.

Thế nên, những bài văn đồng phục đang trở thành nỗi lo lắng, thậm chí thất vọng đối với nhiều phụ huynh. "Tôi thực sự hoang mang, lo lắng, bởi kiểu dạy học sinh làm theo mẫu đã vô tình giết khả năng sáng tạo của học sinh. Một lối tư duy cùn mòn, sáo rỗng, thiếu cảm xúc" - chị Hường nói.

Không chỉ là câu chuyện văn mẫu, đó còn là câu chuyện của tư duy

Chính vì thế, đến hẹn lại lên, vào mùa ôn thi học kỳ, các cô chiêu, cậu ấm lại ra sức học thuộc lòng các bài văn tủ cô giáo hướng dẫn.

Nhiều cô giáo trong giờ tập làm văn, không chờ học sinh phải suy nghĩ, mà hướng dẫn cách làm luôn, tả ông/bà ngoại phải thế này. Tả người hàng xóm thế kia. Cho đến khi bố mẹ đọc những bài văn của con mình, mới tá hỏa, vì những người thân mà con mình miêu tả chả có liên quan gì đến những người đang sống quanh mình. Họ hoàn toàn xa lạ. Vô tình những bài văn đã giết chết cảm xúc, tình cảm của các con. Cô Thanh, Trường Tiểu học Tây Sơn tâm sự: "Mỗi lớp chỉ có vài em thích môn Văn, có thể tự hình dung và miêu tả. Một số khác, gợi ý kiểu gì cũng chịu mà thời lượng tiết học rất ít không đủ rèn kỹ năng cho từng em. Tình thế bắt buộc chúng tôi mới dùng đến văn mẫu, bởi chương trình quá nặng, không có nhiều thời gian. Cứ bắt các con học theo văn mẫu là an toàn nhất, đến khi thi học kỳ, các con không sợ bị điểm kém. Chứ cứ ra một đề mới toe, kiểu gì các con cũng chỉ được 6-7 điểm. Thế làm sao đạt học sinh khá/giỏi. Mà bố mẹ thì hầu hết đều chỉ quan tâm đến việc con mình được mấy điểm, có được học sinh giỏi không thôi".

Nhiều giáo viên loay hoay với việc học Văn của các con. Học sinh làm văn theo mẫu, làm bài trước ở nhà, nhờ bố mẹ hướng dẫn, nhưng cuối cùng, rốt cục, cách hướng dẫn học sinh viết theo ý mình là nhanh và đủ ý nhất. Không có thời gian để rèn luyện, gợi mở ý tưởng cho các con, giáo viên phải dạy học trò theo mẫu. Được dạy theo mẫu, học sinh lại không khơi gợi được sáng tạo, không có cơ hội thể hiện khả năng. Giáo viên lại phải dạy văn mẫu. Cải vòng luẩn quẩn đó là do công nghệ văn mẫu càng ngày càng được  nâng cao, trong khi khả năng của học sinh ngày càng xuống.

Cô Cẩm Tú, giáo viên Trường Nguyễn Tất Thành tâm sự: “Bây giờ có một tâm lý, phụ huynh, học sinh đều coi nhẹ môn Văn. Nên học sinh học Văn cũng theo kiểu đối phó. Điều đó, buộc giáo viên phải nhồi nét, cho học tủ với tâm lý, biết ít còn hơn để còn thi học kỳ. Cho nên, tôi nghĩ, cách dạy Văn theo mẫu cũng xuất phát từ tâm lý của phụ huynh, học sinh, chạy theo thành tích. Đó là quan niệm của cả một xã hội nên những giáo viên dạy Văn như chúng tôi cảm thấy bất lực. Nhưng rõ ràng, rất đáng báo động, nếu chúng ta cứ duy trì cách dạy văn mẫu như thế cho học sinh, nhất là khối tiểu học, vì đó còn là câu chuyện tư duy, của sự hình thành nhân cách".

Bóp nghẹt khả năng sáng tạo của trẻ

Giáo sư Phạm Tất Dong - Nguyên Chủ tịch Hội đồng biên soạn sách giáo khoa:

Tôi không hình dung nổi, bây giờ lại tồn tại cái kiểu học vẹt trong văn chương như thế. Có lẽ đó là căn bệnh chạy theo thành tích của thầy giáo và nhà trường. Văn là cuộc sống, là cảm xúc thực nhất của mỗi con người. Nếu bây giờ các thầy cô bắt học sinh học theo kiểu công nghệ văn mẫu thì đúng là không khác gì học vẹt. Lịch sử, địa lý, có thể học thuộc, học vẹt được.

Nhưng học Văn mà như thế là bóp nghẹt luôn khả năng sáng tạo của trẻ con. Đứa trẻ lớn lên sẽ mất mát nhiều cảm xúc, tình cảm trước cuộc sống và những người thân yêu. Tôi kịch liệt phản đối cái kiểu dạy Văn như thế. Bởi Văn là người, học Văn là góp phần là xây dựng tình cảm của con người đối với đất nước, quê hương qua những giá trị chân thiện mỹ, từ đó xây dựng tư duy thẩm mỹ của con người. Đứng trước cái đẹp mà không biết rung động thì có còn là con người nữa không. Chúng ta đừng xem nhẹ việc học Văn, dạy Văn. Bởi nếu cứ dạy theo kiểu như thế sẽ làm cùn mòn tư duy, cùn mòn sáng tạo và chúng ta sẽ có một thế hệ tương lai làm việc như những cái máy. Rất đáng báo động. Những ấn tượng đầu đời đi học rất quan trọng, nó còn hình thành tư duy, thói quen của các con. Trẻ con rất sáng tạo, thông minh. Hãy để chúng được bày tỏ quan điểm của mình.  Một lối tư duy theo khuôn mẫu sẽ biến những đứa trẻ thành những khuôn đúc công nghiệp vô cảm, thờ ơ với cuộc sống.

V.Hà

.
.
.