Công chứng giả loại tội phạm mới cần xử nghiêm

Chủ Nhật, 28/10/2018, 16:10
Theo đại diện Sở Tư pháp TP HCM, việc các cơ quan chức năng lần đầu tiên phát hiện một văn phòng công chứng (VPCC) giả ngang nhiên hoạt động tại quận 9 (đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can) là rất đáng lo ngại. Đây là một loại tội phạm mới, rất nguy hiểm cần được các cơ quan chức năng cũng như người dân phối hợp, phát hiện để kịp thời xử lý…

Công chứng giả bất chấp pháp luật

Ngày 23-10-2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 9, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Thị Kim Nga (53 tuổi, ngụ quận 2, TP Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Theo kết quả điều tra ban đầu, tháng 7-2018, Công ty TNHH DV Tư vấn Kế toán - Kiểm toán Sao Bắc Đẩu AFA (viết tắt Công ty Sao Bắc Đẩu - địa chỉ số 229, đường Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9) được cấp phép hoạt động do bà Nguyễn Thị Kim Nga làm giám đốc. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kiểm toán, kế toán.

Trụ sở Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu.

Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết, Công ty Sao Bắc Đẩu AFA được thành lập và cấp phép ngày 29-6-2018 (nhưng đây là giấy phép chung). Do công ty này hành nghề kiểm toán, phải có chứng nhận của Bộ Tài chính, nên đến ngày 1-8-2018 Bộ Tài chính mới công nhận, khi đó doanh nghiệp này mới đủ điều kiện hành nghề, được phép hoạt động đầy đủ.

Đáng nói là từ ngày 12-9-2018, dù không có bất cứ điều kiện hay chưa có giấy phép gì liên quan đến công tác công chứng chứng thực, nhưng Công ty Sao Bắc Đẩu AFA vẫn tiếp nhận hoạt động công chứng chứng thực. Trước cổng công ty này được cho dán decal dòng chữ Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu…

Ngoài ra, tại đây còn treo biển hiệu, quảng cáo là trụ sở VPCC Sao Bắc Đẩu và có hoạt động công chứng, chứng thực với con dấu của VPCC quận 12 do công chứng viên Nguyễn Thế Thành ký tên.

Ngày 25-9, Sở Tư pháp phối hợp với Công an quận 9 cùng cơ quan liên quan ập vào kiểm tra, lập biên bản. Cơ quan chức năng phát hiện con dấu VPCC quận 12 mà VPCC Sao Bắc Đẩu sử dụng là giả mạo. Người mang tên công chứng viên Nguyễn Thế Thành cũng không có thật. Đồng thời, cơ quan chức năng thu giữ nhiều chứng từ đã sao y, chứng thực… Theo thông tin ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện VPCC Sao Bắc Đẩu đã thực hiện công chứng, chứng thực nhiều tài liệu, văn bản.

Từ các vi phạm nói trên, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Công an quận 9 vào cuộc điều tra làm rõ để xử lý. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã gửi công văn khẩn đến Bộ Tư pháp, UBND, Công an, TAND, UBND các quận huyện tại TP Hồ Chí Minh để báo động nhằm ngăn chặn giấy tờ giả liên quan đến VPCC nêu trên. Bởi, các giấy tờ nói trên nếu được đem đi giao dịch sẽ phát sinh hậu quả khó lường. Do đó, Sở Tư pháp thông tin đến các cơ quan, tổ chức biết để không tiếp nhận, sử dụng các văn bản công chứng, chứng thực do VPCC Sao Bắc Đẩu thực hiện.

Theo Công an quận 9, tại cơ quan điều tra, bước đầu bà Nguyễn Thị Kim Nga thừa nhận điều hành VPCC giả mạo này, trực tiếp chỉ đạo những người làm, sau khi sao y giấy tờ thì lấy dấu khắc tên công chứng viên "khống" Nguyễn Thế Thành để đóng vào văn bản. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng VPCC này chỉ mới công chứng 18 bộ hồ sơ thì bị cơ quan chức năng phát hiện.

Về thông tin này, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cho biết, con số 600 hồ sơ công chứng, thực chất là số thứ tự trên hồ sơ mà khi kiểm tra lực lượng chức năng nắm được. Ông Hạnh cho rằng đây là một bất cập trong việc quy định về đánh số thứ tự không được rõ ràng… Tuy nhiên, con số hồ sơ thực tế là bao nhiêu phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Giám đốc Sở Tư pháp thành phố cũng cho biết, trong số hồ sơ thu thập được chưa có bất kỳ hợp đồng giao dịch nhà đất nào mà chủ yếu là giấy tờ sao y chứng thực. Dù vậy Sở này sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để tiếp tục nắm thêm thông tin về việc công chứng nhà đất, tài sản, thừa kế…

Người dân chứng thực tại VPCC giả nên thực hiện lại thủ tục

Theo Công an quận 9, ngoài việc bắt giam bà Nga, cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra, làm rõ thực tế có bao nhiêu giấy tờ đã chứng thực tại đây, hậu quả pháp lý... và hành vi một số người liên quan đến việc lập VPCC giả, nếu đủ cơ sở sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Dù là lần đầu tiên phát hiện một VPCC giả ngang nhiên hoạt động nhưng cũng rất đáng lo ngại. Theo lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, VPCC giả là một loại tội phạm mới, cần được các cơ quan chức năng cũng như người dân phối hợp, phát hiện để kịp thời xử lý. Đầu tiên, Sở Tư pháp mong muốn cơ quan báo chí truyền thông, thông tin rộng rãi đến người dân, chính quyền để cùng phát hiện, xử lý loại tội phạm mới này.

VPCC Sao Bắc Đẩu sử dụng con dấu giả của VPCC quận 12.
Thông tin giới thiệu của VPCC Sao Bắc Đẩu.

Riêng trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước, VPCC giả này bị phát hiện sau 10 ngày hoạt động là cố gắng rất lớn của chính quyền quận 9, cũng như của Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, "sau khi vụ án được cơ quan Công an kết luận làm rõ, Sở Tư pháp sẽ xem xét trách nhiệm một cách nghiêm túc. Quan điểm của chúng tôi là cương quyết xử lý loại tội phạm mới, làm trong sạch môi trường công chứng, chứng thực. Mục tiêu cao nhất của Sở Tư pháp là đảm bảo an toàn pháp lý cho người dân", ông Huỳnh Văn Hạnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Hạnh, trong thời gian tới Sở Tư pháp thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các quận, huyện và 322 xã, phường của thành phố để chủ động ngăn ngừa trong công tác quản lý hoạt động ở lĩnh vực công chứng. "Các tổ chức hành nghề trước đây được công khai trên trang web của Sở Tư pháp thì sắp tới chúng tôi sẽ phân loại từng quận, huyện và thông tin đến các quận, huyện để cùng kiểm tra, giám sát".

Về phía người dân, đại diện Sở Tư pháp khuyến cáo, VPCC thường có bảng hiệu rõ ràng, niêm yết công khai quyết định thành lập, công chứng viên…Với những hoạt động công chứng núp bóng văn phòng tư vấn, hay được đặt tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, người dân phải lưu ý. Đồng thời, người dân muốn kiểm tra thông tin các VPCC có thể lên trang web của Sở để xác minh. Các tổ chức hành nghề công chứng chính thống tại thành phố đều được niêm yết công khai.

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, hiện Sở đang dự thảo văn bản để thông tin đến người dân ở 322 phường, xã TP Hồ Chí Minh về danh sách các tổ chức hành nghề công chứng ở thành phố (đã được công khai trên website của Sở), kèm theo tên trưởng văn phòng và số điện thoại. Hiện tại thành phố có 87 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 74 tổ chức đang hoạt động và 13 tổ chức vừa có quyết định thành lập đang đăng ký hoạt động.

Thực tế phải thừa nhận là hiện công tác quản lý các VPCC còn nhiều kẽ hở. Trong đó, có thể kể một số tồn tại như có VPCC thuê người đứng tên để hoạt động; VPCC sử dụng hai con dấu để mở chi nhánh nơi khác... rất dễ gây ra những hậu quả pháp lý không lường trước được.

Riêng với những người đã có chứng thực tại VPCC Sao Bắc Đẩu, theo Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, các hồ sơ này nhiều khả năng đều bị vô hiệu về mặt pháp lý. Những người đã chứng thực tại đây phải liên hệ với Sở Tư pháp để được hướng dẫn giải quyết.

Vụ việc này là một bài học để các cơ quan có thẩm quyền phải sâu sát hơn trong quản lý hoạt động công chứng, một ngành nghề kinh doanh đặc biệt mà nếu có vi phạm sẽ gây ảnh hướng lớn đến rất nhiều người trong xã hội.

Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng, vụ việc VPCC giả mạo này có thể để lại những hậu quả không lường hết được, nếu tiếp tục được giao dịch sẽ không được pháp luật thừa nhận. Đồng thời, các giao dịch, hồ sơ về các tài sản (nếu có) liên quan đến VPCC này đã được đưa ra giao dịch trong xã hội cũng sẽ dễ phát sinh nhiều tranh chấp, gây thiệt hại cho các bên; trong khi những người lừa đảo đã hoàn tất được thủ đoạn lừa đảo của mình, chỉ thiệt hại cho những người ngay thẳng, giao dịch cuối…

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, các cá nhân, tổ chức đã thực hiện việc công chứng tại VPCC Sao Bắc Đẩu nên thực hiện lại thủ tục công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật để tránh những hệ lụy về sau như bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phú Lữ
.
.
.