Công an xã ở biên giới Tây Nguyên
1. Tây Nguyên cuối tháng 5, trời se lạnh, những cơn mưa đầu mùa trên đỉnh Trường Sơn cứ chợt đến, chợt đi như muốn thách thức tính kiên trì của những người làm công tác phòng chống dịch đang ngày đêm bám chốt.
Đắk Lao có đường biên giới dài 34,5km tiếp giáp với huyện Pechreda, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia, là “căn nhà chung” của 18 dân tộc anh em với 2.200 hộ gia đình, 9.403 nhân khẩu sinh sống trải dài trên diện tích núi rừng rộng 253,4km2. Tuy không có cửa khẩu chính thức, nhưng dọc tuyến biên giới có đến hàng trăm đường mòn, lối mở qua lại biên giới.
Công an xã Đắk Lao phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Y tế tặng khẩu trang cho người dân tại chốt kiểm dịch. |
Địa hình rừng núi hiểm trở và rẫy cà phê che khuất tầm nhìn nên để bảo đảm an ninh trật tự, Ban chỉ huy Công an xã giao cho mỗi cán bộ Công an chính quy trực tiếp quản lý địa bàn của hai thôn, bản.
Hàng ngày tổ chức cùng với Công an viên và các tổ tự quản thực hiện công tác tuần tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, đặc biệt chú trọng công tác hòa giải nhằm tránh những xích mích không đáng có giữa những người dân với nhau.
Thiếu tá Trần Thị Thu Hiền, Trưởng Công an xã Đắk Lao, cho biết từ khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tất cả cán bộ chiến sỹ cùng Công an viên phối hợp cùng các đơn vị Bộ đội địa phương, y tế thay phiên cắm chốt 24/24 giờ trên tuyến biên giới nhằm ngăn chặn những trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép; vận động, hướng dẫn những công dân người Việt đi làm ăn ở nước ngoài khi trở về phải thực hiện kiểm tra, khai báo y tế và cách ly tập trung theo quy định.
Công an xã đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động, hướng dẫn bà con nhân dân thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch kết hợp đảm bảo an ninh trật tự, quản lý cư trú.
Có những ngày chị Hiền cùng anh em Công an viên tiếp xúc khoảng hai chục hộ gia đình, bởi ở vùng rừng núi này, có khi mỗi quả đồi, ngọn núi chỉ có vài ba gia đình cư ngụ, đứng từ nhà này phóng hết tầm mắt mà không thấy nhà kia.
Đặc biệt trên địa bàn xã còn có nhiều hộ gia đình là người từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào làm ăn sinh sống, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hàng ngày họ thường phải làm nương, cuốc rẫy, làm thợ mộc để kiếm gạo nuôi gia đình nên việc vận động họ cách ly xã hội trong thời gian 14 ngày là không hề đơn giản.
Cán bộ Công an xã Đắk Lao hướng dẫn các em nhỏ đeo khẩu trang, giữ vệ sinh để tránh nguy cơ lây dịch bệnh. |
Có những trường hợp như nhóm 7 hộ gia đình trong giòng họ của ông T. ở thôn 4, khi mới trở về từ vùng dịch và được vận động thì nói thẳng rằng họ đã thực hiện cách ly ở ngoài Bắc rồi nên không cần cách ly nữa, nếu tiếp tục cách ly nữa thì những người trong gia đình sẽ chết đói.
Để những người này hiểu rõ và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, Công an xã quyết định trích một phần lương hỗ trợ những trường hợp đặc biệt khó khăn, đồng thời vận động các cá nhân hảo tâm ủng hộ mua gạo tặng cho nhiều trường hợp khác để bà con yên tâm ở trong nhà.
Chúng tôi vào một căn nhà mái tôn nằm bên sườn núi. Thấy hai đứa trẻ tay cầm que đang ngồi trên nền đất vẽ nguệch ngoạc, chị Hiền chạy đến đỡ dậy. Sau khi hỏi chuyện, biết người lớn đang đi làm rẫy, chị lấy một chai xà phòng, hai chiếc khẩu trang đeo cho chúng rồi căn dặn: “Các con phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không nghịch đất, phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang mà cô vừa cho để không bị lây bệnh”.
Thiếu tá Hiền cho biết khi nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã, chị đã xác định phải chịu khó, chịu khổ bởi xã miền núi, mỗi nhà cách nhau vài ba cây số, có nhà nằm cheo leo bên vách núi nên muốn tuyên truyền, vận động không thể dùng loa phóng thanh được mà phải đi xe máy đến tận nơi.
Trước dịch, ngoài những buổi đi tuần đêm thì hết giờ làm việc tranh thủ về lo cho con cái, nhưng từ ngày xuất hiện dịch bệnh đến nay, chị phải gửi con nhờ hàng xóm trông hộ để giành hầu hết thời gian bám chốt, bám bản để tuyên truyền, vận động bà con hưởng ứng công tác phòng chống dịch.
Chị bận, chồng chị công tác ở đồn Biên phòng nên mỗi khi đi công tác hay họp thì ghé qua nhà thăm con chút xíu rồi lại vội vàng lên chốt trực phòng, chống dịch ở biên giới. “Chắc phải đến khi dịch bệnh qua đi, nhà mình mới có được bữa cơm quây quần…”, chị Hiền nói.
Cho đến nay, Công an xã Đắk Lao đã vận động 7 trường hợp công dân trở về từ vùng dịch ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện cách ly tập trung, giám sát quản lý 222 trường hợp khác trở về từ vùng dịch ở trong nước thực hiện cách ly tại nhà.
Ngoài ra còn vận động các cá nhân tài trợ 1.300 khẩu trang, 250 chai nước rửa tay, 250 bánh xà phòng cùng hàng trăm phần gạo và nhu yếu phẩm tặng cho các hộ dân đang canh tác dọc tuyến biên giới và các hộ nghèo khác trong xã, vận động 30 cơ sở kinh doanh ngành ăn uống và dịch vụ nhạy cảm ký cam kết bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
2.Tại xã Thuận An, khi chúng tôi tới, trời đã xế chiều. Biết có khách đến, Thượng úy Ngô Lê Minh Đức, Trưởng Công an xã bê vội bát mì tôm đang ăn dở ra sau phòng làm việc rồi chạy lên pha trà mời mọi người.
Thượng úy Đức cho biết, Thuận An có 5 cán bộ Công an chính quy và 10 Công an viên phụ trách địa bàn rộng 6.194,96ha với 2.892 hộ gia đình, 12.195 nhân khẩu thuộc 16 dân tộc anh em sinh sống trong 8 thôn và 2 bon. Tuyến biên giới chỉ dài 13,24km tiếp giáp với Campuchia, nhưng nằm ở địa hình rừng núi hiểm trở, lại có cửa khẩu Đắk Puer là nơi giao thương giữa hai khu vực của hai nước. Hàng ngày thu hút hàng ngàn lượt người, xe cộ qua lại nên công tác bảo đảm an ninh trật tự luôn được đặt lên hàng đầu.
Công an và Bộ đội biên phòng tuyên truyền người dân sử dụng khẩu trang khi lưu thông trên đường. |
Do địa hình là rừng núi hiểm trở xen lẫn rẫy cà phê che phủ là nơi mà các đối tượng tội phạm và những đối tượng đi làm ăn ở nước ngoài trở về (do sợ bị cách ly mà không khai báo) có thể trốn nên từ khi thực hiện công tác phòng chống dịch, Công an xã đã tổ chức ứng trực 24/24 giờ chia làm 4 ca.
Những cán bộ xuống ca trực không được về nhà hoặc trụ sở mà phải phối hợp với Công an viên ở các thôn thực hiện các chuyến tuần tra toàn tuyến biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm việc nhập cảnh trái phép…
Ngoài việc thực hiện các chuyến tuần tra, kiểm soát hàng ngày dọc tuyến biên giới và nội địa, Công an xã còn phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An, Trung tâm Y tế huyện, trạm Hải quan Đắk Puer lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch không cho phép hàng hóa và con người xuất nhập cảnh trái quy định.
Do người dân cư ngụ rải rác khắp vùng núi rừng, hộ này cách nhà hộ kia vài ba cây số nên trong giai đoạn đầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, anh em tương đối vất vả.
Cũng bởi địa hình đồi núi, bà con có người nghe được thông tin từ hệ thống phát thanh của xã về công tác phòng chống dịch, có người lại không nghe được nên Ban chỉ huy Công an xã đã huy động toàn bộ cán bộ chiến sỹ đến từng hộ gia đình để thực hiện công tác quản lý cư trú, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cách phòng chống dịch và tránh tụ tập động người.
Khi phát hiện trường hợp ở các địa phương khác hoặc bà con đi làm ăn ở nước ngoài trở về thì phối hợp với Trạm y tế xã hướng dẫn họ thực hiện khai báo và kiểm tra y tế, cách ly tại nhà, trường hợp nóng sốt, ho… thì làm công tác tư tưởng đưa đi cách ly tập trung tại trung tâm theo quy định.
Qua thực tế phòng chống dịch, Công an xã Thuận An phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức hướng dẫn về y tế và theo dõi, quản lý cách ly tại nhà đối với trên 230 trường hợp công dân từ địa phương khác đến, cách ly tập trung đối với 14 người nước ngoài, trong đó có 3 người quốc tịch Campuchia, 1 người Hàn Quốc và 10 người Trung Quốc.
Câu chuyện đang dở dang thì chuông điện thoại của Thượng úy Đức reo vang. Ở đầu dây bên kia, giọng một đồng chí Công an viên thông báo có hai gia đình người MNông xung đột với nhau do mâu thuẫn cá nhân. Tắt điện thoại, Thượng úy Đức quay sang tôi bảo: “Anh thông cảm nhé, dù chỉ là chuyện nhỏ nhưng nếu không giải quyết ngay thì có thể kéo theo chuyện khác lớn hơn nên tôi phải đi gấp…”.