Công an các địa phương căng mình giúp dân chống bão
Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị rất chủ động và kịp thời từ trước khi cơn bão ập vào của nhiều địa phương, nên đã hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của cơn bão…
Mưa, bão lan rộng, nhiều nơi bị ngập
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Tổng cục Khí tượng thủy văn), lúc 8h ngày 25-11, vị trí tâm bão ngay trên vùng bờ biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, khoảng 100km. Tính đến hết 25-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ, sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Tuy chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại ở các tỉnh thành ảnh hưởng của cơn bão này, nhưng theo thông tin ban đầu mà chúng tôi nắm được, Bà Rịa-Vũng Tàu có ít nhất 5 căn nhà bị hư hại, tốc mái.
Một số tuyến đường bị ngập nặng, gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh (khoảng 50 cây xanh) trên đường Hoàng Hoa Thám, Thùy Vân bật gốc, ngã đổ…
Trong đó, tại TP Vũng Tàu, nhiều cây xanh gãy đổ ngổn ngang, trong đó có cây xà cừ 100 tuổi trên đường Nguyễn Du đã bật gốc, đè hai chiếc xe chở hàng đỗ trong khuôn viên của Công ty Công trình giao thông đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trưa 25-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đã thống kê ban đầu về tình hình thiệt hại của cơn bão số 9. Theo đó, trong 2 ngày 24 và 25-11, đã có 33 chiếc thuyền máy công suất dưới 20CV của ngư dân bị chìm và hư hỏng tại TP Phan Thiết.
Riêng phường Hàm Tiến thiệt hại 31 chiếc; phường Mũi Né có 2 thúng máy đứt dây neo thiệt hại 100%. Ngoài ra, bão còn gây sạt lở bờ biển phường Hàm Tiến đoạn dài 2km và làm ngã đổ hai hàng dừa và một số tường rào của hộ dân…
Công an Ninh Thuận giúp dân chống lũ. |
Trong khi đó, tại tỉnh Ninh Thuận, tuyến đường sắt Bắc - Nam bị ngập sâu dẫn đến sạt lở khoảng 300 m đường sắt tại Km 1382 + 600, đoạn đi qua địa bàn xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận cách ga Kà Rôm khoảng 500m, gây tê liệt giao thông đi lại.
Sáng 25-11, Công ty cổ phần Đường sắt Thuận Hải đã điều động hơn 90 công nhân và nhiều phương tiện cơ giới để khẩn trương khắc phục đoạn đường sắt bị hư hỏng. Tại hiện trường, nhiều đoạn đã bị nước lũ cuốn trôi lớp đất đá dưới chân. Điều đáng nói, có đoạn đã bị cuốn phăng mất chân móng trơ ra nhưng lõi thép.
Tại TP Hồ Chí Minh, mưa bắt đầu kéo dài từ sáng sớm và đến tối 25-11 thì bắt đầu nặng hạt và vẫn đang diễn tiến mưa to. Tại huyện Cần Giờ mưa lớn, gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh bật gốc, gãy cành, nhà dân tốc mái... Khoảng 14h, hai cây xanh lớn trên đường Duyên Hải, thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) bật gốc ngã vắt ngang đường. Một số nhà dân bị tốc mái được các đơn vị Công an, Bộ đội và các lực lượng chức năng đến hỗ trợ chằng chống lại an toàn.
Đêm 25-11, TP Hồ Chí Minh có mưa rất to (100 - 200mm), nguy cơ mưa kết hợp triều cường gây ngập lụt… Tại các địa phương, khi có những sự cố như cây xanh bật gốc, nhà dân bị tốc mái…, Công an các địa phương đã nhanh chóng có mặt phối hợp với các lực lượng chức năng khác giữ trật tự, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản...
Công an huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, giúp đưa những người lớn tuổi đến nơi trú bão. |
Công an các địa phương chủ động phòng chống bão
Theo ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, hơn 4.000 người dân đã được sơ tán đến nơi an toàn. Riêng xã đảo Thạnh An có hơn 500 người thuộc diện sơ tán tại chỗ vào các công trình an toàn để tránh trú khi có bão ập đến.
Để giúp đỡ người dân phòng chống bão, hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ Công an, Bộ đội, dân phòng, công chức, viên chức luôn túc trực sẵn sàng, hỗ trợ dân ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra và túc trực tại các vị trí xung yếu.
Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Cảng vụ Hàng hải thành phố, UBND huyện Cần Giờ đã thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ tàu thuyền trong và ngoài thành phố tham gia đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn phải chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển trước diễn biến của bão số 9; thông báo cho các chủ phương tiện về diễn biến của bão để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó.
Khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra tại địa bàn…
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công an tỉnh đã chủ động chuẩn bị phương án để chỉ đạo Công an địa phương đảm bảo an ninh trật tự, nhất là các khu vực sơ tán dân đi, đến; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông khi xảy ra sự cố; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, phối hợp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu. Tất cả phương án đặt ra đều đưa việc bảo đảm an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu.
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do bão số 9 có thể gây ra, từ ngày 24-11, các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống. Trong đó, chú trọng các vùng trũng ven sông Đồng Nai, sông La Ngà, nơi có hàng trăm hộ dân đang sinh sống, nuôi cá trên các làng cá bè.
Đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra nơi trú bão của người dân ở Cần Giờ. |
Ngay trong sáng 24-11, lãnh đạo UBND TP Biên Hòa đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo di dời hơn 300 hộ dân nuôi cá ở hai làng bè trên sông Đồng Nai, đoạn thuộc xã Hiệp Hòa và phường Long Bình Tân.
Còn tại vùng bán ngập lòng hồ Trị An, Công an địa phương, dân quân cùng với người dân che chắn các bè, đậu thuyền vào nơi an toàn và di dời người dân về trung tâm văn hóa xã để tránh thiệt hại về người và tài sản khi bão đổ bộ.
Với Công an tỉnh Bình Thuận, theo báo cáo nhanh của Công an các đơn vị, địa phương và các lực lượng liên quan, đến sáng 24-11, mọi công tác phòng chống bão số 9 đã được triển khai nghiêm túc, đảm bảo ứng trực 24/24h /ngày, cán bộ chiến sĩ toàn tỉnh luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Các lực lượng phải tập trung bảo vệ an ninh trật tự trước, trong và sau bão; các đơn vị, địa phương phải bảo đảm an toàn các tài liệu, hồ sơ, vũ khí, khí tài được trang bị; phối hợp các lực lượng bảo vệ an toàn các trụ sở trọng yếu của tỉnh.
Theo Đại tá Trần Văn Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, ngoài việc triển khai theo kế hoạch chung, Công an phải xuống trực tiếp địa bàn cơ sở để nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự; không được chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tham gia kiểm tra phòng chống lụt bão theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ).
Trong đó, Đại tá Trần Văn Toản yêu cầu thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương phải cử cán bộ xuống trực tiếp hướng dẫn cho dân cách bảo vệ nhà cửa, kỹ năng phòng chống bão, tìm nơi tránh trú bão an toàn. Kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nắm chắc diễn biến của 17 hồ đập trên địa bản tỉnh. Trưởng Công an các địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân.
Khánh Hòa được cho là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9, trong khi địa phương này còn chưa khắc phục xong hậu quả của cơn bão số 8 trước đó.
Tuy vậy, công tác phòng chống cơn bão số 9 đã được tỉnh Khánh Hòa triển khai khẩn trương, quyết liệt. Trong gần một tuần qua, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Khánh Hòa được tăng cường xuống các địa bàn giúp chính quyền và nhân dân địa phương khắc phục hậu quả của cơn bão số 8.
Trước tính chất khẩn trương trong công tác phòng chống cơn bão số 9, Công an tỉnh Khánh Hòa đã triển khai, tăng cường lực lượng ứng trực sẵn sàng mọi phương án, hỗ trợ nhân dân ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra; xuống các địa bàn xung yếu hỗ trợ người dân di dời và chằng chống nhà cửa đồng thời có phương án bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự…
Có thể nói, sự khẩn trương, quyết liệt của các cấp, các ngành, trong đó có ngành Công an tại các tỉnh, thành cơn bão số 9 trực tiếp đi qua cùng với sự chủ động phòng chống của người dân là điều quan trọng nhất giúp giảm thiểu thấp nhất những hậu quả xảy ra trong cơn bão số 9 này.