Gấp rút chuẩn bị cho sự ra đời của lực lượng SBC
- TPHCM tái thành lập Đội Săn bắt cướp để trấn áp tội phạm
- Ban hành quy chế về hoạt động của “hiệp sỹ” săn bắt cướp
- Để các “hiệp sĩ” yên tâm săn bắt cướp
Hoàn tất mọi khâu chuẩn bị cho sự tái lập lực lượng SBC
Phải thừa nhận thực tế là hiện nay tình hình tội phạm cướp giật vẫn hoành hành trên đường phố, gây bất ổn an ninh trật tự, gây hoang mang lo sợ cho người dân. Do đó, việc tái lập lực lượng SBC có thể nói là rất cần thiết và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân hiện nay. Bởi tại hội nghị sơ kết tình hình, kết quả ba tháng cao điểm về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đây cho thấy tình hình an ninh trật tự của thành phố đã có những chuyển biến tích cực; tội phạm đã bị đấu tranh, truy quét nhiều nơi. Tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm vẫn rất cao, trong đó loại hình tội phạm như cướp giật, trộm cắp.
Đặc biệt là nạn cướp giật, theo Công an TP Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đã xảy ra 218 vụ. Con số này cho thấy cứ trung bình một ngày trên địa bàn thành phố xảy ra từ 2-3 vụ cướp; mới nghe có vẻ đó là con số không lớn đối với một địa phương hơn chục triệu dân như TP Hồ Chí Minh. Nhưng theo nhiều người dân, con số này chưa phản ánh hết tình hình thực tế bởi có nhiều vụ cướp nạn nhân không trình báo với cơ quan Công an và cho đến giờ cướp giật vẫn là nỗi ám ảnh của người dân khi đi ra đường.
"Hiệp sĩ" Lâm Hiếu Long trong một lần bắt cướp trên đường phố. |
Theo Thượng tá Vũ Như Hà, hiện Công an thành phố vẫn đang chờ chỉ đạo và quyết định cuối cùng của Bộ Công an về đề xuất thành lập lực lượng SBC chính quy. Tuy nhiên, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã và đang chuẩn bị những việc làm cần thiết cho sự tái lập của lực lượng này.
Hay nói cách khác, việc Công an TP Hồ Chí Minh thành lập lực lượng SBC chỉ còn là vấn đề thủ tục, mọi khâu chuẩn bị cả về cơ cấu, chức năng quyền hạn của lực lượng và phối hợp với các đơn vị khác để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm, cướp giật trên đường phố… đã hoàn tất.
Lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay khi nhận được sự đồng ý của Bộ Công an, lực lượng này sẽ đi vào hoạt động. Và hiện Công an TP Hồ Chí Minh đang gấp rút cho lực lượng này tổ chức luyện tập để chuẩn bị cho việc thành lập SBC.
Thượng tá Vũ Như Hà nhấn mạnh rằng, với lực lượng SBC thì phải đảm bảo được hai yêu cầu quan trọng nhất: Thứ nhất là phải đảm bảo yêu cầu về nghiệp vụ, tức là phải đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm trên đường phố; Thứ hai là phải đảm bảo an toàn cho người dân.
Về lực lượng thì các chiến sĩ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm sẽ là lực lượng chính tham gia vào lực lượng SBC sắp tới, nhưng phải là những chiến sĩ dũng cảm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ nhất. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là việc đổi tên, các chiến sĩ SBC sẽ có cơ chế đặc biệt và nhiều quyền hạn hơn trong đấu tranh tội phạm, ví dụ như sẽ cho phép Công an có thể trưng dụng phương tiện, tài sản của công dân trong quá trình truy bắt tội phạm…
Đồng thời, lực lượng này sẽ được trang bị các phương tiện hỗ trợ như bộ đàm, vũ khí quân dụng, áo chống đạn… được đi vào đường cấm, đường ngược chiều khi truy bắt tội phạm… Thực tế, khi chiến sĩ SBC đã phủ kín địa bàn và kết hợp nhịp nhàng với các lực lượng khác như CSGT, CSCĐ, 113… thì tình hình tội phạm trên đường phố chắc chắn sẽ giảm mạnh.
Tuy nhiên, cũng có không ít kiến lo ngại rằng việc trao quá nhiều quyền hạn cũng như ưu tiên cho lực lượng này rất dễ xảy ra những lạm dụng; hoặc việc lập lại hình ảnh các cán bộ chiến sĩ SBC như lúc trước cần phải có kế hoạch cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là đổi lại tên gọi.
Và cũng không thể suy nghĩ một cách đơn giản là khi thành lập lại lực lượng có tên gọi SBC thì tình hình an ninh trật tự của thành phố sẽ chuyển biến tốt ngay được, bởi không thể chỉ một lực lượng mà có thể bao quát hết được và tình hình tội phạm cướp giật bắt nguồn từ nhiều đối tượng có "nguồn gốc xuất xứ" khác nhau như nghiện ma túy, xã hội đen, bảo kê, nghèo túng… nên không thể chỉ "cắt ngọn" - bắt được tội phạm là sẽ hết cướp bóc trong khi "cái gốc" gây ra thì lại chưa bị triệt phá…
Từ đó có thể thấy việc ngăn ngừa, trấn áp tội phạm cướp giật không chỉ là trách nhiệm của ngành Công an mà phải của toàn xã hội cùng phối hợp, đấu tranh để cùng trấn áp tội phạm, hạn chế những mặt trái, tiêu cực trong cộng đồng, xã hội.
Một vấn đề rất đáng lưu ý khác là sau khi lực lượng SBC chính quy được thành lập, Công an TP Hồ Chí Minh vẫn đang chỉ đạo các đơn vị phối hợp với ban ngành liên quan nghiên cứu thành lập các Câu lạc bộ, đội, nhóm phòng chống tội phạm. Đồng thời nghiên cứu cơ chế huy động quỹ phòng, chống tội phạm và khuyến khích, thưởng bằng vật chất cho quần chúng nhân dân có thành tích trong việc trực tiếp truy bắt tội phạm hoặc cung cấp tin báo có giá trị trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Trả lại tài sản cho bị hại. |
Trao đổi ý kiến xung quanh việc Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tái lập lực lượng SBC, một số "hiệp sĩ đường phố" đều bày tỏ sự hoan nghênh và cho biết rất sẵn sàng cộng tác. Thực tế hoạt động của các "hiệp sĩ đường phố" trong thời gian qua rất hiệu quả nhưng cũng gặp nhiều rào cản pháp lý. Nếu tháo gỡ được những rào cản này thì sự hỗ trợ của các "hiệp sĩ đường phố" cho đội SBC chính quy sẽ hiệu quả hơn nữa trong việc trấn áp tội phạm trên đường phố.
Tạo hành lang pháp lý và quy chế cho các "hiệp sĩ đường phố"
Thực tế hiện nay có nhiều nhóm "hiệp sĩ đường phố" tự phát cùng tham gia hoạt động trấn áp tội phạm tại TP Hồ Chí Minh; trong đó có thể kể tới nhóm "hiệp sĩ" do anh Lâm Hiếu Long làm đội trưởng, hay nhóm do Nguyễn Việt Sin làm trưởng nhóm, được coi là những nhóm hoạt động khá năng nổ, tích cực...
Anh Lâm Hiếu Long (26 tuổi, ngụ quận Tân Phú) - Đội trưởng "Đội Săn bắt cướp TP Hồ Chí Minh" cho biết: "Công an TP Hồ Chí Minh tái lập được đội SBC là một điều đáng mừng. Tôi hoàn toàn ủng hộ và hy vọng tình trạng cướp giật tại thành phố sẽ giảm dần".
Theo anh Long thì nhóm "hiệp sĩ đường phố" của anh có tất cả 6 người, từ 23-26 tuổi. Ngoài đam mê săn bắt cướp, các thành viên trong nhóm làm đủ nghề nghiệp mưu sinh như giao hàng, tài xế, kinh doanh, thậm chí có người còn đi học… Từ năm 2010 đến nay, trên tinh thần toàn dân cùng bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, nhóm của anh đã truy bắt được trên 200 vụ trộm cắp, cướp giật. Trên hai trang Facebook của nhóm là "Trình báo mất cắp tài sản" và "Đội săn bắt cướp TP Hồ Chí Minh", mỗi ngày nhận khoảng 20 tin nhắn phản ảnh của người dân, trong đó khoảng 60% là tin báo trộm cắp, cướp giật.
"Đội đã bắt đầu hoạt động từ năm 2010 nhưng tới năm 2013 mới chính thức tạo trang Facebook riêng. Các trang này để nhận thông báo mất cắp từ các nạn nhân đồng thời chia sẻ thông tin cảnh báo giúp người dân cảnh giác hơn khi đi đường", anh Long chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Việt Sin (23 tuổi, ngụ tại quận 10) là trưởng nhóm của "Đội Hiệp sĩ TP Hồ Chí Minh" cũng tỏ ra vui mừng khi hay tin thành phố sẽ thành lập đội SBC: "Việc chính thức lập đội SBC để tuần tra chống tội phạm cướp giật đáp ứng đúng yêu cầu của tình hình, người dân và những người đang góp sức trong cuộc chiến chống tội phạm đều hoan nghênh".
Công an TP Hồ Chí Minh gấp rút tập luyện để chuẩn bị cho việc tái lập SBC (hình minh họa). |
Đội "hiệp sĩ đường phố" của anh Sin được thành lập 2 năm nay, hiện có 5 thành viên chủ chốt và vài cộng tác viên hỗ trợ. Các "hiệp sĩ" làm đủ các nghề từ lái xe, tiếp thị, xe ôm đến nhân viên kinh doanh… nhưng có chung đam mê bắt cướp.
Anh Sin cho biết thêm: "Tôi thấy trước giờ lực lượng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm phải làm quá nhiều nhiệm vụ như đánh án, bắt cướp, lập hồ sơ, bảo vệ mục tiêu… nên với quân số như hiện nay mà các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm phải trải khắp địa bàn thành phố sẽ khó mà đảm đương hết được nhiệm vụ. Do đó, việc thành lập riêng lực lượng SBC sẽ giúp chuyên biệt hơn, với nhiệm vụ chính là săn bắt cướp. Như vậy mới có hiệu quả rõ rệt được. Riêng với "hiệp sĩ" như chúng tôi thì chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình cho lực lượng SBC của Công an TP Hồ Chí Minh thực thi nhiệm vụ".
Ngoài các đội "hiệp sĩ đường phố" của anh Long và anh Sin, hiện ở TP Hồ Chí Minh còn có một số nhóm "hiệp sĩ" hoạt động riêng lẻ theo từng địa bàn. Đúng như lời anh Long nói thì các "hiệp sĩ đường phố" chỉ đóng vai trò như những người dân cùng tham gia bắt cướp. Do đó, nhóm của anh hay các nhóm khác cũng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động khi Công an TP Hồ Chí Minh tái lập đội SBC.
Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, mô hình "hiệp sĩ đường phố" dù đang phát huy hiệu quả tương đối tốt thì vẫn cần được tổ chức một cách quy củ, có người hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng bắt giữ tội phạm, cách thức mời người bị hại, nhân chứng và đặc biệt là thu thập tang, vật chứng theo đúng quy định pháp luật. Điều này rất quan trọng, vì có thể bắt được đối tượng phạm tội nhưng không tìm được người bị hại, người làm chứng, thậm chí quá trình thu thập tang, vật chứng không đúng quy định pháp luật khiến quá trình xử lý rất khó khăn, thậm chí khó xử lý hình sự được.
Về việc này, Thượng tá Vũ Như Hà cho biết: "Công an thành phố cũng theo hướng là phải tạo hành lang pháp lý cho họ (các "hiệp sĩ") hoạt động, thứ hai là phải có quy chế để họ biết phạm vi hoạt động của mình như thế nào đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật".
Có thể nói, các "hiệp sĩ đường phố" tại TP Hồ Chí Minh đa số là những thanh niên nhiệt huyết, tình nguyện và xông xáo trong việc chống tội phạm. Do vậy, nếu được đưa vào hoạt động nền nếp, được đào tạo về kỹ năng tự vệ bài bản, có tổ chức điều hành, đây sẽ là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho hoạt động chống tội phạm trên đường phố của Công an thành phố nói chung và đội SBC nói riêng.