Công an Đồng Nai tăng cường trấn áp "tín dụng đen"
Thu nhập của họ cũng chỉ tạm đủ trả chi phí thuê nhà, sinh hoạt nên khi có "hữu sự" thường phải đi vay tiền để trang trải và đây chính là điểm hấp dẫn để các băng nhóm đối tượng hoạt động "tín dụng đen" hoạt động.
Không để các băng nhóm tội phạm hoành hành, năm 2019, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá 25 băng nhóm "tín dụng đen", khởi tố hàng trăm đối tượng. Việc tập trung đánh mạnh các băng nhóm đã bước đầu kéo giảm loại hình tội phạm này.
Hiện trường vụ Đặng Quang Toàn cướp tiền ở bệnh viện Tâm Hồng Phước. |
Lãi suất tới 60%/ tháng
Ngày 29-12-2019, Công an TP. Biên Hòa phối hợp với Công an phường Tân Phong kiểm tra hành chính một căn hộ chung cư trên địa bàn đã bắt quả tang hai đối tượng cầm đầu là Nguyễn Việt Thắng, sinh năm 1991 tại Hà Nội và Đặng Đình Thế, sinh năm 1999 tại tỉnh Nghệ An (cùng tạm trú TP. Biên Hòa) cùng 9 đối tượng khác là tay chân của Thắng và Thế đang hoạt động cho vay nặng lãi.
Qua những tài liệu điều tra ban đầu, cơ quan Công an xác định các đối tượng trên đã cho nhiều người dân và công nhân trong các khu công nghiệp ở TP. Biên Hòa và một số địa bàn lân cận vay với số tiền hàng tỷ đồng, trong đó người ít nhất là 5 triệu đồng và nhiều nhất lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo quy định của Thắng, Thế, khi ký hợp đồng giao dịch, người vay chỉ nhận được 850.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay, nhưng vẫn phải trả tiền gốc là 1 triệu đồng với lãi suất 25%/tháng và nếu tính đầy đủ thì người vay phải trả mức lãi suất dao động từ 35-55%/tháng tùy theo gói vay.
Trước đó, ngày 21-12-2019, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an TP. Biên Hòa cùng sự hỗ trợ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động - Bộ Công an đã bắt giữ 14 đối tượng do Đặng Quang Toàn, sinh năm 1981 tại Hải Phòng (tạm trú TP. Biên Hòa) cầm đầu khi chúng đến Bệnh viện Tâm Hồng Phước khống chế giám đốc Nguyễn Thế Thử để đòi tiền, rồi sau đó cướp đi một số tiền.
Theo lời khai của Toàn, cuối năm 2018, trong thời gian xây dựng bệnh viện, ông Thử nhiều lần mượn của vợ chồng hắn, lúc thì 300 triệu, lúc 1,4 tỷ đồng (tổng cộng lên đến 2,6 tỷ đồng) với lãi suất thỏa thuận dao động từ 11%- 60%/tháng tùy theo gói vay và được trả góp mỗi ngày.
Do gặp nhiều khó khăn, ông Thử có xin được kéo dài thời gian trả nợ, nhưng vợ chồng Toàn không đồng ý mà còn yêu cầu ông Thử ký giấy cam kết trả nợ đúng hạn và nếu chậm trễ thì sẽ chịu phạt thêm 25 triệu đồng/ngày cộng vào tiền gốc và lãi.
Ngày 25-12-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Đặng Quang Toàn về hành vi cướp tài sản; khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi với 4 đối tượng khác là đàn em của Toàn.
Trung tá Mai Đức Quang - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Biên Hòa cho biết, thời gian qua, đơn vị đã triệt phá nhiều băng nhóm lớn nhỏ. Đặc biệt có những băng nhóm hoạt động trên diện rộng như trường hợp của Nguyễn Văn Út (quê TP. Hà Nội) và đồng bọn. Giữa năm 2018, Út gom tiền vào TP. Biên Hòa thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi.
Đầu năm 2019, khi bắt giữ Út, cơ quan Công an thu giữ trong nhà Út trên 1.000 bản hợp đồng vay tiền trả góp của người dân, ngoài ra còn trên 400 giấy tờ các loại như sổ đỏ, giấy đăng ký xe mà người vay thế chấp khi vay tiền cùng hàng chục ngàn tờ rơi in nội dung mời gọi vay tiền trả góp… Ngoài ra Út cùng đồng bọn còn khai nhận trước đó đã cho hàng ngàn người lao động và công nhân trong các khu công nghiệp vay số tiền dao động từ 2 triệu tới 100 triệu đồng với lãi suất tới 60%/tháng…
Ngăn chặn những biến tướng của "tín dụng đen"
Đó chỉ là 3 trong số hàng chục băng nhóm "tín dụng đen" bị Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá thời gian qua. Theo đánh giá của Công an tỉnh Đồng Nai, qua công tác điều tra cơ bản cho thấy đa số các đối tượng cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi thực tế là cho vay tiền, nhưng khi làm giấy giao kèo đều biến tướng sang các hình thức mua bán như người vay phải ký hợp đồng mua điện thoại di động, mua xe gắn máy, mua máy laptop... với hình thức trả góp trong thời hạn từ 1 đến 3 tháng…
Nguyễn Hoài Nam và đồng bọn. |
Giá bán của các loại sản phẩm này đều cao gấp hai, ba lần so với giá thị trường, nhưng do đã ký thỏa thuận nên chỉ có thể xử lý xử phạt vi phạm gây rối trật tự, cố ý gây thương tích khi bên mua (thực tế là vay tiền) mất khả năng trả nợ và bên bán cho giang hồ hăm dọa, đánh đập.
Để kéo giảm tình trạng này, phải thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, trong đó Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo cho Công an các đơn vị địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát nắm tình hình tại các địa bàn mình quản lý.
Đối với những đối tượng từng có tiền án, tiền sự về cho vay nặng lãi thì thực hiện biện pháp răn đe, gọi hỏi. Khi thu thập được thông tin liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" thì tiến hành phân tích, sàng lọc nhằm nhanh chóng tìm ra đối tượng cầm đầu để theo dõi và lên phương án triệt phá.
Các đối tượng trong băng nhóm của Toàn tại cơ quan Công an. |
Ngoài ra, Công an các địa phương còn phải thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền đến từng tổ dân phố, từng ấp, xã, từng công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ nơi có đông công nhân đang làm việc và cư ngụ để bà con nhân dân có thể nhận diện được thế nào là hoạt động "tín dụng đen".
Cùng với đó là lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ tờ quảng cáo của đám cho vay nặng lãi dán trên các bờ tường, cột điện… mỗi lần tháo gỡ đều phải ghi lại số điện thoại của đối tượng cho vay để xác định danh tính, nơi ở và lập hồ sơ theo dõi hoạt động của các đối tượng này.
Trường hợp một số người dân biết rằng sa vào "tín dụng đen" thì khó có thể thoát ra được, nhưng do ham mê cờ bạc nên cứ vay của băng nhóm này trả cho băng nhóm khác, hoặc đem tiền vay được nướng hết tiền vay vào chiếu bạc để đến khi bị đám đòi nợ thuê dồn vào đường cùng thì trình báo cơ quan Công an để xù nợ. Trường hợp này nếu phát hiện, triệt phá thì ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng cho vay cũng cần phạt nặng cả người đi vay để răn đe.