Công an Bắc Giang: giúp người lầm lỗi vượt qua quá khứ
- Công an Bắc Giang khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng
- Công an Bắc Giang: Hạ nhiệt điểm nóng ma túy
- Cảm ơn Công an Bắc Giang vì nhận lại được 50 triệu đánh rơi
1.Con đường nhỏ dẫn vào nhà ông Đỗ Quỳnh Nhiễu, SN 1957 ở xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang rợp bóng cây che. Thấy chúng tôi, ông ngạc nhiên phủi đôi tay lấm bẩn phân trần “Sáng nào cũng luôn tay từ sớm đến hơn 10 giờ đấy các bác ạ. Thu hoạch trứng gà, cho gà ăn, quét dọn rồi lại cho cá ăn nên không lúc nào ngơi tay. Bận nhưng vui lắm, vừa có thu nhập, vừa chả có thời gian dông dài” - ông Nhiễu cho biết và không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về quá khứ của mình.
Năm 2000, ông chịu mức án 16 năm tù về tội buôn bán ma túy. Những ngày đầu vào trại giam, ông luôn bị ám ảnh và thấy bế tắc, mất niềm tin. “Ngày qua ngày, được các cán bộ quản giáo cảm hóa, tôi dần thức tỉnh. Tôi tự nhủ phải cố gắng cải tạo tốt mới mong sớm được tự do”. Nhờ cải tạo tốt nên ông chỉ phải chấp hành hơn 1/3 mức án và được đặc ân của Chủ tịch nước cho đặc xá trở về với gia đình.
Cán bộ Công an Bắc Giang động viên, thăm hỏi người lầm lỗi một thời. |
Ngày ra tù, ông Nhiễu quyết tâm làm lại cuộc đời. Sau nhiều năm tháng gian nan, đến nay, ông trở thành điển hình phát triển kinh tế ở địa phương. Chia sẻ thêm về thành quả, ông Nhiễu xúc động nói: “Nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền, Công an xã và gia đình nên tôi đã vượt qua mặc cảm, gây dựng cuộc sống tốt đẹp như nhiều người khác”.
Cơ ngơi bạc tỷ của gia đình anh Chu Văn Khanh, SN 1976, ở thôn Tám Sào, xã Tiên Lục, Lạng Giang nhiều người không khỏi mơ ước. Năm 1998, anh Khanh phạm tội, chịu mức án 18 năm tù. Vào tù, Khanh chịu khó cải tạo, chấp hành đúng nội quy trại giam, sau 10 năm, anh được đặc xá. Những ngày đầu trở về, anh đối mặt với rất nhiều khó khăn, không muốn tiếp xúc với người khác.
Ngày anh về nhà, cả nhà mừng rơi nước mắt, các cán bộ Công an đến động viên, giúp anh làm lại giấy tờ tuỳ thân. Từ đó, anh Khanh vượt qua mặc cảm, quyết chí làm giàu, vay tiền để đầu tư chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Dần dần, từng bước một, giờ đây anh đã có cơ ngơi bạc tỷ và một mái ấm hạnh phúc mà nhiều người mơ ước.
Anh Bùi Đình L, SN 1979, ở thôn Muối, xã Lan Mẫu, Lục Nam cuối tháng 5-2019 bị TAND Lục Nam tuyên phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo về tội vận chuyển hàng cấm thì lại khác. Mặc dù không phải đi thi hành án tại trại giam nhưng ở nhà không có công ăn việc làm, bản thân anh L và gia đình luôn canh cánh nỗi lo anh lại làm điều phi pháp. Nhưng, ngay sau khi Toà tuyên án, ông Nguyễn Năng Thanh, Trưởng Công an xã Lan Mẫu đã đến nhà động viên anh L làm những công việc phù hợp với hoàn cảnh để không tái phạm tội.
Ông Thanh cho biết: "Anh L là lao động chính trong gia đình. Các con đang tuổi ăn học nên để ổn định cuộc sống, sau khi lập hồ sơ quản lý, phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, xã tạo điều kiện cho anh tiếp tục công việc lái xe tải. Thay vì chạy đường dài liên tỉnh như trước, trong thời gian chấp hành án, anh L chuyển sang chạy xe chở vật liệu ở địa phương. Hàng tháng, chúng tôi đến nắm tình hình, động viên để anh yên tâm cải tạo".
Không chỉ riêng anh L, trên địa bàn xã Lan Mẫu còn 4 đối tượng khác đang chấp hành án phạt cũng được lực lượng Công an và các hội, đoàn thể quan tâm, giúp đỡ. Những năm qua, các đối tượng chấp hành án phạt tại xã Lan Mẫu đều có ý thức thực hiện việc báo cáo, kiểm điểm, không có trường hợp nào tái phạm khi chưa hết thời gian thử thách.
Ở xã Yên Lư, Yên Dũng có 8 người chấp hành án treo. Từ nắm bắt tình hình, tâm tư của từng đối tượng, chính quyền địa phương nhận thấy nhiều người chấp hành án có nhu cầu xin việc làm nhưng gặp khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, Công an huyện đã cùng với UBND xã đã trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm kiếm cơ hội việc làm cho họ.
Như trường hợp anh Nguyễn Ngọc A ở thôn Đa Thịnh đang chấp hành bản án 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội “Trộm cắp tài sản”. Sau khi được UBND xã đứng ra bảo lãnh, anh A đã được nhận vào làm tại một doanh nghiệp sản xuất gạch. Công việc phù hợp, có thu nhập nuôi sống bản thân, anh Nguyễn Ngọc A hứa sẽ cố gắng lao động, không đi vào con đường phạm pháp.
2. Được biết việc giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng đã được Công an Bắc Giang triển khai tích cực nhiều năm nay với mục đích tạo cho họ có công ăn việc làm ổn định, tránh xa cám dỗ để không bị tái phạm. Giúp đỡ những người này cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa tội phạm ngay tại cơ sở.
Điểm nổi bật trong hoạt động giúp người lầm lỗi của các ngành, đoàn thể ở Bắc Giang đó là lực lượng Công an là nòng cốt tham mưu cho chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cơ sở là gắn việc tái hòa nhập cộng đồng với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Nhiều mô hình tốt trong quản lý giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi được xây dựng và hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như Đoàn thanh niên với mô hình “1+2” (mỗi đoàn viên giúp đỡ 2 thanh niên chậm tiến). Hội Phụ nữ các cấp phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh thành lập các CLB "Phụ nữ tự lực", "Thắp sáng niềm tin" làm điểm tựa cho phụ nữ yếu thế, chị em trước đây từng vướng vòng lao lý. Ngoài ra còn có các mô hình tổ liên gia tự quản ở khu dân cư...
Nhờ sự quan tâm, phối hợp từ nhiều phía, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 58 trường hợp chấp hành án treo được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị và được giảm thời gian thử thách.
Cán bộ Công an Bắc Giang thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng. |
Xã Tiên Lục, Lạng Giang hiện có 20 người mãn hạn tù trở về. Công an xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác giáo dục, quản lý, phân công cán bộ thường xuyên thăm hỏi, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khuyến khích họ tham gia các hoạt động xã hội.
Ông Lê Văn Trại, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Để người lầm lỗi trở về địa phương có cuộc sống ổn định, không mặc cảm, chúng tôi chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể quan tâm giúp đỡ trong sản xuất, tìm việc làm, tiếp cận nguồn vốn vay…”.
Tại huyện Việt Yên, thời điểm này, địa phương quản lý hơn 300 đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng. Đại úy Diêm Công Long, Đội trưởng Đội Phụ trách xã và xây dựng phong trào (Công an huyện) nói: “Thời gian qua, đơn vị đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác phối hợp tham gia tiếp nhận, quản lý, cảm hóa người vi phạm pháp luật tại cộng đồng. Công an huyện, xã trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn họ làm các thủ tục trình diện tại địa phương. Mặt khác, yêu cầu ký cam kết không vi phạm. Do thường xuyên giám sát kết hợp tuyên truyền, định hướng nên nhiều năm qua trên địa bàn huyện không có người tái phạm trong thời gian thử thách”.
Đại tá Đào Trọng Thi, Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết để làm tốt hơn công tác giáo dục, hướng thiện cho đối tượng trong diện quản lý tại cộng đồng, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của hoạt động này đối với việc bảo đảm ANTT tại cơ sở. Tăng cường việc giáo dục pháp luật thông qua gặp gỡ, trao đổi giữa các cơ quan chức năng và người bị kết án, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lầm lỡ để họ tự giác chấp hành đúng, kịp thời xử lý những biểu hiện chấp hành không nghiêm.