Có hay không những ngôi mộ cổ bị đánh cắp?

Thứ Hai, 14/09/2015, 15:40
Cách đây nhiều năm, tại ngọn núi Đình (thuộc địa phận xóm 1, thôn Mỹ giang, xã Kênh giang, Thủy nguyên, Hải Phòng) bỗng nhiên xuất hiện nhiều người đàn ông lạ mặt đến cùng với các dụng cụ hỗ trợ cho việc đào bới đất đá. Họ thường xuất hiện vào buổi đêm, chăng đèn đào bới các khu đất tại đây. Không biết những người này có lấy được gì không từ lòng đất, nhưng sau khi họ rời đi, có rất nhiều hố sâu lộ ra.

Làm vườn phát hiện mộ cổ?

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Tuyến (51 tuổi, ở xóm 1, thôn Mỹ Giang, Kênh Giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng), thì cách đây hơn 10 năm, trong lúc bà đang xới đất làm vườn ở gần chân núi Đình thì bỗng nhiên đào phải một khoảnh đất như có ai đó đã đào cách đây từ rất lâu. Càng đào, bà Tuyến càng phát hiện rõ nét hơn về hình thế của một cái hố. 

Thấy lạ, nên bà Tuyến đã nhờ đến mọi người trong gia đình tiếp sức. Sau khi đào theo những vết cũ, bà Tuyến phát hiện một hố sâu chừng 2m so với mặt đất, rộng gần 2m, ăn sâu vào trong núi gần 3m. Trong lòng hố có chứa mấy đồng xu bằng đồng, vài chiếc bát bằng sành và một cái hũ đã bị vỡ. 

Sự việc trên càng khiến cho những người phát hiện tiếp tục đào sâu hơn nữa, bởi họ nghĩ rằng, thường những ngôi mộ như thế này rất có thể sẽ chôn theo hài cốt. Nhưng qua bước đầu thì bà Tuyến vẫn không thấy thêm được gì. Tin đồn nhà bà Tuyến đào được khu đất tựa như mộ chôn đồ cổ được lan truyền đi khắp nơi. 

Mấy ngày sau đó có một nhóm người lạ mặt đến hỏi mua những thứ mà bà Tuyến đã đào được. Ban đầu bà Tuyến không đồng ý bán, nhưng nhóm người này nói, qua quan sát ban đầu, những vật này mang tà khí không tốt của người đã chết cho những người đào được nó, bà nên bán đi. Nghe vậy bà Tuyến đã đồng ý bán những vật trên với giá 1,5 triệu đồng.

Chiếc bát cổ còn lại của gia đình bà Tuyến.

Qua việc bán những vật đào được này, bà Tuyến cũng kể cho nhóm người biết về vị trí mà bà và gia đình đã đào bới. Sau khi nắm sơ bộ qua tình hình và vị trí khu đất, nhóm người này mới rời khỏi nhà bà Tuyến. 

Theo nguồn tin từ những người dân sống gần chân núi Đình, thì cách mấy hôm sau đó, lại có một nhóm người khác mang theo rất nhiều dụng cụ đào bới đất đến khu vực mà trước đó bà Tuyến đã đào được mấy vật được cho là đồ cổ. Không những có các dụng cụ thô sơ, nhóm người này còn mang theo cả một chiếc máy điện tử tìm dò trên mặt đất.

 Đoán chắc họ đến đây chắc để đào mấy khu đất ở chân núi, nên người dân cũng không quan tâm lắm. Chỉ biết rằng, mỗi khi đêm đến, ở những khu vực trên lại sáng rực lên những ánh đèn. Rồi sau khi họ rời đi, thì ven chân núi và sườn núi lại có thêm những hố lõm sâu với nhiều kích cỡ khác nhau. Do đó, sau khi có sự xuất hiện kỳ lạ của nhóm người trên, nhiều giả thiết đã được người dân đặt ra, như rất có thể ở ven chân núi và sườn núi Đình trước đây rất lâu là một khu mộ táng lớn mà chưa được các nhà khảo cổ khai quật đến? 

Người dân một phần vì sợ những lời nguyền đồn thổi rằng, nếu ai đó xâm phạm khu nghĩa địa cổ sẽ gặp chuyện chẳng lành nên cũng không ái dám dùng đến cuốc xẻng gì để tạo ra những vết lở mới. Tuy nhiên, thi thoảng cũng có một vài người dân quanh đó bạo gan thử vận may đào bới khu đất đó. Không biết sau mỗi cuộc thăm tìm này, họ có tìm được gì không, nhưng nghe nhiều người dân kể lại, những người đã từng xâm phạm đến khu đất này dù ở nơi khác đến hay người bản địa đều gặp những điều chẳng lành.

Có hay không những ngôi mộ cổ?

Để xác minh rõ thêm thông tin, chúng tôi đã tìm gặp anh P (người ở gần nơi khu đất được cho là mộ cổ, cũng như từng chứng kiến nhóm người lạ đến đây đào bới). Anh P cho biết, ngọn núi Đình trước kia trồng rất nhiều cây lâu năm, do đất tốt nên cây cối mọc um tùm. Vì vậy có rất nhiều loài chim lạ cũng như những con bò sát từ đâu tới đây sinh sống. 

Một phần ngọn núi được người dân phát rừng trồng sắn. Nhưng do loại cây này mang lại kinh tế không cao, nên từ lâu lắm rồi người dân nơi đây đã bỏ hẳn. Do phần ngọn núi này không được trồng bù đắp cây khác vào, nên chỉ còn mình cỏ dại và mấy nhóm cây bụi rậm mọc. 

Sau đó cách đây ít năm, có chính sách của nhà nước là phủ xanh đồi trọc, người dân đã được nhà nước cung ứng giống keo để trồng. Nhưng trồng được hai năm, không hiểu vì lý do gì, các cây keo đều héo mòn héo mỏi và dẫn đến chết hàng loạt. Người dân không còn biết làm cách nào khác là cầm dao lên núi đốn keo non về làm củi.

Kể từ đó tới nay phải trên dưới 10 năm, khu đồi trọc này không được trồng bất cứ cây gì. Chỉ còn lại những thứ cỏ dại mọc hoang. Kể về nhóm người lạ đến núi Đình đào cổ vật, anh P chậm rãi: "Hồi tháng hai âm lịch vừa rồi, vào buổi chiều muộn, có ba người đàn ông cao lớn với khuôn mặt xạm đen, có người để râu quai nón trông rất "hổ báo". Ba người này đều mặc bộ quần áo dàn di, đi đôi ủng đen, đầu đội mũ như thợ mỏ, trên vai mang theo chiếc ba-lô "khủng", trong có chứa một đống đồ nghề rồi đi lên núi". 

Những mô đất tại núi Đình bị nhóm người lạ mặt đào xới.

Thấy anh P đang chăn bò ở đó nên nhóm người này giả đò đánh trống lảng như người đi du lịch. Do từng bắt gặp những người đến chân núi này đào xới đất cát, nên anh P đã tươi cười nói với họ: "Tôi biết các ông sẽ làm gì rồi. Các ông cứ đào đất đi, có ai cấm đâu mà sợ". 

Nghe anh P nói vậy, nhóm người này có vẻ an tâm hơn, rồi bình tĩnh đi đến một mô đất gần đó, để đồ nghề xuống. Một vài người đã lấy ra một cái máy có cái cán cầm tay dài và cái mặt bằng kim loại rà đi rà lại trên mặt đất. Do trời bắt đầu tối muộn, anh P cũng không quan tâm đến việc nhóm người trên sẽ đào bới được gì nên đã ra về. 

Tối đến, từ phía nhà nhìn ra, anh P còn thấy họ vẫn đang ở mô đất đó với những ánh đèn sáng quắc. Sau khi nhóm người này bỏ đi, mô đất trên lại bị lở lói. Thời tiết bình thường thì không sao, chứ trời mưa to, những hố đất này đều bị sạt lở thêm, trâu bò chẳng may rơi vào thật khó mà lên được.

Theo nhiều tài liệu lịch sử thì Hải Phòng vốn là nơi tập trung của nhiều tầng văn hóa điển hình, như di chỉ khảo cổ Cái Bèo (Cát Bà) nằm giữa thung lũng núi đá vôi, hướng Bắc Nam dọc bờ biển và đặc biệt hơn cả là các di chỉ khảo cổ được tìm thấy tại huyện Thủy Nguyên. 

Theo ghi chép từ nhiều sách địa lý, huyện Thủy Nguyên nằm bên dòng sông Bạch Đằng, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây Nam giáp huyện An Dương và nội thành Hải Phòng. Huyện Thủy Nguyên cũng là một trong những vùng đất khá đặc biệt của thành phố Hải Phòng với những núi đá vôi, núi đất, đồng bằng xen kẽ sông hồ, hướng dốc từ phía Tây Bắc xuống Đông Nam. Do vậy, điều kiện địa hình này từ lâu đã tạo ra nhiều vỉa tầng văn hóa độc đáo, như di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh nằm ở thôn Tràng Kênh, (thị trấn Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên), thuộc khu di tích và danh thắng đã xếp hạng. 

Hay như vừa qua, các nhà khảo cổ học đã khai quật được 3 ngôi mộ cổ tại xã Thuỷ Sơn. Mộ chôn ở tầng đất sú vẹt, dưới độ sâu đến 2m; khu mộ thuyền thời kỳ văn hoá Đông Sơn, có niên đại 2.000 năm. Hầu hết xương cốt của người chôn trong mộ đã bị phân huỷ hoàn toàn. Hay như việc tìm được hai ngôi mộ cổ ở xã Liên Khê, hiện vật khai quật thu được gồm: 7 chiếc mâm bồng bằng gỗ, đĩa gỗ, chén gỗ, lược gỗ, lọ, bình, vò, chum, bát bằng đất nung, hoa văn trang trí chủ yếu là hình tổ ong, khắc vạch. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy một số quả cau và vết tích của những lá trầu không.

Viên gạch từ mộ cổ.

Còn tại ngọn núi Đình (thuộc địa phận xóm 1, thôn Mỹ Giang, xã Kênh Giang) có hay không những ngôi mộ cổ như lời đồn đoán của dân thì đến nay cần các đoàn khảo cổ đến khảo sát mới xác minh được. 

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mến (Phó Chủ tịch UBND xã Kênh Giang) cho biết: "Tôi không được biết tại khu đất ở xóm 1, thuộc thôn Mỹ Giang, xã Kênh Giang có mộ cổ, cũng như chưa từng được thấy có những nhóm người lạ đến đây đào bới. Tuy nhiên, do gần đây người dân hay đồn thổi về vấn đề này, nên tới đây, chúng tôi sẽ theo dõi sát sao hơn để làm sáng tỏ vụ việc".

Đỗ Đăng Huỳnh
.
.
.