Có dung túng sai phạm bán đất ruộng, đất công làm nhà?
Chúng tôi tìm về miền quê thuần nông xã Nguyên Giáp, Tứ Kỳ, Hải Dương theo đơn tố cáo của người dân nơi đây về những sai phạm của lãnh đạo xã trong quản lý đất đai, tài chính. Hỏi chuyện người dân và chính quyền, thấy nổi lên hàng loạt vấn đề cần làm rõ...
Việc bán đất ruộng lúa cho dân làm nhà ở trong xã đã diễn ra khá sôi động từ nhiều năm qua, thu hẹp đáng kể diện tích đất canh tác. Xã khẳng định không bán đất công ích, thì bản ảnh chụp thực địa các ngôi nhà kiên cố xây trên đất công, cùng những tờ phiếu thu tiền mua đất người dân đang giữ, lại cho thấy điều ngược lại. Ngay trên đường về xã qua cầu An Thổ (thuộc địa phận xã Nguyên Giáp), cảnh tượng đoàn thuyền hút trộm cát ở chân đê tả sông Luộc (Đê TW cấp 2) diễn ra nhộn nhịp giữa buổi trưa oi ả, đã lọt vào ống kính phóng viên, nhưng xã vẫn "im như thóc", kể cả khi lãnh đạo tỉnh Hải Dương được chúng tôi báo tin, đã cử người xuống giải quyết.
Từ chuyện "cát tặc"
Chuyện "cát tặc" ngang nhiên hút cát ở chân đê tả sông Luộc, dưới chân cầu An Thổ giữa ban ngày nhưng cán bộ xã Nguyên Giáp không hề hay biết, đã mở đầu cho những điều "không biết" đến phi lý tại địa phương này.
12h15 ngày 9/10/2014, khi xe chở PV các cơ quan báo chí đi đến cầu An Thổ, bắt gặp 4 chiếc tàu hút cát đang hoạt động ngay ở vị trí bờ kè chân đê tả sông Luộc, gần mố cầu và cống qua đê. Tiếng máy chạy xình xịch váng động cả khúc sông trưa. Trên boong tàu, các công nhân hối hả cầm lăng xịt nước phun tuồn cát vào ống dẫn. Hai đoạn ống dài hàng kilômét, dẫn cát "chảy" vào trong thôn An Thổ, thuộc xã Nguyên Giáp.
Anh Phùng Văn Đ… cho biết: "Việc hút cát trên đoạn sông Luộc chảy qua xã em diễn ra cứ công khai giữa ban ngày, ban mặt thế đấy. Họ hút cát ngay ở chân đê, mố cầu. Dân chúng em bây giờ không dám ra sông đánh giậm nữa, sợ thụt cát thì chỉ có chết. Chắc đã phải "làm luật" mới được làm thoải mái như thế".
Bơm hút cát làm rỗng kết cấu địa chất ở đáy sông, bờ sông, chân đê, mố cầu. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng lún sụt, sạt lở bờ sông, bờ kè, làm lòng sông ăn lấn vào chân đê, vào diện tích đất canh tác mầu mỡ của nông dân. Đồng thời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của các công trình đê điều và tiêu thoát lũ, cầu cống… vào mùa mưa bão.
Mới đây, sự cố 90m đê hữu sông Kinh Môn (thuộc địa bàn xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương) bị trôi tuột xuống sông vào sáng 27/5/2014, đã róng lên hồi chuông báo động về thực trạng quản lý đê điều tại địa phương này. Do đó, việc "cát tặc" ngang nhiên hút cát ở ngay vị trí kè chân đê và mố cầu, cống qua đê An Thổ ngày 9/10/2014, là cực kỳ nguy hiểm. Khoản 10, Điều 7, Luật Đê điều năm 2006 nghiêm cấm hành vi khai thác đất, đá, cát, sỏi… trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ. Cũng theo luật này, tại Điểm d, Khoản 3, Điều 43 đã quy định UBND cấp xã có trách nhiệm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
Ông Đồng Hữu Riết - Chủ tịch xã Nguyên Giáp tại buổi tiếp báo chí. |
Điều đáng nói là địa điểm xảy ra việc khai thác cát cách trụ sở UBND xã Nguyên Giáp không xa, nhưng không thấy chính quyền xã có động thái gì thực hiện trách nhiệm của mình. Chúng tôi đã gọi điện cho ông Bùi Đình Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương để phản ánh tình hình. Khi lực lượng chức năng đến hiện trường đình chỉ hoạt động của nhóm "cát tặc", vẫn không thấy bóng dáng giới chức của xã đâu.
Việc "không biết" những sai phạm xảy ra trên địa bàn xã, cũng không gây "sốc" bằng những gì ông Đồng Hữu Riết - Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp trả lời tại buổi làm việc với báo chí. Chỉ riêng chuyện có hay không việc bán đất công ích cho dân làm nhà ở kiên cố trong xã, đã có sự khác biệt lớn giữa lời người đứng đầu địa phương này, với những tài liệu người dân phản ánh và kết quả kiểm tra thực địa của đoàn PV.
Đến những điều trông thấy về bán đất công ích làm nhà kiên cố!
Trong đơn tố cáo Ban lãnh đạo xã Nguyên Giáp gửi đến các cơ quan báo chí, người dân trong xã phản ánh hiện tượng bán đất công ích cho các hộ dân làm nhà kiên cố.
Xã Nguyên Giáp có 7 thôn, chỉ tính riêng trong thôn An Thổ đã có tới 13 diện tích đất công ích được xã bán cho dân không theo một quy trình nào cả. Thôn An Thổ có 4 xóm. Từ những năm 60 thế kỷ trước, ở mỗi xóm người ta đào từ 1 đến 2 giếng khơi đường kính từ 15-20 m để lấy nước ăn, sinh hoạt cho dân làng. Khi nước máy về làng, những giếng nước ăn đó dần dần hết vai trò. Những năm vừa qua, có tới 6 cái giếng ở xóm đội 1, 2, 3, 4 đã được bán cho tư nhân để san lấp, cải tạo mặt bằng làm nhà ở hoặc làm vườn.
Ông Phùng Văn M. ở thôn An Thổ cho biết: "Tôi mua cái giếng ở xóm đội 2 An Thổ quãng năm 2010, với giá 10 triệu đồng. Sau khi san lấp được diện tích được 94 m2 . Việc mua bán không qua đấu giá, tôi nộp tiền cho ông trưởng thôn. Trong thôn còn có ông Phạm Văn Đông là cháu rể ông Riết (chủ tịch xã) đã mua cái giếng ở đội 3 với giá hơn 80 triệu đồng. Các ông Trương Đức Phò, Phùng Văn Lương, Đồng Hữu Cốt (cháu ông Riết -chủ tịch xã), cũng mua giếng với giá từ 20 - 30 triệu đồng. Việc mua bán có giấy biên nhận viết tay".
Ngoài việc bán giếng, theo đơn tố cáo nhiều diện tích đất công ích khác cũng đã được bán (dưới danh nghĩa cho thuê thầu dài hạn), như khu đất ở gần cổng hội trường thôn, đất nhà trẻ xóm 3, đất nhà Mẫu giáo đền Trung, khu đất cạnh chùa An Thổ, đất ao giáp nhà ông Tơn, ông Hậu. Trong số những người được mua diện tích đất này, có nhiều người là họ hàng anh em nhà - Chủ tịch xã. Việc mua bán đất công ích, theo một số người dân cho biết, được diễn ra dưới hình thức đấu thầu. Ai "bỏ thầu" cao sẽ "trúng", nhưng không tuân thủ bất cứ quy định nào về đấu thầu. Về danh nghĩa là giao thầu dài hạn, nhưng trên những diện tích này, nhiều người đã xây nhà ở kiên cố, cao tầng. Điển hình như ngôi nhà xây 2 tầng đang hoàn thiện của nhà anh Lê Văn Nhất trên diện tích đất từng là cái giếng xóm đội 4, nhà ông Đồng Hữu Thuẫn (họ hàng nhà ông Riết - chủ tịch xã) đã xây khang trang 2 tầng trên nền đất nhà mẫu giáo xóm đội 4 mà ông đã "trúng thầu".
"Cát tặc" ngang nhiên hút cát ở chân cầu An Thổ (xã Nguyên Giáp). Ảnh chụp hồi 12h15’ ngày 9/10/2014. |
Như vậy, bản chất thật sự của việc đấu thầu cho thuê đất này, là bán đất công cho dân để thu tiền. Giá tiền bán đất không hề nhỏ, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/lô. Vấn đề là toàn bộ số tiền đó đã được quản lý, sử dụng vào việc gì, có thất thoát hay không.
Sự thật là như vậy, nhưng trong buổi tiếp báo chí, ông Đồng Hữu Riết - Chủ tịch xã Nguyên Giáp vẫn khẳng định "như đinh đóng cột", rằng xã không bán đất công cho tư nhân. Khi nhóm PV nêu ra những dẫn chứng cụ thể các trường hợp đã xây nhà trên đất công ích, trong đó phần nhiều là con cháu ông, thì vị lãnh đạo này trả lời rằng "không biết việc đó"!
Cấp trên cần vào cuộc
"Phong trào" mua đất ruộng để xây nhà ở kiên cố, đã diễn ra rầm rộ trong những năm gần đây. Theo đơn tố cáo của người dân, chỉ tính riêng trên những chân ruộng lúa cạnh đường đi sang làng Hòa Nhuệ đã có khoảng 33 lô đất đã được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, sang đất nhà ở. Trong đó, có nhiều người đã mua 2-3 lô. Người mua nhiều nhất là ông Phú ở thôn Quý Cao đã sở hữu 10 lô đất. Chính lãnh đạo xã Nguyên Giáp cùng họ hàng cũng đã "góp mặt" trên nhiều mặt ruộng đã bán. Bản thân ông Riết - chủ tịch xã cũng đã mua cho mình khoảng 240m2 đất ruộng tại vị trí trước cửa nhà ông Nền. Hiện ông Riết đang cho tập kết vật liệu để xây nhà, còn anh Thể (con trai ông) thì đã xây ngôi nhà 2 tầng khang trang trên mảnh ruộng gần đó.
Được biết, việc bán đất ruộng cho dân làm nhà ở diễn ra dưới hình thức đấu giá. Các hộ mua đất đã được UBND huyện Tứ Kỳ cấp "sổ đỏ". Vấn đề dư luận quan tâm là căn cứ vào cơ sở nào để địa phương này quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đem bán đấu giá đất ruộng. Tỉnh Hải Dương có quy hoạch đất đai tại xã Nguyên Giáp cho phép xây dựng khu dân cư trên đất "bờ xôi ruộng mật" hay không?. Cơ sở nào để Hội đồng đấu giá đưa ra mức giá trúng thầu?. Những thủ tục, trình tự bán đấu giá đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật chưa? Số tiền thu được từ bán đấu giá đất nông nghiệp, được "trên" cắt lại đã quản lý, sử dụng như thế nào?. Rất tiếc, những kiến nghị cung cấp tài liệu của Đoàn PV đã bị lãnh đạo xã Nguyên Giáp "khất" sẽ cung cấp vào dịp khác.
Anh Phùng Văn V. kể: "Chúng tôi nghe lãnh đạo xã nói số tiền này đã dùng để xây các công trình hội trường và làm đường, nhưng thực tế tiền làm các công trình này do nhà nước hỗ trợ và nhân dân tự đóng góp. Cụ thể như việc xây hội trường nhà nước đã hỗ trợ 200 triệu đồng; làm đường bằng tiền của dân đóng góp, đồng thời huyện Tứ Kỳ hỗ trợ tiền xi măng. Vì thế, chúng tôi kiến nghị cơ quan điều tra tiến hành xác minh xem số tiền bán đất đã sử dụng như thế nào? có tiêu cực, tham nhũng hay không? Ngoài ra, việc xây 4 cái cổng trào vào thôn cũng có nhiều khuất tất. Nghe nói thuê cánh thợ xây hết có khoảng 5 triệu đồng/cái, nhưng xã đã thu của dân mỗi khẩu 20 nghìn đồng. Cả thôn có 3,5 đến 4 nghìn nhân khẩu, thì số tiền làm cổng trào đã thu của dân vượt quá số tiền thực chi vài chục lần. Chúng tôi thấy nhất thiết phải xác minh làm rõ".
Đề nghị UBND huyện Tứ Kỳ và tỉnh Hải Dương cần vào cuộc để làm rõ đúng sai