Chuyện tình đẹp nhất cao nguyên đá

Thứ Ba, 24/01/2012, 14:34

"Không biết bố mẹ em ăn gì sinh ra / Để anh ngắm nhìn miết / Cũng thấy đôi mắt, đôi má em / Trắng đẹp trắng xinh như hoa mạch hoa lan nở lưng rừng". Đó là những vần thơ của thầy giáo người Mông Hùng Đình Quý tặng cho cô học trò dân tộc Lô Lô Lò Thị Mỷ từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Họ đã vượt qua những tập tục của dân tộc mình để đến với nhau, xây dựng một cuộc sống hạnh phúc.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây tình cảm của ông dành cho bà, của bà dành cho ông vẫn nồng đượm dưới mái nhà trình tường, bên đàn con cháu vốn là "của để dành" nay đã trưởng thành nơi vùng đất địa đầu Hà Giang.

Nhà thơ dựng cột cờ Lũng Cú

Hùng Đình Quý sinh năm 1937 tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, Hà Giang, trong một gia đình người Mông. Lớn lên ông được cách mạng nuôi ăn học rồi về địa phương làm cán bộ trong ngành Giáo dục. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, ông được phân công giữ cương vị Trưởng phòng Giáo dục, rồi Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn.

Trong thời gian giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện, ông đã tham gia chỉ đạo mở con đường từ xã Ma Lé lên Lũng Cú, xã địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Đó là vào những năm cuối thập kỷ 70, Lũng Cú khi ấy là địa bàn trọng yếu của Đồng Văn nhưng việc đi lại rất khó khăn. Là người địa phương, thấu hiểu những khó khăn trong việc đi lại của đồng bào, ông đã tích cực động viên mọi người tham gia mở đường. Công việc tiến triển chậm, lại chính ông có sáng kiến khoán cho mỗi hộ gia đình san một đoạn đường tương đương với một nền nhà cần san khi dựng nhà mới, nhờ thế mà đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Khi con đường mở xong, chuẩn bị làm lễ thông xe, ông nghĩ cần có điều gì đó đặc biệt để đánh dấu công trình này, và ý nghĩ treo một lá cờ thật to trên đỉnh Lũng Cú, để từ xa mọi người đều có thể nhìn thấy đã xuất hiện. Thế là những thanh niên khỏe mạnh trong xã đã được cử đi tìm chọn một cây sa mu thẳng tắp rồi khênh ngược lên đỉnh núi dựng làm cột treo cờ. Theo người già kể lại thì trước đó trên đỉnh Lũng Cú cũng đã có cột cờ nhưng đã bỏ từ rất lâu rồi. Đến khi ấy mới chính thức được dựng lại.

Với nhà thơ Hùng Đình Quý, giờ khắc lá Quốc kỳ tung bay trên đỉnh Lũng Cú đã để lại một dấu ấn sâu đậm: Đó là vào khoảng 16 giờ chiều 11/1/1978, trước hôm tổ chức lễ thông xe lên đỉnh Lũng Cú. Gió trên đỉnh Lũng Cú ràn rạt, cắt da cắt thịt không ngăn nổi trái tim nồng nhiệt tình yêu Tổ quốc của những người con vùng cao nguyên đá. Nhà thơ Hùng Đình Quý và ông Ly Sìa Pó (lúc đó là Phó Chủ tịch xã Lũng Cú) được vinh dự kéo cờ. Kể từ thời khắc đó cho đến nay, lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trên đỉnh Lũng Cú.

Còn lá cờ đầu tiên thì ngay sau lễ thông xe lên đỉnh Lũng Cú (ngày 12/1/1978) đã được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Thực ra vì muốn có một lá cờ to, rộng cho xứng tầm với lễ thông xe nên vô tình kích thước 6x9 mét đã mang một ý nghĩa vô cùng sâu xa đó là: diện tích 54 mét vuông của lá cờ trùng hợp với số dân tộc sinh sống trên đất nước ta - 54 dân tộc. Cột cờ Lũng Cú đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây mới nhưng diện tích lá cờ thì vẫn được giữ nguyên với ý nghĩa ấy.

Chiến tranh biên giới nổ ra, nhận sự phân công của cấp trên, Hùng Đình Quý về tham gia công tác tại Ban Tổ chức tỉnh Hà Tuyên, rồi chuyển qua làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tuyên. Khi tách tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thì ông về công tác tại tỉnh Hà Giang với cương vị Giám đốc Sở VH-TT Hà Giang. Trước khi nghỉ hưu, năm 1999, Hùng Đình Quý giữ cương vị Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Giang. Hiện nay, ông là hội viên duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại Hà Giang.

Cái tên Hùng Đình Quý là tên đã được phiên âm sang tiếng Kinh khi ông đi làm cán bộ, còn tên tiếng Mông của ông là Shôngx Ntiêx Tuôv. Tuôv theo tiếng Mông có nghĩa là con đầu, ý nói con trai đầu là vô cùng quý nên ông tự dịch tên mình ra tiếng Kinh là Quý. Từ ngày còn dạy học Hùng Đình Quý đã đến với những vần thơ. Thơ ông là những vần thơ mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói của người Mông. "Nắng trời con chim con sâu bay / Trời nắng con chim con bướm đậu / Đậu ngay trên một nhành non lá riềng / Không biết bố mẹ em ăn gì sinh ra / Để anh ngắm nhìn miết / Cũng thấy đôi mắt, đôi má em / Trắng đẹp trắng xinh như hoa mạch hoa lan nở lưng rừng". Thơ đến với ông rất tự nhiên, và ông quan niệm về thơ cũng thật giản dị. Nói về nghiệp viết của mình ông tâm sự: "Tôi không có tham vọng gì nhiều, tôi viết trước hết là viết cho chính những người Mông của tôi, để họ hiểu và cảm nhận về cuộc sống".

Đến nay Hùng Đình Quý đã xuất bản 3 tập thơ, gồm: Người Mông nhớ Bác Hồ; Nếu sai tôi chết sẽ không nhắm mắt; Chỉ vì quá yêu. Bên cạnh việc sáng tác thơ, ông còn tích cực sưu tầm các bài dân ca tiếng Mông, đến thời điểm này, Hùng Đình Quý cũng là người sưu tầm và dịch nhiều nhất những bài dân ca Mông ra tiếng phổ thông. Ông đã có 3 tập sách sưu tầm các bài dân ca của đồng bào Mông ở Hà Giang và một tập sách nữa tập hợp những bài khèn của người Mông mà ông sưu tầm được.

Mối tình đẹp như đá núi

Người ta vẫn biết đến Hùng Đình Quý gắn với hình ảnh một nhà thơ người Mông được học tập và trưởng thành, giữ các trọng trách cao trong bộ máy tổ chức của tỉnh Hà Giang, thế nhưng không nhiều người biết rằng, đằng sau ông là một người phụ nữ Lô Lô có tư tưởng khá tiến bộ. Vợ ông, bà Lò Thị Mỷ sinh ra tại xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Khi còn trẻ, bà là một cô gái xinh đẹp, chăm chỉ và rất giỏi thêu thùa nên được nhiều gia đình đến hỏi cưới. Bố bà không muốn con gái lấy chồng sớm nhưng từ chối mãi cũng không tiện nên cụ đã cho con gái đi thoát ly làm cán bộ. Việc ông bà quen và đến với nhau thật tình cờ mà như duyên phận.

Thời điểm ấy, việc một người Mông cưới một cô gái Lô Lô làm vợ chưa từng xảy ra. Khi ông rời quê nhà Quản Bạ đi làm cán bộ và về dạy học tại Đồng Văn, trong đám học trò nữ, cô gái Lô Lô xinh đẹp Lò Thị Mỷ đã chiếm trọn trái tim thầy giáo trẻ. Họ đến với nhau và cả hai đều biết, rào cản lớn nhất tưởng chừng không vượt qua nổi đó chính là sự khác biệt giữa hai dân tộc. Ngày ấy chưa từng có chuyện kết duyên với người khác dân tộc mình. Nhưng cũng thuận lợi là ông bà đều là người thoát ly, làm cán bộ nên đã quyết tâm đến với nhau.

Năm 1962, anh cán bộ người Mông Hùng Đình Quý đã cưới cô gái Lô Lô Lò Thị Mỷ. Đó là một đám cưới đặc biệt nhất ở vùng đá Đồng Văn. Sau khi lấy ông, bà chuyển sang làm mậu dịch viên. Tiếng thì oai thế nhưng làm thương nghiệp miền núi thời kháng chiến vất vả vô cùng. Trèo đèo lội suối băng núi, vai địu con, bụng vẫn găm tiền Nhà nước chuyển lên huyện nộp. Vừa lo cọp vồ mất con mình, vừa lo cướp giật mất tiền mậu dịch. Từng bước chân bà thấp thỏm qua mỗi khoanh núi.

Từ điểm bán hàng về huyện hơn chục cây số đường đi giữa khấp khểnh đá tai mèo, mỗi lần mang tiền về huyện nộp bà phải dậy sớm để đi cho kịp. Có lần vừa chợp mắt nghe tiếng gà gáy tưởng trời đã sáng, bà liền dậy địu con lên đường, ai ngờ về đến huyện mới là nửa đêm, thế là phải thức chờ cho trời sáng, đến giờ làm việc mới nộp được tiền. Ba người con trai của bà đều lớn lên trên lưng mẹ như thế.

Suốt những chặng đường công tác của ông luôn có bà tiếp sức, không phải theo kiểu đồng hành từng bước chân mà bằng cách âm thầm trấn giữ hậu phương, lo chu toàn cho gia đình, con cái để ông yên tâm cống hiến. Bà cũng là người hiểu biết và có cách "giữ" chồng rất hiện đại. Luôn ý thức được vị trí của mình trong lòng chồng và trong gia đình nên bà rất tự tin vui vẻ, dù ở những cương vị mà ông nắm giữ, trong những năm tháng thời trai trẻ cũng có người nọ người kia cảm mến thì bà luôn có cách xử sự khéo léo để giữ yên ấm gia đình.

Điều khiến ông cảm phục nhất ở bà không chỉ là một tay thu vén nuôi dạy một đàn con nên người mà còn là tấm lòng của bà đối với anh em họ mạc bên nội. Vì là anh cả trong nhà, ông phải đứng mũi chịu sào rất nhiều việc của dòng họ, anh em nhưng việc gì, với ai bà cũng thu xếp chu toàn. Chính vì thế mà cuộc sống của ông bà mấy chục năm luôn đượm tiếng cười, dù khi ông còn đương chức hay khi đã về với đời thường.

Khi hỏi thăm về gia cảnh, ông bà cho biết có tám người con, nhưng chúng tôi lại biết ông bà chỉ có bảy người con chính thức. Ông chỉ giải thích giản dị, "tôi còn một bà nữa...". Khách mới nghe cứ ngớ người tưởng thật và sẽ rất dễ hiểu lầm, nhưng tìm hiểu ra mới thấy đằng sau lời nói giản dị của ông là một câu chuyện rất nhân văn.

Ngày trước, anh ruột của bố ông có một người con trai đã lấy vợ, khi người vợ đang có mang thì mất. Theo tục nối dây của người Mông khi ấy, anh mất thì vợ của anh phải tiếp tục sống với người em, em ruột không có thì sống với em họ. Nhưng gia đình ông tư tưởng tiến bộ, bản thân Hùng Đình Quý cũng không chịu tuân theo tập tục này, ông đã phá lệ để đến với bà, còn người chị dâu thì sau này cũng đã xây dựng gia đình riêng. Tuy vậy, trong gia đình ông thì người con của ông anh trai họ vẫn là cậu cả.

Những tập tục của người Mông, người Lô Lô tưởng rằng vững như đá núi, tưởng rằng không bao giờ thay đổi nhưng ông bà đã bước qua bằng đôi chân can đảm, vun đắp nên một gia đình hạnh phúc. Bảy người con chính thức của ông bà gồm ba trai và bốn con gái thì có 6 người con đã tốt nghiệp Đại học và Cao cấp Chính trị.

Là người cha vô cùng tình cảm, ông luôn tự hào gọi bốn đứa con gái của mình là bốn hạt lanh đẹp của người Mông. Đó là cách nói của người Mông để chỉ những người con gái đẹp nết, đẹp người, hiếu thuận với cha mẹ. Trong đó, người con gái thứ hai là người khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất khi chị đi theo con đường mà ông luôn trăn trở theo đuổi đó là nghiên cứu vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đó là chị Hùng Thị Hà, đang công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang, hiện chị đang chuẩn bị bảo vệ luận án Tiến sĩ Văn học với đề tài "Thơ ca dân gian Mông dưới góc nhìn văn hóa".

Giờ đây, việc một chàng trai Mông cưới một cô gái Lô Lô đã không còn là chuyện quá hiếm, nhưng cuộc hôn nhân của ông bà ở thời điểm ấy như một sự tiên phong mở đường để các dân tộc xích lại gần nhau hơn, cùng đoàn kết chung sống trên những lớp đá tai mèo của vùng cao nguyên đá

Nguyễn Xuân Thủy
.
.
.