Chuyện nơi thao trường của các sinh viên Công an

Thứ Sáu, 14/02/2020, 13:06
Những ngày này, tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), hơn 1.000 tân sinh viên chính quy các trường CAND năm học 2019-2020 đang tất bật luyện tập chuẩn bị cho Lễ bế giảng Lớp huấn luyện đầu khoá. Từng động tác điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật, bắn súng... được các sinh viên rèn luyện dưới sự hướng dẫn của các thầy giáo cho thuần thục. Ai cũng háo hức bởi nội dung báo cáo kết quả tại Lễ bế giảng…


Vượt qua chính mình từ những việc nhỏ nhất

Sau 4 tháng "đi lính", Cù Thị Mỹ Kim, lớp B2 Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) tự thấy mình có tinh thần trách nhiệm hơn, kỷ cương hơn, tác phong nhanh nhẹn hơn, "không còn lề mề" như khi còn ở nhà. Ở đây, Kim phải cùng các bạn thức dậy từ hơn 5h rồi chạy thể dục hơn 2km. Sau đó tập thể dục buổi sáng với 9 động tác và 3 bài võ tổng hợp, quay trở về vệ sinh cá nhân, xếp đặt trật tự nội vụ ở phòng. Từ 6h-6h30, các học viên xuống sân điểm danh ăn sáng.

6h30-7h kiểm tra nội vụ, chuẩn bị học tập, huấn luyện. Hơn 11h kết thúc giờ học buổi sáng các học viên sẽ được ăn trưa, nghỉ ngơi. 13h15 báo thức vệ sinh nội vụ; 13h30 tiếp tục giờ học buổi chiều. 16h30 kết thúc giờ học chính khóa, từ 16h30-17h30 là học ngoại khóa.

Sau đó về vệ sinh cá nhân và 18h xếp hàng điểm danh ăn cơm. 19h các học viên tập trung xem thời sự, giao ban, sinh hoạt, trong đó cứ một tuần có hai buổi hành quân rèn luyện mang theo quân tư trang cá nhân và vũ khí; điểm danh lúc 21h và đúng  21h30 tắt đèn đi ngủ. Lịch cứ "đều như vắt chanh" vậy suốt 4 tháng trời...

Các học viên nữ huấn luyện điều lệnh đội ngũ.

"Đầu tiên, riêng việc dậy sớm cũng rất khó, rồi gấp chăn, vuốt sao cho vuông vức cũng không hề đơn giản. Em phải để đồng hồ báo thức, dậy sớm người cứ mệt mỏi, lờ đờ chưa tập trung. Mấy ngày sau mới quen với nhịp sống ở đây, đến bây giờ thì thích thú vì đã giúp mình nâng cao sức khoẻ, thể lực, cứng cáp hơn", nữ học viên chia sẻ. Theo Mỹ Kim ở đây hội tụ bạn bè mọi miền tổ quốc, từ hai ngôi trường Học viện An ninh nhân dân (ANND) và Học viện CSND nên các sinh viên được giao lưu, học hỏi lẫn nhau về kỹ năng sống, cách ứng xử trong môi trường tập thể.

Mỹ Kim kể, ban đầu khi nghe tiếng súng nổ em giật nảy mình, thấy các bạn xếp hàng tập bắn thì run do chưa tiếp xúc với súng đạn thật bao giờ. Những ngày đầu cầm khẩu súng gần 4kg rất nặng, bị tâm lý nên em không thể thực hiện đúng động tác, cách giơ tay cò cũng khó... Tuy nhiên các thầy cũng hiểu được những điều đó nên ân cần chỉ bảo, dạy nhiệt tình từng tư thế, yếu lĩnh động tác, hiện các em đã quen, nắm chắc nội dung được huấn luyện.

Các học viên trong giờ luyện tập võ thuật.

 Với Bùi Đoàn Quang Huy, sinh viên lớp B6 Chuyên khoa 1 Học viện ANND, từ khi vào môi trường quân ngũ, đòi hỏi tính kỷ luật cao, nghiêm túc từ lời nói đến hành động, cử chỉ đã khiến em thay đổi hoàn toàn về cách nghĩ, trưởng thành hơn, từ việc nhỏ nhất là sáng dậy dọn dẹp vệ sinh gọn gàng. Theo Huy, điều lớn nhất mà trước đây em chưa từng có là bản lĩnh, ý chí.

Thêm nữa, sự tự tin và kỹ năng sống của em cũng được nhân lên khi dám phát biểu chính kiến trước đám đông, hay được các thầy cô chia sẻ kinh nghiệm thực tế phong phú, giáo dục lý tưởng sống, lòng yêu nước, truyền thống lịch sử của ngành. Qua đó giúp các tân sinh viên an tâm học tập, có đam mê, sẵn sàng nỗ lực vượt qua khó khăn.

Với Huy, kỷ niệm đáng nhớ nhất của em là tuần học bơi đầu tháng 12-2019, thời tiết lạnh buốt, nhiệt độ chỉ 9 độ C. "Trước đó, vào đầu tháng 10 chúng em học trên cạn thì trời nắng nóng. Đến khi xuống nước lại lạnh nên da dẻ nứt nẻ, rát. Những buổi đầu nước lạnh buốt khiến các khớp cổ chân cổ tay cứng lại, khó vận động... Tuy nhiên thầy Lê Quang Minh, giáo viên chính môn bơi đã chỉ bảo những kỹ năng học bơi và động viên chúng em cố gắng", Bùi Đoàn Quang Huy nhớ lại.

Công sức đã được đền đáp khi Huy biết bơi chỉ sau 2 ngày, kết thúc môn bơi em đạt loại giỏi. "Đây là việc em chưa từng nghĩ tới, cuối tuần gọi điện về báo mà bố mẹ mừng lắm. Em cảm thấy mình đã vượt qua được chính mình. Thời gian về Tết, em cũng được mọi người đánh giá là rắn rỏi hơn, khoẻ khoắn hơn, chín chắn hơn", Huy chia sẻ đầy tự hào.

Cử chỉ xúc động trong phiên gác đêm

Đối với Hoàng Oanh, sinh viên lớp B1 Chuyên khoa 1 Học viện ANND, 4 tháng rèn luyện về điều lệnh CAND, hiểu biết về súng, kỹ năng bắn súng, kỹ thuật vận động cơ bản, chiến thuật đánh bắt đối tượng... là hành trang hữu ích để em và bè bạn cố gắng phấn đấu trở thành chiến sỹ CAND chính quy, tinh nhuệ, "vừa hồng, vừa chuyên". Nữ học viên quê Bình Định cho rằng, môi trường huấn luyện, ăn ở tập trung cũng giúp em cải thiện tác phong năng động, nâng cao ý thức vì tập thể và tinh thần đoàn kết, gắn bó.

Đại uý Lê Thế Hiệp chỉnh sửa từng động tác võ thuật cho các học viên.

Một lần huấn luyện võ thuật Oanh bị ngã, trên má bây giờ vẫn để lại sẹo, nhưng đó là cú ngã giúp em trưởng thành. Ở trung tâm có những thầy cô giáo dành cho học viên sự quan tâm sâu sát, rèn giũa từng ngày. Cô Nguyễn Thị Quỳnh Trang, quản lý Đại đội nữ, Tiểu đoàn 2 là một người như vậy. Hiểu học viên nữ huấn luyện gặp nhiều khó khăn so với nam nên cô luôn bên cạnh hỗ trợ, chăm sóc các học viên nữ. Trải qua 4 tháng, cô gần gũi như một người chị chứ không chỉ là người quản lý đơn thuần.

Nguyễn Xuân Việt, lớp B8 Học viện CSND từ một cậu học sinh gầy yếu, ngại điều lệnh, quân sự, võ thuật nay đã quay ngược 180 độ yêu thích, say mê các môn học này. Một trong những nguyên nhân của sự thay đổi đó là sự tận tình, trách nhiệm, tận tuỵ của các thầy cô ở Trung tâm. Trên lớp thầy cô nghiêm khắc giảng dạy kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, nhưng ngoài giờ luôn quan tâm, rèn giũa cách ứng xử trong cuộc sống, truyền kinh nghiệm thực tế công tác và chiến đấu.

"Em cảm thấy giữa em và các thầy không còn khoảng cách nữa mà như những người thân trong gia đình. Có lần, em đi gác đêm vào lúc 1h sáng thì bị ho. Thầy quản lý học viên thấy vậy liền ra hỏi han và đưa cho em 1 chai nước muối để ngậm, lấy khăn quàng cho em và dặn giữ ấm để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Một cử chỉ nhỏ thôi, nhưng rất thân tình khiến ca gác đêm ấm áp hơn, bớt trống trải giữa tiết trời mùa đông lạnh giá", Việt xúc động nhớ lại.

Một điều đặc biệt là 4 tháng huấn luyện các tân sinh viên phải tạm chia tay điện thoại di động, vật bất ly thân trong mọi hoạt động hàng ngày trước đó. Họ chỉ được sử dụng điện thoại để liên lạc cho người thân, bạn bè từ 18h thứ 7 đến trước 20h ngày chủ nhật.

Do đó ban đầu những "cậu ấm, cô chiêu" này rất khó chịu, bức bối. Tuy nhiên do lịch học tập, huấn luyện dày đặc khiến các em mau chóng quên đi. "Không có điện thoại di động cũng khiến chúng em gần gũi, gắn kết nhau hơn, quan tâm hỏi han đến nhau nhiều hơn. Từ đó cũng quên đi nỗi nhớ nhà, đua nhau rèn luyện, học tập...", nam sinh Học viện Cảnh sát nhân dân cho hay.

Thượng uý Đặng Bá Thuận, cán bộ quản lý học viên của Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ cho biết, sau 4 tháng huấn luyện, hơn 1.000 tân sinh viên của hai Học viện đều đã nắm chắc cơ bản về điều lệnh, quân sự võ thuật, hoàn thành tốt những bài giảng mà giáo viên đề ra. Đến nay các em đã tiến bộ rõ rệt, có thể sử dụng cho lực lượng chiến đấu với những yếu tố cần thiết của người chiến sỹ Công an, từ bắn súng, kỹ chiến thuật vận động, võ thuật, kỹ thuật đánh bắt, khám xét đối tượng...

100% em biết bơi đạt yêu cầu. Đại uý Lê Thế Hiệp, cán bộ huấn luyện võ thuật CAND của Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ cho rằng, đợt huấn luyện này giúp tân sinh viên của các trường CAND trưởng thành hơn rất nhiều, là môi trường rèn luyện hiệu quả khi các em từ mái ấm gia đình bước chân vào ngành. Đến nay, thể lực, kỹ năng võ thuật, kỹ chiến thuật bắn súng của các em đã được nâng lên, đảm bảo yêu cầu, phục vụ các mặt học tập, công tác, chiến đấu trong CAND.

Quỳnh Vinh
.
.
.