Chuyện những lần cứu nạn khó quên của lính cứu hỏa
Niềm vui vỡ òa sau nhiều giờ cứu nạn
Một ngày giữa tháng 3/2020, chúng tôi theo chân lãnh đạo và CBCS tổ công tác thuộc Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh đến thăm, động viên cháu Puih Phong (7 tuổi) trú làng Klăh, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, đứa trẻ vừa được các CBCS cứu thoát khỏi "bàn tay tử thần" một ngày trước.
Cháu Puih Phong bị kẹt dưới hố. |
Puih Phong cùng anh trai sinh đôi là Puih Phú sống cùng bác ruột Puih Phíu trong căn nhà được dựng bằng tôn, chẳng có vật dụng gì đáng giá. Chị Phíu bật khóc khi thấy cán bộ Công an đến thăm. Chị Phíu tâm sự: "Em trai Pui Oái (27 tuổi) và vợ Puih Phul (23 tuổi) có hai đứa con nhưng chưa có tiền làm nhà, đang phải ở cùng bố mẹ, gia đình thuộc hộ nghèo. Vừa qua, Phul phát hiện mắc bệnh tim và bướu cổ phải xuống chữa trị tại một bệnh viện ở TP.Đà Nẵng nên gửi con ở nhà bác.
Cháu mới đến ở được mấy hôm, nó chơi trốn tìm cùng mấy đứa bạn, khi chui xuống ống bê tông thì bị mắc kẹt. Đến nơi, tôi như chết lặng khi nhìn thấy cháu vừa với tay vừa khóc, nó gọi bác ơi cứu cháu với. Khi các chú Công an cứu cháu lên mọi người mừng lắm, suốt đêm hôm đó tôi không ngủ được, cảm thấy mừng vì cứu được cháu thoát nạn, phần vì trăn trở vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình các cháu. Trong lúc cháu Phong gặp nạn, tinh thần hoảng loạn không có cha mẹ bên cạnh nghĩ mà thương".
Bố mẹ cháu Phong khi thấy hình ảnh các chiến sỹ Cảnh sát cứu con mình trên các trang mạng, họ không kìm được xúc động, liền gọi điện về cho gia đình động viên con và không quên gửi lời cảm ơn đến CBCS Công an đã nỗ lực cứu con mình.
Nhắc lại chuyện cứu cháu Phong, Trung tá Đậu Văn Huy, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Gia Lai, chia sẻ: "Quá trình cứu cháu Phong ra khỏi trụ bê tông cốt thép dày 6cm chúng tôi gặp nhiều khó khăn, thời tiết nắng nóng, cháu Phong tinh thần hoảng loạn, nhiều giờ kẹt trong trụ bê tông thiếu ô xy nên sức khỏe rất yếu.
Trụ bê tông cốt thép hấp thụ nhiệt khá cao, nếu quá trình khoan cắt tính toán không kỹ, thì nhiệt tỏa ra từ trụ bê tông sẽ làm cháu Phong bỏng hoặc ngạt khí. Mặt khác, phải đề phòng cháu bị tuột xuống sâu hơn dẫn đến công tác cứu nạn thêm khó khăn, vì vậy chúng tôi thực hiện kết hợp cung cấp ôxy giúp cháu dễ thở và liên tục động viên tinh thần, đồng thời sử dụng các thiết bị chuyên dụng để đào đất xung quanh rồi cắt, đục phá trụ bê tông…
Sau gần 3 giờ tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp, đã cứu được cháu Phong ra khỏi trụ bê tông an toàn. Khi đưa cháu Phong ra khỏi trụ bê tông, những người dân có mặt đã đồng loạt vỗ tay, hoan hô mừng cuộc giải cứu thành công, niềm vui đó bản thân tôi và đồng đội không thể nào quên được".
Luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ
Với tính chất công tác đặc thù khiến các anh thường xuyên phải đối mặt với nhiều vụ việc, tình huống phức tạp khác nhau, như: Tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đuối nước, cứu người từ hỏa hoạn… nhưng dù ở môi trường nào thì họ vẫn luôn phải chạy đua với thời gian để bằng mọi cách tìm kiếm nạn nhân, giành lại sự sống. Hoặc có những tình cảnh xót xa khi nạn nhân đã tử vong trước đó thì CBCS phải tích cực tìm kiếm thi thể nạn nhân một cách nhanh và an toàn nhất để người thân bớt đau lòng.
Nỗ lực cứu nạn nhân bị kẹt trong trụ bê tông. |
Điển hình, ngày 29/3/2020, các CBCS Đội công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Gia Lai, phối hợp tìm kiếm, vớt 3 thi thể nạn nhân đuối nước và đưa thi thể 1 nạn nhân ngạt khí lên từ giếng sâu bàn giao cho gia đình mai táng. Chứng kiến những lần thực hiện nhiệm vụ như thế mới thấu hiểu được nhiệm vụ vất vả của các CBCS đơn vị.
Trung tá Lương Anh Sơn, Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chia sẻ: "Lúc 14 giờ 20 phút ngày 29/3, đơn vị nhận tin báo anh Lê Văn Hùng (53 tuổi), trú tại xã Ia Nhin, huyện Chư Păh xuống giếng sửa máy bơm rồi ngạt khí độc tử vong. Chúng tôi nhanh chóng đến hiện trường, sau gần 1 giờ phối hợp thực hiện phương án sử dụng phương tiện chuyên dụng đẩy khí độc dưới giếng lên và đưa 2 cán bộ có trang bị đồ chuyên dụng thở bằng ôxy xuống giếng, phía trên CBCS tích cực hỗ trợ.
Chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Gia Lai trong một lần cứu nạn. |
Công tác này tuy không khó nhưng đòi hỏi các cán bộ thực hiện nhiệm vụ phải có kinh nghiệm, luôn thận trọng để đưa thi thể lên đảm bảo an toàn. Chúng tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ trở về đơn vị, khoảng 20 phút sau, khi CBCS đang vệ sinh các phương tiện, máy móc thì nhận tin báo xảy ra tai nạn lật thuyền tại hồ thủy điện An Khê-Ka Nak (thuộc thôn An Xuân 1, xã Xuân An, thị xã An Khê), làm 3 thanh niên trú tại TP.Pleiku tử vong. Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiếp tục cắt cử cán bộ chiến sỹ đảm bảo quân số trực tại đơn vị, đồng thời xuống hiện trường phối hợp cùng CBCS Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực An Khê và quần chúng nhân dân tìm, vớt thi thể nạn nhân".
Trung tá Đậu Văn Huy, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, người trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân trong vụ lật thuyền chia sẻ: "Chứng kiến cảnh tượng đó mọi người có mặt đều cảm thấy xót xa. Những lúc như thế CBCS đơn vị càng phải phát huy cao tinh thần, trách nhiệm. Sau nhiều giờ tích cực phối hợp tìm kiếm chúng tôi đã tìm thấy và đưa thi thể các nạn nhân lên bờ".
Hiện quân số CBCS thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp của đơn vị còn mỏng, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị còn thiếu, nhất là các phương tiện phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ trên sông, dưới hầm, trên cao, những tình huống người mắc kẹt trong không gian hẹp khó giải cứu… Nhưng dù khó khăn, họ vẫn luôn phát huy năng lực, sở trường công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ.