Chuyện làm căn cước công dân cho người già

Thứ Sáu, 09/08/2019, 14:46
Qua thời gian đầu triển khai việc cấp thẻ căn cước công dân lưu động theo mô hình mới mà Công an Thanh Hóa ứng dụng đã đáp ứng được nhu cầu làm thẻ căn cước công dân của đông đảo người dân.


“16 năm mẹ tôi bị bệnh là 16 năm gia đình gặp khó khăn trong việc đưa mẹ đi khám chữa bệnh vì bà tuổi đã cao, sức khỏe yếu không tự đi lại được. Mỗi lần đi viện, vì không có chứng minh nhân dân (CMND) hay thẻ căn cước công dân (CCCD) nên không được giải quyết chế độ bảo hiểm. Nay được cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an huyện Yên Định trực tiếp đến tận nhà để làm như thế này, thật có nằm mơ gia đình cũng không nghĩ đến” - là tâm sự của anh Đỗ Công Năm, con trai cụ Thiều Thị Giáp (87 tuổi) ở thôn Bùi Hạ 2, huyện Yên Định khi nói về CBCS Công an huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Khi dân cần, chúng tôi sẵn sàng phục vụ

Bà Vũ Thị Châu, SN 1936, trú ở xã Thiệu Phúc, Thiệu Hoá, Thanh Hoá cũng là trường hợp tương tự như vậy. Bà Châu bị bệnh nặng, phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện tỉnh Thanh Hoá nên chi phí điều trị rất cao. Tuy nhiên, do bị mất CMND nên bà không được hưởng bất cứ chế độ gì. Bệnh nặng nên bà Châu gần như không tỉnh táo, trên người liên tục phải cắm đủ loại máy móc nên việc đến trụ sở Công an làm CCCD là không thể.

Thấy mẹ như vậy, con trai bà Châu đã đến Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về Trật tự xã hội (TTXH) Công an Thanh Hoá hỏi xem gia đình có thể thuê một chuyến xe cấp cứu của bệnh viện đưa mẹ đến Phòng làm căn cước được không hay phải về Công an huyện. 

Nắm được thông tin, Trung tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng đã cử ngay một tổ công tác của Đội Đăng ký quản lý cư trú - cấp và quản lý CCCD đến tận giường bệnh để làm CCCD cho bà Châu. Cầm tấm căn cước mà ảnh chụp mặt còn chằng chịt dây truyền gia đình bà Châu không khỏi xúc động.

Còn chị Bùi Thị Hồng, trú tại thôn Linh Sơn, xã Ngọc Sơn, Ngọc Lặc đã gửi thư đến Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá cảm ơn các cán bộ đã đến tận nhà làm CCCD cho người mẹ bị liệt của mình. 

Nhà chị Hồng ở xa trung tâm, mẹ không đi lại được nên chưa bao giờ làm CCCD. Bây giờ, tuổi đã cao sức đã yếu, không có CCCD để được hưởng chế độ tuổi già, gia đình mới tìm giải pháp. Không ngờ, khi chị đến Công an huyện để hỏi thủ tục, các cán bộ thấu hiểu khó khăn của gia đình chị nên vượt suối, lội rừng đến tận nhà làm CCCD cho mẹ chị. 

Lá thư của chị Hồng cũng là một trong hàng trăm lá thư mà người dân cảm ơn CBCS Công an Thanh Hoá. Đặc biệt, đối với người nghèo, người già, người bệnh tật, neo đơn thì tấm căn cước không chỉ là “giấy thông hành” để có thể làm các thủ tục hành chính khác mà còn là tấm thẻ gắn kết họ với cuộc đời, là bức ảnh cuối cùng để gia đình, con cái thờ cúng sau này...

Ở Thanh Hoá, 27 huyện, thị, thành phố, bản xa nhất tính từ trung tâm tỉnh lên tới hơn 300km đường đèo dốc, khó đi. Trong khi đó, từ năm 2016 đến nay, Thanh Hoá là một trong những đơn vị được Bộ Công an lựa chọn triển khai cấp CCCD thay CMND. 

Theo đó, toàn bộ hệ thống được lắp đặt cố định ở Công an cấp huyện, chỉ có một bộ cấp CCCD lưu động được để ở Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. So với máy móc cấp CMND trước đây thì hệ thống cấp CCCD cồng kềnh và phức tạp hơn nhiều, giá thành bộ cấp lưu động lại rất cao (hơn 200 triệu đồng/bộ) nên không thể có kinh phí để trang bị cho các huyện được. 

Chính vì vậy, hàng tuần, ngoài giờ hành chính CBCS Đội Đăng ký quản lý cư trú - cấp và quản lý CCCD đã đến các thôn, bản, trường học để làm CCCD cho người dân. Người già yếu, bệnh tật thì các anh đến tận nhà để làm. Ở Đội, CBCS trẻ đến phụ nữ chân yếu, tay mềm như Trung tá Lê Thị Quỳnh Hương, đội trưởng đều phải vác theo máy móc, vượt đồi, lội suối đến với dân.

Cải tiến mô hình cấp căn cước công dân, tạo thuận lợi cho người dân

Cùng với việc tận dụng ngày nghỉ, ngày lễ để đến địa bàn cấp CCCD cho người dân, Trung tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng đã cùng CBCS Đội Đăng ký quản lý cư trú - cấp và quản lý CCCD tự giao trách nhiệm cho mình là làm thế nào nghiên cứu, cải tiến hệ thống cấp CCCD cố định ở các huyện để có thể cấp lưu động. 

Cán bộ chiến sĩ Công an Thanh Hoá đến tận nhà làm CMND cho người dân.

Nhiệm vụ chính được giao cho Đại uý Hoàng Đình Ngọc - một cán bộ giỏi công nghệ thông tin, được Bộ Công an gửi đi đào tạo ở ngành ngoài. 

Sau nhiều đêm trăn trở, mày mò nghiên cứu, anh Ngọc đã nghĩ ra sáng kiến làm sao cải tiến được mô hình cấp CCCD để có thể trang bị cho Công an cấp huyện trong toàn tỉnh. 

Sau một thời gian tích cực nghiên cứu, thử nghiệm, anh Ngọc và đồng đội ở Phòng Cảnh sát QLHH về TTXH đã được mô hình cấp CCCD lưu động, tận dụng tối đa trang thiết bị sẵn có. Với sáng kiến này, mức đầu tư cho mỗi thiết bị chỉ có giá chưa đến 30 triệu đồng.

Với mô hình cấp CCCD lưu động, hàng tuần vào thứ Bảy, Chủ nhật, Công an các huyện đã triển khai lực lượng về các xã làm CCCD cho người dân. Cải tiến này đã áp dụng được 26/27 huyện, thị, thành phố, giải quyết hàng nghìn CCCD cho người dân có nhu cầu. Chỉ 2 ngày cuối tuần cao điểm trong toàn tỉnh, Công an Thanh Hoá đã cấp được 2.500 CCCD cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Như ở bản Khó, bản Nghèo của xã Hồi Xuân, huyện Quan Hoá - nơi nghe tên đã thấy khó khăn, vất vả bởi đường đi lại khó khăn, xa trung tâm hành chính, kinh tế đặc biệt khó khăn, hiểu biết xã hội của người dân còn hạn chế. Hai bản đều có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống, ít giao dịch với bên ngoài nên nhiều người dân còn chưa có CCCD, hoặc có CMND nhưng đã hết hạn. Chỉ khi có nhu cầu về giao dịch, họ mới cuống cuồng đi làm CMND.

Nắm được nhu cầu của người dân,CBCS Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện vào 2 bản Khó và Nghèo để làm thủ tục cấp thẻ CCCD lưu động cho các đối tượng chính sách, có điều kiện khó khăn, người tàn tật. 

Sau khi nghe tin có cán bộ Công an huyện trực tiếp đến bản làm thẻ CCCD lưu động cho nhân dân, ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt để được hướng dẫn làm thủ tục cấp thẻ. 

Chỉ trong buổi sáng, với thủ tục nhanh chóng, thuận tiện và sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của CBCS Công an huyện và lực lượng Công an xã đã có 30 trường hợp hoàn thiện thủ tục cấp thẻ CCCD. Đối với một số trường hợp là người già yếu, bệnh tật không thể đến được điểm tập trung, lực lượng Công an đã đến tận nhà để làm thủ tục cấp thẻ CCCD. 

Việc làm này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì nhân dân phục vụ của CBCS Công an huyện Quan Hóa được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Cảm động sự tận tình của các cán bộ, ông Lò Thanh Tén cho biết: “Tôi từ bé đến giờ chưa ra khỏi bản, chả có nhu cầu nên không làm CMND, bây giờ 80 tuổi rồi, bị ốm lâu rồi nên không đi làm CCCD được. Nhà nước trợ cấp tiền nhưng không lấy được vì có CCCD hoặc CMND mới được hưởng. May quá, các anh Công an đến tận nhà làm CCCD cho tôi, từ tháng sau tôi được hưởng trợ cấp rồi...”.

Được biết, với việc ứng dụng thành công mô hình này thì hiện nay Thanh Hóa là một trong rất ít Công an các tỉnh đã trang cấp được bộ căn cước lưu động và là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc xây dựng được mô hình cấp CCCD lưu động riêng, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Trung tá Lê Hồng Thái cho biết: “Qua thời gian đầu triển khai việc cấp CCCD lưu động theo mô hình mới mà Công an Thanh Hóa ứng dụng đã đáp ứng được nhu cầu làm CCCD của đông đảo người dân. Thời gian tới chúng tôi đang tích cực nghiên cứu hoàn thiện mô hình và rà soát để tham mưu mở rộng phạm vi đối tượng được cấp CCCD lưu động và tiến tới triển khai cấp lưu động tại tất cả địa bàn trong tỉnh, tạo điều kiện cho người dân một cách tốt nhất, vừa đảm bảo đúng quy định vừa không làm lãng phí thời gian và công sức của nhân dân”.

Phương Thủy
.
.
.