Chuyện hậu trường của những người phân lập thành công virus Corona
Theo nhận định của Bộ Y tế đây sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển văcxin phòng chống virus Corona trong tương lai, cũng như giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn.
Hy vọng mới cho những bệnh nhân nhiễm nCoV
Theo ông Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, virus Corona được phân lập từ mẫu bệnh phẩm lấy từ người bệnh nhiễm tại Việt Nam.
Để nuôi cấy, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn 2 trong số 9 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus Corona mới và nuôi cấy trên 2 mẫu tế bào được cung cấp bởi phòng thí nghiệm của Trường ĐH Nagasaki (Nhật Bản).
Sau khi gây nhiễm, tế bào gây nhiễm được theo dõi và quan sát hàng ngày bằng kính hiển vi và xác định sự có mặt của virus bằng phương pháp realtime RT-PRC.
Kết quả, sau 72 giờ nghiên cứu, phân lập, sáng ngày 7/2, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy hình hài con virus Corona trong phòng thí nghiệm. Toàn bộ quá trình nghiên cứu được diễn ra trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 - cấp độ an toàn sinh học áp dụng đối với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
Thông thường khi virus thâm nhập vào tế bào, nó sẽ phá hủy tế bào nhưng theo thông tin từ một số quốc gia đã phân lập thành công thì nCoV không có biểu hiện phá hủy nên rất khó để quan sát được xem virus có sống và nhân lên trong môi trường thí nghiệm hay không.
May mắn trong 2 mẫu tế bào “nuôi” virus đã có một mẫu tế bào nhân lên. Dưới kính hiển vi, virus Corona mới có kích thước khoảng 100 nanomet với hình dạng như vương miện, được mô tả trong y văn.
Kết quả nuôi cấy thành công này sẽ giúp giải mã chính xác về nguồn gốc của virus Corona mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng miễn dịch, sức chịu đựng của virus trong các môi trường… Đây cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vaccine ngừa bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Vũ Mai Phương không giấu được niềm vui khi cùng đồng nghiệp phân lập thành công virus Corona. |
Với việc nuôi cấy, phân lập thành công virus Corona mới, Việt Nam có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày. Ngay sau khi Việt Nam nuôi cấy thành công virus corona mới, Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã họp, thẩm định kinh phí để triển khai các đề tài: Nghiên cứu chế tạo Bộ Sinh phẩm RT-PCR và Realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus nCoV-2019; nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc nCoV; nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra.
Nói về thành thành công nuôi cấy, phân lập virus Corona chủng mới vừa được công bố, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Vũ Mai Phương – Trưởng khoa virus Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, một phần do Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu SARS-CoV (năm 2003) và cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 (năm 2004).
Cùng với đó là sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và sự phối hợp của nhóm nghiên cứu Trung tâm Cúm Quốc gia và phòng thí nghiệm Các bệnh lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người đã phân lập virus nCoV.
Cũng theo bác sĩ Phương chia sẻ, sau khi cập nhật thông tin nghiên cứu của các phòng thí nghiệm trên thế giới, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn tế bào cảm nhiễm phù hợp để tiến hành phân lập.
Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được xác định dương tính đầu tiên với nCoV tại miền Bắc Việt Nam, được dùng để phân lập trên dòng tế bào Vero (dòng tế bào thận khỉ thường trực). Trên thực tế đã có rất nhiều nơi công bố xác định được các ca nhiễm nCoV nhưng không phân lập được virus. Và cũng có nhiều đơn vị nuôi cấy virus trong nhiều tháng nhưng không thành công.
Hình ảnh nCoV trong phòng phí nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. |
Những chiến binh thầm lặng
Với vai trò là Viện nghiên cứu, bên cạnh việc chẩn đoán nhanh, chính xác tác nhân gây bệnh, đặc biệt các tác nhân mới, việc nghiên cứu đặc điểm virus học của tác nhân gây bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy việc phân lập được virus nCoV hoàn chỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Khi có được virus, chúng ta có thể tìm hiểu được nguồn gốc của virus với độ chính xác cao (so với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc), nghiên cứu về độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của virus 2019-nCoV với tế bào chủ, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán và đặc biệt là phát triển vắc xin phòng bệnh.
Độ nguy hiểm của virus Corona cũng được đánh giá cao hơn so với nhiều loại dịch bệnh trước đó. Tại Trung tâm cúm Quốc gia, với các virus gây bệnh đường hô hấp thông thường như cúm, Adeno, RSV có thể thực hiện tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2. Đối với 2019-nCoV, theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, công việc phân lập phải thực hiện tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3.
Thời điểm dịch bệnh diễn biến xấu cũng là lúc cả nước bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cùng với khí thế “chiến đấu” chống dịch trên khắp cả nước, những bác sĩ của khoa Virus Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng ngày đêm miệt mài nghiên cứu với mong muốn có thể sớm phân lập virus Corona.
Từ ngày 23/1 (29 Tết), Khoa Virus và Khoa Kiểm soát bệnh Truyền nhiễm là hai khoa chính thực hiện xét nghiệm bệnh phẩm nghi nhiễm nCoV và điều tra các thông tin dịch tễ học.
Tại khoa của chị Phương, ngoài 2 phòng thí nghiệm cúm và các tác nhân vi rút lây truyền từ động vật sang người trực tiếp thực hiện xét nghiệm thì các cán bộ còn lại tham gia việc lấy mẫu từ các bệnh nhân nghi nhiễm.
Được biết, đa số các cán bộ nhân viên của Khoa Virus là nữ, nên trong cuộc chiến chống dịch họ đã phải hy sinh rất nhiều. Trong dịp Tết vừa qua, hầu hết mọi người đều phải nhờ sự giúp đỡ của “hậu phương” để lo việc gia đình. Có những bác sĩ có con còn rất nhỏ, chưa đầy 1 tuổi, vẫn phải đi làm 10-12 tiếng/ngày.
“Mọi người vẫn tâm sự với nhau, có lẽ em bé cũng hiểu được sự vất vả của mẹ nên không quấy khóc, đòi mẹ. Và từ đó tới nay, các bạn đồng nghiệp của tôi làm việc không kể ngày Tết hay ngày nghỉ, vẫn duy trì cường độ làm việc lên tới 12 tiếng/ngày” - bác sĩ Phương chia sẻ.
Các cán bộ, nhân viên trong Khoa Virus làm việc trong phòng thí nghiệm. |
Ngày mồng 1 Tết, khi nhiều gia đình đi chơi, chúc Tết họ hàng thì chị Phương cùng các đồng nghiệp của mình lại đón Tết trong phòng thí nghiệm. Những bác sĩ nghiên cứu virus được bảo vệ bởi các trang thiết bị hiện đại cùng phòng thí nghiệm có độ an toàn sinh học cấp 3, được tài trợ bởi JICA vào năm 2007.
Ngoài ra, khi cần tiếp xúc với nguồn bệnh, các bác sĩ cũng sử dụng các trang bị phòng hộ cá nhân với một quy trình chặt chẽ. Bác sĩ Phương cười bảo: “Tự bảo vệ cho mình khỏi việc lây nhiễm cũng chính là bảo vệ cho người thân trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Ý thức được việc này, chúng tôi tuyệt đối nghiêm túc trong việc mặc trang phục bảo hộ cá nhân khi làm việc, đồng thời cũng giải thích cho người thân hiểu về công việc của mình. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế và tổ chức Y tế Thế giới về đeo khẩu trang và rửa tay”.
Hiện nay Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm nhiệm công tác xét nghiệm virus Corona cho 28 tỉnh thành phía Bắc. Hiện tại mỗi ngày Viện tiếp nhận khoảng 50-70 mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm nCoV chuyển đến.
Bà Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “virus nCoV nuôi cấy được cung cấp chuẩn để xét nghiệm là mẫu dương tính (còn gọi là chứng dương). Từ nay, các kết quả xét nghiệm virus của Viện sẽ chuẩn xác hơn so với trước đây. Với việc nuôi cấy thành công virus Corona mới, các bệnh nhân chỉ phải chờ đợi kết quả xét nghiệm trong khoảng 2 ngày thay vì 3-5 ngày như hiện nay”.
Tiến sỹ Kidong Park -Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi rằng, WHO ghi nhận và đánh giá cao năng lực của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong việcphân lập chủng mớicủa virus Corona. Điều này cho thấy, Việt Nam có hệ thống phòng thí nghiệm cho các bệnh lây nhiễm rất tốt. |