Chuyện cảm động về người phụ nữ nhặt xác hài nhi

Thứ Tư, 14/09/2016, 21:07
Ám ảnh từ hai lần phá thai chỉ vì nghèo, vì đông con, không mang con về để chôn cất tử tế khiến chị day dứt ngôn nguôi. Chị đã cùng cô con gái lớn đi đến các bệnh viện, trạm xá gần nhà xin các hài nhi về chôn cất để lương tâm được thanh thản. 



Đến khi nhóm Bảo vệ sự sống (BVSS) của giáo xứ thôn Từ Châu ra đời, chị xung phong tham gia ngay để được tiếp tục công việc thiện nguyện ấy. Gần chục năm nay, chị đã cùng nhóm BVSS chôn cất hàng vạn sinh linh vô tội.

Khi chúng tôi tìm đến nhà, chị Nguyễn Thị Xuân (Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội) vừa đi làm trở về. Ngày nào cũng thế, cả đêm chị đi soi cá, sáng về đi chợ rồi chiều lại làm hàng ăn để bán. Ai đặt cỗ bàn hay đồ ăn gì là chị lại tất tả làm ngay. Ngỏ ý muốn được viết về chị, nhưng chị xua tay: "Công việc của tôi có gì đâu để nói, cả nhóm chúng tôi ai cũng như thế cả". Nhưng có nghe câu chuyện của người phụ nữ lam lũ một tay nuôi sáu đứa con khôn lớn mới cảm nhận được hết tấm lòng của chị.

Chị Xuân tâm sự, chị đến với công việc nhặt xác hài nhi lúc đầu chỉ vì những sai lầm trong quá khứ. Lần đầu là vô tình không biết mình đã mang thai, tưởng rằng mình bị bệnh phụ nữ nên chị đến bệnh viện để khám. Bác sĩ kê thuốc Tây cho chị uống để điều hòa cơ thể.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chị Xuân vẫn nhiệt tình với công việc của nhóm.

Sau này ngẫm lại, chị mới biết lần ấy mình đã phá bỏ một sinh linh vô tội. Lần thứ 2 là năm 2003, lỡ có bầu, chị cũng lăn tăn, suy nghĩ lắm. Nếu giữ lại con, chị không có kinh tế để nuôi, bởi lúc ấy một mình chị phải bươn chải nuôi 5 đứa con khôn lớn, chồng chị chẳng giúp được gì ngoài việc ở nhà chơi bời, rượu chè. Còn nếu phá bỏ, một lần nữa chị lại có tội với con, có tội với Chúa. Nhưng rồi vì cuộc mưu sinh, chị quyết định bỏ thai.

Hôm ấy, buổi sáng đến bệnh viện thì đến buổi chiều tối, chị đau đớn, cứ sốt mê man trên giường, không ăn uống được gì. Trong cơn nửa mơ nửa tỉnh ấy, chị nghe như tiếng văng vẳng đâu đây của đứa con mà chị vừa phá bỏ rằng "tại sao mẹ lại không cho con làm người?". Sợ hãi, chị bừng tỉnh, nhờ cô con gái lớn đỡ dậy, rồi lẩm bầm cầu nguyện mong đứa con tha thứ, chỉ vì hoàn cảnh khó khăn mà chị buộc phải làm điều có lỗi. Lạ thay một lúc sau chị thấy người tỉnh hẳn, không còn mê man nữa.

Nhưng sau lần ấy, chị luôn nghĩ về những đứa con vô tội chưa kịp thành hình hài đã phải từ bỏ. Nếu ngày ấy, chị đem chúng về chôn cất thì có lẽ sẽ không day dứt như thế. Ân hận, day dứt, ám ảnh, chị mới bảo cô con gái lớn cùng mình đến các trạm xá, các bệnh viện gần đấy xin những hài nhi về chôn cất để lương tâm được thanh thản.

Lúc đầu trong khu mộ gia đình còn một khu mộ trống, chị dự định nếu xin được hài nhi sẽ đem về chôn ở đó. Nhưng sau khi đến trạm y tế, biết được có nghĩa trang hài nhi ở Thạch Bích, chị lại đem lên đó.

Lần đầu chưa có kinh nghiệm, chị cùng con gái mang một hộp giấy đến trạm y tế Hồng Dương để tìm xin những thai nhi xấu số. Mới đầu ai cũng tưởng chị có vấn đề, hoặc xin thai nhi về với mục đích xấu, thậm chí các y tá dọa báo Công an. Nhưng cuối cùng chị cũng xin được một hài nhi và gói ghém cẩn thận vào thùng giấy mang lên nghĩa trang Thạch Bích để chôn cất.

Cũng trong lần đến Hồng Dương, chị gặp một cô gái trẻ quyết tâm đi phá thai. Lựa hết lời lẽ, lý luận để khuyên bảo, thuyết phục, cô gái cũng chịu từ bỏ. Nhưng ít hôm sau tìm đến bệnh viện ở thị trấn Kim Bài, chị lại gặp cô gái nọ. Lần này cô quyết tâm phá bỏ thai nhi. Khuyên bảo không được, chị đành đề nghị cô gái cho phép mình được mang xác hài nhi về chôn cất, nhưng cô gái không đồng ý vì cũng muốn tự tay chôn cất giọt máu của mình.

Lần này, chị lại nhận được những ánh nhìn đầy soi mói, nghi ngờ của mọi người khi thấy một người phụ nữ bịt khẩu trang kín mít đến đặt vấn đề xin hài nhi. Lần này rút kinh nghiệm, được sự hướng dẫn của người quản trang Thạch Bích, chị gói hài nhi cẩn thận vào túi bóng rồi mới cho vào hộp để mang đi chôn. "Tôi làm chỉ vì day dứt ám ảnh của lương tâm, còn ai nói gì tôi cũng kệ, cốt là mình thấy thanh thản", chị Xuân tâm sự.

Chị Xuân và cô con gái út.

Sau gần 1 tháng làm công việc khác người ấy, thì cha dòng về giáo xứ Từ Châu tuyên truyền về bảo vệ sự sống (BVSS) và quyết định thành lập ở đây một nhóm BVSS, chi nhánh của nhóm BVSS của giáo xứ Thái Hà, chuyên đi tư vấn, khuyên nhủ tránh nạo phá thai bừa bãi và thu nhặt các hài nhi vô tội để đem về chôn cất.

Chị Xuân là người xung phong đầu tiên. Không những thế chị còn kêu gọi, động viên người thân trong gia đình cùng tham gia công việc thiện nguyện này. "Mới đầu mọi người trong nhà tôi cũng run sợ lắm, có khi bảo đỡ hài nhi để làm lễ rửa tội, cầu nguyện còn run không dám làm. Phải mất hàng chục buổi họ mới quen với công việc", chị Xuân kể lại.

Thời gian đầu, nhóm BVSS sau khi làm công việc tẩm liệm, rửa tội cho các hài nhi sẽ mang đến nghĩa trang Thạch Bích để chôn cất, nhưng về sau được cha xứ cho một khoảnh đất ở vườn thánh của thôn. Nhớ lại ngày khởi công xây dựng, trời mưa tầm tã. Cả nhóm chị thay nhau trông coi để che đậy, tát nước khỏi huyệt mộ.

Lúc ấy chị em lại chạnh lòng bảo nhau: "Những thai nhi thật bất hạnh, số đã không được làm người, chết cũng khổ". Hơn một tuần ngôi mộ lớn của các thai nhi mới xong. Để có kinh phí lo chôn cất các hài nhi, nhóm BVSS phải thay nhau nhặt ve chai, rồi đi bán bóng, vận động người dân trong thôn xóm ủng hộ. Về sau được giáo xứ cấp kinh phí hoạt động cũng như sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm.

Thời gian đầu làm công việc thiện nguyện này, chị Xuân và mọi người trong nhóm luôn bị nghi ngờ, thậm chí có người còn theo dõi về tận nơi. Về sau, nhóm nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của nhiều người.

Gần chục năm làm công việc thiện nguyện này, chị Xuân đã cùng nhóm BVSS chôn cất hàng chục ngàn hài nhi xấu số. Chị tâm sự, ám ảnh lớn nhất cuộc đời chị là lần nhìn thấy một thai nhi đã 8 tháng tuổi, một bé gái bụ bẫm nhưng lỡ bị vứt bỏ. Nhìn đứa bé, chị không khỏi cầm lòng.

Vườn thánh giáo xứ thôn Từ Châu.

Làm lễ rửa tội, đặt tên thánh xong cho cháu bé, chị lại lẩm nhẩm cầu khấn: "Số con không được bố mẹ cho làm người thì hãy về làm con của cô". Sau một tháng chị mang bầu cô con gái út bây giờ. Chị tin rằng lời cầu nguyện của mình đã thành hiện thực nên dù tuổi cao, đã có 5 đứa con nhưng chị nhất quyết giữ lại đứa bé. Cô con gái út giờ đã được gần 3 tuổi, ngoan ngoãn đáng yêu vô cùng.

Gần đây do sức khỏe yếu, bệnh tật thường xuyên nên chị Xuân xin rút khỏi nhóm BVSS nhưng có việc gì nhóm nhờ đến, chị vẫn nhiệt tình giúp đỡ. Nhóm BVSS của giáo xứ Từ Châu cũng không còn làm nhiều công việc nhặt xác hài nhi như trước nữa, mà tất cả đều do nhóm BVSS của giáo xứ Thái Hà phụ trách, nhưng thứ 7 nào nhóm cũng lên giáo xứ Thái Hà để làm lễ rửa tội, cầu nguyện cho các thai nhi. Và thứ 3 hàng tuần, chị Xuân lại cùng nhóm BVSS và mọi người của giáo xứ Từ Châu ra vườn thánh của thôn để cầu nguyện cho các thai nhi.

Khi nhóm BVSS cần sự giúp đỡ, chị Xuân lại nhiệt tình tham gia cùng, hoặc nếu bận chị lại nhờ chồng làm thay. Hiện tại nhóm BVSS giáo xứ Từ Châu chủ yếu kêu gọi từ thiện, quyên góp giúp đỡ các trẻ em khuyết tật ở Thanh Oai hoặc đi từ thiện ở các tỉnh miền núi. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, chị Xuân lại cùng chị em trong nhóm đi cắt rau, xin cá cho các em khuyết tật bởi ngày nào các em cũng phải dùng thuốc kháng sinh nên cần nhiều rau để giảm bớt ảnh hưởng của thuốc Tây.

Khu mộ hài nhi của giáo xứ thôn Từ Châu giờ cũng đã gần đầy, chị Xuân không biết sau này các cha xứ có xin được đất để xây khu mộ mới nữa hay không, nhưng khu mộ cũ này chị và mọi người ở giáo xứ Từ Châu vẫn chăm sóc, cầu nguyện cho các bé hàng tuần. "Điều quan trọng hơn cả ở công việc thiện nguyện này là chúng tôi muốn tuyên truyền, thuyết phục rằng những hài nhi là những sinh linh vô tội, đừng bao giờ vứt bỏ chúng", chị Xuân chia sẻ.

Lê Phong -Ngọc Trâm
.
.
.