Gia đình bệnh nhân nhiễm HIV:

"Chúng tôi có lỗi với 18 bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội"

Thứ Sáu, 07/08/2015, 17:38
Hình ảnh 18 y, bác sỹ tham gia ca cấp cứu cho một người phụ nữ mà không hề hay biết chị bị nhiễm HIV. Không quần áo bảo hộ, rất có thể họ sẽ bị lây nhiễm HIV từ bệnh nhân nhưng vì mạng sống của bệnh nhân, họ đã bất chấp tất cả để làm tròn trách nhiệm của những người bác sỹ.

Bác sỹ làm tròn trách nhiệm

Ngày 4 tháng 7 vừa qua, một người phụ nữ cùng cậu con trai 12 tuổi đang trên đường từ Quảng Ninh về quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội thì bất ngờ bị đau bụng dữ dội. Khi chiếc xe khách vừa cập bến xe thì chị có biểu hiện xuất huyết âm đạo. Máu trong người chị đổ ra mỗi lúc một nhiều và chị đã bị ngất xỉu ngay trên xe. 

Chứng kiến cảnh mẹ bị đau bụng và máu chảy nhiều, cậu con trai đã dùng điện thoại gọi điện cho người thân và ngay sau đó một số người xung quanh đã gọi xe và đưa chị đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng mê man bất tỉnh, máu vẫn chảy nhiều. 

Khi nhận được ca cấp cứu này, các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã ngay lập tức hồi sức cấp cứu cho Bệnh nhân. Bác sỹ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 là người trực tiếp chỉ đạo và thực hiện ca phẫu thuật này. Bác sỹ Khải cho biết khi bệnh nhân được chuyển đến viện thì da đã vàng nhợt, mạch nhỏ và yếu rất khó để bắt, huyết áp tụt sâu không thể đo được nữa, nhịp tim rời rạc gần như ngừng đập, máu từ âm đạo chảy ra rất nhiều. 

Với tình trạng rất nguy kịch như vậy, các bác sỹ bệnh viện đã được huy động để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Sau khi dùng biện pháp hồi sức ép tim ngoài lồng ngực, bệnh nhân đã có dấu hiệu của sự sống. Nhịp tim đã đập trở lại, huyết áp tăng nhưng máu vẫn chảy nhiều. Không thể tiếp tục để máu chảy, các bác sỹ đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung của bệnh nhân ngay trong phòng cấp cứu mà không có thời gian để chuyển bệnh nhân đến phòng phẫu thuật. 

Theo các bác sỹ thì tính mạng bệnh nhân đang được tính từng phút bởi đã rất nguy kịch nên nếu như chuyển bệnh nhân đến phòng phẫu thuật rất có thể sẽ không kịp để cứu sống bệnh nhân. Vì tử cung của bệnh nhân đã bị hoại tử nên không còn cách nào khác là phải cắt bỏ toàn bộ tử cung mới có thể bảo toàn được tính mạng. Vì mất quá nhiều máu nên bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu nhưng sau khi được truyền tới 4 lít máu, bệnh nhân đã có dấu hiệu hồi phục.

Trong khi cả ê kíp bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật thì bộ phận xét nghiệm máu cho biết bệnh nhân bị nhiễm HIV. Mặc dù nhận được kết quả từ phòng xét nghiệm nhưng các bác sỹ vẫn tiếp tục hoàn thành ca mổ để cứu bệnh nhân. Các bác sỹ tham gia ca mổ không hề nghĩ đến việc bệnh nhân bị nhiễm HIV trong khi họ không trang bị phòng hộ phẫu thuật có thể dẫn tới nguy cơ phơi nhiễm, các bác sỹ chỉ nghĩ đến trách nhiệm của mình là cứu sống bệnh nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

BS. Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ, BV Phụ sản Hà Nội thăm hỏi bệnh nhân sau khi phẫu thuật.

Bác sĩ Khải cho biết: "Đây là ca mổ cấp cứu đặc biệt trong một trường hợp đặc biệt. Lúc đó, chúng tôi không còn thời gian để mặc thêm những bộ quần áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân hay đưa bệnh nhân lên phòng phẫu thuật. Trước chúng tôi là một mạng người yếu đuối, sự sống nằm trong tay chúng tôi, một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của họ. Chúng tôi chỉ biết hành động theo bản năng người thầy thuốc". 

Em chồng của bệnh nhân cho biết, khi đưa vào viện, bệnh nhân ngất lịm, xanh tái, máu từ âm đạo chảy ra xối xả, ướt đẫm quần áo. Chị nghĩ rằng chị dâu mình đã không thể qua khỏi. “Vào đến phòng cấp cứu, tôi thấy các bác sĩ chạy lao tới, chỉ 1-2 phút sau, mấy chục bóng áo trắng, áo xanh khác chạy hối hả vào phòng. Tôi biết, tất cả bác sĩ đang trực tại viện được huy động để cứu chị”, em dâu của bệnh nhân kể lại.

Gia đình có lỗi với các bác sỹ

Ca phẫu thuật kết thúc thành công ngoài mong đợi. Khi tỉnh lại, bệnh nhân đã kể rằng chị bị lây nhiễm HIV từ người chồng trước khi anh mất vì tai nạn giao thông. Cuộc sống lúc đó đối với chị như một đám mây đen u ám. Chồng mất khi con trai mới được 6 tháng tuổi, bản thân thì bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ nhưng vì con trai chị vẫn phải tiếp tục sống để làm chỗ dựa cho con. Từ khi biết mình bị nhiễm HIV, chị đã sống khép kín, rất ít khi trò chuyện giao tiếp với mọi người xung quanh vì chị sợ bị kỳ thị. Thậm chí với ngay cả con trai mình chị cũng thấy mặc cảm và ngại nói chuyện. 

Chị cố giấu giếm tình trạng của mình vì muốn con trai được sống yên ổn. Bởi trước đó, hàng xóm chị cũng có cặp vợ chồng bị bệnh tương tự và đứa con bị kỳ thị khiến cháu bé không học hành được. Dù hằng ngày bé vẫn đi học nhưng bị bạn bè xa lánh, không ai chơi đùa nên bé đã mắc chứng bệnh trầm cảm nặng. “Tôi sợ sự kỳ thị của xã hội sẽ vô tình đẩy các con vào đường cùng, mất cơ hội đến trường, mất cơ hội sống thì tôi còn sống làm gì nữa”, chị nói.

Mặc dù có nguy cơ bị lây nhiễm HIV nhưng các bác sỹ tham gia ca mổ vẫn tự tin nói rằng: “Chúng tôi cũng không ân hận hay trách cứ ai bởi bệnh nhân đã được cứu sống. Đó là niềm vui, nguồn động viên lớn nhất với những người làm nghề cứu người như chúng tôi”, bác sĩ Khải nói.

Về nguy cơ nhiễm HIV của các y bác sĩ sau ca mổ, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ca mổ của bệnh nhân ngay trong Phòng Cấp cứu là trường hợp bất khả kháng. 18 y, bác sĩ tham gia cấp cứu và phẫu thuật đã được xác định có nguy cơ phơi nhiễm HIV. Các anh chị đã được làm xét nghiệm, lấy thuốc từ Trung tâm Phòng chống AIDS để cho uống kháng virus dự phòng. Trong 3 tháng và 6 tháng tiếp theo, bệnh viện sẽ thực hiện các xét nghiệm theo dõi định kỳ thì mới có kết luận chính xác có bị nhiễm HIV hay không. 

"Khả năng này rất thấp", tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết. Tất cả y, bác sĩ này hiện sức khỏe ổn định và đi làm bình thường. Theo tiến sĩ Ánh, việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV là công việc bình thường. Thông thường nhân viên y tế biết tình trạng bệnh của bệnh nhân nên đều có sự phòng bị như mặc trang phục bảo hộ đặc biệt và đeo kính phòng vệ cho bản thân. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bệnh nhân đưa vào cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh, không kịp làm xét nghiệm máu mà phải cấp cứu ngay mới mong giành được mạng sống. Người nhà cũng không thông báo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Bản thân bệnh nhân và nhất là mẹ chồng của bệnh nhân khi biết tin các bác sỹ phơi nhiễm HIV vì cứu sống con dâu bà thì bà đã cảm thấy có lỗi với rất nhiều người. Không phút giây nào bà cảm thấy được yên ổn cho đến khi bà biết chắc chắn rằng các bác sỹ được an toàn. Trước khi ra viện về nhà điều trị, bệnh nhân và gia đình chị đã gửi lời xin lỗi đến các y, bác sĩ. Với chị, việc 18 y, bác sĩ phơi nhiễm HIV là lỗi lớn của chị. 

“Lỗi với những người cứu sống tôi, gia đình không biết lấy gì bù đắp”, chị nấc nghẹn. Mẹ chồng chị vừa nắm tay bác sĩ vừa khóc: “Tôi và gia đình có lỗi rất lớn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Chúng tôi không biết lấy gì để tạ lỗi với các anh. Tất cả mọi thứ đều quá nhỏ bé trước sự hy sinh to lớn của các bác sĩ dành cho con dâu tôi. Tôi chỉ biết nói lời biết ơn tới các bác sĩ và mong các bác sĩ hãy tha thứ cho chúng tôi”. Bà nói tiếp: “Cho đến thời điểm hiện tại, bệnh tình của con dâu tôi chỉ có tôi và nó biết. Ngay cả con trai của nó - cháu nội tôi cũng không hề hay biết chuyện mẹ cháu mắc bệnh”.

Những bác sĩ trong ca phẫu thuật đặc biệt này không hề trách móc bệnh nhân mà ngược lại, họ còn động viên chị giữ gìn sức khỏe và đề nghị có vấn đề gì sẽ sẵn sàng giúp đỡ. “Chị ấy là người rất đáng thương. Nếu chúng tôi kỳ thị thì đâu còn xứng đáng với hai từ “bác sĩ”. Đã làm nghề này thì phải chữa bệnh cứu người, không thể vì bệnh nhân thế này, vì bệnh nhân thế kia mà không cứu chữa”, một bác sĩ cho hay.

Những tấm gương, những tấm lòng của những bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã khiến cuộc sống này đẹp hơn và kỳ diệu hơn. Họ làm tròn vai, tròn trách nhiệm cứu người của mình mà không màng đến những hậu quả mà mình phải nhận. Xin cảm ơn những tấm lòng đó, xin gửi đến họ lòng biết ơn vì họ đã mang lại niềm tin, mang lại cho cuộc sống này những màu sắc lung linh.

Hà Phương
.
.
.