Chưa vào hè, đã nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm
Cả xã trắng khăn tang vì 9 học sinh chết đuối
Không khí tang thương bao trùm thôn Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Không ai tin được trong 1 xã, chỉ một buổi chiều 15/4, 9 em nhỏ học cùng lớp 6B Trường Trung học cơ sở Nghĩa Hà đã mãi mãi không còn được đến trường, không còn được trở về nhà với cha mẹ và người thân.
Trên đường đến trường, 9 học sinh nam đã rủ nhau xuống sông Trà Khúc, đoạn chảy qua thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà để tắm. Đây là khúc sông nước rất sâu, chảy xiết. Đoạn đường này cũng vắng người qua lại. Phải đến 2h chiều, người dân đi làm qua bãi ngang sông Trà mới phát hiện nhiều quần áo, xe đạp học sinh để trên bờ sông nhưng không có người.
Sau nhiều giờ tìm kiếm, thi thể 9 học sinh sau đó đã được các cơ quan chức năng tìm thấy, chuyển về cho các gia đình để lo hậu sự, chôn cất cho các em. Vụ việc quá đau lòng, quá thương tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ngay lập tức có công điện yêu cầu cơ quan liên ngành tỉnh Quảng Ngãi khắc phục hậu quả vụ đuối nước khiến cho 9 em học sinh tử vong. Trong số các em học sinh gặp nạn, có một số em nhà rất nghèo, gia cảnh khó khăn, bố mẹ phải đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà.
Cả xã Nghĩa Hà trong một ngày trắng khăn tang vì 9 công dân trẻ tuổi thiệt mạng. Nỗi đau xé lòng của người thân các em học sinh đã khiến cho những người có mặt không thể cầm lòng. Thật là đau xót, giá như các em được cảnh báo về điểm nước sâu không nên xuống tắm, biết bơi và biết cách thoát nạn trong dòng nước để tự cứu mình, cứu bạn, thì mọi sự đâu đến nông nỗi như vậy.
Lực lượng chức năng đang vớt thi thể học sinh bị chết đuối ở Quảng Ngãi ngày 15-4. |
Trước đó, ngày 12/4, người dân đi tắm biển ở khu vực gần Tượng đài chiến thắng thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã phát hiện và vớt được thi thể em Trần Đức Lương, 15 tuổi, chết vì đuối nước. Cũng trong ngày 12/4, tại thị xã An Nhơn, lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể em Nguyễn Thị Phương Thảo và em Huỳnh Diễm Quỳnh, cùng 16 tuổi, đang là học sinh lớp 10, bị chết đuối khi tắm biển. Như vậy, 1 ngày, ở 1 địa phương, có tới 3 em nhỏ thiệt mạng vì tai nạn đuối nước.
Bạn đọc chắc còn nhớ, ngày 31/3 vừa rồi cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến cho 3 em học sinh lớp 7 ở Đồng Nai thiệt mạng. Các em đến chơi ở khu vực Suối Cả, thuộc huyện Cẩm Mỹ, một em bị trượt chân rơi xuống suối, các em khác nhảy xuống cứu bạn. Nhưng do không biết bơi nên cả 3 học sinh đều chìm dưới nước. Đến khi lực lượng cứu hộ đến ứng cứu thì cả 3 em đã tử vong.
Như vậy, sơ sơ mới chỉ mấy tháng đầu năm, khi mùa hè chưa thực sự đến, đã có nhiều vụ chết đuối đau lòng, với số lượng các em học sinh bị thiệt mạng không hề nhỏ. Một lớp học có đến 9 em học sinh thiệt mạng, sẽ để lại một khoảng trống lớn, là nỗi buồn đau cho gia đình thầy cô, bạn bè, không biết đến khi nào nguôi ngoai.
Bỏ quên việc dạy kỹ năng sống cho trẻ em
Không biết bơi, là nguyên nhân hàng đầu, lớn nhất, cho hầu hết các vụ đuối nước ở trẻ em. Chúng ta đã nói rất nhiều về thực trạng này, nhưng dường như các vụ tai nạn đuối nước mỗi năm vẫn không ngừng tăng lên. Ở nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ nhiều, nhưng trẻ em không được dạy kỹ năng bơi, hay kỹ năng sống sót khi ở trong nước.
Về vụ 9 học sinh chết đuối hôm 15/4 vừa rồi, các diễn đàn mạng dậy sóng những lời chia sẻ xót đau. Người ta tự hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm về những cái chết thương tâm như vậy đối với các em nhỏ. Làm thế nào để các em có được an toàn, khi mà tuổi đời còn nhỏ, chưa có nhiều kiến thức để phân biệt các nguy cơ rình rập tính mạng mình. Và gia đình, nhà trường cần phải làm những gì để giúp các em không gặp những tai nạn đáng tiếc?
Nỗi đau của người thân có con em chết đuối. |
Có một thực tế là giáo dục của chúng ta nhiều năm qua đã bỏ quên việc dạy kỹ năng cho học sinh. Ngoài việc học kiến thức ở trường, các em không được hướng dẫn những kỹ năng thực tế nhằm đối phó với những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Đến khi gặp nguy hiểm, các em không biết cách phải vượt qua ra sao, làm thế nào để sống sót trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Bơi lội là môn học xa lạ với học sinh từ nông thông đến thành phố.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Sửu, Cục Đường sông Việt Nam, hàng năm nước ta có khoảng 12.000 trẻ em bị chết vì đuối nước, lớn hơn rất nhiều so với số bị chết do các bệnh truyền nhiễm và các nguyên nhân khác. Tỷ suất chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Một cuộc điều tra đánh giá nhanh ở Hà Tĩnh, một tỉnh có diện tích bờ biển lớn, có nhiều sông, suối, ao hồ, thì chỉ có khoảng 10% học sinh ở địa phương này là biết bơi. Còn lại đa số các em không được cha mẹ, thầy cô dạy kỹ năng này, dù cuộc sống hàng ngày của các em gắn bó rất nhiều với môi trường nước.
Ai cũng hiểu đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ tử vong cho nhóm tuổi trẻ em và nhóm tuổi vị thành niên (từ 0-19 tuổi), nhưng thực tế là sự hiểu biết và nhận thức của người lớn đối với nguy cơ này còn hạn chế. Rất ít nhà quản lý quan tâm thực sự đến vấn đề này.
Một đất nước có diện tích bờ biển dài, hệ thống sông hồ kênh rạch chằng chịt nhưng lại thiếu các chương trình hành động mang tính quốc gia để phổ biến kiến thức cho người dân, nhất là trẻ nhỏ để tránh các nguy cơ đuối nước do môi trường sống và sinh hoạt mang lại. Nhiều gia đình đang xem thường việc đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ nhỏ. Chẳng hạn các giếng khơi, các bể nước không có rào chắn, nắp đậy. Không ít công trường xây dựng không đảm bảo việc san lấp các hố nước gây nên cái chết thương tâm cho không ít trẻ nhỏ.
Cái chết của 9 em học sinh ngày 15/4 vừa qua ở Quảng Ngãi là hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm của người lớn. Cần phải đưa kỹ năng bơi lội vào trường học như một môn học bắt buộc, nhất là các trường ở địa phương có nhiều ao hồ, sông suối. Các nhà quản lý cần đưa ra một chương trình hành động, thảo luận rộng rãi trong nhân dân nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước.
Truyền thông những năm qua đã lên tiếng rất nhiều nhưng tình trạng này vẫn không có nhiều thay đổi. Thậm chí những vụ đuối nước thương tâm vẫn liên tục xảy ra. Đã đến lúc không thể làm ngơ trước hiện trạng nhức nhối này.
Bộ Giáo dục cần nhanh chóng đề ra các giải pháp thực tế, theo đó chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh phải phù hợp với vị trí địa lý, khí hậu, địa hình của từng vùng miền. Kỹ năng bơi lội, tránh bị đuối nước cần phải đặc biệt quan tâm ở các trường học khu vực miền Trung, hay các địa phương có diện tích sông hồ lớn. Làm sao để những nỗi đau như vừa rồi không tiếp tục tái diễn trong tương lai, nhất là khi mùa hè nóng nực đang đến gần.
Các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh phòng tránh đuối nước bằng cách dạy con em mình: - Không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm. - Không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu, hố vôi đang tôi để tránh bị ngã, rơi xuống hố. - Nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ thì cần làm cửa chắn và rào quanh nhà. - Nên nhắc cha mẹ lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng. - Nhắc cha mẹ làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum vại. - Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông và tốt nhất là có áo phao hoặc phao cứu hộ đi kèm. - Nên nhắc người lớn dạy bơi cho trẻ em, hoặc cho con em đi học bơi theo đúng kỹ thuật, bài bản. |