Chống thực phẩm bẩn "cuộc chiến" đầy cam go
Phát hiện nhiều vụ vi phạm ATTP
TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình Ban Quản lý ATTP. Sau một năm đi vào hoạt động thí điểm, nhiều mô hình mới trong quản lý ATTP đã được áp dụng và bước đầu được đánh giá có hiệu quả.
Hiện trường cơ sở sản xuất lòng heo trên đường TMT 13, phường Trung Mỹ Tây, quận 12. |
Cụ thể, tính đến ngày 28-2-2018, Ban QLATTP đã thực hiện kiểm tra ATTP đối với 967 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở (chiếm tỷ lệ 18%). Ban hành 119 quyết định xử phạt với số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng và hiện đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến là hơn 800 triệu đồng.
Ngoài ra, các Đội QLATTP đã phát hiện và xử phạt 14 trường hợp vi phạm về điều kiện thú y trong vận chuyển sản phẩm động vật với số tiền 44 triệu đồng. Tiến hành tạm giữ 1.400kg răng mực, 2.500kg mực ống; tiêu hủy 34.737kg sản phẩm động vật, 123kg thịt gia cầm, 134 kg thực phẩm các loại…
Tại huyện Hóc Môn, công tác thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan quản lý của huyện phối hợp với Đội QLATTP liên quận-huyện (gọi tắt là Đội 4) đã kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Điển hình như vụ việc UBND xã Bà Điểm phối hợp với Đội 4 đã kiểm tra xử lý cơ sở kinh doanh thực phẩm và tiêu hủy 1.020 kg nầm heo không rõ nguồn gốc.
Phối hợp điều tra, xử lý hai vụ ngộ độc thực phẩm tập thể của hai công ty trên địa bàn huyện giữa Phòng Y tế huyện, Đội 4 và Phòng Quản lý ngộ độc thực hiện nhanh chóng, kịp thời và đúng quy trình…
Vào đầu tháng 1-2018, Đội 4 đã "đột kích" một cơ sở sản xuất lòng heo trên đường TMT 13 (phường Trung Mỹ Tây, quận 12). Tại đây, lòng heo được bỏ dưới nền đất dơ bẩn hòa lẫn với phân, đất rất mất vệ sinh.
Ba công nhân dùng chân giẫm đạp trực tiếp lên lòng heo bỏ dưới sàn; hai công nhân còn lại đứng trên kệ sơ chế lòng heo và xả nước bẩn xuống sàn, nơi đang bày rất nhiều lòng heo chuẩn bị sơ chế. Đoàn thanh tra tiếp tục mở kho lạnh kiểm tra thì phát hiện rất nhiều lòng heo thành phẩm được cấp đông.
Kiểm tra vệ sinh một bếp ăn tập thể. |
Ông Nguyễn Văn Quảng (30 tuổi, quê Bắc Giang) là đại diện chủ cơ sở này, nhưng không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc hơn 2,2 tấn lòng heo tại đây. Theo ông Quảng thì số lòng heo này được nhập từ Long An và chợ đầu mối Tân Xuân (huyện Hóc Môn) với giá 8.000 đồng/kg rồi sơ chế, rửa sạch, tẩy trắng, hấp chín và mang đi bỏ mối, bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg. Riêng lòng được tẩy trắng và hấp chín, cấp đông đóng thành từng khuôn xuất bán qua Trung Quốc với giá 100.000 đồng/kg.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Quảng; tiêu hủy hơn 2,2 tấn lòng heo được phát hiện tại cơ sở này. Đồng thời yêu cầu ông Quảng dừng ngay việc sơ chế, buôn bán lòng heo trái phép chờ đến khi hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu pháp luật; giao cho chính quyền địa phương giám sát cơ sở này, không cho hoạt động trở lại.
Cuối tháng 1-2018, Đội QLATTP liên quận huyện số 8 (gồm quận 6, quận 8, huyện Bình Chánh) thuộc Ban QLATTP đã tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH chế biến nông sản C.H (ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh). Cơ sở này hợp đồng cho ba đơn vị thuê lại kho là Công ty TNHH Sản xuất thương mại H.N do ông Trần Hoàn Hà làm chủ và hai cá nhân là bà Từ Thị Thúy Nga và ông Nguyễn Thanh Hải.
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã phát hiện gần 4 tấn thịt heo được bảo quản trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, thiếu kệ pallet để kê cao thực phẩm mà để trực tiếp trên những tấm bạt trên nền nhà ẩm thấp. Ngay khi đoàn kiểm tra phát hiện, bà Nga và ông Hải là chủ lô hàng thịt heo đã làm đơn xin tự nguyện tiêu hủy lô hàng nói trên.
Xây dựng nguồn thực phẩm sạch để chống thực phẩm bẩn
Qua con số và các vụ việc điển hình kể trên, có thể thấy, dù việc phát hiện, xử phạt những vụ thực phẩm bẩn trong thời gian qua là khá nhiều nhưng thực tế vẫn chưa kiểm soát hết thị trường.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, trong điều kiện như hiện nay, nếu chỉ tập trung xử phạt những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không an toàn là không hiệu quả, nếu không muốn nói là giống như "bắt cóc bỏ đĩa".
Cần đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. |
Có một thực tế là nguồn thực phẩm của TP Hồ Chí Minh sản xuất chỉ mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của người dân, còn lại 80% phải nhập từ các địa phương khác. Đặc điểm này khiến cho việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm đang tiêu thụ trên địa bàn vô cùng khó khăn.
Trong khi đó, nhiều người dân, doanh nghiệp vì hám lợi vẫn tiếp tục tiêm kháng sinh vào tôm, cá; tiêm thuốc an thần, tạo nạc cho heo; sử dụng hóa chất để làm tươi các loại trái cây... Đó chính là lý do khiến thời gian qua việc xử lý thực phẩm bẩn đến nay chưa thể triệt để.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, lâu nay vấn đề ATTP là chuyện sống còn của hàng triệu gia đình, được nhiều cơ quan tham gia quản lý nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, một phần nguyên nhân do các quy định pháp luật còn chồng chéo, việc xử phạt các cơ sở vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Ví dụ, về quy định xử phạt đối với việc sử dụng hóa chất độc hại thì cơ quan chức năng chỉ được phép xử phạt đối với các trường hợp sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều hóa chất nguy hiểm được sử dụng sai mục đích, liều lượng… ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng không thể phạt được. Vụ việc phát hiện hơn 3.700 con heo tiêm thuốc an thần ở huyện Củ Chi hồi cuối năm ngoái là một minh chứng cho khó khăn này.
Cũng chính từ vụ việc này cho thấy một vấn đề khác cần xem xét, đó là việc cấp phép kinh doanh, buôn bán các hóa chất cấm, độc hại còn dễ dàng, chưa được kiểm soát chặt. "Vụ phát hiện hơn 3.700 con heo bị tiêm thuốc an thần ở Củ Chi cuối năm 2017, nếu quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán thuốc an thần, làm sao thương lái có thể mua được số lượng lớn thuốc an thần như vậy?", PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan đặt vấn đề.
Ngoài ra, vấn đề kiểm soát không để phụ gia công nghiệp trà trộn với phụ gia thực phẩm vẫn chưa có quy định phù hợp. Có thể nêu vấn đề kinh doanh phụ gia hóa chất tại chợ Kim Biên (quận 5). Lâu nay, khu chợ này được xem như "chợ tử thần" ở TP Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, có một nghịch lý là tại chợ này chỉ có 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm được cấp phép. Trong khi đó, chợ này còn có rất nhiều hộ khác cũng bán hóa chất công nghiệp. Đây chính là nguyên nhân mà người dân có thể dễ dàng mua được hóa chất, phụ gia độc hại.
Việc lấy mẫu kiểm tra rồi lưu kho, chờ kết quả… đối với những lô hàng có dấu hiệu vi phạm ATTP cũng tiềm ẩn không ít nhiêu khê. Bởi trong quá trình chờ các thủ tục hành chính mất thời gian, nhiều công đoạn, nhiều chủ lô hàng đã bỏ trốn nên cơ quan chức năng không thể xử phạt. Ví dụ như lô hàng 27 tấn động vật tại cơ sở giò chả ở Hóc Môn nêu trên.
Nơi phát hiện hơn 3.700 con heo tiêm thuốc an thần ở huyện Củ Chi. |
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, thời gian tới Ban QLATTP sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ: Xây dựng nguồn thực phẩm sạch và chống lại thực phẩm bẩn. Muốn vậy cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao kiến thức về sử dụng thực phẩm sạch cho người dân, giáo dục các công ty, doanh nghiệp trong việc cung ứng, sản xuất thực phẩm sạch…
Với chủ trương như vậy nên ngay từ ngày đầu thành lập, Ban QLATTP đã xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó tập trung vào 4 chuỗi gồm: chuỗi sản phẩm thủy sản, chuỗi sản phẩm rau củ quả, chuỗi sản phẩm thịt - trứng và chuỗi sản phẩm thuộc lĩnh vực công thương. Những đơn vị tham gia chuỗi này có những quy định cụ thể rất khắt khe nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ từ nơi sản xuất, chế biến đến tay người tiêu dùng.
TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thủy sản cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ở các địa phương. Việc làm này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng những quy định trong chuỗi thực phẩm an toàn mà còn tạo đầu ra ổn định; tạo động lực cho những doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ký kết với các địa phương (Long An, Lâm Đồng và Bình Thuận) trong việc phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hoạt động chống thực phẩm bẩn, xây dựng chuỗi thực phẩm sạch của Ban QLATTP đã tạo được sự đồng thuận của sở ngành và của xã hội đối với công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, để có thực phẩm an toàn là trách nhiệm của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến người dân.