Chống ngập ở TP HCM: “Siêu máy bơm” chỉ là giải pháp tình thế

Thứ Hai, 17/09/2018, 11:30
Câu chuyện chống ngập ở TP Hồ Chí Minh vẫn là một vấn đề nan giải trong nhiều năm tới, bởi nó liên quan đến nhiều lý do như kinh phí, giải pháp thiết thực cho những “rốn” ngập… Chỉ riêng con đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh nhiều năm nay luôn là đề tài “nóng hổi” mỗi khi mưa lớn, triều cường xảy ra. 


Mới đây, sau khi chủ đầu tư hệ thống “siêu máy bơm” (SMB) chống ngập tại con đường này đề nghị tạm ngừng vận hành vì lý do không còn kinh phí hoạt động…, các cấp quản lý cũng như dư luận thành phố lại một phen “rộn” lên. Trong khi đó, cuộc tranh luận về tính hiệu quả của SMB vẫn chưa dừng lại…

Dùng dằng mức giá thuê "siêu máy bơm"

Theo thông lệ thời tiết phía Nam, trong tháng 9 và tháng 10 thường có những cơn mưa lớn, cộng với tình hình triều cường diễn biến phức tạp, nhiều khả năng đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) sẽ có nguy cơ bị ngập nặng sau khi SMB của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) bị cho dừng hoạt động. 

“Siêu máy bơm” đang chịu tình cảm tạm dừng vận hành.

Trước đó, Công ty Quang Trung - chủ máy bơm “siêu khủng” chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, đã đề xuất mức giá cho TP Hồ Chí Minh thuê SMB là 24,4 tỷ đồng/năm. Với thời gian thuê 7 năm, số tiền TP Hồ Chí Minh phải dự tính chi riêng cho chống ngập tuyến đường này đã là 171 tỷ đồng.

Thông tin này đã khiến nhiều chuyên gia và người dân băn khoăn lo lắng, không hiểu dựa vào đâu mà chủ đầu tư đề xuất mức giá cho thuê SMB 24,4 tỷ đồng? Hơn nữa, mỗi năm thành phố chỉ ngập vài tháng, thuê SMB cả năm để làm gì?... 

Trong khi đó, Trung tâm Điều hành chống ngập TP Hồ Chí Minh (Trung tâm Chống ngập; được UBND TP Hồ Chí Minh ủy quyền) chỉ đề xuất mức giá thuê SMB này là gần 10 tỷ đồng/năm (trong 7 năm với kinh phí gần 70 tỷ đồng)…

Rõ ràng hai bên đã có sự không thống nhất về mức giá và có sự chênh lệch khá lớn giữa đôi bên. Trong đó, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Công ty Quang Trung, chủ đầu tư SMB, cho rằng mức giá gần 10 tỷ đồng/năm là quá rẻ so với những gì doanh nghiệp này đã đầu tư và vận hành từ trước đến nay (và cả với mức giá đơn vị này đề nghị trước đó là 24,4 tỷ đồng, trong đó đã giảm 5%). Nó không đủ trả tiền lãi vay ngân hàng, chưa tính đến kinh phí vận hành và trả lương nhân viên…

Ông Cường lý giải, để thực hiện dự án, ông phải đứng thế chấp tài sản và vay ngân hàng đến nay gần 100 tỷ đồng với lãi vay hơn 9%/năm. Tuy nhiên, từ khi ký hợp đồng chính thức với Trung tâm Chống ngập, đến nay quá hạn cam kết, nhưng công ty chưa được thông báo về giá thuê dịch vụ. 

Đồng thời, Công ty Quang Trung cũng xin UBND TP Hồ Chí Minh tạm ứng 30 tỷ đồng nhưng không có phản hồi, nên công ty không còn kinh phí để tiếp tục vận hành hệ thống bơm chống ngập. Do đó, chủ đầu tư SMB đã có công văn xin tạm ngưng vận hành máy bơm, đồng thời đề nghị Trung tâm Chống ngập tự chủ động có biện pháp xử lý ngập tại khu vực này để không ảnh hưởng đến người dân.

Xung quanh câu chuyện này tiềm ẩn nhiều vấn đề cần bàn luận và xem xét kỹ càng, bởi quyết định dừng vận hành SMB dễ dẫn đến việc tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh có thể lại rơi vào hoàn cảnh “sống chung với ngập” trong thời gian tới?… 

Cần nhắc lại, Nguyễn Hữu Cảnh là tuyến đường xảy ra tình trạng “ngập kinh niên” của TP Hồ Chí Minh trong suốt hàng chục năm qua. Giải pháp về quy hoạch, giải phóng mặt bằng đã được UBND TP Hồ Chí Minh tính đến, nhưng rất khó khả thi khi dự toán kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng. 

Và trong khi chưa có giải pháp căn cơ, chính quyền thành phố quyết định bỏ ra khoản tiền nhỏ hơn để thuê SMB của Công ty Quang Trung (công suất lên đến 97.000m3 mỗi giờ) chống ngập tạm thời cho con đường này. 

Với cam kết “không hết ngập không lấy tiền”, chủ đầu tư vận hành SMB từ tháng 10-2017, được thành phố đánh giá cơ bản mang lại hiệu quả và giúp xe lưu thông thuận tiện hơn.

Theo chủ đầu tư SMB thì đến nay máy bơm đã vận hành gần hai mùa, thực hiện 31 lần chống ngập và đã có 29 lần thành công (2 lần thất bại vào ngày 17-10-2017 và 1-6-2018). Hai lần thất bại trên, chủ SMB cho rằng do có rất nhiều đất, đá, rác dưới lòng cống nên không loại trừ khả năng có người phá hoại. Tuy nhiên các cơ quan ban, ngành thành phố sau khi kiểm tra đều bác bỏ khả năng này.

Để đánh giá hiệu quả của SMB, trong biên bản hợp đồng dịch vụ thuê SMB, phạm vi chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh được xác định từ chân cầu Thủ Thiêm đến số nhà 125A, bao gồm cả khu dân cư hai bên trục đường này với tổng diện tích 75ha. 

Theo đề nghị của Trung tâm Tư vấn và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh), một đơn vị thẩm định độc lập, đã làm một bảng so sánh phương án sử dụng SMB với một máy bơm tĩnh của thành phố có công suất 2.700m3/h (có từ trước đó).

Giả sử có một trận mưa với vũ lượng là 100mm/h thì nơi đây sẽ có 75.000m3 nước mưa cần phải bơm để chống ngập. Để hút hết số nước này ra sông, với SMB có công suất từ 27.000-96.000m3/h sẽ mất 0,78 giờ (khoảng 47 phút), tổng mức đầu tư gần 118 tỷ đồng. 

Trong khi đó, để hút hết 75.000m3 trong thời 47 phút với một máy bơm có công suất 2.700m3/h thì phải cần thêm 27 chiếc cùng công suất, khi đó tổng mức đầu tư lên tới 176 tỷ đồng.

Ngoài ra, cùng với thời gian thuê là 7 năm, nếu sử dụng 27 máy bơm của TP Hồ Chí Minh thì chi phí mỗi năm có thể lên đến hơn 53 tỷ đồng. Còn thuê SMB mất khoảng 24,4 tỷ đồng/năm, chưa tính lãi suất ngân hàng mà Công ty Quang Trung vay mượn để thực hiện dự án này.

Sử dụng máy bơm có không ít hạn chế?

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tăng Cường cho biết, hiện các bên liên quan vẫn đang bàn thảo để thống nhất mức giá thuê dịch vụ chống ngập bằng SMB. Khi nói về số tiền 24,4 tỷ đồng/năm mà Công ty Quang Trung nêu ra, ông Nguyễn Tăng Cường lý giải, trong thời gian thi công lắp đặt hệ thống máy bơm, để công trình có hiệu quả, cần phải làm hai tuyến cống ngang đường để thu nước mưa trên mặt đường. 

Tình trạng ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn tái diễn nhiều năm nay.

Để kịp tiến độ sử dụng, công ty đã ứng hơn 14 tỷ đồng làm hai tuyến cống này và không tính lãi. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện, thành phố không thanh toán mà yêu cầu công ty cộng dồn vào kinh phí máy bơm nên giá đề xuất thuê SMB mới tăng lên đến hơn 24 tỷ đồng.

Theo đánh giá của UBND quận Bình Thạnh, quá trình vận hành SMB cơ bản mang lại hiệu quả giảm ngập, người dân đi lại trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh thuận lợi hơn trước.  

Tuy nhiên, theo Trung tâm Tư vấn và Phát triển tính toán, mức giá thuê SMB chỉ gần 16 tỷ đồng/năm, kèm theo đó là một số giải pháp như tạm ứng trước 50% kinh phí hoặc hỗ trợ lãi vay 0%. Nhưng cho đến nay các bên vẫn chưa thống nhất được đơn giá cho thuê cũng như chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. 

Và trong khi SMB ngừng hoạt động, Trung tâm Chống ngập đã phải huy động 3 máy bơm (chỉ có tổng công suất 5.200m3/h) để bơm khi có mưa lớn và triều cường. Nhưng với công suất này, 3 máy bơm chỉ đủ sức giải quyết ngập cho những cơn mưa vừa…

UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, để đánh giá toàn diện tính hiệu quả của SMB, ngoài kết quả hiện trường cần có sự vào cuộc của các cơ quan khoa học, chuyên gia để có sự thống nhất giữa thực tế và lý thuyết. Do đang trong giai đoạn thí điểm nên chưa đủ cơ sở để xác thực về công suất lý thuyết và thực tế của SMB.

“Máy bơm là loại hình dịch vụ mới, chưa có đơn giá định mức của Nhà nước cũng như việc sử dụng ngân sách thành phố để thanh toán nên mức giá cần được các sở ngành, đơn vị tư vấn và chuyên gia tính toán, xác định đầy đủ và thuyết phục”, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cho biết lý do chưa chốt giá thuê SMB.

Hiện UBND TP Hồ Chí Minh vẫn đang chờ các thẩm định, kết luận của cơ quan liên quan để đi đến quyết định ký kết hợp đồng thuê SMB; trong khi chủ đầu tư SMB vẫn bảo lưu với đề xuất tăng giá cho thuê hơn gấp đôi so với dự kiến ban đầu và mong muốn thành phố sớm thực hiện quyết định ký kết.

Trong khi đó, một số nhà khoa học lại tỏ ý nghi ngại về khả năng chống ngập khi dùng SMB và cho rằng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. Trao đổi với báo chí, ông Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nước và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị chế tạo SMB giỏi nhưng không phải là đơn vị thực hiện các công trình thoát nước đô thị nên việc sử dụng máy bơm công suất lớn giải quyết vấn đề ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh còn một số vấn đề hạn chế.

Ông Vũ Hải lý giải, theo đúng thiết kế kỹ thuật, máy bơm phải bơm từ hồ chứa và có nhiều máy bơm dự phòng có công suất khác nhau để giải quyết ngập tùy theo tình hình và lượng mưa. SMB hiện được vận hành bơm nước trực tiếp từ hệ thống cống với công suất lớn, nếu tốc độ bơm vượt quá mức cho phép sẽ dễ gây ra tình trạng vỡ đường ống thoát nước rất khó khắc phục, sửa chữa. 

Ngoài ra, máy bơm công suất lớn có lực ly tâm mạnh sẽ hút các loại rác trong đường ống dẫn đến tắc nghẽn cống, không bơm được nước. Đây là hiện tượng khoa học chứ không liên quan đến hành vi phá hoại như chủ đầu tư nghi ngờ.

Về việc đề xuất giá thuê SMB, ông Vũ Hải cho rằng cần phải được đưa ra phù hợp dựa trên những tính toán cụ thể. Công ty Quang Trung cần đưa ra con số cụ thể về giá đầu tư máy bơm, chi phí (khấu hao, vận hành, nhân công, chi phí quản lý, sửa chữa), giá điện… 

Nếu công ty đầu tư cải tạo hệ thống cống để máy bơm vận hành thì cũng nên đưa ra con số cụ thể về giá đầu tư cống, chi phí nạo vét, sửa chữa và từ các chi phí này có thể thỏa thuận để đưa ra con số hợp lý trong việc thuê SMB giải quyết tình trạng ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Ông Vũ Hải cũng đề xuất giải pháp chống ngập nước lâu dài cho khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh là thực hiện phương án nâng cao mặt đường, cải tạo hệ thống cống thoát nước có tính toán đến việc chống sụt lún… chứ không phải dùng SMB, bởi đây chỉ là biện pháp tình thế.

Trong một động thái liên quan, mới đây Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án sửa tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn 3km với kinh phí lên đến hơn 470 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là nâng cấp, khắc phục những hư hỏng trên toàn tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, đồng thời xây mới hệ thống cống thoát nước xử lý tình trạng ngập nghiêm trọng.

Chủ đầu tư là Khu quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết sau khi tổ chức đấu thầu, tìm đơn vị thi công, khoảng đầu tháng 11-2018 sẽ thực hiện triển khai dự án và dự kiến hoàn thành sau 14 tháng.

Để giảm tình trạng ngập úng, trong thời gian thi công công trình, TP Hồ Chí Minh dự kiến có thể vẫn duy trì SMB để chống ngập nước trên con đường này.

Phú Lữ
.
.
.