Chiến tranh Việt Nam - Một góc nhìn đa chiều
Gần 60 bức ảnh đang được trưng bày tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Đó là những bức ảnh được lấy từ trong cuốn sách phát hành cách đây hai năm "Việt Nam - Cận cảnh cuộc chiến" của hãng tin độc lập AP. Những tác phẩm báo chí đỉnh cao của họ đã cho ta một cái nhìn chân thực nhất về cuộc chiến tranh Việt Nam - một góc nhìn từ phía khác.
Sự khốc liệt của chiến tranh, những mất mát, đau thương, đó là những gì xảy ra từ cuộc chiến. Nhưng qua những bức ảnh của AP, thì nỗi đau không chỉ của riêng chúng ta. Đối với những người lính Mỹ, phải cầm súng và bước vào cuộc chiến, cũng là một nỗi đau.
Trong gần 60 bức ảnh triển lãm của AP, nhiều người đứng lặng trước bức ảnh có khắc đậm dòng chữ "Chiến tranh là địa ngục", chụp một người lính Mỹ, đội chiếc mũ có khắc đậm dòng khẩu hiệu đó bằng tay. Người lính này phục vụ lữ đoàn kỵ binh 173 bảo vệ sân bay Phước Vinh, do phóng viên Horst Fass chụp vào tháng 6 năm 1965.
Một người cha đau đớn ôm thi hài con khi lính biệt kích Việt Nam Cộng hòa ngồi trên xe bọc thép nhìn xuống. Ảnh của Horst Faas- giải Pulitzer năm 1965. |
Những sự thật về chiến tranh có thể khuất lấp ở đâu đó, nhưng qua các bức ảnh, thì sự thật không thể che giấu. Những câu chuyện về chiến tranh có thể qua đi, nhưng những bức ảnh đã giữ chúng lại, nhắc nhớ đời sau. Đó là bức ảnh giành giải Pulizer-giải thưởng danh giá năm 1965 của Horst Fass. Một người cha đau đớn ôm thi hài của con mình trong khi lính biệt kích cộng hòa ngồi trên xe bọc thép nhìn xuống.
Những nỗi đau đã ám ảnh rất nhiều người. Hay bức ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan-Tổng trưởng Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém-người bị tình nghi là quân giải phóng trên một con phố Sài Gòn vào thời điểm đầu cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Bức ảnh này của Eddie Adams cũng đã giành giải Pulizer cho ảnh thời sự năm 1969.
Hay đó là một góc nhìn khác về chiến tranh, về nỗi đau của những người ở phía bên kia trận tuyến. Bức ảnh của Huỳnh Thanh Mỹ chụp một người lính Việt Nam cộng hòa quỳ xuống bên dãy bao bố đựng xác đồng đội ở bờ ruộng lúa tại đảo Tân Định - đồng bằng sông Cửu Long. Sau hai ngày tuần tra không có kết quả, đơn vị này bị quân giải phóng bao vây tấn công.
Sau đó máy bay trực thăng Mỹ nhầm lính Việt Nam cộng hòa là quân giải phóng nên đã xả súng vào đơn vị này. Những người lính bị chết sau đó được máy bay mang đi. Hình ảnh một người lính cộng hòa phải đeo khẩu trang để ngăn mùi tử khí từ xác chết của lính Mỹ và lính Việt Nam cộng hòa bị giết khi giao tranh với quân giải phóng. Hơn 100 xác chết nằm la liệt dọc đường xảy ra cuộc đụng độ. (Ảnh Horst Faas)
Có những bức ảnh khiến chúng ta ngạc nhiên. Đó là hình ảnh một người lính Mỹ- trung sỹ dù James R. Cone, từ thành phố Clarksville, ôm một chú chó trên tay chui từ dưới hầm lên khi truy tìm quân du kích đối phương của Henri Huet hay bức ảnh một thượng sĩ không quân vác thi thể một phụ nữ bán hàng rong lớn tuổi ở góc phố gần đó khi một trái bom phát nổ trong chiếc xe ôtô đỗ trên đường Hàm Nghi, gần tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn - ảnh của Horst Faas. Nhiếp ảnh Đặng Văn Phước ghi lại cảnh một người lính da đen cao lớn đang dìu một bà cụ lưng còng trên đường tới ấp chiến lược... Những góc nhìn nhân văn, giống như những khoảng lặng hiếm hoi phía sau cuộc chiến đã được các phóng viên AP ghi lại một cách chân thực.
Và những chuyến trở về của Nick Út
Nick Út giản dị trong bộ đồ vest. Ông đã trở về Việt Nam nhiều lần, cũng đã nhiều lần ông nói về bức ảnh lịch sử của mình, "Em bé Napalm", nhưng lần nào, ông cũng không giấu được nỗi xúc động. Ông tự nhận mình là người may mắn vì vẫn còn sống sót, bởi nhiều đồng đội ông đã qua đời ngay bên cạnh mình do đạn lạc.
Ông kể về những ký ức của mình, về thời khắc lịch sử ông chộp được bức ảnh: "Sáng hôm đó tôi đến sớm, thấy người dân kéo nhau, dắt theo con cái, trâu bò chạy ra khỏi nơi giao tranh. Tôi ra quốc lộ 1 định về thì nghe tiếng hai phi cơ lao tới. Tôi thấy một máy bay thả quả bom làm cả thị xã rung chuyển.
Nick Út trả lời báo chí tại cuộc triển lãm. |
Nick Út đã mất anh trai trong cuộc chiến: "Anh tôi là một tài tử nổi tiếng đóng nhiều phim. Anh quay phim cho đài CBS, năm 1963 làm cho AP. Anh trai từng nói với tôi, anh ghét chiến tranh lắm. Anh muốn chụp được cái hình nào để chấm dứt chiến tranh. Thành ra anh muốn làm cho hãng lớn để hình của anh ra được đến với thế giới, để thế giới hiểu hơn về cuộc chiến".
2 ngày sau khi bức ảnh "Em bé Napalm" được AP truyền đi, khắp thế giới, nhiều nơi đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Bom Napalm lập tức bị cấm sử dụng. Sau này nhiều cựu binh Mỹ gặp Nick đã ôm lấy ông mà khóc, vì bức ảnh của ông mà họ được về nhà sớm. Nhiều binh lính xem bức ảnh của Nick đã từ bỏ ý định đi lính.
Còn Nick Út, sau này ông có mối quan hệ thân tình với Kim Phúc. Ông lại rong ruổi hành trình của mình đến nhiều nơi trên thế giới. Nhưng Việt Nam vẫn là nơi ông muốn được trở về. Ông nói: "Thật ra, cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan hay Syria nguy hiểm hơn nhiều. Phóng viên bên đó bị bắt là bị giết, còn ở Việt Nam, bị bắt chỉ cần mang máy hình ra là không ai bị giết".
Những bức ảnh chân thực của ông và các phóng viên AP đã tự nói lên quá nhiều điều khiến chính quyền Mỹ lúc đó phải đánh dấu hỏi, liệu AP có đang phản bội lợi ích của quốc gia. Ông Gary Pruitt - người đứng đầu của AP nói: "Chúng tôi luôn hiểu, những bức ảnh chiến tranh có giá trị rất lớn, để có được chúng, nhiều phóng viên đã hy sinh. Công việc này, nguy hiểm nhưng rất quan trọng. Chúng tôi luôn cố gắng phản ánh một cách trung thực nhất. Đó chính là tôn chỉ, mục đích của AP, đưa những sự thật chính xác nhất đến với thế giới. Ông gọi Nick là Anh hùng trong đời thực và khẳng định "Em bé Napalm" có ảnh hưởng lớn nhất trong số các bức ảnh chụp trong thời chiến.
Triển lãm sẽ kéo dài hai tuần. Sau đó, toàn bộ ảnh được tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Trước đó, Nick Út đã về Sài Gòn và có một cuộc đấu giá quan trọng cho 4 bức ảnh của ông. 500 triệu đồng, số tiền thu được từ cuộc đấu giá, mà ông vẫn nói rằng, người Việt trả giá cao nhất thế giới, ông sẽ làm từ thiện, giúp đỡ những trẻ em nghèo.
Nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật Giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa - ảnh của Malcolm Browne. |
Sau triển lãm, dù rất muộn, Nick vẫn nán ngồi lại với cánh báo chí, trò chuyện vui vẻ và cởi mở về những bức ảnh. Ông kể, ông vừa trở lại Trảng Bàng, nơi ông từng chụp bức ảnh em bé Napalm, ông đã dùng iphone chụp ảnh. Đúng sáng khai mạc triển lãm ảnh của AP, thì những bức ảnh của ông đã được đăng tải trên tờ New York Times.
Hơn nửa thế kỷâ cầm máy, ông nói, hành trình của mình chưa dừng lại Ông cũng không tính chuyện về hưu, vì ở AP, không ai tính tuổi về hưu của các phóng viên ảnh. Nhưng ông đang có những dự định riêng với mảnh đất bé nhỏ này. Ông sẽ trở lại Việt Nam trong một ngày rất gần, và mang theo những câu chuyện mới của ông.
Ông Gary Pruitt - Chủ tịch - Tổng giám đốc Hãng AP Tôi rất phấn khích được đi cùng Nick Út - phóng viên ảnh của AP - một người nổi tiếng ở Việt Nam và cũng nổi tiếng khắp thế giới vì bức ảnh của ông - một trong những bức ảnh nổi tiếng khắp thế giới. Các bức ảnh mà Nick và các phóng viên AP đã chụp về cuộc chiến là lăng kính giúp người dân trên thế giới biết về cuộc chiến này. Nhưng điều này cũng dẫn đến những căng thẳng giữa quan chức và báo chí. Ngoài việc tính mạng bị đe dọa, Nick, các đồng nghiệp và hãng AP còn chịu áp lực từ các giới chức cao nhất của chính phủ Mỹ. Các biên tập viên AP đã phải tranh luận gay gắt liệu có cho phát bức ảnh của Nick hay không bởi vì nó có sức minh họa ghê rợn. Cuối cùng AP quyết định rằng, bức ảnh này cho thấy một khía cạnh quan trọng của cuộc chiến và mọi người phải được biết. Suốt lịch sử 170 năm, AP luôn duy trì sứ mạng thông tin cho thế giới. Đó là những gì chúng tôi đã làm và đang làm ở Việt Nam. Cam kết của Nick và các đồng nghiệp của ông ở AP đưa tin với sự chính xác và trung thực đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các sự thật của cuộc chiến tới công chúng Mỹ. |