Chiến tranh Lạnh - điều đã biết và chưa biết về những chiến dịch kiểu Mỹ

Thứ Hai, 05/01/2015, 22:00
Thế kỷ 20 mở màn với nửa đầu đầy bạo lực và đặc điểm nổi bật của nửa sau thế kỷ đó là sự vắng bóng của chiến tranh thế giới thứ ba. Thay vào đó là cuộc Chiến tranh Lạnh, một thời kỳ thù địch căng thẳng mà tuy được gọi là chiến tranh nhưng trên thực tế lại không xảy ra cuộc chiến nào. Chiến tranh Lạnh là tình trạng tiếp nối xung đột chính trị, căng thẳng quân sự và cạnh tranh kinh tế tồn tại sau thế chiến thứ 2 chủ yếu giữa Liên bang Xô viết với các cường quốc thuộc thế giới phương Tây, trong đó có Hoa kỳ.

Chiến dịch hạt nhân - những điều đã biết

Cái chết của Roosevelt vào tháng 4/1945 là một sự kiện quan trọng bởi chính sách của Mỹ đối với Liên Xô đã trở nên cứng rắn hơn sau khi Tổng thống Harry S.Truman lên cầm quyền. Tháng 5/1945, Mỹ đã thẳng tay cắt bỏ chương trình lend-lease trong thời chiến khiến một số con tàu đang hướng tới các cảng Liên Xô phải quay trở lại giữa chừng. Tại hội nghị Potsdam gần Berlin vào tháng 7/1945, Truman đã hăm dọa Stalin bằng cách đề cập đến bom nguyên tử. Ở Mỹ, Đảng Dân chủ dần dần chuyển từ tả khuynh và trung dung sang hữu khuynh. Năm 1948, Truman đã sa thải Henry Wallace – Bộ trưởng Nông nghiệp, người đã nỗ lực thúc đẩy các mối quan hệ tốt hơn với Liên Xô. Trong khi đó, James Forrestal, tân Bộ trưởng Quốc phòng của Truman là một người chống cộng mạnh mẽ. Những người theo chủ nghĩa xét lại trong nhóm này cho rằng chính những thay đổi nhân sự này giúp giải thích tại sao chính sách Mỹ lại trở nên chống Liên Xô đến vậy. Trong chính sách Truman, vai trò lãnh đạo thế giới được giao cho Mỹ... chính sách này vô hình trung đẩy Mỹ vào các hành động trong cuộc chiến này.

"Hầu như mọi quốc gia đều phải chọn những cách sống khác nhau. Và sự lựa chọn thường không phải là một sự lựa chọn tự do. Một cách là dựa vào ý muốn của số đông... Cách thứ hai là dựa vào ý muốn của số ít một cách bắt buộc... Tôi tin tưởng rằng các đường lối của Mỹ là ủng hộ những con người tự do, những người đang chống lại sự phụ thuộc theo số ít (có vũ trang) hoặc bằng áp lực. Tôi tin tưởng rằng chúng ta phải giúp đỡ những con người tự do để họ quyết định số phận của mình bẳng những cách riêng của họ."

Vào tháng 2/1946, lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đọc bài diễn văn khẳng định chủ nghĩa cộng sản đã thành công và sẽ đánh đổ chủ nghĩa tư bản. Một tháng sau, trong một bài diễn văn đáp trả tại thành phố Fulton, bang Missouri (Mỹ), ông Churchill đã phản bác quan điểm của Stalin và lần đầu tiên dùng đến cụm từ “bức màn sắt” để mô tả bối cảnh ở châu Âu thời hậu chiến. Tài liệu chưa từng được tiết lộ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho thấy lãnh đạo thời chiến của nước Anh Winston Churchill đã nhấn mạnh rằng một đòn tấn công hạt nhân phủ đầu có thể là cách duy nhất ngăn chặn chủ nghĩa xã hội tràn qua phương Tây vào giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, theo tờ Mail online.

Bản ghi chép nêu rõ ngay vào năm 1947, ông Churchill đã thúc giục thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Styles Bridges hãy thuyết phục Tổng thống Mỹ Harry Truman tiến hành cuộc tấn công hạt nhân nhằm “thổi bay” Điện Kremlin và biến Liên Xô thành một vấn đề có thể giải quyết dễ dàng như “ăn gỏi”. Tổng thống Truman chính là người quyết định cho thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) vào tháng 8/1945 nhằm chấm dứt Thế chiến 2. Cách đó vài năm, Anh, Mỹ và Liên Xô vẫn còn là đồng minh cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc năm 1945. Dù mất ghế Thủ tướng ngay sau khi chiến tranh chấm dứt ở châu Âu, Churchill vẫn là chính khách có ảnh hưởng lớn tại Anh và là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của thế giới lên tiếng công khai về cái mà phương Tây cho là mối đe dọa từ Liên Xô. Churchill cho rằng mối đe dọa từ Liên Xô quá lớn, đến nỗi việc hy sinh “hàng trăm ngàn sinh mạng người dân nước này trong một cuộc tấn công hạt nhân”  là cái giá có thể chấp nhận được để đổi lấy tương lai. Cho rằng Liên Xô lúc đó đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân để có thể đáp trả Mỹ, nên khi dùng lời lẽ thuyết phục, Churchill cảnh báo là Liên Xô có thể tấn công Mỹ trong vòng từ  “2 đến 3 năm”, và hậu quả là nền văn minh loài người có thể bị quét sạch hoặc bị đẩy lùi nhiều năm.

Theo RIA-Novosti, nếu Tổng thống Truman nghe theo lời hối thúc của Churchill, Liên Xô hoàn toàn thúc thủ trước một cuộc tấn công hạt nhân do họ vẫn chưa thử nghiệm thành công bom nguyên tử cho đến năm 1949. Churchill đã đúng khi nói về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Người Nga cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên là RDS 1 tại bãi thử Semipalatinsk vào ngày 29/9/1949 trước sự ngạc nhiên của Mỹ. Tuy nhiên, không như Churchill lo ngại, Điện Kremlin không hề dùng bom nguyên tử chống lại Mỹ, mà Chiến tranh Lạnh lại là sự so găng trên mặt trận ngoại giao, chạy đua vũ trang và các cuộc chiến ủy nhiệm bằng vũ khí thường trên toàn cầu giữa hai thế lực.

Bản ghi chép của FBI lần đầu tiên được công bố trong một quyển sách có tên When lions roar: The Churchills and the Kennedys (tạm dịch: Khi các mãnh sư gầm rống: gia tộc Churchill và gia tộc Kennedy) của nhà báo điều tra Thomas Maier. Giải thích cho quan điểm khát máu của Churchill, nhà báo Maier phân tích rằng do từng chứng kiến nhiều bước phát triển của vũ khí trong 2 cuộc đại chiến của thế giới, dưới mắt Churchill, “một vụ ném bom nguyên tử chỉ là một sự phát triển kế tiếp của chiến tranh quy ước, cho đến khi ông nhận ra sự hủy diệt kinh người của vũ khí hạt nhân”. Nhà báo Mỹ cho hay Churchill tỏ ra “hiếu chiến” hơn hẳn khi rời khỏi ghế Thủ tướng lần thứ nhất. Sau khi ông quay lại quyền lực vào năm 1951, việc tấn công hạt nhân Liên Xô không được đề cập trở lại.

Chiến dịch “chậu giặt” - những điều chưa biết

Đây không phải là hình thức phòng vệ dân sự khá phổ biến như kiểu người Mỹ xây dựng hầm trú bom trong Chiến tranh Lạnh sau này, mà là cuộc tuyển mộ bất thường những thường dân hoạt động tình báo trên đất Mỹ.

Một tài liệu mật mới được phát hiện gần đây cho thấy trong thập niên 50, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đầu tư tuyển dụng và đào tạo nhiều công dân bang Alaska trở trành đặc vụ mật tại địa phương nhằm đối phó với viễn cảnh Liên Xô đưa quân đội tới đây.

Trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ luôn lo lắng về khả năng Liên Xô đưa quân đội đến Alaska. Năm 1950, khả năng Nga đánh chiếm Alaska là hoàn toàn có thể xảy ra. Tài liệu của FBI cho biết: "Quân đội Mỹ tin rằng cuộc đánh bom xâm lược trên không sẽ do các đơn vị nhảy dù của Nga thực hiện" và các mục tiêu có nhiều khả năng bị tấn công là Nome, Fairbanks, Anchorage và Seward. Vì vậy, Giám đốc FBI lúc đó, ông J. Edgar Hoover, đã tham gia tổ chức một kế hoạch tối mật mang tên "Washtub" cùng với Văn phòng Ðiều tra Ðặc biệt không quân (OSI) mới được thành lập, do ông Joseph F. Carroll, cựu phụ tá của ông Hoover và cựu quan chức FBI đứng đầu, đây là dự án tuyển lựa và đào tạo một hệ thống đặc vụ mật là công dân Alaska.

Theo tài liệu bị rò rỉ, các đặc vụ mật Alaska được tuyển chọn từ nhiều ngành nghề đa dạng như ngư dân, thợ săn, phi công... Điều kỳ lạ là những thổ dân bản địa như người Eskimo và Aleut, lại không được tuyển dụng bởi theo các quan chức FBI, họ là "những người không được trung thành". Bên cạnh đó, trong tài liệu cũng đề cập đến việc không tuyển dụng phụ nữ, tuy nhiên không hề đưa ra lý do chi tiết. Kế hoạch bí mật này nhằm huấn luyện thường dân trở thành nhân viên tình báo, cài cắm ở những địa điểm quan trọng tại Alaska. Những người này sẽ phải bí mật cất giấu các đồ đạc được trang bị gồm thực phẩm, áo ấm mùa đông, thiết bị mã hóa tin tức và radio. Từ vị trí ẩn náu, họ sẽ báo tin về những hoạt động của Liên Xô cho chính phủ Mỹ.

Sau khi được tuyển dụng, các đặc vụ mật người Alaska sẽ được nhận khoản tiền lương hậu hĩnh 3.000 USD/năm (tương đương 30.000 USD hiện nay) và được hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi nếu chiến tranh xảy ra. Nhưng các tài liệu không cho biết tổng cộng số tiền chi trả cho điệp viên SBA là bao nhiêu trong suốt thời gian diễn ra chương trình “Washtub”.

Tiếp đó, các đặc vụ mới được tuyển sẽ tham gia các khóa học nhảy dù, kỹ năng đánh giáp lá cà, du kích, thẩm vấn, trinh sát, kỹ năng sinh tồn và giải mật mã. Tuy nhiên, việc học tất cả các kỹ năng trong thời gian ngắn dường như không đem lại nhiều kết quả, việc này đã được ghi nhận trong tài liệu. Ngoài ra, các đặc vụ được đào tạo riêng biệt, sau đó hoạt động trong tổ chức được gọi là “tế bào” bao gồm một lãnh đạo, một nhóm đặc vụ được lãnh đạo tuyển dụng và các đặc vụ cấp dưới chưa từng được tiếp xúc với lãnh đạo.

Các đặc vụ mật được giao nhiệm vụ hoạt động trong những boong ke với thực phẩm, quần áo ấm, radio và phương tiện giải mật mã để báo cáo lại các động thái của “quân thù”. Các điệp viên cũng được đào tạo nhiều về mã hóa và giải mã thông điệp, nhưng rõ ràng không phải lúc nào họ cũng làm tốt công việc này. Theo một tài liệu, việc học những kỹ thuật này là "một nhiệm vụ gần như bất khả thi để những người không chuyên nghiệp có thể thành thạo chỉ với 15 giờ đào tạo". Thông tin chi tiết trong tài liệu đã bị xóa hoàn toàn. Nhiều danh tính điệp viên trong những tài liệu của OSI và FBI đã bị xóa trước khi được giải mật.

Dự án "Washtub" được soạn thảo một cách kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Song ngay khi đội SBA được huấn luyện đầu tiên nhận nhiệm vụ vào tháng 9/1951 thì ông Hoover rút lui và trao toàn quyền hành động vào tay OSI - mặc dù một tháng trước đó các phó tướng của Hoover cảnh báo ông rằng FBI đã dấn sâu vào "Washtub" với trách nhiệm "rõ ràng và không thể thoát ra được"! Thực chất, Hoover lo sợ khi tiếng súng bắt đầu nổ ở Alaska thì FBI sẽ phải "lãnh trọn trách nhiệm". Ngày 6/9/1951, Hoover viết cho một trợ lý của mình: "Nếu khủng hoảng nổ ra, chúng ta sẽ rơi vào mớ bòng bong của một Trân Châu Cảng khác và phải gánh chịu trách nhiệm". Hoover đã đưa ra mệnh lệnh cuối cùng: "Rút lui ngay lập tức". Ba năm sau, Hoover nhanh chóng được đưa trở lại với kế hoạch "Washtub".

Hãng tin AP dẫn nguồn từ Deborah Kidwell, nhà sử học của OSI cho biết, chương trình "chậu giặt" này kéo dài từ năm 1951 đến 1959. Theo tiết lộ của bà Kidwell trên tạp chí OSI năm 2013, "trong khi cuộc chiến với Liên Xô không xảy ra ở Alaska, OSI đã huấn luyện 89 SBA (điệp viên tuyến sau) và nhiều túi thực phẩm được chuẩn bị cho nhiều năm". Chương trình được hình thành từ sự lo sợ này dường như đã trở thành một "sản phẩm phí phạm" của Mỹ bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh bởi Liên Xô không hề đưa quân đội đến Alaska. Các lực lượng nòng cốt bí mật của chương trình "các điệp viên tuyến sau" đã không bao giờ được lệnh tiến hành thu thập và báo cáo thông tin chiến sự tại Alaska. Đó là một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm như các quan chức liên bang thừa nhận, khi mà học thuyết quân sự của Liên Xô là tiêu diệt các cuộc nổi dậy tại địa phương trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Dễ dàng nhận thấy rằng “Washtub” là một chương trình đầy vội vã, được sinh ra bởi những nhận định sai lầm của Mỹ. Thực chất, "Washtub" phản ánh mối lo ngại về khả năng tấn công từ Liên Xô và sự yếu kém của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Khi kế hoạch trên ra đời vào năm 1950, chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên nổ ra và một số quan chức Lầu Năm Góc nhận định đây là kế sách của Moskva nhằm làm rối trí Washington trước khi đánh chiếm châu Âu. Mùa hè năm trước đó, Liên Xô đã khiến cả thế giới bàng hoàng khi khai nổ quả bom nguyên tử đầu tiên. Cũng trong năm 1949, Mỹ đã bắt tay với Tây Âu để hình thành liên minh NATO.

Theo hồ sơ lưu trữ chính thức về Lực lượng không quân của OSI, "Washtub" cũng được biết đến trong chính phủ với một số mật danh khác như Corpuscle, Stigmatic và Catboat và được gọi là "dự án dài hơi và căng thẳng nhất trong Chiến tranh Lạnh " của OSI. FBI đã dành mật danh riêng cho dự án này là: STAGE.  "Washtub" có hai giai đoạn. Vấn đề ưu tiên hàng đầu và cấp bách hơn cả chính là chương trình điệp viên tuyến sau. Tiếp theo là một nỗ lực song song để tạo ra một lực lượng hoạt động dự phòng từ cư dân ở Alaska được huấn luyện để bí mật tổ chức việc di tản của các phi hành đoàn bị bắn hạ có nguy cơ bị bắt giữ bởi lực lượng của Liên Xô. Kế hoạch "ẩn nấp và trốn thoát" này được phối hợp cùng với CIA.

Một trong những điệp viên tuyến sau là Dyton Abb Gilliland của tổ chức Cooper Landing, một cộng đồng trên bán đảo Kenai phía Nam Anchorage. Là một phi công nổi tiếng, Gilliland đã qua đời trong một tai nạn máy bay trên đảo Montague ở khu vực eo biển Prince William vào tháng 5/1955, ở tuổi 45. Các hồ sơ FBI cho biết ông đã trải qua 12 ngày ở Washington DC, trong khoảng tháng 6 - 7/1951 cho một loạt khóa đào tạo đặc biệt, bao gồm cả việc sử dụng dù.

Tháng 10/1954, một bức thư đánh máy mang thông điệp mã hóa được một phụ nữ ở Anchorage gửi đến Văn phòng FBI. Bức thư được cho là của một người nặc danh ở Fairbanks ghi sai địa chỉ. Nghi ngờ về hoạt động phản gián đã gây náo loạn nội bộ FBI. Vụ việc buộc Hoover ra lệnh khẩn cấp cho đội phá mật mã phải nỗ lực để giải mã thông điệp. Thế nhưng FBI đã không giải mã được và cuối cùng họ tuyên bố cuộc khủng hoảng Alaska cũng chấm dứt. FBI xác định bức thông điệp bí ẩn không phải từ gián điệp của kẻ thù. Đó chỉ là "thông điệp thực tập" do một điệp viên của dự án "Washtub" gửi nhầm mà thôi.

Hải Hiền (tổng hợp)
.
.
.