Chiến dịch Trái tim xanh
- Gian nan cuộc chiến chống tội phạm mua, bán người
- Đề xuất hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người
- 4 vấn đề trọng tâm để đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người hiệu quả
- Việt Nam kiên quyết đấu tranh phòng, chống mua bán người
Từ năm 2003, Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC) đã thu thập thông tin về 225.000 nạn nhân của tội phạm mua bán người trên toàn thế giới. Càng ngày, các nước càng phát hiện và báo cáo số nạn nhân tăng lên và truy tố thêm nhiều kẻ mua bán người. Điều này có thể là do năng lực điều tra, phát hiện và truy tố ngày càng tốt hơn của các cơ quan chức năng và cũng do sự gia tăng của nạn nhân bị mua bán.
Năm 2006, Hội đồng Kinh tế xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) đã đề nghị các cơ quan liên chính phủ tăng cường hợp tác nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước xảy ra nạn mua bán người, Chính phủ Nhật Bản đã đăng cai tổ chức cuộc họp điều phối các tổ chức quốc tế có vai trò trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. Các tổ chức tham gia gồm Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, Tổ chức Di cư quốc tế - IOM, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF, Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc - UN Women, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn - UNHCR và Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc - UNODC quyết định tiếp tục các nỗ lực đã được khởi xướng và đề xuất thành lập Nhóm điều phối. Nhóm Điều phối Liên ngành phòng, chống mua bán người (ICAT) đã chính thức được thành lập vào tháng 3 năm 2007.
![]() |
Biểu tượng Trái tim xanh cho Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người. |
Năm 2010, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Kế hoạch hành động toàn cầu phòng, chống mua bán người, thúc đẩy các Chính phủ trên toàn thế giới áp dụng các biện pháp đồng bộ, nhất quán nhằm đấu tranh với loại tội phạm này. Kế hoạch kêu gọi tích hợp cuộc đấu tranh phòng, chống mua bán người vào các chương trình bao quát hơn của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy phát triển và tăng cường an ninh trên toàn cầu. Một trong những quy định quan trọng trong Kế hoạch là thành lập Quỹ Tín thác tự nguyện của Liên hợp quốc dành cho nạn nhân của tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Quỹ Tín thác tạo thuận lợi cho việc trợ giúp hiệu quả, tận nơi và bảo vệ nạn nhân của tội phạm mua bán người thông qua các tổ chức phi chính phủ chuyên ngành. Việc này nhằm mục đích ưu tiên cho các nạn nhân tại các khu vực có xung đột vũ trang và những người được phát hiện trong những dòng người di cư và tị nạn đông đúc.
Năm 2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp cấp cao để đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động toàn cầu phòng, chống mua bán người. Tại đây, các nước thành viên đã thông qua Nghị quyết A/RES/68/192 và chỉ định ngày 30 tháng 7 hàng năm là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người. Nghị quyết này đã tuyên bố rằng có một ngày như vậy là cần thiết để "nâng cao nhận thức về tình hình mua bán người và để thúc đẩy việc bảo vệ quyền của các nạn nhân".
Tháng 9 năm 2015, thế giới đã thông qua Chương trình phát triển bền vững 2030 và đề ra mục tiêu trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. Các mục tiêu này kêu gọi nỗ lực để chấm dứt nạn mua bán người và bạo lực đối với trẻ em; cũng như sự cần thiết phải có các biện pháp phòng, chống mua bán người và các quốc gia nỗ lực để loại bỏ mọi hình thức bạo lực và khai thác phụ nữ và trẻ em gái.
Một bước tiến quan trọng khác là Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về Người tị nạn và người di cư đã đưa ra Tuyên bố New York với nội dung mới mẻ. Trong số 19 cam kết trong Tuyên bố được các nước thông qua, có ba cam kết về hành động cụ thể phòng, chống tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép.
Theo báo cáo về tình hình mua bán người trên toàn cầu của Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc, tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi tội phạm mua bán người, dù đó là nước gốc, nước trung chuyển hay nước đến cho nạn nhân. Bọn mua bán người trên toàn thế giới tiếp tục nhắm vào phụ nữ và trẻ em gái. Phần lớn nạn nhân mua bán người được phát hiện là để khai thác tình dục và 35% những người bị mua bán vì mục đích lao động cưỡng bức là phụ nữ. Các cuộc xung đột làm tăng tính dễ tổn thương, điểm xung yếu khi các nhóm vũ trang khai thác dân thường và bọn mua bán người nhắm vào những người buộc phải di chuyển khỏi vị trí của họ. Các số liệu cũng cho thấy việc mua bán người xảy ra khắp nơi xung quanh chúng ta khi số nạn nhân bị mua bán ở mỗi nước đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người, Liên hợp quốc tập trung sự quan tâm đến những người làm công tác phòng, chống mua bán người ở tuyến đầu. Đây là những người có vai trò phát hiện, xác định, hỗ trợ, tư vấn, tìm kiếm sự công bằng, tư pháp cho nạn nhân của mua bán người và truy tố những tên tội phạm mua bán người.
Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 vai trò chính của các cán bộ tuyến đầu càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt khi các hạn chế di chuyển do dịch bệnh càng làm cho công việc của họ khó khăn hơn. Mặc dù vậy, sự đóng góp và nỗ lực của họ thường không được ghi nhận hoặc bị bỏ qua. Thông qua các câu chuyện của những cán bộ tuyến đầu và sự giúp đỡ của họ dành cho nạn nhân, Liên hợp quốc muốn biểu dương sự đóng góp của họ, và chức năng nhiệm vụ, cơ quan/tổ chức hay cộng đồng và ảnh hưởng của họ đến công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người. Thông điệp chính tập trung vào ý nghĩa tích cực và công nhận tầm quan trọng của công việc do những cán bộ tuyến đầu thực hiện, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ và nâng cao cảnh giác để ngăn ngừa hành vi mua bán người.
![]() |
Các nạn nhân Ấn Độ được giải cứu trong một vụ mua bán người. |
Liên hợp quốc cũng đã phát động "Chiến dịch Trái tim xanh" nhằm nâng cao nhận thức về mua bán người, ảnh hưởng của mua bán người đối với xã hội, tăng cường các nỗ lực đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trong cộng đồng. Chiến dịch kêu gọi sự tham gia của các Chính phủ, xã hội dân sự, lĩnh vực tư nhân và các cá nhân truyền nhiệt huyết cho công cuộc đấu tranh phòng, chống mua bán người. Trái tim xanh ngày càng được nhìn nhận như là biểu tượng quốc tế phòng, chống mua bán người, tượng trưng cho nỗi buồn của những nạn nhân bị mua bán, đồng thời nhắc nhở chúng ta về sự lạnh lùng, vô cảm của những kẻ tham gia các đường dây mua bán người.
Các khoản tiền tài trợ cho Chiến dịch Trái tim xanh được chuyển vào Quỹ Tín thác tự nguyện của Liên hợp quốc dành cho nạn nhân của nạn mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Quỹ Tín thác được thành lập như là một phần không thể tách rời của nỗ lực toàn cầu chống mua bán người. Quỹ này được Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 2010 và giao Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc quản lý. Chiến dịch này cho phép mọi người thể hiện sự đồng lòng giúp đỡ nạn nhân của mua bán người và mang theo biểu tượng trái tim xanh để dễ nhận diện.
Các nước thành viên Liên hợp quốc cũng đã tham gia ký kết và thực hiện Công ước Liên hợp quốc về đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) và các Nghị định thư kèm theo, đặc biệt là Nghị định thư về phòng, chống và trừng phạt tội phạm mua bán người. Theo Nghị định thư, mua bán người là hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp hoặc tiếp nhận con người bằng cách đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, các hình thức xúi dục, bắt cóc, lừa gạt, lừa dối, lạm dụng quyền lực hoặc lợi dụng vị trí yếu thế để đưa, nhận tiền, vật chất, lợi ích nhằm có được sự đồng ý của những cá nhân hoặc người kiểm soát cá nhân đó vì mục đích khai thác. Việc khai thác có thể là tình dục, lao động cưỡng bức, nô lệ hay các hành vi tương tự như nô lệ, lấy nội tạng. Trên 70% nạn nhân được phát hiện là phụ nữ và trẻ em, gần 1/3 nạn nhân là trẻ em.
Đại dịch COVID-19 đã làm cho nạn mua bán người trở nên trầm trọng hơn do mất việc làm, giảm thu nhập, đói nghèo gia tăng, trường học đóng cửa, gia tăng các tương tác trực tuyến, những việc này tạo thêm nhiều cơ hội cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Cuộc khủng hoảng y tế này cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác thực thi pháp luật và hệ thống tư pháp hình sự, và làm cho nạn nhân gặp khó khăn hơn khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi các nước chung tay phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này và giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân tích cực hơn để bảo vệ quyền lợi, phẩm giá và sự công bằng cho họ.